Quê tôi ở vùng đất người ta quen gọi là “con
bò vàng”, tuy nghèo về vật chất nhưng giàu về truyền thống quê hương và
gia đình, có lẽ tôi giống cha nên sau
nhiều năm thoát ly đi công tác, đến cuối đời lại nghĩ mình về quê sinh sống cho
thanh thản, thế là nhận sổ hưu được hơn một năm, tôi về dựng ngôi nhà ba gian
hai chái trên mảnh đất các cụ đã sống trước đây, rồi về ở quê đến nay gần ba
năm chẵn, chừng ấy thời gian đủ để nhận ra nhiều điều mà ở cái tuổi xấp xỉ thất
thập này cứ nghĩ mình đã hiểu biết, từng trải, nhưng về quê mới thấy mình còn
lơ mơ. Xin kể sau đây mấy mẩu chuyện để cùng chia sẻ:
* Những đổi thay và phong tục tập quán :
Sau mấy chục năm đi xa trở về quê sinh sống, có rất
nhiều cảm xúc đan xen giữa vui, buồn, bâng khuâng và đôi chút âu lo, vui vì bao
năm đi xa nay về quê được sống trong tình cảm quê hương làng xóm, buồn vì rời
thành phố về quê phải thay đổi nếp sống hoàn toàn lại gặp nhiều khó khăn, còn
lo âu không phải gì lớn nhưng cũng đáng lưu tâm, ấy là mình đi xa đã lâu nay
trở về với những phong tục tập quán quê không biết có hoà nhập được không, ở đó
văn hoá làng xã luôn được đề cao, chỉ có sống ở quê mới thấy hết giá trị tình
làng nghĩa xóm, tình cảm quê hương thật ấm cúng và trân trọng.
Quê tôi bây giờ cuộc sống cũng có nhiều thay đổi, đời
sống người dân có khá hơn, nhất là từ khi được sát nhập vào Hà Nội, những năm
đầu khi rục rịch chuyện sát nhập Hà Tây vào Hà Nội, nhiều thông tin lan truyền,
nào là dự án phát triển du lịch sinh thái, sân goll, khu tái định cư…được tung
ra, thế là dấy lên phong trào mua bán đất rất sôi động, nhà nhà, người người
đua nhau mua bán đất, người Hà Nội tìm về mua đất, người kiếm dăm ba sào, người
mua vài ha, có người mua cả chục ha đất rừng rồi xây tường để đó chờ Hà Nội mở
rộng (lúc đó đất rẻ như bèo), đám “cò
đất” ở Hà Nội kéo về kết hợp với một số người ở địa phương khuấy động
phong trào buôn bán đất sôi sùng sục, có lần tôi đang ngồi xe máy chạy trên
đường về làng, bỗng có người đầu đội nón, mặt bịt kín khăn từ trong ngõ chạy ra
vẫy xe kèo nài mời mua đất, khi nhận ra tôi là người làng thì cười thản nhiên
và vẫn “tiếp thị” chào mời như mọi
người khác. Chả thế mà nhiều nhà đã bán hết cả đất thổ cư, đất vườn, đất ruộng
cũng bán, có xóm các hộ dân bán gần hết đất, sang tên cho người Hà Nội, đến mức
người ta đã đặt tên thành “làng Hà Nội” mà quên đi tên gọi làng
cũ của mình. Bán đất được ít tiền, có người thì xây nhà 3-4 tầng, mua sắm tivi,
xe máy, tủ lạnh…nhưng một số người nhất là đám thanh niên choai choai quay ra
ăn chơi đua đòi cờ bạc, đề đóm, hút hít và thế là tệ nạn xã hội cũng tràn về
làm náo động cả vùng quê vốn xưa nay yên tĩnh.
Đến khi đất không còn, tiền cũng hết thì cuộc sống của
người dân lại rơi vào tình cảnh đói nghèo và khốn quẫn, nhiều người không có
việc làm vì không còn ruộng đất để canh tác, thật trớ trêu thay người nông dân
nay phải làm thuê cho người khác ngay trên chính đất của mình để kiếm sống.
Những gì xẩy ra ở quê tôi, chẳng khác tình cảnh mà nhà biên kịch và đạo diễn
Nguyễn Hữu Phần phản ánh trong Phim “Làng ma mười năm sau” trình chiếu
trên VTV3 vừa qua, xem phim, liên hệ với những điều mắt thấy tai nghe ở quê tôi
mà thấy chạnh lòng và thương thay cho người nông dân làng quê chân chất thật
thà, bao đời nay lam lũ, có chút ít đất đai của ông cha để lại đem bán đi chỉ
mong được đổi đời nhưng than ôi nhiều người bây giờ lại khốn khó hơn nhiều.
Còn về tập tục ở quê, chắc mọi người đều biết, mỗi nơi
có tập tục riêng, nhưng có một tập tục chung mà đến vùng quê nào cũng thấy, ấy
là “đánh chén”, tập tục này vốn có từ
lâu đời, là nét văn hoá đặc trưng của làng quê. Ở quê, vào dịp lễ tết, hiếu,
hỷ, sinh nhật, thượng thọ các cụ cao niên là những dịp để dân làng tụ tập đánh
chén, chúc tụng vui vẻ. Việc tổ chức tưởng đơn giản nhưng thực ra lại tốn kém
chẳng kém gì thành thị, theo thông lệ nhà ai có việc thì có “nhời” mời làng xóm đến giúp, như vậy mới
là tình làng nghĩa xóm, còn có ai đặt cỗ nhà hàng thì mời họ không đến mà
còn nhiều điều dị nghị. Tôi có cô em
cưới vợ cho con trai, gần đến ngày tổ chức hôn lễ mà chẳng thấy động tĩnh gì,
khi hỏi cô bảo tôi, bác yên tâm em đã nhờ cả rồi, đến trước ngày tổ chức khoảng
một tuần, cô mời những người giúp việc đến nhà, sửa soạn ba bốn mâm cơm với đầy
đủ thức nhắm và tất nhiên là không thiếu riệu, gần hai chục người trong xóm
được mời đến đánh chén, chúc tụng rất vui vẻ, sau một hồi khi đã bén hơi men,
cô em tôi mới có đôi lời gọi là thủ tục rất ngắn gọn : “sắp tới gia đình tổ chức hôn lễ cho cháu, hôm nay em có lời nhờ các
bác, các anh chị em trong xóm, hôm tới đến giúp tổ chức cho cháu”, chỉ vậy
thôi thế rồi đến hôm tổ chức công việc đâu vào đấy, mọi người đều coi đó là
trách nhiệm như việc của nhà mình.
Có ở trong cuộc mới thấy việc “cưới cheo” ở nông thôn cũng lắm thủ tục, chỉ nói riêng về ăn uống
trong dịp cưới là chuyện đương nhiên mà nhà nào có con dựng vợ gả chồng đều
phải có, cỗ cưới ở quê không cầu kỳ đòi hỏi sang trọng như thành phố, nhưng
cưới ở quê cũng rất tốn kém vì đám cưới thường tổ chức tới 3 ngày, ngày đầu
dựng rạp, ăn uống vài ba chục mâm, ngày thứ hai mời bà con làng xóm thân quen,
là ngày khách chính đến ăn cỗ mừng, thường thì nhà nào cũng ngót trăm mâm, có
nhà thì trên trăm mâm, đến ngày thứ ba đón dâu tổ chức hôn lễ ăn uống cũng sáu
bảy chục mâm rồi hạ rạp tổng kết dăm mâm nữa là xong.
Cỗ cưới không cầu kỳ hình thức nhưng phải đầy và đủ (6 đĩa+4 bát), gồm : thịt lợn hàng tạ, gà,
chim, chả, tôm, cá …., có đám mua cả con đà điều nặng tới 7-8 chục ký về thịt
làm cỗ cưới, đồ uống thì riệu trắng là chủ đạo, chủ nhà mua cả trăm lít riệu về
đổ vào “thùng phuy” rồi chắt ra chai
hoặc đổ ra ca nhựa bày sẵn ra bàn, uống thoải mái, hết lại tiếp khi nào chán
thì thôi, chả thế mà sau mỗi bữa tiệc đều không khó để nhận thấy những người ra
về với những bước đi chệnh choạng và chào nhau bằng giọng lè nhè; khách đến ăn
tiệc được chủ nhà xếp theo từng đối tượng nam ngồi với nam, nữ ngồi với nữ, trẻ
ngồi riêng, người lớn tuổi, các cụ cao niên ngồi với nhau cho hợp kạ; vào bữa
tiệc không khí mới náo nhiệt làm sao chỉ thấy ồn ào bởi tiếng chúc tụng xen lẫn
tiếng nhạc xập xình phát ra từ những chiếc loa thùng công suất cả nghìn wath
nghe rất chối tai và khó chịu. Về làng tôi được xếp vào hạng người cao tuổi nên
khi đi ăn cỗ thường được xếp ngồi với các cụ cao niên trong làng, tuy vậy tôi
rất lo vì “tửu lượng” của mình quá
kém, còn các cụ cao niên ở làng thì “riệu”
là loại ngũ cốc đã chế biến không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày, nên khó là
phải tìm cách để tránh những cái “cụng ly
trăm phần trăm” hoặc phải đi “bắc cạn”
mà không mất lòng các cụ cao tuổi.
Cuộc sống nhà quê là thế đấy, người dân lam lũ lo kiếm sống, quanh năm
bám ruộng vườn, gieo trồng, chăn nuôi, lao động quần quật chỉ kiếm được dăm ba
chục nghìn một ngày, nhưng tiệc tùng thì diễn ra thường xuyên, mỗi đám tiệc ít
nhất phong bì cũng một trăm nghìn đồng, mà ở quê thì đâu có từ chối được vì
tình làng nghĩa xóm mà, thật là khó…
* Chuyện con đường với dân :
Quê tôi từ khi sát nhập vào Hà Nội đến nay đã có những
đổi thay, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm được cải thiện, trường học,
trạm xá xây dựng mới khang trang hơn, đường liên thôn, đường nội đồng được bê
tông hoá, nhưng kỳ lạ thay có một con đường liên xã đến nay vẫn là nỗi khổ luôn
ám ảnh người dân trong thôn, xã mà chẳng biết đến bao giờ mới hết khổ, đoạn
đường này dài khoảng ba bốn cây số, là đường huyết mạch nối từ quốc lộ 21 chạy
vào trung tâm xã, từ nhiều năm nay con đường này phải chịu cảnh tra tấn bởi
hàng đoàn xe trọng tải 40-50 tấn chở đá sỏi chạy suốt cả ngày lẫn đêm, làm ổ
trâu, ổ voi nham nhở khắp mặt đường, mùa nắng bụi bay mù mịt, người đi cách xa
vài mét là chẳng nhìn thấy nhau, mùa mưa thì ôi thôi xe chạy nước từ những ổ
voi bắn tung toé làm người đi đường né tránh cũng không thoát được cảnh nước
bùn bắn dính đầy người, khổ nhất các cháu học sinh cấp I, II đạp xe đi học hàng
ngày, người nhỏ bé có cháu ngồi trên xe đạp còn phải nhoài cả người hết bên này
sang bên kia mới thò chân tới pê-đan đạp xe, ấy thế mà mỗi khi gặp các xe tải
khổng lồ chạy qua là phải dạt hết ra bên đường để các “cụ xe” đi rồi mới dám lên xe đạp tiếp đến trường, cực nhất là những
nhà nằm sát bên đường vì tiếng ồn của xe tra tấn suốt ngày đêm, nhất là các cụ
già và trẻ nhỏ về đêm cứ thiu thiu chợp mắt thì lại bị đánh thức bởi tiếng xe
chạy ầm ầm như tiếng sấm, tôi chia sẻ với mọi người sao con đường xe chạy như
vậy mà không thấy ai có ý kiến gì, họ bảo kêu cả chục năm nay rồi mà chẳng ăn
thua gì vì người ta đã ký kết với nhau ở đâu đâu đó, người dân chỉ biết chịu
đựng mà thôi, chẳng biết đến bao giờ mới thoát khỏi cảnh cực khổ này, xét cho
cùng thì người dân quê tôi vẫn hiền lành và cam chịu thật.
* Chuyện nông thôn mới :
Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, các xã
tiến hành quy hoạch lại đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, làm đường nội đồng.…
theo các tiêu chí của trung ương đề ra. Việc xây dựng nông thôn mới bước đầu
cho thấy bộ mặt nông thôn có những đổi thay, những thửa ruộng manh mún, lởm
nhởm được dồn lại quy hoạch thành những thửa ruộng lớn vuông vắn, có hệ thống
thuỷ lợi bao quanh thuận tiện cho tưới tiêu canh tác, những con đường từ làng
ra đồng cũng được bê tông hoá đi lại dễ dàng cho dân vận chuyển phân bón từ nhà
ra đồng và sản phẩm lương thực từ đồng về nhà, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật
và sử dụng giống cây trồng vật nuôi thích hợp nên năng suất, hiệu quả ngày được
tăng cao, đời sống nông dân được cải thiện. Tuy nhiên, để đạt được những tiêu
chí về nông thôn mới, cần có thời gian và phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, áp
dụng linh hoạt phù hợp với từng địa phương mới hiệu quả vì mỗi địa phương đều
có đặc thù về địa lý và tập quán riêng. Quá trình thực hiện nông thôn mới cũng
có những chuyện đáng suy nghĩ, như việc dồn điền đổi thửa động chạm đến quyền
lợi sát sườn của các hộ dân và liên quan đến vấn đề tâm linh, chả là khi quy
hoạch đồng ruộng phải đưa máy móc vào san ủi làm đường trên những cánh đồng,
nhiều gia đình phải di dời mồ mả vốn đã chôn cất từ bao đời nay trên những mảnh
ruộng của mình, nên cần giải thích tuyên truyền vận động để bà con thông hiểu
tự giác di dời, tránh áp đặt gây bức xúc trong dân, đặc biệt là thực hiện chính
sách phải công khai, minh bạch. Trên thực tế có nhiều nơi thực hiện chưa nhất
quán, như việc đền bù cho những hộ dân khi phải di dời mồ mả còn tuỳ tiện, ở xã
tôi chỉ hỗ trợ mỗi hộ 500.000 đồng cho mỗi ngôi mộ phải di dời, nhưng xã bên
cạnh lại hỗ trợ cho mỗi ngôi mộ tới 2-3 triệu đồng, hỏi thăm bà con có người
cho biết là phải đấu tranh mặc cả mãi với “Ban
quản lý dự án” mới được, lúc đầu họ cũng chỉ đưa ra mức 5 trăm nghìn đồng
thôi. Quy hoạch nông thôn mới cũng là dịp để một số người kiếm chác, vì dồn
điền đổi thửa thế nào người ta cũng để lại một số lô đất ở những nơi đắc địa,
khi bà con trong thôn hỏi thì cán bộ giải thích đấy là đất “đối ngoại”. Vừa rồi gặp mấy anh bạn nghỉ
hưu cùng quê tâm sự cũng thắc mắc về chuyện địa phương dùng đất đối ngoại, nghe
vậy một anh trong nhóm bạn tôi nói : ôi dào! thế các ông không biết hay cố tình
không biết đó là “lợi ích nhóm” ở địa
phương hay sao? thì ra là thế, ở đâu cũng có lợi ích nhóm ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét