Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

"Phút 89" ở Geneve.

Võ Văn Thành (Tuổi trẻ)
TT - Thứ sáu ngày 13 trong quan niệm của người phương Tây có thể là một ngày dễ mang lại những điều không may mắn, nhưng dường như với đại sứ Ngô Quang Xuân thì hoàn toàn ngược lại.
Cuối năm 2013, ái nữ của ông Xuân là hoa hậu thế giới người Việt đầu tiên Ngô Phương Lan đã có một lễ cưới hạnh phúc, đầm ấm vào thứ sáu ngày 13. Và có một thứ sáu ngày 13 khác mà ông Xuân không bao giờ quên - một thời khắc lịch sử với cả đất nước.

Trở lại Geneva
Nhiệm kỳ đại sứ của ông Ngô Quang Xuân ở Geneva (Thụy Sĩ) bắt đầu vào thời điểm Việt Nam bước vào giai đoạn tăng tốc đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Với cá nhân ông Xuân thì Geneva không phải là một địa danh hoàn toàn xa lạ, ông kể: “Năm 1975, ngay sau khi chiến tranh vừa kết thúc, tôi đã được đi một chuyến tàu hỏa ngoạn mục từ Hà Nội tới thành phố tươi đẹp và yên bình nhất thế giới này, để ở lại hơn một năm theo khóa học tại Viện Nghiên cứu cao cấp quốc tế (HEI). Vậy nên khi cùng nhà tôi và hai cô con gái đáp máy bay xuống sân bay Geneva ngay trước ngày lễ Giáng sinh 2002, tôi đã rơi vào tâm trạng xúc động trào dâng của ngày trở lại”.
So với lần “đi sứ” tới New York vào mùa hè 1993, tâm thế của ông Xuân cho cuộc viễn chinh lần này được chuẩn bị tốt hơn nhiều, trong hành trang mang theo có thêm cả kinh nghiệm của một đại sứ gần bảy năm chinh chiến tại chính trường Liên Hiệp Quốc (LHQ). Vậy mà trong lòng ông lúc bấy giờ vẫn canh cánh những lo âu. Vốn là khi ở New York, trong giới đại sứ thường trò chuyện với nhau về công việc bận rộn “tối mắt tối mũi” của mình, nhưng nghe nói những đồng nghiệp ở Geneva còn bận bịu kinh khủng hơn, họp nhiều đến nỗi “thở ra hơi tai”.
Trung bình hằng năm ở New York có khoảng 6.000 cuộc họp, còn ở Geneva trên dưới... 9.000! Geneva cũng là cái nôi của hàng ngàn cuộc đàm phán thương mại với sân chơi trung tâm là WTO. Chính vì vậy, phái đoàn đại diện thường trực của nhiều nước có không dưới ba đại sứ mà họ còn kêu là kham không xuể, huống hồ như Việt Nam chỉ giao phó cho một đại sứ “đơn thương độc mã”...
Chuyện họp hành ở Geneva chưa phải là mối bận tâm lớn nhất. Sau khi Việt Nam kết thúc đàm phán và ký hiệp định thương mại song phương (BTA) với Hoa Kỳ, những yêu cầu và kỳ vọng thúc đẩy khẩn trương các cuộc đàm phán song phương và đa phương để sớm đưa Việt Nam vào WTO trở thành điều trăn trở, làm vị đại sứ lo nghĩ ngày đêm...
Những người bạn mới
Mùa Giáng sinh năm 2002 khi bắt tay vào công việc mới, đại sứ Ngô Quang Xuân hiểu rằng cỗ xe đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam sẽ còn phải lăn bánh trên một chặng đường dài. Ông nhớ đến câu nói của người xưa “đường nhiều bạn dễ đi”.
Ngay trong ngày Giáng sinh, một ngày sau khi đến Geneva, ông Xuân cùng toàn bộ thành viên trong gia đình đến thăm ông Trần Văn Thình, vị đại sứ của Cộng đồng chung châu Âu tại WTO trong suốt gần 17 năm. Ở WTO nhiều người nói đại sứ Trần là một trong những “cha đẻ” của nhiều nghị quyết, quy định, luật lệ của sân chơi thương mại toàn cầu... Qua câu chuyện với ông Thình trong nhiều lần gặp sau đó, ông Xuân đã cảm nhận được trong con người nhỏ nhắn nhưng rất lanh lợi này có cả một kho tàng kinh nghiệm và kiến thức về đàm phán tại WTO, và cả một mạng lưới quan hệ bạn bè hết sức phong phú nữa.
“Khi tôi gặp làm việc với tổng giám đốc WTO lúc bấy giờ là tiến sĩ Supachai Panitchpakdi người Thái Lan và sau này là ông tổng giám đốc Pascal Lami kế nhiệm đến từ Pháp, họ đều tỏ sự kính trọng và nể phục vị đại sứ EU gốc Việt tinh thông lão luyện này” - ông Xuân nhớ lại.
Thành phố ven hồ Geneva luôn yên tĩnh, nhưng đằng sau đó là cả một thế giới ngoại giao sôi động. Những mối quan hệ ngoại giao nhiều khi đưa đến tình bạn không hề xã giao. Ở Geneva, ông Ngô Quang Xuân đã có một người bạn đặc biệt đến từ thành phố Rio de Janeiro của Brazil. Đó là Sergio Vieira de Mello, những năm đầu thập kỷ 1990, Sergio là đặc phái viên của UNHCR tại Campuchia, là một trong những đại diện đầu tiên của LHQ đàm phán với các nhóm Khmer Đỏ còn lại. Tháng 10-1992, Sergio thay mặt LHQ chứng kiến những người cuối cùng trong lực lượng Fulro đầu hàng và chấp nhận giải giáp vũ khí... Biết Sergio mới được cử làm cao ủy nhân quyền của LHQ, đại sứ Ngô Quang Xuân đã đưa tên ông vào danh sách những người ưu tiên nhất cần gặp khi đến nhận nhiệm kỳ đại sứ tại Geneva.
Khi đã trở thành bạn bè thân thiết, một lần Sergio kể với đại sứ Ngô Quang Xuân là gia đình ông và nhất là người mẹ đã ngăn cản và khuyên Sergio đừng đi Iraq nhận chức đại diện đặc biệt của LHQ ở đó, dù dự kiến sứ mệnh này sẽ chỉ kéo dài trong bốn tháng. Bản thân ông Xuân và nhiều người khác cũng khuyên Sergio như vậy, mặc dù giới ngoại giao ở Geneva “nghe loáng thoáng” có nhiều khả năng sau khi từ Iraq về, Sergio sẽ là một trong những ứng viên rất mạnh cho nhiệm kỳ mới của tổng thư ký LHQ.
Và rồi vụ đánh bom đẫm máu ngày 15-3-2003 làm sập Canal Hotel tại Baghdad đã sát hại Sergio cùng nhiều đồng nghiệp khác của ông. Nhớ lại kỷ niệm đau buồn này, ông Xuân trầm ngâm: “Cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ những người như Sergio có thể sẽ làm được rất nhiều, góp phần giúp cho các dân tộc trên thế giới này đỡ hiểu nhầm, hiểu sai về nhau, xung đột nhau vì nhân quyền, dân chủ, tôn giáo, sắc tộc...”.
Chiến dịch đặc biệt
Trở lại với những nỗ lực giúp đẩy tới cỗ xe đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam, đại sứ Ngô Quang Xuân sớm phát hiện vấn đề cấp bách là phải tìm ngay một nhân vật đủ uy tín và năng lực hơn để thay vào vị trí người phụ trách công tác đàm phán của Việt Nam gia nhập WTO (nhân sự của WTO phụ trách trực tiếp việc đàm phán của Việt Nam). Một chiến dịch vận động thay chủ tịch Ban công tác đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam được khởi động. “Việc này làm tôi vất vả gần như cả năm đầu ở Geneva, rồi còn phải hứng chịu những phản ứng không lấy gì làm dễ chịu từ phía người chủ tịch đàm phán cũ và từ nước ông ấy, chỉ vì một số lý do nên họ không muốn rút lui khỏi vị trí của mình. Búa rìu cũng đến từ cả một số người phía “quân ta” nữa, trong đó có một vài vị lãnh đạo nóng tính không có đủ thông tin nhiều chiều” - ông Xuân kể.
Nhưng rồi may mắn đã mỉm cười với vị đại sứ Việt Nam. Nhờ có bạn bè giới thiệu, ông Xuân đã tìm hiểu kỹ và gặp được người bạn đến từ Na Uy là đại sứ Eirik Glenne, một nhà ngoại giao có trình độ và giàu kinh nghiệm đàm phán thương mại hàng đầu. Ông Eirik Glenne đã cân nhắc nhận lời về nguyên tắc với đại sứ Ngô Quang Xuân, và sau khi có được trả lời chấp thuận từ Oslo, ông đã khẳng định “đồng ý” vào vị trí chủ tịch Ban công tác đàm phán Việt Nam gia nhập WTO.
Nhận được tin báo từ Geneva, ở nhà nhanh chóng chấp thuận, tạo điều kiện cho ông Xuân làm các thủ tục cần thiết tại WTO về việc tiến cử đại sứ Eirik Glenne. Vị đại sứ từ Bắc Âu này đã nhiệt thành đóng góp, đồng hành với các nhà đàm phán Việt Nam trong hơn ba năm cuối cùng của chặng đường 11 năm đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam.
Cả đời làm đối ngoại, ông Xuân đã góp sức góp mặt trong nhiều sự kiện quan trọng trên bước đường hội nhập của đất nước, nhưng thời khắc ông nhớ nhất chính là “phút 89” trong hành trình Việt Nam vào WTO... Thứ sáu, ngày 13-10-2006, tại thành phố Geneva, vào lúc 16g45, người bạn thân thiết của ông Xuân, đại sứ Eirik Glenne giơ tay gõ búa tuyên bố với toàn thế giới rằng “Việt Nam đã hoàn tất đàm phán đa phương và song phương” để gia nhập sân chơi thương mại lớn nhất hành tinh. Lúc bấy giờ báo chí hỏi cảm tưởng của đại sứ, ông Xuân đã nói rằng: “Xúc động cao độ!”.
Không xúc động sao được khi cái thời khắc, cái “phút 89” tưởng chừng như đã bên bờ vực vỡ trận đó, đã trút bỏ được gánh nặng đè trĩu vai của 11 năm đàm phán...
VÕ VĂN THÀNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét