TT - Nhắc đến ông Ngô Quang Xuân, nhiều người nhớ ngay đến vị đại sứ đã góp công lớn trong quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam, và là thân sinh của hoa hậu thế giới người Việt đầu tiên Ngô Phương Lan. Trong cuộc đời đi sứ của mình, ông Ngô Quang Xuân còn có gần bảy năm ở New York (Mỹ) với trọng trách đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc (LHQ).
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan và ông Ngô Quang Xuân tại trụ sở LHQ tháng 11-1999 - Ảnh tư liệu gia đình |
Bơi ra biển lớn
Nghe chất giọng xứ Nghệ vẫn đậm đặc sau nhiều năm xa
quê của ông Ngô Quang Xuân, chúng tôi hỏi ra mới biết ông thuộc dòng dõi
những sứ thần nổi tiếng trong lịch sử nước nhà, đó là dòng họ Ngô Lý
Trai ở Diễn Châu, Nghệ An với hai bố con Hoàng giáp thượng thư Ngô Trí
Hòa và con trai là Lưỡng quốc công thần Ngô Sĩ Vinh.
Ông Ngô Quang Xuân được chọn để đảm đương một công việc
nhiều thử thách là làm đại sứ, trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp
Quốc vào lúc Việt Nam vừa mới mở cửa, chưa bình thường hóa quan hệ với
Hoa Kỳ...
Mùa hè năm 1993, vừa đặt chân đến thành phố New York
nhận nhiệm sở, ông Ngô Quang Xuân đã nhìn thấy trước mắt mình một núi
công việc liên quan đến mọi lĩnh vực hòa bình, chiến tranh, kinh tế
thương mại, luật pháp, văn hóa, xã hội, nhân đạo... “Lúc bấy giờ tôi hay
ví von mình cứ như đang bơi ra giữa biển lớn bao la vậy” - ông Xuân nhớ
lại.
Đứng trước khối lượng công việc khổng lồ mà việc nào
cũng quan trọng, ông Xuân tự nhủ không được nóng vội để đề ra những ưu
tiên dựa trên những yếu tố chính của tình hình lúc bấy giờ. Sau khi ta
rút quân khỏi Campuchia, phái đoàn thường trực của Việt Nam tại LHQ
không còn là “phái đoàn một vấn đề” nữa, phải chuyển gấp sang phương
thức và nội dung hoạt động mới.
Ông Xuân giải thích: “Trước đây gọi là phái đoàn một
vấn đề (One Issue Mission) do cả hơn thập niên chúng ta hầu như chỉ tập
trung sức lực chống chọi với việc Mỹ - Trung Quốc - ASEAN vu cáo ta
trong vấn đề Campuchia. Còn các vấn đề khác tại LHQ ta thường hành xử
dựa vào tham khảo quan điểm Liên Xô và các nước bạn bè, kể cả khi bỏ
phiếu bấm nút xanh “đồng ý”, nút vàng “phiếu trắng” hay nút đỏ “chống”.
Đây cũng là hiện tượng chung của những phái đoàn nhỏ, ít người tại LHQ”.
Phương châm hành động được đại sứ Ngô Quang Xuân đề ra
lúc đó là: “Mỗi người trong phái đoàn đều phải cố gắng thực hiện cho
được đề án hoạt động mà thông thường đã được lãnh đạo thông qua trước.
đối với những vấn đề nảy sinh mới không kịp xin ý kiến đại sứ thì cần
chủ động cân nhắc, nếu thấy có lợi cho nước, cho dân cứ linh hoạt mềm
dẻo tham gia, cố gắng tránh để lỡ mất cơ hội”...
Một chuỗi chiến dịch vận động ngoại giao đã được ông
Xuân và các đồng sự thực hiện vào năm 1997, và đạt được những “lần đầu
tiên” khá ngoạn mục. Lần đầu tiên Việt Nam trúng cử phó chủ tịch Đại hội
đồng LHQ (khóa 52, 1997-1998). Lần đầu tiên Việt Nam trúng cử phiếu cao
nhất (so với các nước) làm thành viên nhiệm kỳ 1997-1998 của Hội đồng
Kinh tế xã hội LHQ (ECOSOC). Lần đầu tiên các nước ủng hộ Việt Nam “xếp
hàng” làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, để 10 năm
sau chính thức bước vào “Câu lạc bộ 15” (15 nước thành viên Hội đồng Bảo
an LHQ, trong đó có năm nước thường trực)...
Ông Ngô Quang Xuân bồi hồi nhớ lại những năm tháng đầu
thập kỷ 1990 đó, dân ngoại giao ở nước ngoài vẫn còn chật vật, vất vả
với đời sống hằng ngày lắm. Chỉ có đại sứ mới được mang theo gia đình
nhưng phải tự túc nuôi con cái ăn học, còn các cấp bậc dưới khác hầu hết
anh chị em phải chịu cảnh sống độc thân. Ở Mỹ, một vài nhóm người gốc
Việt tìm cách chống đối, gọi điện thoại đe dọa an ninh, đe dọa bắt cóc
con em cán bộ phái đoàn, đe dọa đặt bom vào xe các đoàn lãnh đạo trong
nước sang LHQ họp...
Trong lúc công việc ở LHQ đang khẩn trương, có thêm
những đe dọa đó nhiều lúc khiến ông đại sứ thấy cuộc sống thật bề bộn,
căng thẳng. Nhưng cũng có những kỷ niệm thật xúc động. Ở New York, có
lần đại sứ Ngô Quang Xuân đang cùng anh chị em chuẩn bị bàn thờ tết thì
lễ tân báo có khách đến xin gặp riêng. Ra đến cửa mới biết hai người đến
thăm đại sứ lần đầu tiên đó là hai vợ chồng trong một gia đình vốn là
cựu sĩ quan quân đội Sài Gòn. Họ mang bánh chưng tự gói đến tặng, nhưng
dặn kỹ đại sứ là đừng nói họ đã đến thăm riêng, vì họ ngại những người
còn hận thù có thể sẽ đối xử tệ với gia đình họ. “Sau này tôi hết sức
vui mừng được biết họ đã về thăm quê hương và vận động nhiều bạn bè cùng
về trong những chuyến về nước tiếp theo...” - ông Xuân kể.
Phiên bản trống đồng ở LHQ
Ở LHQ đã hình thành tập quán khi một quốc gia thành
viên biếu tặng một món quà - thường là một hiện vật biểu tượng đặc trưng
văn hóa dân tộc - thì bộ phận lễ tân LHQ trình lãnh đạo duyệt địa điểm
để đặt trưng bày. Trong dịp Chủ tịch nước Lê Đức Anh dẫn đầu đoàn Việt
Nam sang New York dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập LHQ (1945-1995),
Chủ tịch nước đã mang theo phiên bản trống đồng Ngọc Lũ để làm quà tặng.
Chiều 25-10-1995, Chủ tịch nước Lê Đức Anh chính thức
trao quà tặng ý nghĩa này cho Tổng thư ký LHQ Boutros B. Ghali, trước sự
chứng kiến của toàn thể quan chức đại diện hầu hết các nước trên thế
giới. Và phiên bản trống đồng Ngọc Lũ của Việt Nam được đặt ngay cạnh
lối ra vào của Hội đồng Bảo an LHQ - một địa điểm long trọng bậc nhất
trong các địa điểm đặt quà tặng.
Nhưng chỉ vài tuần sau khi không khí lễ hội kỷ niệm
tưng bừng dần lắng xuống, đại sứ Ngô Quang Xuân được một lãnh đạo LHQ
mời đến thông báo chủ trương: “Sẽ chuyển vị trí đặt quà tặng của Việt
Nam đến một địa điểm khác, một địa điểm có nhiều ánh sáng hơn và cũng
không kém phần trang trọng”.
Nhờ linh tính nghề nghiệp mách bảo, ông Xuân nghĩ ngay
đến lý do tế nhị nào đó khác, chứ không chỉ vì vấn đề kỹ thuật, vấn đề
“ánh sáng”. Ông Xuân kể lại: “Tôi nhớ là mình đã bị sốc, nhưng cũng
không thể nóng nảy nổi giận được. Vì đây là LHQ, là ngoại giao đa phương
rất nhiều chiều, và tôi đang đối diện với một quan chức cao cấp làm
việc vì tất cả quốc gia chứ không chỉ vì một nước nào”.
Từ suy nghĩ như vậy, ông Xuân kịp bình tĩnh và có một
phản ứng nhanh - mà sau này nghĩ lại bản thân ông vẫn thấy tâm đắc vì
thông điệp đó đủ mạnh và cũng trở thành cơ sở khá nhất quán cho những
lập luận trong đàm phán tiếp theo. Ông Xuân nói rằng: “Tôi sẽ phải báo
cáo về Chủ tịch nước, nhưng đề nghị các vị lãnh đạo LHQ cũng hiểu cho
rằng vị trí đặt phiên bản trống đồng Ngọc Lũ, quà tặng của Việt Nam đã
được cả thế giới biết đến, đã được mấy chục triệu người dân Việt Nam
biết đến. Nếu như phải chuyển đặt quà tặng đến địa điểm khác, là đại sứ,
tôi biết báo cáo sao đây với lãnh đạo nước tôi, biết giải thích thế nào
đây với đồng bào nước tôi? Vì vậy xin hiểu cho rằng tôi không thể nói
đồng ý được”.
Sau này, phải nhờ đến một vài bạn bè ở LHQ tìm hiểu,
ông Xuân mới biết rằng đã có người nêu yêu cầu LHQ giúp chuyển vị trí
đặt quà tặng của Việt Nam ra khỏi khu vực lối ra vào Hội đồng Bảo an.
Mặc dù các quan chức của LHQ không tiện nói ra danh tính người nêu yêu
cầu trên, ông Xuân và một số đồng nghiệp ở phái đoàn cũng phải mất đến
gần nửa năm kiên trì đi lại thuyết phục, và cuối cùng những người có
trách nhiệm tại LHQ đồng ý giữ nguyên vị trí đã đặt phiên bản trống đồng
Ngọc Lũ.
Giờ đây nơi đặt quà tặng đã trở thành điểm đến thăm không thể thiếu của các đoàn Việt Nam khi làm việc tại trụ sở LHQ.
VÕ VĂN THÀNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét