TT - Không hiểu số phận run rủi thế nào nhưng trong 12 năm ông làm đại sứ ở ba nước Guinea, Chile và Angola thì cả ba nơi đều xảy ra đảo chính.
Đại sứ Vũ Hắc Bồng tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến thăm Angola - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Với mỗi cuộc đảo chính, ông đều có kỷ niệm và những tình huống đòi hỏi phải xử lý khéo léo.
Quyết định mở cửa sứ quán
“Chú là một trong những đại sứ cuối cùng được Chủ tịch
Hồ Chí Minh ký bổ nhiệm” - đại sứ Vũ Hắc Bồng mở đầu câu chuyện vậy khi
tôi đến nhà ông ở Q.7 để tìm hiểu về cuộc đời làm ngoại giao của ông.
Tháng 5-1969, ông Bồng là một trong những đại sứ cuối cùng được Chủ tịch
Hồ Chí Minh ký giấy cử đi làm đại sứ tại Guinea.
Tháng 11-1970, ông Vũ Hắc Bồng đang ở Guinea-Conakry
thì binh biến xảy ra lật đổ chính quyền của Ahmed Sékou Touré. “Ba cuộc
đảo chính thì quyết liệt nhất là cuộc đảo chính ở Guinea-Conakry” - ông
Bồng nhớ lại.
Guinea khi đó đang là một trong những ngọn cờ đầu của
cách mạng châu Phi. Tổng thống nước họ từ năm 1960 đã tới thăm VN và Bác
Hồ đồng ý về việc thiết lập quan hệ ngoại giao và thành lập sứ quán.
Trong thời kỳ chiến tranh, Guinea là nước ủng hộ mạnh
cho VN ở châu Phi. Là ngọn cờ đầu, Guinea có nhiều đại diện phong trào
cách mạng của các nước châu Phi khác đóng ở thủ đô. Đảo chính nổ ra, phe
quân sự lập tức tiến hành lùng sục truy kích những người thuộc phong
trào cách mạng này.
Giữa lúc sôi sục đó thì một nhóm hơn 20 người gồm cả
phụ nữ, trẻ em chạy vào sứ quán VN xin trú ẩn. Lúc bấy giờ tiếp nhận hay
không tiếp nhận là vấn đề lớn đối với đại sứ Bồng. Vấn đề nghiêm trọng
mà không thể điện về xin ý kiến Hà Nội kịp.
Suy nghĩ một hồi, ông Bồng quyết định mở cửa sứ quán
tiếp nhận đoàn người. “Hỏi ý kiến quái gì mà hỏi? Đảo chính chỉ có nửa
tiếng là họ đã chạy đến sứ quán rồi” - ông nhớ lại.
Tiếp đón đoàn người rồi thì lại phải lo chuyện ăn ở. Sứ
quán những ngày chiến tranh còn rất nghèo khó. Lương của các cán bộ eo
hẹp (lương đại sứ Vũ Hắc Bồng khi đó tính ra chỉ được 80 USD) trong khi
lương thực sứ quán thì không đủ.
Mọi người ở sứ quán khi đó tìm cách san sẻ lương thực
cho nhóm người lánh nạn. Gạo, miến, bột sắn, bánh đa có gì đều đem ra cả
để giúp nấu cho đoàn người. May cho ông là đoàn người cũng chỉ ở 48
tiếng trong khi phe đảo chính không mò đến sứ quán.
Hỏi lại ông lý do chuyện tiếp nhận người lúc khó khăn
này, ông bảo: “Vì nghĩa vụ mà mình phải mở. Đó không phải chuyện của sứ
quán mà còn là chuyện hình ảnh của Việt Nam nữa”.
Dường như câu chuyện về hình ảnh và nghĩa vụ của đất
nước là điều ông đau đáu nhất. Trong những lần đảo chính còn lại, những
quyết định lớn của ông đều xoay quanh những suy nghĩ này.
Cứu người ở Chile
Năm 1973, đại sứ Vũ Hắc Bồng có mặt ở Chile giữa lúc
Augusto Pinochet đảo chính. Ngày 11-9, tướng Pinochet tiến hành đảo
chính lật đổ chính quyền.
Ngay sau đảo chính thì quân nổi dậy đã ùa tới bao vây
cả sứ quán VN và sứ quán Cuba (nằm cạnh nhau ở thủ đô Santiago). Quanh
sứ quán, lực lượng đảo chính khi đó đằng đằng sát khí. Không khí đang vô
cùng căng thẳng thì đại sứ Bồng quyết định đi ra mời lính uống nước.
“Lính bao vây cũng là lính nghèo. Mình ra đưa nước, pha
cà phê cho uống, lính họ cũng vui, giãn ra và bớt căng thẳng dần” - ông
vui vẻ kể.
Mọi chuyện tưởng xuôi dần thì đột nhiên có bà hàng xóm
người Chile chạy vào sứ quán kêu nhờ giúp đỡ. Bà khóc van, nói con trai
lên cơn đau tim và nhờ sứ quán đưa giúp con đi bệnh viện. Sứ quán khi đó
ở thế rất khó. Đảo chính đang căng thẳng, đi ra buổi đêm giờ giới
nghiêm có thể bị bắn và đạn lạc bất cứ lúc nào. Bà mẹ khi đó vì vấn đề
sống chết của con nên đã nài xin sứ quán. Lại một quyết định khó nữa cho
ông đại sứ.
Ông Bồng quyết định ra nói với toán an ninh về hoàn
cảnh của bà và đề nghị lực lượng đảo chính cho đi cứu người. Lính Chile
khi đó cũng ngạc nhiên khi ông đại sứ muốn cứu người Chile và chỉ huy
đội khi đó chấp nhận cho đoàn đi và khuyên ông cho cắm cờ. Ông Bồng khi
đó cho cử người lái xe và bí thư thứ hai Vũ Chí Công đưa hai mẹ con bà
đi bệnh viện trên chiếc xe cắm cờ đỏ sao vàng.
Chặng đường chỉ 3km mà tưởng chừng như dài đằng đẵng.
“Mình cử người đi mà thấy lo lắng vô cùng. Chỉ đến khi đoàn người mình
về an toàn rồi cả sứ quán mới thở phào nhẹ nhõm. Một cú làm rất mạo
hiểm!”.
Ông Vũ Chí Công, sau này là đại sứ VN tại Cuba, kể lại
chuyện này: “Việc mình và đồng chí lái xe được ông cử đưa một người hàng
xóm đi bệnh viện cấp cứu vào đêm khuya giữa lúc loạn lạc đảo chính đã
để lại dấu ấn sâu sắc trong những người sống ở dãy phố”. Bà mẹ Chile sau
khi đưa con đi bệnh viện lúc trở về qua sứ quán đã cảm ơn: “VIệt Nam đã
cứu con tôi”.
Sau này khi ông Bồng về báo cáo thì ở nhà cũng lắc đầu.
Khen cũng được mà không khen cũng được. Ngồi với nhau mà thót tim cả.
Có lẽ vì những công việc ở Chile mà tháng 5-2006, đại sứ Vũ Hắc Bồng
được nhà nước Chile trao tặng huy chương Bernardo O’Higgins hạng Gran
Cruz vì những đóng góp to lớn của ông trong việc thắt chặt mối quan hệ
hai nước Chile - Việt Nam.
Cuộc đảo chính ở Angola diễn ra suôn sẻ hơn vì phe đảo
chính chỉ trong 48 tiếng là thất bại. Lúc đảo chính, phe quân sự có gọi
điện đến sứ quán để thuyết phục là đảo chính đã thành công và yêu cầu VN
tỏ thái độ ủng hộ. Ông Bồng khi đó chỉ trả lời: “Tất cả tùy thuộc hành
động sắp tới. Đó là việc nội bộ của các ông”.
Nhìn lại những quyết định sống còn này, ông Bồng kết
luận: “Đã làm ngoại giao thì luôn có thách thức... Luôn luôn chú tâm đắc
nhất là phải nghĩ đến đất nước. Những việc lúc khó khăn nhất, bất cứ
lúc nào anh cũng nghĩ đến hàng chục triệu nhân dân thì anh sẽ có được
sức mạnh”.
Sinh năm 1927, ông Vũ Hắc Bồng bắt đầu vào ngành ngoại
giao năm 1954 khi được trưng dụng vào ban quản lý hiệp định Geneva (nhờ
biết tiếng Pháp). Ông làm đại sứ tại Guinea từ 1969-1972, đại sứ tại
Chile năm 1973 và đại sứ tại Angola từ 1976-1981. Từ 1982-2002 ông làm
giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM. Rời Sở Ngoại vụ, ông tiếp tục làm cố vấn
cho Bộ Ngoại giao cho đến khi chính thức nghỉ hưu năm 2006.
Trong suốt hơn 20 năm kể từ 1982-2006, ông là nhà ngoại
giao đứng đầu cơ quan ngoại vụ của TP.HCM trong thời kỳ khó khăn nhất
sau giải phóng. Trên cương vị là nhà ngoại giao, ông luôn xuất sắc ở khả
năng xử lý tình huống, làm chủ tình hình. Trong giới ngoại giao, ông
được coi là một tượng đài. Giới ngoại giao nước ngoài trong thời gian
dài khi tới TP.HCM đều muốn được gặp “Mr. Bồng”...
Chất sĩ phu và anh Hai
“Xuất thân miền Bắc (Nghệ An), đi bộ đội Nam tiến,
chuyển sang công tác đối ngoại khi đang là sĩ quan quân đội, ông Bồng có
bề dày hoạt động và vốn sống rất phong phú. Ở ông, các phẩm chất tốt
đẹp nhất của “sĩ phu Bắc Hà” hòa quyện nhuần nhuyễn với chất “anh Hai
Sài Gòn” nên ông có khả năng tiếp xúc rất đặc biệt với mọi người. Lại có
khiếu hài hước sâu sắc nên người đối thoại với ông luôn cảm thấy dễ
chịu, thoải mái” - đại sứ VN tại Cuba Vũ Chí Công nói về ông Vũ Hắc
Bồng.
Năm 2000, ông Bồng được phong hàm đại sứ nước CHXHCN
VN. Đây là hàm đại sứ suốt đời do Chủ tịch nước phong và đến nay cả nước
mới có 10 người được phong, trong đó toàn là các nhà ngoại giao kỳ cựu
như Nguyễn Mạnh Cầm, Vũ Khoan, Nguyễn Dy Niên...
|
THANH TUẤN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét