TT - Chuyến bay từ Việt Nam hạ cánh xuống sân bay quốc tế Gimpo (Seoul, Hàn Quốc). Đó là một ngày mùa thu năm 1992. Những chuyến bay từ Việt Nam còn thưa thớt và dĩ nhiên là chưa có đường bay thẳng, hành khách phải quá cảnh ở Bangkok.
Đại sứ Nguyễn Phú Bình tham dự và phát biểu tại một lễ kỷ niệm của dòng họ Lý Hoa Sơn (hậu duệ của vua Lý Thái Tổ) tại Hàn Quốc - Ảnh tư liệu gia đình |
Trên máy bay, gia đình ông Nguyễn Phú Bình - đại sứ đầu
tiên của Việt Nam tại Hàn Quốc - gồm vợ chồng và hai con nhỏ ngồi tận
những hàng ghế cuối cùng của hạng phổ thông (economy). Lúc này con trai
út của ông Phú Bình mới vừa tròn 4 tuổi.
Cuộc họp báo bất ngờ
Khi máy bay vào chỗ đỗ, hành khách đang lần lượt đứng
lên chuẩn bị xuống máy bay, cửa mở và có hai người bước vào nói to điều
gì đó trong khoang hành khách. Ông Bình ngồi phía sau nên nghe không rõ,
chỉ thấy tất cả hành khách lại ngồi xuống. Một thoáng im lặng bao trùm.
Một lát sau hai người đó bước lại gần, vừa đưa mắt tìm kiếm vừa gọi,
ông Bình mới nghe rõ họ nói: “Xin hỏi quý khách nào là đại sứ Việt
Nam?”.
Còn chưa hết ngạc nhiên vì sự đón tiếp này, vừa ra khỏi
máy bay, ông Bình và vợ con gần như đứng sững và choáng ngợp vì lọt vào
giữa một... “rừng” máy quay phim, máy ảnh thi nhau lóe sáng. Cảnh tượng
mà thông thường ông Bình chỉ thấy trên tivi, giờ đây đang diễn ra với
chính ông. Gia đình ông Phú Bình tiến lên một bước thì cánh báo chí lại
lùi một bước, cứ thế vào đến phòng chờ. Ông Bình tưởng... thoát được,
nào ngờ người cán bộ của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói nhỏ vào tai ông:
“Thưa ngài, báo chí đang chờ để họp báo trong kia!”. Nghe vậy, ông Bình
không khỏi giật mình, từ nhà đi đã chuẩn bị sẵn nhiều phương án, nhưng
ông không hề nghĩ đến chuyện có họp báo ở sân bay.
Trong đầu vị đại sứ lúc đó căng như sợi dây đàn vì lo
lắng chưa chuẩn bị nội dung họp báo, lỡ vừa sang mà gặp phải câu hỏi
“nhạy cảm” thì sao. Hơn nữa đã lâu ông không dùng tiếng Triều Tiên, còn
tiếng Anh là ngoại ngữ ông tự học và vừa mới đi thực tập vài tháng ở New
Zealand nên không đủ tự tin. Băn khoăn vậy nhưng khi nhìn qua cánh cửa
hé mở, thấy phóng viên đang chờ rất đông, ông Bình tự nhủ không thể né
tránh.
Người cán bộ của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết cuộc
họp báo có thể diễn ra bằng tiếng Anh, tiếng Triều Tiên hoặc tiếng Việt
(có phiên dịch). Ông quyết định họp báo bằng tiếng Triều Tiên, dù đây là
ngoại ngữ mà ông đã học từ thời đại học và sử dụng khi công tác ở đại
sứ quán ta ở Bình Nhưỡng 15 năm trước (ông Bình kết thúc nhiệm kỳ công
tác tại Bắc Triều Tiên năm 1977).
Tập trung cao độ, ông Bình lắng nghe và trả lời khá
trôi chảy các câu hỏi tại cuộc họp báo. Khi các phóng viên hỏi: “Ông học
và làm việc tại Bình Nhưỡng nhưng không thấy ông nói giọng Bình
Nhưỡng?”. Ông Bình trả lời: “Trước đây công tác ở Đại sứ quán Việt Nam
tại Bắc Triều Tiên, ngoài công việc phiên dịch cho đại sứ, tôi có nhiệm
vụ đọc báo, nghe đài để tổng hợp thông tin, báo cáo cho đại sứ. Vì vậy
tôi phải nghe nhiều radio của các nước, trong đó có Hàn Quốc. Có lẽ vì
nghe nhiều nên tôi đã ngấm giọng của Seoul từ đó”.
Cuộc họp báo diễn ra khá suôn sẻ bằng tiếng Hàn, các
phóng viên ghi chép bình thường không có dấu hiệu nào tỏ ra họ không
hiểu. Nhưng khi ông Bình trả lời câu hỏi về thời tiết Hàn Quốc thì thấy
mọi người hơi ồn lên một chút với những nụ cười, dường như trong cách
nói của ông Bình có chỗ nào đó chưa hợp. Sau này hỏi lại mới biết đó là
khi một phóng viên hỏi ông: “Sang đây thấy không khí thời tiết có gì
khác Việt Nam và có bị ảnh hưởng không?”, ông Bình trả lời “không sao
cả”. Câu trả lời này nếu ở Bình Nhưỡng thì bình thường, nhưng ở Seoul
lại có nghĩa là “không có việc gì cả”, hay có thể được hiểu là ông Bình
đến Hàn Quốc mà “không có việc gì làm”!
Sáng hôm sau, hình ảnh gia đình ông Nguyễn Phú Bình
xuất hiện trên nhiều tờ báo ở Seoul. Cảnh gia đình đại sứ Việt Nam đến
sân bay và gặp gỡ báo chí, cả những động tác đùa nghịch của cậu con trai
đại sứ khi ngồi trước phóng viên vẫn còn xuất hiện trên truyền hình
trong chương trình thời sự mấy ngày sau.
Khi đã chính thức đảm nhiệm cương vị đại sứ Việt Nam
tại Hàn Quốc, trong cuộc trò chuyện thân tình giữa ông Phú Bình với một
lãnh đạo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, vị lãnh đạo này chân thành chia sẻ:
- Hình ảnh ông bà ở sân bay trong ngày đầu tiên đến Seoul rất ấn tượng.
- Thưa ngài vì sao như vậy?
- Thông thường chuyện đến và đi của một vị đại sứ không
được báo chí đưa tin, riêng trường hợp Việt Nam thì dư luận quan tâm vì
giữa hai bên từng xảy ra chuyện trong quá khứ, vậy nên dư luận muốn
biết thái độ ứng xử của ông đại sứ Việt Nam khi đến Hàn Quốc như thế
nào.
Vị lãnh đạo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc còn cho biết thêm:
“Hình ảnh ông bà với cháu bé trên tay rất đặc biệt, vì lâu nay nhiều
người ở Hàn Quốc vẫn nghĩ rằng cán bộ Việt Nam có nét gì đó giống Trung
Quốc và Bắc Triều Tiên, nghĩa là đạo mạo và thường đi một mình. Nay thấy
ông bà đại sứ trẻ trung, lịch lãm đi cùng với hai con nhỏ thì hình ảnh
thân thiện đó đã làm thay đổi hẳn suy nghĩ của nhiều người”.
“Ông có phải là Việt cộng không?”
Cuối năm 1992, sau khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại
giao cấp đại sứ, ông Nguyễn Phú Bình trình quốc thư lên tổng thống Hàn
Quốc, sau đó đến chào xã giao chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc. Trong cuộc gặp
chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Lee Man Seop, khi báo chí đã ra ngoài hết,
trò chuyện được một lúc thì vị lãnh đạo nghị viện nước bạn nói: “Những
nội dung xã giao kết thúc ở đây và bây giờ tôi muốn hỏi ngài đại sứ Việt
Nam một câu hỏi mang tính riêng tư: ngài có phải là Việt cộng không?”.
Thoáng bất ngờ, nhưng ông Bình thành thật trả lời luôn: “Vâng, nếu theo
quan niệm người nước ngoài thì gọi tôi là Việt cộng hoàn toàn đúng”.
Ông Bình hỏi lại: “Vì sao ngài lại quan tâm đến việc
này?”. Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc giải thích: “Vì lâu nay ở Hàn Quốc
nhiều người quan niệm Việt cộng giống như trên các apphich thời chiến
tranh, nghĩa là những người mặc quần áo đen, đội nón lá, nét mặt đầy căm
thù chĩa súng về phía kẻ thù, nhưng tôi thấy đại sứ giống nghệ sĩ hơn”.
Ông Bình nói: “Chúng tôi kháng chiến để giành độc lập dân tộc, thống
nhất Tổ quốc. Là một dân tộc trải qua nhiều cuộc chiến vệ quốc, hơn ai
hết người Việt Nam hiểu ý nghĩa của hòa bình và rất yêu chuộng hòa bình.
Trong chiến đấu thì chúng tôi buộc phải như vậy để tự bảo vệ mình. Còn
hiện nay chúng tôi muốn hòa bình, hòa hiếu và hữu nghị với tất cả các
nước”.
Về sau, khi ông chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc có dịp sang
thăm Việt Nam, gặp lại vị đại sứ năm xưa, nhắc kỷ niệm về câu hỏi riêng
tư, cả hai người đều cười vang.
Những ai từng đến đại sứ quán Việt Nam ở Seoul đều nhớ
trong khuôn viên sứ quán có phiên bản ngôi chùa Một Cột khá đẹp, được
xây dựng từ thời chính quyền Sài Gòn. Một trụ cột bêtông đỡ khối kiến
trúc mái cong như những ngôi chùa Việt Nam, tựa vào triền núi. Đường nét
kiến trúc ngôi chùa khác hẳn những ngôi chùa Hàn Quốc mặc dù nguyên vật
liệu tại chỗ. Giọng nói ông Nguyễn Phú Bình khá hào hứng khi kể về lai
lịch ngôi chùa này: “Trước năm 1975, có một ông đại sứ của chính quyền
Sài Gòn vốn là dân Bắc di cư, trong thời gian công tác ở Hàn Quốc nhớ
quê hương nên đã cho xây dựng ngôi chùa căn cứ vào một bức ảnh mà ông ta
mang theo. Khi được Chính phủ Hàn Quốc giao tiếp quản cơ sở vật chất
của đại sứ quán chính quyền Sài Gòn để làm trụ sở cho ta, chúng tôi rất
trân trọng toàn bộ cơ sở khuôn viên cũ. Người ta có thể khác ý thức hệ
nhưng vẫn có tấm lòng với quê hương...”.
VÕ VĂN THÀNH - THU HÀ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét