Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Trình thư ủy nhiệm

Nguyễn Tâm Chiến


 Đ
i nhận nhiệm vụ là Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của Việt Nam tại Nhật Bản thì việc quan trọng đầu tiên được chờ đợi là trình Thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước ta lên Nhật hoàng (có người gọi là Quốc thư cho ngắn gọn và nghe như có phần cao sang hơn!). Tới nhiệm sở một hay hai ngày gì đó, tôi được đại diện lễ tân Bộ Ngoại giao Nhật thông báo, để chuẩn bị tiến hành nghi lễ đó, tôi và tất cả các cán bộ có hàm ngoại giao tham gia, cần “học” thuần thục mấy bài về đi đứng, lùi tiến, ngang dọc. Thế là trong mấy buổi liền anh em chúng tôi đã cần mẫn theo sự chỉ dẫn của ‘thầy giáo’ ngoại giao Nhật, thực hành nghiêm túc các bài học về cách thức đi lại, di chuyển đội hình tại buổi lễ. Đối với bất cứ Đại sứ nào và ở bất cứ nước nào, việc trình Thư ủy nhiệm của Nguyên thủ nước mình lên Nguyên thủ nước Đại sứ được cử đến đều là sự kiện trang nghiêm, tạo nên niềm vinh dự và ý thức trách nhiệm đóng góp vào sự phát triển quan hệ giữa hai nước, hai nhân dân. Nhưng thường tại các nước quân chủ hay quân chủ lập hiến như ở Nhật Bản, các nghi lễ còn gợi thêm cảm xúc về sự uy nghi, kính cẩn…

 Theo thông lệ của Nhật, các Đại sứ có thể chọn hai loại phương tiện đi tới Hoàng Cung: hoặc bằng ô-tô hoặc bằng xe ngựa. Sau chút đắn đo, tôi quyết định chọn phương án ô-tô cho đơn giản hơn cả đối với mình lẫn đối với phía bạn. Được biết trong số các anh Đại sứ trước tôi có người đã dùng xe ngựa để được thưởng thức âm hưởng của “cổ xưa” và khi chụp ảnh xem ra cũng lạ và đẹp mắt trong chiếc áo đuôi tôm khá lý thú. Dù có hồi hộp chờ đợi thế nào đi nữa thì cái ngày quan trọng ấy cũng đến. Đã trôi qua bao nhiêu năm nhưng tôi vẫn nhớ như in vài chi tiết khó tả về “trường hợp” của mình. Từ ô-tô đi vào Hoàng Cung trong chiếc áo đuôi tôm lạ lẫm mà tôi chưa bao giờ được mặc (may mà mua được chiếc vừa vặn cái cơ thể nhỏ gọn, chân quê của tôi), trong tôi nổi lên cảm giác rằng mình sắp đi vào một nơi thật trang trọng, uy nghiêm. Cái vườn thượng uyển được tỉa tót, chăm sóc tươm tất đẹp lạ thường trong màu lá vàng Thu xen lẫn màu xanh lục diệp. Có thể nói tôi chưa bao giờ và ở đâu được thấy sự hoàn mỹ của cái đẹp chỉnh chu, hài hòa của hoa lá trong một khoảng không gian rộng lớn như vậy. Khó mà tìm thấy một lá khô hay một cành cây nhỏ rơi trên mặt cỏ mịn màng, đường đá xây trắng phau, không một tỳ vết của bùn đất. Cái không khí uy nghiêm càng được tôn thêm nhờ sự tĩnh lặng lạ thường trong khuôn viên của nơi Vua ở. Tôi đi từng bước nhẹ nhàng, cẩn trọng theo sự hướng dẫn của quan chức Hoàng cung cũng mặc lễ phục “đuôi tôm thứ thiệt” nhưng may kiểu khác và theo màu sắc cung đình. Tôi phải đi theo kiểu như vậy trên một đoạn đường không hề ngắn trước khi đến nơi Nhật hoàng A-ki-hi-tô tiếp.
Tại Hoàng cung, nơi Vua nhận Thư ủy nhiệm từ các Đại sứ, đã diễn ra một quy trình đúng như chúng tôi đã được tập dượt trước ở trụ sở Sứ quán. Các cán bộ ngoại giao đến ngay sau tôi đúng chuẩn giờ theo sự sắp xếp cùng vào vị trí và “thao diễn”. Đại sứ “trình diễn” trước; tiếp theo đồng chí Tham tán Sứ quán tiến lên, quay trái, đứng lại, cúi chào, lùi lại ba bước, quay phải, năm bước rồi dừng lại; Bí thư Thứ nhất tiếp theo… cứ thế rất ổn. Nhưng không ngờ đến lượt đồng chí Bí thư thứ ba do hồi hộp thế nào mà liếng khiếng khi quay người và chỉ một giây nữa là có thể ngã bổ chửng. Tôi và các đồng chí khác đã ở vị trí quy định không thể chạy ra đỡ trước mặt Vua trong tình huống ấy. Nhưng rồi may sao đồng chí Bí thư đã kịp trấn tĩnh mà cân bằng lại, và tiếp tục bước lùi, lại quay, lại bước…! Khoảng khắc nguy cơ “điềm gở” (theo quan niệm phương Đông) của buổi trình Thư ủy nhiệm thế là đã thoát qua. Tất cả chúng tôi đều lại hít thở bình thường. Nhìn nét mặt với đôi mắt hiền từ của Nhật hoàng, tôi thoáng nghĩ, nếu ông cán bộ tôi có ngã ra sàn chắc Ngài cũng thông cảm. Tiếp theo, Đại sứ thực hiện vòng mới “bước - quay - tiến- trao Thư - và lại lùi (phải đếm nhẩm trong đầu mấy bước cho chuẩn), quay - bước… về chỗ cũ.
Sau khi nhận Thư ủy nhiệm, Nhật hoàng tiếp Đại sứ và trò chuyện nhẹ nhàng; Ngài chào mừng tôi qua làm sứ giả tại đất nước Ngài, chúc Đại sứ một nhiệm kỳ tốt đẹp ở Nhật Bản; hỏi tôi về ấn tượng đầu tiên đến Nhật và có mong muốn gì nhất… Về phần mình, tôi cảm ơn Nhật hoàng và nói rằng rất hân hạnh được cử làm Đại sứ Việt Nam tại Nhật và sẽ nỗ lực góp phần nhiều nhất có thể của mình vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai dân tộc. Tôi nêu ấn tượng sâu sắc ban đầu trước vẻ đẹp và sự phát triển của đất nước cũng như về lòng mến khách và tính cần mẫn của người dân Nhật Bản… (tôi tránh không đề cập tới các nội dung chính trị vì ở Nhật, Vua là Người giữ cương vị biểu tượng cho đất nước và văn hóa Nhật chứ không “làm chính trị”, nhưng sau này, qua thực tế tôi thấy thêm rằng, ai đó muốn trở thành Thủ tướng Nhật cũng phải được Hoàng gia ủng hộ, và Thủ tướng Ta-ke-si-ta nổi danh, kể cả nhiều năm sau khi ông đã lùi về tuyến sau, được dư luận đánh giá như là một người làm cầu nối quyền lực nhất giữa Hoàng gia và Chính trường Nhật).
Buổi trình Thư ủy nhiệm được kết thúc bằng những ly rượu Sa-kê thơm ngon của Vua cùng các thành viên Hoàng gia chào mừng Đại sứ mới và các nhà ngoại giao Việt Nam. Rượu Sa-kê ở Nhật cũng là rượu chế biến từ gạo nhưng nhìn thật trong với mùi vị thanh tao của độ cồn 9-12 độ. Ly đựng rượu thường làm bằng gốm men trắng với hình thù như những cánh hoa duyên dáng cũng là đặc trưng của Hoàng gia. Ai đã đến Nhật cũng biết có rất nhiều loại Sa-kê, những loại tốt nhất bao giờ cũng từ những nơi có nước nguồn tinh khiết và có các giống gạo ngon nhất. Sa-kê Nhật cũng là một sản phẩm trong lành từ đất trời và sự chắt chiu của con người; thưởng thức những giọt rượu từ miệng những chiếc ly cánh hoa mỏng tanh, trắng tinh, bạn cần uống rất từ tốn để cảm nhận ở đó “chất mùi văn hóa” Nhật. Nhưng bạn cũng phải biết rằng, nếu uống đến say thì say rượu Sa-kê mới thực sự rơi vào trạng thái gọi là “say mềm”, “mềm nhũn”cả cơ thể!
Nhân nói tới chuyện rượu Sa-kê cất từ gạo, tôi muốn nói thêm rằng, cho dù Nhật Bản từ lâu đã trở thành nước công nghiệp phát triển cao song hạt gạo vẫn liên quan tới toàn bộ đời sống nước Nhật: là lịch sử, là văn hóa, là chính trị, là kinh tế của Nhật Bản. Cơ sở xã hội của Đảng Dân chủ Tự do là ở nông thôn Nhật Bản và suốt mấy chục năm cầm quyền trước đây (và cả sự trở lại vừa qua) của Đảng này đều phải nhờ vào sự ủng hộ của nhà nông. Chính vì vậy nên không ở đâu có sự bao cấp và khuyến nông mạnh mẽ và “chu tất” như ở Nhật Bản. Những năm tôi công tác ở Nhật, giá một cân gạo Nhật gấp hơn 70 lần một cân gạo Tám Việt Nam! Chắc Chính phủ Nhật phải lấy phần lớn nguồn lãi thu được từ công nghiệp, xuất khẩu để trợ cấp qua giá cho nông nghiệp? Bức thành cao ngất ngưởng về giá hàng hóa trong nội địa có lẽ nằm ở chỗ đó.
Đi tới các vùng nông thôn của Nhật mới hiểu con đường công nghiệp hóa, xây dựng nông thôn, phát triển cây lúa đã “rất Nhật” và thành công mỹ mãn đến mức nào. Nhà nông Nhật cày, bừa, gặt, đập lúa gạo chủ yếu đều bằng cơ khí nhẹ rất thích hợp với kích thước cơ thể người Nhật. Đó là những chiếc máy cày “tay”, những chiếc máy gặt đập “tay”… chỉ do một người sử dụng dễ dàng. Đó không phải là những “con trâu sắt”của Liên Xô mà ngày nào ta đã nhập khẩu hay xây dựng nhà máy chế tạo tại Việt Nam để “cơ giới hóa đồng bộ đồng bằng Bắc Bộ” rộng lớn. Những lần tôi đến thăm vùng Sai-ta-ma hay Ni-ga-ta ở phía Tây Tô-ky-ô, ngắm những người nông dân đủng đỉnh sau chiếc máy nhỏ cầm tay, chỉ gặt khoảng 5 hàng lúa mỗi luống đi, rồi chính chiếc máy đó bó lại thành từng lượm lúa xinh xắn như ta gặt tay. Ngắm nhìn họ mà tôi cứ thèm có những cái máy đó trên ruộng đồng Việt Nam cho bà con mình. Cơ giới nhỏ, thủy lợi chủ động, sản xuất những giống lúa ngon nhất có thể - đó là con đường đi lên của nông nghiệp Nhật. Thêm nữa, Nhật Bản đã đưa về các vùng quê cả một mạng lưới xí nghiệp phụ trợ trong nghành chế tạo và nhiều ngành nghề khác, tạo cho người nông dân công ăn việc làm trong buổi nông nhàn. Không biết họ có ý định “xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh” ngay trong nông nghiệp không nhưng tôi tin rằng ưu tiên mà người Nhật hướng tới là công nghiệp hóa nông thôn, đưa phong cách làm ăn công nghiệp và công nghệ tiên tiến về cho nông dân, từ đó phát triển kinh tế - xã hội vùng quê. Các xí nghiệp phụ trợ mà tôi đề cập thường có công nghệ không quá hiện đại và sản xuất những loại linh kiện giản đơn (ví dụ tiện đinh ốc loại phổ thông, dập các miếng gien cao su, hay lắp ráp những bộ phận máy không phức tạp). Công sức và trình độ đào tạo vì vậy cũng không cần quá nhiều, quá cao đối với nhân công là nhà nông. Tất nhiên toàn bộ các xí nghiệp phụ trợ trung tiểu đó đều nằm trong “chuỗi giá trị” làm ra sản phẩm cuối cùng hoàn chỉnh của các công ty, tập đoàn lớn nằm trong phạm vi của một huyện, tỉnh, khu vực hay cả nước.
Còn chuyện hạt gạo thể hiện mức sống, thì tôi nhớ mãi một ông chủ tịch công ty Nhật khi mời tôi “ăn cơm tối” (thời nay nhiều khi bạn chỉ nói ăn trưa, ăn tối chứ không nói “ăn cơm trưa”, “ăn cơm tối” vì có ăn cơm gạo đâu!). Trong bữa cơm, ông ta bảo rằng, Ngài Đại sứ nói đất nước Ngài trước đây nghèo khổ lắm, lúc đói chỉ có bát cháo ăn. Thế thì nước Nhật tôi còn nghèo hơn nhiều vì tổ tiên chúng tôi thường xuyên chỉ có thể “lấy đũa gắp từng hạt cơm chia nhau” chứ đâu như dân nước Ngài tuy ăn cháo nhưng còn dùng bát, vì ở Nhật toàn núi đồi, đất trồng lúa ít lắm nhưng dân số lại đông! Nghe thế, tôi định tả rõ hơn về cái nghèo của nhà mình, nhưng lại thôi vì say sưa kể chuyện nghèo cũng có ích gì thêm nhiều? Tôi bỗng trộm nghĩ, có lẽ vì vậy mà người Nhật đã cố làm ra hạt gạo ngon với chất lượng dinh dưỡng siêu đẳng và có độ dính nữa để “dễ gắp” chăng!
Vài điều như vậy về rượu Sa-kê, về hạt gạo Nhật Bản, chắc bạn đọc đồng tình với tôi rằng, đúng thật hạt gạo của Nhật là tất cả cuộc sống và chứa chất văn hóa Nhật trong đó. Ở ta, hạt gạo cũng nuôi sống ta nên người, hãy nâng niu nhặt từng hạt gạo rơi, đừng bỏ phí từng hạt cơm trong bát khi ăn cơm hàng ngày vì đó là tất cả cuộc sống, công sức, sức mạnh và tâm hồn con người và văn hóa Việt. Bác Hồ đã từng là tấm gương về đối xử với hạt cơm, hạt gạo của đời và quý trọng, quan tâm nhiều đến nhà nông…
Rời Hoàng cung sau buổi trình Thư ủy nhiệm, tôi đã bắt đầu “lây” cách tư duy của người Nhật: “nghĩ điều gì thì hãy nghĩ đến cùng mới thôi”!. Làm Đại sứ mà học được cách tư duy như vậy cũng có nhiều cái lợi; với phong cách ấy khi nghiên cứu, viết lách cái gì đó sẽ nhìn được xa, trong rộng, thấu đáo, trọn vẹn hơn. Từ sau Lễ trình Thư ủy nhiệm lên Nhật hoàng, tôi như cảm thấy tự tin hơn để bắt đầu công việc trên cương vị Đại diện chính thức của đất nước (vì đây cũng là lần đầu tiên đối với tôi, đi công tác trên cương vị đó, ở tuổi bốn tư “đi sứ” mà đã được xem là một trong các Đại sứ trẻ nhất đợt ấy rồi!).

3 nhận xét:

  1. Anh Nguyễn Tâm Chiến có phải là anh không? HN tưởng anh Chiến là đại sứ nước ta bên Mỹ cơ mà.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hồng Nga cứ đọc tiếp sẽ biết có đúng Tâm Chiến là Đại sứ ta ở Mỹ không.

      Xóa
  2. Đọc tiếp bài nào hả anh? Ảnh anh Tâm Chiến không giống avatar trên trang của anh.

    Trả lờiXóa