Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

Cắt tỉa cây tùng

Nguyễn Tâm Chiến


L
àm nghề Đại sứ, ngoài những giờ phút căng thẳng của công việc thì sung sướng nhất có lẽ là những dịp được đi thăm thú nơi này, nơi khác trên đất nước bạn. Đi du ngoạn phong cảnh, di tích lịch sử, tìm hiểu văn hóa, phong tục, lối sống của nhân dân địa phương mà lại còn được phía bạn đưa đón, “chăm nom” chu đáo nữa chứ!
Sau gần nửa năm chạy “rốt-đa”công việc tại Thủ đô Tô-ky-ô mà nội dung quan trọng nhất là thúc đẩy việc Nhật Bản giải tỏa cấm vận và bắt đầu Viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam (từ 1993), tôi có dịp xuống thăm Cố đô Ky-ô-tô. Nói đến Cố đô Nhật tôi đành tạm không kể nhiều chuyện hay về ngôi Đền Vàng nổi tiếng và nhất là nghi lễ Trà đạo có một không hai trên thế giới. Hôm tới thăm Đền tôi định thử nghiệm thả hồn trong cốc trà đó xem sao nhưng rồi đành phải thất vọng từ bỏ dịp may khi nghe người hướng dẫn nói: “Xin mời ngài Đại sứ, song Ngài sẽ cần dành ra khoảng ba tiếng rưỡi đồng hồ để thưởng thức nghi lễ pha trà và nhấp một cốc trà đạo đích thực! Dành ra từng ấy thời gian trong thời đại thông tin và công nghệ cao này để thưởng thức có một ly trà thì thật mấy ai không hoảng hồn! Lần đó tôi đành khước từ “toàn quyền” được hưởng sự ưu ái và lòng mến khách của các bạn Nhật và chỉ dám đề nghị họ “trình diễn vắn tắt”cho riêng tôi trong vòng có khoảng hơn 30 phút để hiểu sơ qua về Trà đạo…

Để không mang tiếng mắc “bệnh lan man” quá nặng, tôi xin trở lại câu chuyện muốn kể ở đây. Lúc tôi tới thăm một ngôi đền cổ thì bắt gặp một cảnh tượng lao động không bao giờ quên của ba người trên một cây tùng cao lớn trước cổng đền. Ngửa cổ nhìn lên, một bức tranh thật mộng mơ: ba bóng người “yên ắng di chuyển” trên nền tán lớn của cây tùng và bầu trời trong xanh lấp ló ở trên cao giữa các cành lá uốn cong. Ba cái bóng dịch chuyển đến đâu thì cái biên giới giữa một bên là các cành lá tùng đã được sắp đặt lại cho sáng sủa và bên kia là phần nguyên sơ còn lại với gam màu sẩm tối, dịch chuyển đến đấy. Để dễ hình dung, bạn hãy tưởng tượng hình ảnh ba con nhện bò trên một mạng nhện khổng lồ với hai nửa mạng hai sắc màu khác nhau. Nhìn họ, trong tôi lại hiện về hình ảnh mấy anh nhân công Nhật được trang bị như ra trận đến Sứ quán ta chỉ để cắt tỉa ba cây cao trong khuôn viên mấy tháng trước. Cũng giống như những người đã đến Sứ quán, ba con người lửng lơ tít trên các cành cây cao kia cũng nai nịt dây đai quanh người, trên đó gắn tua tủa nào kéo, nào cưa nhỏ, nào dây bảo hiểm, nào điện thoại, nào bi đông nước, nào bọc túi ni-lông để có thể thu gom từng chiếc lá tùng nhọn đã cắt vào đó kẻo chúng rơi xuống đất. Quan sát những động tác của họ với đôi tay thoăn thoắt, chọn lựa, tách bạch từng chiếc lá kim nhỏ nhọn, rồi từ tốn cắt bỏ như sợ cây đau… tôi chắc rằng, nếu bạn muốn nghiên cứu về sự vận động của cơ thể con người văn minh thời nay với mục tiêu tham khảo để thiết kế rô-bốt chẳng hạn, hoặc muốn tìm hiểu cái đẹp, cái cần mẫn, cái say sưa của người Nhật khi làm việc thì hãy lấy máy quay mà ghi lại cảnh tượng đó trong khoảng mươi phút. Đó sẽ là một tư liệu quý giá cho bạn quay chậm lại mà ngắm nghía, mà phân tích! Kết quả lao động của ba người thợ là tán cây đã được cắt tỉa và có dáng hình mới khác hẳn; cây tùng cổ như được thổi thêm hồn, trở nên thiền lặng và có phần linh thiêng hơn nhiều phần. Thiên nhiên đã đẹp là thế nhưng cần có thêm sự chăm chút, nâng niu của bàn tay con người thì mới trở thành tuyệt tác!
Đợi một người trong họ xuống nghỉ giải lao, tôi hỏi:
- Các bạn làm thế này phải mất bao lâu mới tỉa xong cây tùng này?
- Thưa Ngài hơn nửa tháng. Anh bạn Nhật trả lời. Bên cạnh thân cây “phốp pháp” của cây tùng cổ uốn khúc, anh trông dáng lại hơi khắc khổ nhưng ánh mắt thì rất linh lợi. Trả lời nhưng không mấy khi anh nhìn thẳng lâu vào tôi (đây cũng là cử chỉ tinh tế khi người Nhật tiếp xúc với khách lạ). Tôi tính nhẩm nếu một người làm sẽ phải mất ít nhất một tháng rưỡi.
Tôi hỏi đùa:
- Bạn có ngại vừa tỉa xong cả cây thì lá tùng đã kịp mọc lại như cũ không?
- Có chứ, sao Ngài Đại sứ hỏi đúng huyệt thế! Nhưng thưa Ngài, chắc chắn là cây tùng sẽ là cây tùng khác và giữ dáng lâu hơn sau khi chúng tôi cắt tỉa, bởi vì thời tiết trên núi cao như ở đây, các giống cây tùng bách phát triển vừa vừa thôi, không nhanh lắm. Hai là, chúng tôi đã cố gắng cắt tỉa đúng kỹ thuật, để kéo vào chỗ nào của cuống lá và cắt cành ở khúc nào là vừa. Và ba nữa, chúng tôi sẽ bón, phun những chất cần thiết để vừa chăm sóc vừa hãm bớt cây mọc nhanh.
Đến thế là cùng! Thôi, tôi không muốn chiếm đoạt thêm thời gian làm việc quý giá của anh bạn mới nữa; mình thì đi chơi, họ là những nghệ nhân đang lao lực cả cơ bắp lẫn trí tuệ.
Những làn gió nhè nhẹ trong lành thi thoảng thổi qua rì rào, phong cảnh tuyệt đẹp trên núi đồi Ky-ô-tô nơi miền Trung nước Nhật, ngôi đền cổ lấp ló sau cây tùng đồ sộ chắc đã hơn trăm năm tuổi với ba con người đang “lầm lủi” làm việc trong đó… - đối với tôi, tất cả, tất cả cảnh vật và những con người Nhật tạo nên bức tranh thủy mặc huyền ảo. Sau những ngày bề bộn công việc ở Thủ đô To-ky-ô, tôi cảm thấy mình được hưởng thụ tận cùng vẻ đẹp của cảnh vật và sự lao động của con người. Sau này tôi đã cố tìm hiểu để lý giải câu chuyện vì sao người Nhật đã chọn Ky-ô-tô làm Cố đô, phép phong thủy nào đã thu hút con người đến đó, vì sao cả giải đất từ Cố đô đến thành phố còn cổ kính hơn là Na-ra, nơi tồn tại một trong ba tượng Phật lớn nhất thế giới và dòng đạo Thiên lý với những nhà thờ to lớn được coi là “vành đai vàng”. Mức đồ sộ quá mức của nhiều công trình ở khu vực này làm tôi cứ băn khoăn: lấy đâu ra của cải và làm sao từ xa xưa người Nhật đã xây dựng được chúng? Rồi bạn cần vòng lên Ô-sa-ca - thành phố chính và to nhất ở vùng gần trung tâm nước Nhật được coi là cái rốn của “con ngựa vằn” trên bản đồ Nhật Bản. So sánh với Việt Nam mình, sự dời đô ở hai nước Việt, Nhật (hay nói đúng hơn là sự thay đổi thủ đô vì ở Nhật không có lịch sử Chiếu dời đô của Vua như ta) có nét tương đồng: cũng từ phương Nam lên phương Bắc. Chắc rằng, hai điạ danh Ninh Bình - “Hạ long trên cạn” và Ky-ô-tô đều có những yếu tố thiên-địa-nhân để trở thành Cố đô.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét