Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

TỪ CÁI ĐẬP BÀN Ở HỘI NGHỊ ĐẾN CHIẾC ÁO BÔNG MÀU GHI ĐÁ

 
 Nguyễn Thị Hồi
V
ào năm 1978, sau khi phòng Phiên dịch giải thể theo quyết định của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ của các vụ khu vực, tôi được về Vụ Tổ chức Quốc tế lúc ấy do bà Phan Thị Minh làm Vụ trưởng. Liên quan đến các diễn đàn đa phương lúc ấy có hai vụ là Vụ Vấn đề chung chuyên về các hoạt động ở Liên hợp quốc và vụ Tổ chức Quốc tế phụ trách tất cả các tổ chức chuyên môn và trực thuộc (trừ UNESCO). Trước đó một năm, vào năm 1977 Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc, bởi vậy năm 1978 là năm làm việc với các Tổ chức Quốc tế rất thuận lợi, đã có rất nhiều dự án được bắt đầu thực hiện trong thời gian này theo Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc giúp Việt Nam phục hồi sau chiến tranh. Tuy nhiên, sang năm 1979, sau khi ta giúp nhân dân Căm-pu-chia lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt thì nước ta vô cớ bị bao vây cấm vận hàng chục năm trời. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến quan hệ của Việt Nam với các Tổ chức Quốc tế, việc tranh thủ các dự án cũng hết sức khó khăn, dự án nào cũng bị vu cáo là Việt Nam dùng để đi “xâm lược” Căm-pu-chia, thậm chí có những dự án đã được thông qua rồi mà họ vẫn đưa ra khỏi danh sách. Thời kỳ này các tổ chức quốc tế lớn như UNDP(Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc), FAO (Tổ chức Khuyến Nông của Liên Hợp Quốc) PAM (Chương trình Lương thực Thế giới), ESCAP (Ủy ban kinh tế - xã hội khu vực Châu Á - Thái bình dương của Liên Hợp Quốc), UNICEP (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc), UNESCO (Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa)… thường bị chính trị hoá nên các dự án của ta bị “săm soi” rất nhiều. Trong bối cảnh đó ta đã biết khai thác được tính độc lập tương đối của các tổ chức này, kết hợp uyển chuyển giữa đấu tranh và tranh thủ, đưa ra các dự án mang tính nhân đạo thuần túy mà họ không thể bác bỏ được, tranh thủ tối đa viện trợ quốc tế như các dự án về dinh dưỡng cho trẻ em, các dự án về sinh đẻ có kế hoạch, bảo vệ sức khoẻ cho bà mẹ và trẻ em… Những dự án này khi được thực hiện tốt đã góp phần nới lỏng thế bao vây cấm vận đối với Việt Nam lúc bấy giờ đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề xã hội của nước ta.

 Trong thời kỳ này, tại các diễn đàn đa phương, đoàn Việt Nam còn có nhiệm vụ hỗ trợ cuộc đấu tranh bảo vệ quyền tự quyết của Căm-pu-chia. Chúng ta đều biết rằng sau năm 1979, tức là sau khi Việt Nam gửi quân tình nguyện sang Căm-pu-chia giúp nhân dân Căm-pu-chia lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt thì các lực lượng thù địch phối hợp cùng với nhiều nước phương Tây lên án Việt Nam là “xâm lược” và thực hiện bao vây cấm vận toàn diện với nước ta. Mặc dù biết chế độ Pôn Pốt là chế độ diệt chủng đã giết hại hàng triệu người dân Căm-pu-chia nhưng vì các toan tính chính trị đen tối họ vẫn không chịu thừa nhận nước Cộng Hòa Nhân dân Căm-pu-chia do ông Hêng Xom-rin làm Chủ tịch, coi đây là chế độ “bù nhìn” của Việt Nam. Họ kiên quyết duy trì chế độ Pôn Pốt, giữ ghế của bọn Pôn Pốt ở Liên Hợp Quốc và trên các diễn đàn quốc tế trong suốt gần mười năm, từ 1979 đến những năm 1989, 1990. Lập trường của chúng ta là không thừa nhận sự có mặt của đoàn Khmer đỏ, không thừa nhận vai trò “đại diện” của của họ ở các diễn đàn này, chúng ta bỏ ra khỏi hội nghị khi họ phát biểu, trong các phát biểu của mình chúng ta đều vạch rõ chân tướng diệt chủng của bọn này và kiên quyết đòi hội nghị không thừa nhận tư cách đại biểu của chúng, khi hội nghị kết thúc, chúng ta phải đấu tranh từng câu từng chữ để các lập trường của chúng ta được thể hiện đầy đủ trong các báo cáo và nghị quyết của Hội nghị. Đây là cuộc đấu tranh gay go phức tạp vì đứng sau các đoàn của Khmer đỏ bao giờ cũng là các đoàn của Trung Quốc, vì vậy cuộc đấu tranh càng trở nên khó khăn.
Làm việc ở Vụ Tổ chức quốc tế, tôi có nhiều dịp tham gia các đoàn đi dự các hội nghị quốc tế, có nhiều cơ hội được đào luyện để trưởng thành, học hỏi để hiểu biết về các Tổ chức Quốc tế. Tuy nhiên một mình “đơn thương độc mã” thì mãi đến năm 1982, khi đi dự Hội nghị Dân số và Phát triển của Châu Á và Thái bình dương do ESCAP tổ chức tại Cô-lôm-bô mới có dịp. Đây là lần đầu tiên tôi độc lập tác chiến và đã có những kỷ niểm thật khó quên. Nói độc lập tác chiến là vì tôi là người duy nhất chịu trách nhiệm về các vấn đề chính trị, còn Truởng đoàn là anh Trần Côn,Vụ trưởng Ban Văn Xã ở Ủy ban Kế hoạch, phụ trách về mọi vấn đề chính sách dân số và kỹ thuật.
Nhận nhiệm vụ này tôi rất lo lắng. Những lần tham dự các hội nghị khác, tôi chỉ là đoàn viên trong đoàn, đã có trưởng đoàn quán xuyến hết, mình chỉ lo làm cho tốt các phần việc được giao. Thường thì trưởng đoàn của tôi lúc ấy là bà Vụ trưởng Phan Thị Minh, luôn có trợ thủ đắc lực là anh Nguyễn Lương. Bà là một người phụ nữ đầy sức quyến rũ nhưng đồng thời cũng là một người thủ trưởng dày dạn kinh nghiệm trong đấu tranh ở các diễn đàn đa phương thời bấy giờ. Trong những dịp cùng đi công tác với bà tôi đã học được ở bà rất nhiều điều, từ việc tìm hiểu, chuẩn bị nội dung chính trị và các phương án đấu tranh khi tham gia hội nghị đến những chi tiết lễ tân trong quan hệ tiếp xúc nhằm tranh thủ cao nhất sự đồng tình ủng hộ của các đoàn khác… Lần này tôi được cử đi một mình thì tránh sao khỏi lo lắng. Trong thâm tâm tôi cũng rất tự hào về sự tin tưởng và tín nhiệm của lãnh đạo Bộ, cũng nghĩ rằng đây là dịp thử thách và để mình áp dụng những điều đã học được, nghĩ như thế nhưng thật tình thì rất lo lắng và hồi hộp.
Những ngày trước khi đi tôi tập trung vào việc chuẩn bị. Đúng như dự kiến, mặc dù đây là một hội nghị về chiến lược phát triển dân số của Liên Hợp Quốc, tức là một hội nghị mang tính kỹ thuật nhiều, nhưng đoàn Khmer đỏ vẫn tham dự và phát biểu trước đoàn Việt Nam. Như ở các diễn đàn khác, họ đã nhân cơ hội này để lên án Việt Nam là xâm lược. Sau đoàn Khmer đỏ, đoàn Trung Quốc cũng phát biểu và chỉ trích gay gắt Việt Nam xâm lược Căm-pu-chia. Lập tức tôi đăng ký phát biểu trả lời.
Sau ngày họp đầu tiên ấy, các đoàn tham gia hội nghị đều tỏ ra thông cảm và rất e ngại cho đoàn Việt Nam khi thấy đoàn chỉ có hai người, thường phải di chuyển từ Tiểu ban chính trị sang Tiểu ban chính sách để theo dõi và bao quát hội nghị. Hơn nữa trong con mắt của bạn bè dự hội nghị lúc ấy thì tôi chỉ là một thiếu nữ, một cô bé thì đúng hơn, có thể họ cho rằng tôi còn chưa có đủ kinh nghiệm trong đấu tranh về các vấn đề chính trị như thế. Họ càng e ngại hơn khi thấy đoàn Khmer đỏ tuy chỉ có ít người nhưng bên cạnh họ có đoàn Trung Quốc đông tới gần hai mươi người.
Đêm đến tôi trằn trọc không sao ngủ được. Tôi nghĩ rất nhiều đến những lập luận phản bác lại luận điệu của hai đoàn Khmer đỏ và Trung Quốc. Tôi lật đi lật lại để tìm ra những lý lẽ đanh thép và thuyết phục. Rồi tôi lại nghĩ mình phải làm thế nào để thể hiện được tư thế đàng hoàng của người có chính nghĩa, tư thế của người đã giúp nhân dân Căm-pu-chia lật đổ chế độ diệt chủng bị cả loài người lên án, thể hiện được thái độ kiên quyết không chấp nhận sự có mặt của Khmer đỏ tại Hội nghị. Tôi thầm nhủ sẽ nhất định không để tình thế đơn thương độc mã làm ảnh hưởng tới uy thế của đoàn Việt Nam. Cứ miên man với những ý nghĩ như vậy mà chẳng mấy lúc trời đã sáng, bên ngoài cửa sổ đã lảnh lót tiếng chim.
Tôi bước lên diễn đàn chững chạc, đàng hoàng, tà áo dài màu xanh ngọc bích lất phất bay theo bước đi. Tôi đã để công rất nhiều khi chọn chiếc áo này. Lúc đầu tôi định mặc chiếc áo màu hồng, sau tôi nghĩ màu hồng thì ấm nhưng hơi cứng rắn nên tôi đã chọn màu xanh ngọc bích tuy rắn rỏi nhưng thân thiện. Tôi khẽ mỉm cười với cử tọa đang theo dõi tôi, trong đó có cả đoàn Khmer đỏ và đoàn Trung Quốc. Tôi đã trình bày lập trường của Việt Nam bằng một thứ tiếng Anh đơn giản đến hoàn hảo, tôi không biết cái gì đã làm cho tôi có thể trình bày một cách rõ ràng và lưu loát đến thế trước sự ngạc nhiên của cử tọa. Càng trình bày tôi thấy mình càng nhập cuộc, nghĩa là tôi đã nói bằng cả tình cảm yêu ghét của mình. Khi tới đoạn lên án các tội ác diệt chủng của Khmer đỏ, tôi bất thình lình đập mạnh tay xuống bàn và nói rành rõi: Pôn Pốt đã làm được cái gì cho dân tộc mình? Không làm được cái gì cả trừ một việc là đã tiêu diệt gần hai triệu người của dân tộc mình. Chính vì vậy họ không có bất kỳ tư cách gì để nói về dân số chứ chưa nói gì đến chiến lược phát triển dân số! Những kẻ diệt chủng hoàn toàn không có tư cách để có mặt tai Hội nghi phát triển dân số này!.
Cái đập tay đã làm chiếc mi-crô hơi rung lên trước sự ngạc nhiên đầy thú vị của mọi người. Lúc đầu cử tọa lặng im vì bất ngờ nhưng sau đó có nhiều tiếng nói nhỏ xen lẫn tiếng cười có vẻ như đồng cảm.
Sau cái đập bàn ấy tôi xuống giọng và thong thả nói thêm: thưa ông Chủ tịch và các vị ngồi đây, các vị đều biết ai là người đã đứng sau cuộc diệt chủng đó. Khi phát biểu điều này tôi đã sẵn có phương án trả lời nếu có ai hỏi lại người đứng sau là ai. Tuy nhiên đoàn của họ cũng rất ranh ma, đã không đăng ký phát biểu trả lời để bị lộ diện trước hội nghị.
Sáng hôm sau, khi đến phòng họp, tôi thấy có ảnh của tôi được in rất to và treo trên bảng ngoài tiền sảnh với dòng tít: “Vấn đề nóng của hôm qua!”. Kết thúc phiên họp ra ngoài hành lang, bà Bộ trưởng, Trưởng đoàn Ma-lay-xia đã chủ động đến sát tôi và nói rằng: “Cô dũng cảm lắm!”. Đây là điều lý thú vì lúc đó các nước ASEAN còn rất “tích cực” lên án và cô lập Việt Nam.
Về sau này, mỗi khi nhớ lại kỷ niệm của lần đầu một mình tác chiến ấy, tôi luôn nghĩ rằng chính lòng tự tôn dân tộc, nỗi xót xa về sự hy sinh của bao chiến sỹ trong đó có người thân của mình đã cho tôi, một cô bé còn trẻ tuổi trong bộ áo dài tha thướt, có đủ dũng khí để có một cái đập bàn rất đúng lúc, ngoài kịch bản, trong một hội nghị quốc tế, trước hàng trăm cặp mắt theo dõi, thiện cảm có và cả thù địch cũng có.
Làm việc với các tổ chức quốc tế tại Việt Nam không phải lúc nào cũng thuận lợi, dễ dàng, nhất là trong những dự án mà họ có ý đồ của họ, còn ta phải đấu tranh để bảo vệ tối đa lợi ích của mình. Trong hoàn cảnh khó khăn lúc bấy giờ, chúng ta đã tranh thủ được,một số dự án rất quan trọng và thiết thực, ví dụ như dự án dinh dưỡng của PAM, dự án tiêm chủng mở rộng phòng chống sáu bệnh cơ bản ở trẻ em với UNICEF, dự án kế hoạch hóa gia đình với UNFPA...
Có một kỷ niệm mà tôi còn nhớ mãi về dự án kế hoạch hóa gia đình. Vào khoảng những năm 1985-1986, công tác dân số và sinh đẻ có kế hoạch làm rất tốt, cuộc vận động không chỉ bó gọn trong chị em phụ nữ mà đã được mở rộng ra tới các cơ quan đoàn thể như Thanh niên, Phụ nữ và cả Hội Nông dân. Các hình thức tuyên truyền vận động đã được đưa tới các đối tượng cụ thể khác như người chồng và cha mẹ chồng… Đi đôi với việc tuyên truyền vận động sinh đẻ có kế hoạch thì phải có biện pháp kỹ thuật. Trong bối cảnh đó, những người tham gia dự án bao gồm cả phía Việt Nam và phía Tổ chức Quốc tế nhất trí kiến nghị nên có một nhà máy sản xuất tại chỗ thay vì phải nhập rất nhiều bao cao su vào Việt Nam. Tuy nhiên, khi đi vào bàn bạc cụ thể các phương án xây dựng nhà máy thì mới biết phía bạn đã có chủ đích sẵn. Họ đề nghị chuyển một nhà máy cũ ở Nam Phi về Việt Nam. Đây là một tình huống bất ngờ do bạn có ý áp đặt cho ta. Ta đã đồng ý có một nhà máy làm bao cao su tại chỗ, nhưng yêu cầu của ta là phải có một nhà máy mới hoàn toàn với những công nghệ kỹ thuật tiến tiến, hiện đại. Đằng này bạn lại định đưa về Việt Nam một nhà máy cũ. Chúng tôi cho rằng bên cạnh thiện ý là thực hiện dự án về sinh đẻ có kế hoạch ở Việt Nam có thể bạn còn có những ý đồ gì khác, hoặc lợi ích của nhóm nào đó, nên mới có ý định áp đặt ta phải nhận một nhà máy cũ từ Nam Phi. Đành rằng dự án là phù hợp và cần thiết nhưng như thế không đáp ứng được yêu cầu của Việt Nam. Bởi lẽ đó, là người trực tiếp tham gia dự án, tôi đã kiến nghị không nhận nhà máy cũ. Ý kiến này đã được Bộ trưởng Y tế Phạm Song và Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh chấp nhận thành ý kiến chính thức của Việt Nam. Lúc đầu, phía bạn tỏ ra không hài lòng, cho rằng họ đã có thiện ý giúp đỡ mà Việt Nam còn kênh kiệu không chịu nhận. Tuy nhiên, trước thái độ kiên quyết của ta, trước những lý lẽ phải trái có sức thuyết phục, kể cả lốp-by một vài bạn bè thiện trí hỗ trợ, ta mới tránh được phi vụ này mà không ảnh hưởng tới quan hệ và các dự án khác.
 Đấu tranh ở các diễn đàn đa phương không phải chỉ có những vấn đề về chính trị hay về kỹ thuật như hai câu chuyện tôi vừa kể. Trong thực tế, khi đã nhập cuộc thì có không biết bao nhiêu tình huống bất ngờ đòi hỏi phải xử lý một cách tinh tế và khôn khéo, nhất là những chuyện thuộc về lễ tân. Vào tháng 12 năm 2000, Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam phối hợp với UNESCO và ESCAP của Liên hợp quốc đã tổ chức thành công Hội nghị phụ nữ các nước châu Á vì văn hóa hòa bình tại Hà Nội. Trước đó một năm, khi tôi đã làm Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia, trong một lần đi dự họp Đại Hội đồng, tôi thấy UNESCO tuyên dương việc các nước châu Phi đã tổ chức tốt Hội nghị phụ nữ vì văn hóa hòa bình ở châu Phi. Tôi thầm nghĩ phụ nữ các nước châu Phi làm được thì không lẽ nào phụ nữ các nước châu Á lại không làm. Tôi đem ý nghĩ đó ra trao đổi với trưởng Đại diện UNESCO tại Hà Nội, bà Ma-ri-a Đuy-răng, người ngoài công việc còn là người bạn thân thiết của tôi cho tới tận bây giờ. Bà Đuy-răng nhận thấy đây là một ý tưởng hay, nên làm, nhưng hỏi tôi lấy đâu ra kinh phí. Tôi nói kinh phí của UNESCO là để làm những việc như thế này, ngoài ra có thể vận động chỗ khác, ví dụ như vận động ESSCAP chẳng hạn. Bà trưởng Đại diện cười thiếu tin tưởng và nói rằng làm gì có chuyện ESCAP tài trợ cho một hội nghị của UNESCO như thế này. Bà không biết rằng vì đã sẵn có mối quan hệ công việc rất tốt từ trước nên khi tôi đưa ý kiến ra thì ESCAP đồng ý ngay và sẽ cùng tài trợ cho hội nghị. Việc chuẩn bị hội nghị được tiến hành ráo riết và chu đáo. Lễ khai mạc được tổ chức hoành tráng với sự tham gia của 35 nước trong khu vực và một số tổ chức NGO (Phi chính phủ) gồm 150 đại biểu trong và ngoài nước. Khách danh dự có bà Nguyễn Thị Bình, bà Trương Mỹ Hoa, bà Nguyễn Thị Tâm Đan, bà Nguyễn Thị Hằng... Đáng lưu ý nhất là trong số đại biểu chính thức của Việt Nam, ngoài số chị em ở trung ương, còn có đại diện một số tỉnh trong cả nước, đa số là từ vùng sâu vùng xa. Tối hôm đó là một ga-la đin-nơ (dạ tiệc trang trọng và thân mật, khách vừa ăn vừa xem ca nhạc) do Bộ truỏng Nguyên Dy Niên và phu nhân chủ trì. Phía Việt Nam có các vị lãnh đạo thành phố Hà Nội và các bộ ban ngành khác, phía UNESCO có đủ cả, từ Chủ tịch Đại Hội đồng, nhà văn kiêm họa sỹ người Tiệp bà Mô-se-rô-va Giô-rô-xla-va, Chủ tịch Hội dồng chấp hành bà Mê-ni-et-ta Đờ Ba-đa-ru và Tổng giám đốc UNESCO là người Nhật Bản ông Ma-su-u-ra Kôi-chi-rô cùng toàn thể đại biểu dự Hội nghị.
Khi bữa tiệc vừa mới bắt đầu, tôi thấy bà Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam đứng lên, rời bàn tiệc của mình đi về phía bàn tiệc của lãnh đạo, ở đấy có bà Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO đang ngồi. Thì ra bà này đến chào bà Chủ tịch. Tôi thực sự ngạc nhiên khi được biết bà Chủ tịch hỏi bà Trưởng Đại diện:
- Bà có biết tôi là ai không?
- Dạ tôi có biết, thưa bà.
- Bà có biết tôi à, vậy tại sao từ lúc tôi tới Hà Nội đến giờ tôi chưa thấy bà, bà ở đâu?
Vì không để ý hết câu chuyên, khi quay lại đã thấy bà bạn chạy vút ra ngoải. Tôi nghĩ thế là có chuyện rồi. Tôi liền chạy theo vào toa-lét thì thấy bà này đang khóc. Thấy tôi, bà vừa sụt xịt vừa nói:
- Tôi chưa bao giờ gặp tình huống như thế này. Chẳng qua vì bà Chủ tịch đổi giờ bay, vì phải dự phiên khai mạc nên tôi không kịp đi đón và tặng hoa bà ấy. Chưa bao giờ tôi thấy mình bị xúc phạm như hôm nay.
Tôi tranh thủ động viên, an ủi bà ấy. Tôi khuyên bà nên lau sạch nước mắt rồi đi về bàn tiệc, coi như không có chuyện gì xẩy ra, mọi việc sẽ để dàn xếp sau. Bà ấy đã nghe theo tôi và đi về bàn tiệc như không có chuyện gì. Thế là tôi biết được trong nội bộ bạn cũng rất coi trọng chuyện lễ tân và thứ bậc lắm. Hiểu rõ tình huống ấy, trong suốt những ngày hội nghị, tôi đã chỉ đạo anh chị em hết sức chú ý. Hàng sáng, khi đem tài liệu hội nghị đến cho mọi người thì bao giờ cũng đem đến cho bà Chủ tịch trước. Bao giờ cũng thay hoa ở phòng bà Chủ tịch trước và bao giờ cũng có một bông thật đẹp, thật xinh nổi trội so với những bó hoa khác. Lúc đó là mùa đông Việt Nam nên tôi quyết định tặng mỗi bà Chủ tịch một áo bông trần truyền thống bằng nhung và lụa tơ tằm Việt Nam. Khi chuẩn bị đặt làm, tôi cũng phải cất công tìm hiểu xem các bà thích màu gì. Tôi đã đặt làm riêng cho bà Chủ tịch Đại Hội đồng, người số 1 về thứ bậc, một chiếc màu ghi đá là màu bà rất thích. Bà Chủ tịch đã cảm nhận được những chăm sóc chi tiết nhưng chu đáo ấy. Bà đã tỏ ra rất hài lòng trong suốt những ngày hội nghị và câu chuyện với bà Trưởng Đại diện vì thế cũng trở nên nhẹ nhàng hơn, hai người đã thoải mái và thông cảm nhau hơn, mọi bức xúc đã được giải tỏa trước khi bà rời Hà Nội.
Thực ra, những việc làm tỉ mẩn và chi tiết ấy có thể rất dễ bị bỏ qua, và nếu nó có bị quên đi thì cũng chẳng ai phải chịu trách nhiệm cả. Tuy nhiên, đấy lại là những việc làm mà tôi đã học được từ vị thủ trưởng của tôi ở Vụ Tổ chức quốc tế, bà Phan Thị Minh. Nói một cách nôm na bình thường thì đó là những cử chỉ chu đáo, nhưng nghĩ sâu xa ra thì tôi lại thấy nó đều bắt nguồn từ lòng mong muốn làm tốt nhất công việc của mình, lòng mong muốn đạt được hiệu quả cao nhất từ những việc làm tưởng như nhỏ nhất.

1 nhận xét:

  1. Đúng là NGOẠI GIAO CŨNG RẤT CẦN KHÔN KHÉO ,MƯU TRÍ & DŨNG CẢM ! XIN NGẢ MŨ TRƯỚC BÀ NGUYỄN THỊ HỒI !

    Trả lờiXóa