Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Chuyện làm hè đường

Nguyễn Tâm Chiến
(Tiếp theo kỳ trước)



 T

hường trước khi trình Thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước lên Nhật hoàng, các Đại sứ đều có thời gian ít nhất hai tuần làm quen với môi trường sống mới và tiến hành các công việc chuẩn bị cho việc mở đầu “chức trách chính thức”.Trong hai tuần lễ đó, ngoài mấy “bài tập” để chuẩn bị cho nghi lễ trình Thư ủy nhiệm do Bộ Ngoại giao Nhật hướng dẫn (tôi xin kể sau), tôi tranh thủ dạo quanh phố phường Tô-ky-ô.

Một hôm trên đường đi về phía Hoàng Cung, tôi thấy một tổ thợ gồm ba người Nhật đang xây lại thành hè phố. Nhìn họ tôi không còn thấy trang bị đầy người như mấy người thợ cắt tỉa cây trong Đại Sứ quán đã kể ở đoạn trên, nhưng cũng đủ nhận ra những phương tiện hiện đại: máy đo khoảng cách và ngắm đường thẳng, máy đo độ thăng bằng. Cả ba cặm cụi làm việc, không để ý gì đến người qua lại. Người sử dụng máy đo, máy ngắm chắc là tổ trưởng và chỉ huy, hai người kia là thợ xây cứ theo lệnh của tổ trưởng mà đặt những viên gạch thẳng hàng, đúng hướng và nhất là độ cao theo máy ngắm. Nhìn từ xa, đoạn đường hè mà họ đã làm xong thật đẹp mắt. Xong đến đâu sạch sẽ và tươm tất đến đó.


Vấn đề chất lượng công trình không biết có liên quan gì đến tốc độ và kế hoạch hoàn thành không, nhưng thưa bạn đọc, tôi cũng hơi choáng vì sau gần 2 tiếng đồng hồ, khi tôi quay lại trên đường về Sứ quán thì thấy nhóm thợ mới tiến thêm được có không đầy… hai mét! Vẫn hình ảnh cặm cụi, ngắm nghía, xê dịch cẩn trọng từng viên gạch cho thật đúng vị trí và độ bằng phẳng theo máy ngắm, không sai một ly nào theo nghĩa đen của từ đó. Tôi lại trộm nghĩ, với “người nhà Choa” thì xong béng cả đoạn đường dài rồi, có chi mà làm chậm rứa! Bị thôi thúc do thắc mắc, tôi hỏi đồng chí lái xe Sứ quán:

- Có gì mà họ làm quá cẩn thận vậy cậu?

- Dạ thưa anh, người Nhật rất nghiêm chỉnh trong mọi việc, ngay trong việc xây hè đường họ hết sức chú ý độ cao và độ phẳng vì đơn giản là nếu chỉ cần một viên gạch đặt cao quá mức một tí hay không thẳng với vỉa hè thì có thể làm hỏng “pa-ra-sốc” mỗi khi có ô tô lùi hoặc đậu dọc đường, mà Nhật là đất nước của ô tô, đất chật người đông nên ô tô chủ yếu đậu ngoài đường. Báo cáo anh biết (anh lái xe tôi quá trịnh trọng với sếp mới, cứ thưa gửi, “báo cáo”, “báo cáo” liên tục!), đi thành phố nào hay bất cứ vùng nông thôn nào em cũng thấy vậy, kích thước, độ cao của hè đường đều thế cả, có lẽ chỉ có màu gạch còn có thể khác nhau!

- Ghê thật, chi tiết và quy củ thế cũng là “tận cùng” rồi nhỉ? Tôi bình phẩm và nhớ lại “luật tuân thủ tiêu chuẩn hóa”trong lý thuyết máy mình được học hồi nào, cái đuôi ô-tô lùi vào hè đường thì cũng khác gì hai chi tiết máy lắp vào nhau, chúng cũng phải “vừa khớp” vào nhau chứ? Và cái độ cao tối đa của hè đường không biết có liên quan gì đến độ thấp nhất của “pa-ra-sốc” khi thiết kế tất cả các loại xe ô-tô không (vì thuộc sự quản lý của hai nghành khác nhau mà)!.

Hôm đó tôi chỉ dạo quanh thành phố một thoáng vậy thôi nhưng đã thấm thía một cái gì đó rất khác biệt về đất nước và con người Nhật Bản.

1 nhận xét: