Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Nhớ lần bầu cử ở Campuchia



Nguyễn Văn Vụ,
Nguyên Tham tán Chính trị Sứ quán Việt Nam tại Campuchia.

Nhân cuộc bầu cử quốc hội Campuchia vừa qua, xin có đôi lời về những lần bẩu cử mà tôi từng chứng kiến :
         
Cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên :
Tháng 5/1993, lần đầu tôi đi công tác nhiệm kỳ tại Sứ quán ở Phnôm Pênh, thời điểm đó Campuchia đã đi vào giải pháp chính trị, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc (UNTAC) đến giám sát tổ chức Tổng tuyển cử ở Campuchia, tình hình đấu tranh giữa các phe phái và lực lượng chính trị ở Campuchia rất phức tạp, nên trước khi tôi đi nhiều người đều cảm thấy ái ngại, khi chia tay đều chúc tôi gặp may mắn và chia sẻ sự cảm thông, nhưng tôi đã có thời gian sống ở Campuchia từ sau ngày 7 tháng giêng năm 1979 nên rất vững tâm lên đường làm nhiệm vụ.

Tôi đến Phnôm Pênh chỉ ít ngày trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử lần đầu ở Campuchia do lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc tổ chức vào tháng 5/1993, đây không chỉ là cuộc tổng tuyển cử lần đầu với Campuchia mà cũng là lần đầu tiên có cuộc bầu cử như thế này ở khu vực Đông Nam Á. Ở Phnôm Pênh lực lượng UNTAC rải khắp nơi trong thành phố, đủ các thành phần đến từ các nước trên thế giới, da đen, da trắng, da vàng đủ loại, nói đủ thứ tiếng, lực lượng này được bố trí đến từng cơ sở đơn vị bỏ phiếu để tổ chức giám sát, các đảng chính trị ở Campuchia đều vận động tranh giành cử tri theo cách riêng của mình, sử dụng hết khả năng, mưu sách để giành phần thắng. Trước đó luật bầu cử được công bố, theo đó quy định số nghị sỹ Quốc hội Campuchia là 120 người, tiến hành bẩu cử phân chia theo tỷ lệ ở từng khu vực, kết quả căn cứ vào tỉ lệ cử tri bỏ phiếu cho từng đảng. Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) khi đó có lợi thế hơn vì đã nắm quyền lãnh đạo đất nước từ trước, có cơ sở từ Trung ương đến địa phương, nắm được lực lượng quân đội, công an, nên lạc quan và tin tưởng giành thắng lợi, tôi nhớ buổi trưa hôm diễn ra bầu cử, tiếp xúc với một số quan chức CPP họ rất lạc quan nói với tôi rằng CPP nhất định thắng.
Ngày tổ chức bầu cử diễn ra trong trật tự, cử tri bắt đầu đi bỏ phiếu tại các điểm bỏ phiếu trên cả nước từ lúc 07giờ sáng và kết thúc vào lúc 17giờ00 cùng ngày, dưới sự giám sát chặt chẽ của lực lượng UNTAC, lực lượng an ninh và quân đội Campuchia. Buổi tối, kết quả bầu cử lần lượt được công bố trên đài truyền hình và đài phát thanh, mọi người đều hồi họp chờ đợi, kết quả sơ bộ được công bố vào sáng ngày hôm sau cho thấy Đảng CPP chỉ đạt 46%, Đảng FUNCINPEC của Hoàng thân Ra-na-rith, con trai Quốc vương Si-ha-núc làm chủ tịch đạt 49%, số còn lại thuộc đảng đối lập Sam-riang-sy và đảng Son San, các đảng khác không được ghế nào. Ngay lập tức Đảng CPP lên tiếng tổ cáo cuộc bầu cử không công bằng, có gian lận, đánh tráo hòm phiếu, không công nhận kết quả, đòi kiểm phiếu lại, thậm chí đòi bầu cử lại ở một số khu vực, trong khi đó các tổ chức quan sát bầu cử quốc tế cho rằng cuộc bầu cử diễn ra tự do, công bằng, dân chủ và kết quả chấp nhận được. CPP kiên quyết đấu tranh làm cho tình hình trở nên bế tắc, theo luật bầu cử thì 60 ngày sau bầu cử Quốc hội mới phải họp phiên đầu tiên tuyên thệ trước Quốc vương và thành lập Chính phủ mới, nếu không sẽ phải tổ chức bầu cử lại. Tình hình lúc này LHQ không muốn bầu cử lại, các đảng tuy vậy cũng không muốn vì rất tốn kém, Đảng CPP đồng thời với việc đấu tranh dư luận cũng tìm kiếm thỏa thuận riêng với Si-ha-núc lúc này với tư cách vừa là Quốc vương vừa là Chủ tịch Hội đồng Dân tộc tối cao Campuchia (SNC) về phân chia quyền lực trong Quốc hội và Chính phủ mới, thế rồi một công thức được Si-ha-núc đưa ra : Quốc hội sẽ do ông Heng Sam Rin làm chủ tịch, Chính phủ do Hoàng thân Ra-na-rith  và ông Hun Sen đồng Thủ tướng, các phó Thủ tướng và các Bộ trưởng chia đều cho CPP và FUNCINPEC, đảng đối lập Sam Riang Sy cho một hai ghế cấp thứ trưởng, mặt khác sẽ thành lập cơ quan Thượng viện do ông Chea Sim làm chủ tịch, với CPP thế là chấp nhận được vì mục tiêu vẫn duy trì được quyền lãnh đạo và bảo tồn lực lượng.
Sau đó Quốc hội và Chính phủ mới được thành lập, cơ quan Thượng viện cũng ra đời, khai thông bế tắc chính trị ở Campuchia, lực lượng UNTAC hoàn thành nhiệm vụ rút khỏi Campuchia. Quốc hội mới đi vào hoạt động, thông qua Hiến pháp mới trong đó xác định Campuchia là nước quân chủ lập hiến, Vua trị vì nhưng không nắm quyền, theo chế độ chính trị đa nguyên đa đảng, kinh tế thị trường tự do. Tuy nhiên, các lực lượng chính trị ở Campuchia còn tham vọng, nhất là lực lượng của đảng FUNCINPEC do Ra-na-rith đứng đầu đã liên kết với đảng đối lập của Sam Riang Sy chống lại CPP. Cuộc đấu tranh diễn ra ngày càng phức tạp, căng thẳng dẫn đến cuộc nổ súng đối đầu giữa lực lượng vũ trang của Ra-Na-Rith và lực lượng vũ trang của CPP vào tháng 7/1994, trong cuộc đụng độ này, lực lượng của ông Hun Sen đã đập tan âm mưu dùng lực lượng quân sự gây bạo loạn chống CPP của FUNCINPEC, tiêu diệt và bắt một số chỉ huy và binh lính của FUNCINPEC làm cho Quốc vương Si-ha-núc phải can thiệp xin ân xá cho một số quan chức FUNCINPEC dính líu đến sự kiện này. Tình hình sau đó tạm thời dịu đi nhưng mất lòng tin và mâu thuẫn giữa CPP và FUN trở nên sâu sắc. Từ sau sự kiện này, CPP giành lại thế chủ động, giữ vững vai trò lãnh đạo và nâng cao uy tín của mình trên chính trường Campuchia, tiếp tục củng cố xây dựng lực lượng chuẩn bị cho cuộc đấu tranh quyền lực trong các nhiệm kỳ Quốc hội tiếp theo.

Cuộc bẩu cử Quốc hội khóa III :
Tôi trở lại Campuchia công tác nhiệm kỳ hai vào tháng 11/2003 khi Campuchia vừa tiến hành xong cuộc bầu cử Quốc hội khóa III, cuộc bầu cử này CPP thắng áp đảo, nhưng chưa đủ 2/3 số ghế theo luật định để một mình thành lập Chính phủ mà vẫn phải chọn đảng FUNCINPEC là đối tác liên minh. Qua hai nhiệm kỳ đấu tranh giữ vững quyền lãnh đạo trong bối cảnh đất nước đa nguyên chính trị, đảng CPP đã rút ra được nhiều bài học, nhất là đấu tranh với các đảng chính trị khác và đã có những bước đi vững chắc đảm bảo giành thắng lợi. Tuy nhiên cũng có những khó khăn mới nảy sinh từ nội bộ, trong việc bố trí cán bộ chủ chốt vào các vị trí quan trọng của Chính phủ và Quốc hội, mặt khác lực lượng đối lập tuyên truyền kích động chia rẽ CPP, làm cho nội bộ CPP có lúc tưởng như bị phân hóa. Tình hình Campuchia diễn biến phức tạp, khó lường và do không nắm bắt được tình hình thấu đáo, đầy đủ diễn biến ở Campuchia khiến cho hai vị đứng đầu thứ nhất và thứ hai Sứ quán ta phải về nước trước thời hạn. Nhưng rồi tình hình Campuchia cũng đi vào ổn định, với tài thao lược, tính quyết đoán của ông Hun Sen đã đưa Campuchia trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của các nước, vai trò Hun Sen ngày càng nổi lên cả trong nước và trên trường quốc tế, điều đó thể hiện ở việc trước mỗi cuộc bầu cử, Đảng CPP đều ra nghị quyết ủng hộ ông Hun Sen làm Thủ tướng khi thắng cử.
Thời gian công tác ở Campuchia tôi có dịp tiếp xúc nghe ông Hun Sen nói và chứng kiến những việc ông làm cho thấy những điều mà hai vợ chồng nhà báo độc lập ông Harish C.Mehta và bà Julie B.Mehta viết về Hun Sen trong cuốn sách mang tựa đề “Hun Sen người hùng của Campuchia” quả là không sai. Ông Hun Sen thường nói rất hay xem phim Trung quốc, nhất là phim Tam quốc, phim dã sử...và học được nhiều bài học từ những phim này như cách dụng binh, kế sách xoay chuyển tình thế, lợi dụng các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, có thể thấy những điều đó được ông Hun Sen vận dụng ở Campuchia, như duy trì chế độ quân chủ có Vua trị vì nhưng không nắm quyền để vô hiệu hóa, khuyến khích Vua cha Si-ha-núc thoái vị nhường ngôi cho con trai Si-ha-mô-ni lên ngôi để dễ bề sai khiến, từng bước loại Norodom Ra-Na-Rith, Norodom Sê-ri-vút và một số nhân vật khác của Hoàng tộc ra khỏi vũ đài chính trị. Với lực lượng đối lập, ông Hun Sen làm cho Sam Raing Sy phải ra tòa xét xử, chạy ra sống lưu vong ở nước ngoài. Ông tuyên bố với các quan chức Chính phủ rằng tôi là người đưa các vị lên thì tôi cũng sẽ đưa các vị xuống nếu thấy cần thiết. Ông Hun Sen cũng thường nói những lý luận chính trị học ở Việt Nam là cơ sở để vận dụng thực tế ở Campuchia, thế mới thấy ông Hun Sen khôn ngoan đến chừng nào.
Ở nhiệm kỳ này tôi còn chứng kiến hai cuộc bầu cử Thượng viện khóa II và bầu cử Quốc hội khóa IV, diễn ra vào năm 2007-2008. Quan sát hai cuộc bầu cử này từ khi bắt đầu đến kết thúc cho tôi một cái nhìn đầy đủ và toàn diện hơn về một cuộc bầu cử ở một nước tự do đa đảng, từ việc tuyên truyền vận động tranh cử, lôi kéo cử tri của các đảng chính trị, vai trò của Ủy ban bầu cử quốc gia và nhất là tháng cao điểm vận động tranh cử diễn ra hết sức rầm rộ, các đảng tranh cử huy động phương tiện, lực lượng cử tri ủng hộ của mình tổ chức tuần hành rầm rập khắp các đường phố và các tỉnh thành, tuyên truyền kêu gọi cử tri ủng hộ bỏ phiếu cho mình, có ngày hàng vạn người của các đảng kéo nhau cùng đi diễu hành làm tắc nghẽn giao thông, nhưng không hề xẩy ra sự cố gì. Trên các phương tiện truyền thông đài truyền hình, đài phát thanh cả Chính phủ và tư nhân đều tập trung tuyên truyền vận động bầu cử, trên đài truyền hình phát các chương trình đối thoại trực tiếp công khai cho các đảng tuyên truyền, vận động cử tri theo đúng luật bầu cử, nếu đảng nào vi phạm bị phạt tiền, luật bầu cử quy định cấm không được nói xấu lãnh đạo các đảng trên phương tiện truyền thông, có đảng vi phạm đã bị phạt tiền tới hàng chục triệu Real. Kết quả cuối cùng được thể hiện bằng số phiếu cử tri bầu cho mỗi đảng, kể từ cuộc bầu cử Quốc hội khóa II đến nay Đảng CPP đều giành số phiếu cao nhưng chưa lần nào đủ số ghế để một mình thành lập Chính phủ. Để khắc phục điều này, luật bầu cử đã được sửa đổi quy định việc giành 2/3 tổng số đại biểu bằng công thức 50+1 trong cuộc bầu cử thì được quyền thành lập Chính phủ.
Đảng đối lập của Sam Raing Sy, tuy “lên bờ xuống ruộng” nhưng vẫn tồn tại và phát triển, thể hiện trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa V vừa qua đã liên minh với đảng Nhân quyền của Kem Sô Kha với cái tên mới là Đảng cứu nguy Campuchia và giành chiến thắng ngang ngửa với CPP (68/55), trở thành đối thủ không thể xem thường và là thách thức lớn đối CPP, phải chăng đó là xu thế ở một nước thực thi đa nguyên chính trị, chặng đường khó khăn mới lại tới với CPP./.


3 nhận xét:

  1. Những thông tin của anh rất bổ ích,khiến người buôn bán rau như em cũng phải cố đọc đi đọc lại vài lần.

    Thế mới biết làm chính trị cũng khó hơn buôn rau thật.

    Ghế của ông HUNXEN và quyền lãnh đạo của đảng ông sẽ vững như bàn thạch nếu ông và đảng ông một lòng một dạ với quốc gia,dân tộc Khme,còn nếu ông và một bộ phận lãnh đạo của đảng tham nhũng,ra sức vơ vét,vì lợi ích riêng, làm mất lòng dân,thì vị trí của ông ấy cũng cái đảng CCP cũng sẽ bị dân phế,đúng không ạ?

    Cạnh tranh để SINH TỒN và cạnh tranh mới phát triển được. Quy luật của TỰ NHIÊN và xã hội loài người nhiều ngàn năm đều chứng minh điều đó.Nhiều người bảo rằng ông HUNXEN đã lựa chọn ĐÚNG,chứ không như một cá nhân nào đó từng nói: CPP chưa ai đánh đã đầu hàng!

    Anh tha lỗi cho kẻ xó chợ đã bàn chuyện viển vông.(tính em tò mò).
    Kính chúc anh cùng toàn gia BÌNH AN.!

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa