Bảo Trâm, Chinhphu.vn
Trong 4 năm sống và làm việc tại Myanmar, Đại sứ Việt Nam tại Myanmar
Chu Công Phùng không chỉ được chứng kiến đất nước Chùa Vàng có những
thay đổi “ngoạn mục” được cả thế giới quan tâm mà còn cùng cán bộ,
nhân viên trong sứ quán và cộng đồng người Việt tại Myanmar chia sẻ
những khó khăn, niềm vui trước sự phát triển không ngừng trong quan hệ
giữa hai nước.
Nhiều người vẫn còn ấn tượng trước
khả năng “trình bày hoàn cảnh” bằng thơ của Đại sứ Chu Công Phùng trong chuyến
thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Myanmar (tháng 4/2010), và chuyến thăm
của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 11/2012).
Ngũ khổ và ngũ
hỉ
Có thể nói đại sứ quán Việt Nam ở
Myanmar (đóng ở Yangon) là sứ quán phải di chuyển xa nhất mỗi khi có công
chuyện cần giao thiệp ở Thủ đô Nay Pyi Taw với khoảng cách lên đến 500 km, mất
khoảng 2 ngày. Vì vậy, Bộ Ngoại giao đã đặc cách cho phép Đại sứ quán
Việt Nam tại Myanmar được mua chiếc xe ô tô Prado có 2 bình xăng chuyên
phục vụ các chuyến công cán lên Thủ đô Nay Pyi Taw.
Trong sinh hoạt hàng ngày tại
Yangon, cũng như các Đại sứ quán khác, Đại sứ quán Việt Nam nhiều năm
nay phải dùng nước giếng khoan tự lọc, chứa nhiều tạp chất dễ gây
dị ứng da, rụng tóc, nhất là đối với chị em phụ nữ và các cháu
nhỏ. Nhưng khó khăn lớn nhất là thiếu điện sinh hoạt và làm việc,
hầu như ngày nào TP cũng cúp điện một vài lần nhất là về mùa hè.
Các Đại sứ quán và Tổ chức
quốc tế đều phải sử dụng máy phát điện cỡ lớn để tự cung cấp
điện làm việc và sinh hoạt. Những ngày hè oi bức mất điện, cả dãy
phố quanh Đại sứ quán Việt Nam giống như một khu công nghiệp luôn ầm ì
tiếng máy nổ.
Đã khó thì khó mọi bề, công nghệ
và dịch vụ viễn thông của Myanmar mấy chục năm qua thuộc loại lạc
hậu nhất Đông Nam Á. Sử dụng internet và điện thoại di động ở Myanmar lâu
nay được coi là “xa xỉ” với giá dịch vụ đắt đỏ vả kết nối rất khó khăn. Các
doanh nhân Việt Nam sang Myanmar làm ăn thường nói vui với nhau là sau khi
đến Yangon coi như “mất tích” luôn” vì rất khó liên lạc được với người thân
trong nước bằng điện thoại và internet.
“Nhập gia” tất yếu phải “tùy tục”,
trong điều kiện công tác và sinh hoạt khó khăn như vậy, tập thể cán bộ, nhân
viên Đại sứ quán luôn là một khối đoàn kết, động viên nhau chủ động tích cực
thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Từ việc biên tập và xuất
bản 2 cuốn sách “Myanmar – Lịch sử và Hiện tại” và “Kinh doanh tại
Việt Nam và Myanmar – Những điều cần biết” (NXB Chính trị quốc gia 2011)
đến tham gia cuộc triển lãm hội chợ Việt Nam, các cuộc Hội thảo giao thương quy
mô lớn và các Dự án đầu tư trực tiếp của Việt Nam lần lượt được Chính phủ
Myanmar cấp giấy phép...
Tháng 4/2010, hãng Hàng không
Vietnam Airlines đã nối đường bay thẳng Hà Nội – Yangon, tiếp theo là TP Hồ Chí
Minh – Yangon.
Đầu tháng 4/2010, Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng thăm chính thức Myanmar, hai nước ra Tuyên bố chung hợp tác trong 12
lĩnh vực kinh tế.
Ngày 2/4/2010, Thủ tướng và đoàn
đại biểu nước ta tới thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Yangon. Được Thủ tướng
khích lệ, Đại sứ Chu Công Phùng đã thay mặt toàn thể cán bộ nhân viên Đại sứ
quán trình bày với Thủ tướng và đoàn đại biểu về “hoàn cảnh” và “niềm vui” bằng
2 bài thơ vui “Ngũ khổ” và “Ngũ hỉ”:
Ngũ khổ
Thứ nhất,
xài nước giếng ngầm
Thứ hai, máy
nổ ầm ầm đinh tai
Thứ ba,
đường xá quá dài
Lên Thủ đô
mới mất hai ngày liền
Thứ tư, vắng
vẻ ưu phiền
Visa thưa
thớt, miệt vườn trống không
Thứ năm, vợ
đợi con trông
Điện thoại
tậm tịt, viễn thông mịt mù.
*****
Ngũ hỉ
Mừng thay hơn
một năm qua
Quan hệ Việt –
Miến đã hòa sắc xuân
Máy bay bốn
chuyến một tuần
Roamming điện
thoại đã gần như ta
Đầu tư vang
tiếng gần xa
Mười hai lĩnh
vực thương gia Việt vào
Sứ quán vui
sướng nghẹn ngào
Được đón Thủ
tướng vui nào vui hơn.
Trước khi rời Đại sứ quán,Thủ tướng
còn ân cần động viên, căn dặn cán bộ, nhân viên Đại sứ quán nhiều việc cần làm
tiếp theo.
"Khổ tận
cam lai"
Hai năm sau, cuối tháng 11/2012,
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước
tới Myanmar trong bối cảnh quan hệ hai nước đã có nhiều bước phát triển mới.
Ngày 1/12/2012, Chủ tịch nước và
phu nhân cùng đoàn đại biểu đến thăm Đại sứ quán và cộng đồng người Việt tại
Yangon. Cũng dịp này Đại sứ Chu Công Phùng đã bổ sung thêm bài thơ Bát hỉ:
|
Máy bay chục
chuyến mỗi tuần
Yangon – Hà
Nội thấy gần lắm sao
Doanh nhân, du
lịch ào ào
Hội chợ tấp
nập kẻ vào người ra
Đầu tư đã rõ
lối ra
Kim ngạch
thương mại đang đà tăng cao
Viễn thông,
khách sạn, mỏ đào
Ngân hàng,
Dầu khí chỗ nào cũng vui
Cộng đồng
chia ngọt xẻ bùi
Sinh viên, sư
sãi mài dùi bút nghiên
Việt – Miến
tình nghĩa vô biên
Phật độ hợp
tác cơ duyên đã từng
Cấp cao thăm
viếng không ngừng
Sứ quán tất
bật, vui mừng xiết bao.
Trong buổi gặp mặt tràn ngập
không khí chân tình thân mật. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói vui với tôi: “Tám
hỉ trừ năm khổ, còn dư ba hỉ. Đại sứ quán có vốn lớn rồi. Chúc mừng các
đồng chí”.
Ngày 18/12/2012, chính phủ
Myanmar đã tổ chức Lễ ký kết hợp đồng xây dựng giữa Bộ Khách sạn
và Du lịch Myanmar và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai về việc Tập đoàn
Hoàng Anh Gia Lai đầu tư xây dựng Tổ hợp khách sạn 5 sao và các công
trình trung tâm thương mại, dịch vụ… trị giá 300 triệu USD tại trung
tâm Thành phố Yangon với tổng diện tích 8 ha.
Nhiều bạn bè Myanmar gọi điện
chia vui với Đại sứ quán và đều khẳng định, đây là một bông hoa tươi
thắm trong vườn hoa hợp tác hữu nghị Việt Nam - Myanmar.
Đại sứ Chu Công Phùng cùng cán bộ,
nhân viên Đại sứ quán Việt Nam càng vui mừng và tự hào hơn khi cuối năm
2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tặng Bằng khen cho tập thể
cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar về những thành
tích ngoại giao kinh tế mà chúng tôi đã phấn đấu đạt được trong 4 năm
qua.
Bảo
Trâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét