Có thể nói Milo Roten là một người
có tấm lòng nhân đạo quốc tế cao cả. Thật vậy, sinh ra tại Thụy Sĩ, Ông học ngành sư phạm và từng
có thời gian làm giáo viên tại đây. Nhưng sau đó, ông đã đến Đức sinh sống
trong một thời gian dài, làm việc cho tổ chức từ thiện terre des hommes (viết
tắt là tdh) mà trọng tâm là giúp đỡ trẻ em. Hình ảnh những trẻ em Việt Nam
bị thương nặng vì chiến tranh được đưa sang điều trị tại Trung tâm sư phạm
của tdh ở Bad Oeynhausen (Tây Đức) đã để lại trong Ông lòng trắc ẩn và
thương cảm đặc biệt như Ông nhiều lần tâm sự. Cuộc đời và sự nghiệp của
Milo Roten bắt đầu gắn với Việt Nam từ đó. Công việc chủ yếu của Ông ở tdh
là phụ trách các dự án nhân đạo từ thiện tại miền Nam Việt Nam, đồng thời
tham gia tích cực vào trong phong trào đoàn kết với Việt Nam tại Đức. Vào
giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh ở Việt Nam, do chiến sự ác liệt ông đã
được Ban quản lý cơ sở của terre des hommes tại Sài Gòn giao nhiệm vụ đưa
trẻ em tàn tật nặng sang Lào sơ tán; bất chấp hiểm nguy Ông đã hoàn thành trọn
vẹn nhiệm vụ này.
Sau khi đất nước Việt Nam thống
nhất, ngay trong năm 1975, ông đã tham gia tiếp nhận các dự án của tdh tại miền
Nam Việt Nam và sau đó đàm phán với Hội Chữ thập đỏ VNDCCH mở rộng các dự
án ra cả miền Bắc Việt Nam. Với tư cách là chủ nhiệm các dự án, ông
Milo Roten đã khởi xướng và điều phối nhiều dự án viện trợ nhân đạo và phát
triển, đặc biệt dành cho trẻ em và nạn nhân chất độc da cam. Các nhà trẻ,
trường mẫu giáo, các lớp học dành cho phụ nữ, các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ
côi, chương trình chỉnh hình và phục hồi chức năng trẻ tàn tật... là những
công trình in đậm dấu ấn của Ông ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Từ đó
Ông thường xuyên đi lại như con thoi giữa Đức và sau này là Áo và Việt Nam như một
“công dân quốc tế”! Riêng từ năm 1975 đến năm 1995 khi ông Milo Roten nghỉ
hưu đã có khoảng 50 dự án được triển khai tại 14 tỉnh thành trong cả nước. Theo
thống kê chưa đầy đủ, tổng số tiền viện trợ của terre des hommes cho việc
triển khai các dự án ở Việt Nam đã lên tới vài chục triệu D-Mark/Euro. Toàn
bộ kinh phí tdh tài trợ cho các dự án ở Việt Nam là từ tiền quyên góp của
các nhà hảo tâm. Tdh mà Milo Roten là nòng cốt và luôn là người đưa ra các
sáng kiến như đã thường xuyên xuất bản các ấn phẩm thông tin rộng rãi cho
công chúng về Việt Nam và các tở rơi kêu gọi các nhà hảo tâm nhận đỡ đầu
cho trẻ em Việt Nam bị thương tich do chiến tranh, trẻ em bị suy dinh dưỡng
nặng, trẻ em bị bại liệt, trẻ em các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó
khăn, tài trợ cho các Trung tâm phục hồi chức năng và các trại trẻ mồ côi…Tổng
số người được nhận sự hỗ trợ của tdh trong cả nước dưới mọi hình thức và
mức độ khác nhau (y tế, xã hội, dạy văn hóa và dạy nghề, tín dụng ban đầu cho
phụ nữ và các gia đình nghèo để họ tự vươn lên vượt qua đói nghèo…) lên tới
hàng chục ngàn người, trong đó đa số là trẻ em và phụ nữ ở các vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn
đặc biệt khó khăn...
Có thể
kể ra đây một số mốc quan trọng về hoạt động của terre des hommes ở Việt
Nam: 1967 thành lập thd ở CHLB Đức (Tây Đức) khởi đầu bằng việc đưa 17 trẻ
em bị tàn tật và ốm đau nặng từ miền Nam Việt Nam sang Đức chữa bệnh; trong
các năm tiếp theo có thêm 200 trẻ em bị thương và ốm đau nặng dược đưa sang
Đức chạy chữa, sau khi phục hồi được đưa trở lại Việt Nam để hòa nhập cuộc
sống. Năm 1971: Liên hiệp terre des hommes quốc tế mà nòng cốt là tdh Đức
mở Trung tâm Y tế - xã hội đầu tiên tại Sài Gòn, hàng ngày khám chữa bệnh
ngoại trú cho trên 100 trẻ em thuộc các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó
khăn, điều trị nội trú cho gần 100 trẻ em suy dinh dưỡng nặng thuộc các
trại trẻ mồ côi và các gia đình đặc biệt nghèo khó; ngoài ra Trung tâm này
còn tiếp tục chăm sóc y tế, xã hội, lo việc học hành và dạy nghề cho các em
đã được điều trị từ Đức trở về; các y tá Đức được cử sang cùng làm việc với
các bác sĩ và y tá Việt Nam. Cũng trong năm này tdh đã mở Trung tâm Sư phạm
cho trẻ em và thiếu niên bị bại liệt tại Bad Oeynhausen (Tây Đức). Năm 1972:
tdh đàm phán với Đối tác ở miền Nam xây dựng Trung tâm Phục hồi chức năng
cho trẻ em và thiếu niên bị bại liệt tại Đà Lạt. Năm 1973: Trung tâm Y tê -
xã hội tại Sài Gòn mở rộng các hoạt động của mình bao gồm Chương trình hỗ
trợ trên 20 trại trẻ mồ côi ở miền Nam; chương trình trợ giúp các gia đình
có hoàn cảnh đặc biệt nghèo khó. Năm 1974: hoàn thành giai đôạn một xây
dựng Trung tâm Phục hồi chức năng tại Đà Lạt đón nhận các trẻ em đến tuổi
đi học và một số thiếu niên đã được chạy chữa từ Trung tâm Sư phạm ở Đức
trở về; Xưởng chỉnh hình trực thuộc Trung tâm Phục hồi chức năng cũng đi
vào hoạt động. Năm 1975: Do chến sự ác liệt tdh đã sơ tán những trẻ em ốm
nặng nhất sang Lào để tiếp tục chạy chữa; tại Sài Gòn công việc chạy chữa
và chăm sóc cho trẻ em tại Trung tâm Y tế - xã hội của tdh vẫn tiếp tục trước
và sau ngày 30.4 khi Sài Gòn được giải phóng. Giữa tháng 5.1975 tại Hà Nội
đã tiến hành trao đổi bước đầu giữa đại diện tdh với Ủy ban Hòa bình của
Việt Nam về việc tiếp tục hoạt động của tdh ở Việt Nam, phía Việt Nam quan
tâm tiếp tục hợp tác với tdh. Tháng 10 năm 1976: tại Hà Nội đã diễn ra đàm
phán chính thức giữa tdh và Ủy ban Hòa bình Việt Nam
về việc tiếp tục hợp tác, tdh được đánh giá là một Đối tác được hoan nghênh
và có tín nhiệm trong các chương trình hỗ trợ trẻ em mồ côi và tàn tật ở
Việt Nam.
Từ đó hoạt động của tdh đã được mở rộng ra toàn nước Việt Nam thống
nhất với những kết quả rất to lớn và thiết thực.
Việt Nam, đất nước mà Milo Roten gắn
bó bằng những việc làm từ thiện nhân đạo cũng là nơi đã đem lại cho Ông cơ duyên
đặc biệt. Tại Việt Nam Ông đã tình cờ gặp và yêu nữ nhà báo của hãng truyền
hình Áo ORF - cô Gertrude Osztovits và hôn lễ của hai người đã được tổ chức
tại Thành phố Hồ Chí Minh. Từ cuối những năm 1980, sau khi kết hôn, vợ
chồng Ông đã chuyển đến sống tại Viên (Áo). Điều này cũng không khó để hiểu
rằng, sau khi về hưu (năm 1995), ông tiếp tục làm cầu nối cho những tấm
lòng nhân ái từ Áo đến Việt Nam, với tư cách là Phó Chủ tịch Hội hữu nghị
Việt Nam - Áo.
“Tôi sẽ về với Bến Tre”. Câu nói này thường được ông lặp lại
trong mỗi lần về công tác tại Bến Tre. Lúc đó tôi chỉ nghĩ chắc là ông ấy
sẽ về đây an dưỡng khi ở tuổi “xế chiều”, nhưng không ngờ…” - ông Lê Huỳnh,
người bạn cùng tâm hướng vì trẻ em nghèo, xúc động chia sẻ khi hay tin Milo
Roten đột ngột qua đời và có tâm nguyện tro cốt của mình được rải trên một
nhánh sông Mekong. Gặp nhau những năm 1987-1988, Lê Huỳnh (Huỳnh Văn Cam -
khi ấy là Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và Milo Roten, hai con người, hai trái
tim nhưng cùng nhịp đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh, đặc biệt là với
trẻ mồ côi và khuyết tật. Qua những chuyến làm việc, câu chuyện về những
tấm lòng nhân ái, những ước vọng được đem lại nhiều điều tốt hơn cho trẻ em
Bến Tre đã hình thành tình bạn vượt biên giới. Trạm xá Lương Quới, trường
trung học cơ sở, trường mầm non ở các xã Lương Quới và Lương Hòa (Giồng
Trôm) cùng với một số trạm y tế và trường học khác trên địa bàn tỉnh… là
những công trình do chính Milo trực tiếp
vận động. Song, công tác từ thiện nhân đạo của ông Milo Roten ở Bến Tre
không phải là sự giới hạn bởi những con số mà đó chính là bởi sự kết nối
của những tấm lòng. Tổ chức terre des hommes - nơi mà ông là thành viên
tích cực và gắn bó cả sự nghiệp đời mình, đã thật sự trở thành cái tên quen
thuộc với người nghèo, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em Bến Tre. Nhiều chương
trình, dự án được giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh quản lý như dự án: “Hỗ
trợ tín dụng giúp phụ nữ nghèo thị xã Bến Tre chuyên nghề mua bán phế liệu
cải thiện đời sống” (năm 2004), do tổ chức này tài trợ đã góp phần đáng kể
trong cải thiện cuộc sống của chị em. Hay dự án “Giúp đỡ nạn nhân bị ảnh
hưởng chất độc da cam”, triển khai ở một số xã của các huyện Châu Thành và
Bình Đại. Terre des hommes cũng chính là một trong những thành viên tích
cực để cùng hình thành nên quỹ tín dụng theo mô hình tài chính vi mô. Nguồn
quỹ này đã và đang giúp hàng ngàn lượt chị em vùng nông thôn được tiếp cận
món vay nhỏ, phát triển kinh tế gia đình mà không phải vay “nóng” với lãi
suất cao. Và những suất học bổng được trao cho trẻ em có hoàn cảnh khó
khăn, mồ côi, khuyết tật với Milo là niềm
vui bất tận. Tận mắt chứng kiến, giúp đỡ người dân và trẻ em nạn nhân chiến
tranh ở Bến Tre trong chuyến đi từ thiện đầu tiên đã khiến ông Milo Roten
quyết định gắn bó và dành cả cuộc đời cho các hoạt động từ thiện ở Việt Nam,
suốt hơn 40 năm. Những cống hiến ấy từng được Chủ tịch nước Nguyễn Minh
Triết công nhận, vào năm 2008. Công trình cuối cùng mang dấu ấn của ông tại
ViệtNam là Trường Mầm non xã Núa Ngam (huyện Điện Biên - tỉnh Điện Biên)
vừa được khánh thành vào ngày 28-6-2012. Chỉ 3 tuần sau chuyến công tác
này, ông Milo Roten đã đột ngột từ trần vào ngày 25-7, ở tuổi 78. Di nguyện
tro thi hài của mình được rải trên dòng Mekong, nơi đổ ra biển tại Bến Tre,
của ông Milo Roten như một lần nữa khẳng định Việt Nam, Bến Tre luôn trong
trái tim ông.
Cảm kích trước tâm nguyện của
Milo Roten được yên nghỉ vĩnh hằng tại Việt Nam ông Võ Thành Hạo đã sáng
tác bài thơ “Hàm Luông ơi… có một người chờ!” đọc trong Lễ tưởng niệm Ông,
bài thơ có đoạn: “Suốt cả cuộc đời mình/
Coi Việt Nam là Quê hương thứ hai/ Coi trẻ em Việt Nam bị chất độc da cam/
Coi trẻ em Việt Nam bị tàn tật do chiến tranh/ Là niềm đau của chính mình/
Và Ông đã dấn thân/ Vào sự nghiệp thiện nguyện/ Suốt bốn mươi năm trời ở
Việt Nam/ Từ Lạng Sơn, Bắc Cạn đến Bến Tre/ Bằng tấm lòng trắc ẩn bao la,/
Bằng những chương trình dự án/ Giúp trẻ em, người nghèo, người tàn tật/ Vơi
bớt đi niềm bất hạnh khôn cùng!”.
Trong thời gian công tác tại
Đức khi Hội hữu nghị với nhân dân Việt Nam tại CHLB Đức Đức được thành lập
(1976) ông Milo Roten đã tích cực tham gia ngay từ đầu với tư cách là Ủy
viên Ban chấp hành và trong nhiều năm làm Phó Chủ tịch của Hội. Ông đã dành
nhiều thời gian và công sức cho hoạt động đoàn kết của Hội. Cá nhân tôi có
may mắn nhiều lần trực tiếp làm việc với Ông khi thì với tư cách là Đại
diện của Hội Hữu nghị, khi thì với tư cách là Đài diện của Tere des Hommes
và luôn cảm nhận được tình cảm đoàn kết đặc biệt của Ông đối với Việt Nam.
Ông đã tích cực góp phần vào việc hỗ trợ hoạt động của các đoàn “ngoại giao
nhân dân” của Việt Nam
sang hoạt động tại Đức, Áo và Thụy Sỹ… Bên cạnh quan hệ công tác giữa gia
đình Ông và gia đình chúng tôi còn có mối quan hệ cá nhân rất thân tình, có
lần vợ chồng Ông đã cùng đến ăn Tết với gia đình chúng tôi ở Hà Nội, Ông đã
để lại trong lòng chúng tôi những tình cảm rất sâu nặng và ấn tượng không
bao giờ phai mờ! Anh Milo ơi, tôi bài này như một nén nhang lòng của chúng tôi thắp
tưởng niệm Anh.
Trần
Ngọc Quyên
(Nguyên cán bộ ngoại giao tại Đức, kiêm nhiệm Áo
và Thụy Sĩ)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét