Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa VIII
Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm UBVNVNONN.
Trong hơn bốn mươi năm công tác
tại ngành ngoại giao, một trong những vinh hạnh lớn nhất của tôi là đã được kề
vai sát cánh với đội ngũ cán bộ, nhân viên UBVNVNONN, cơ quan tham mưu và quản
lý của Đảng và Nhà nước ta về công tác đối với người Việt Nam ở nước
ngoài, trên cương vị là người đứng đầu,
trong giai đoạn rất đáng ghi nhớ: 4 năm mở màn thiên niên kỷ thứ ba (2000 -
2003).
Bốn năm là một quãng thời gian
không dài trên chặng đường nửa thế kỷ từ khi ra đời đến nay của Ban VK TƯ, rồi
UBVNVNONN và nay là UBNNVNVNONN, nhưng
đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm không thể phai mờ và bài học quý. Đó là những năm tháng công cuộc đổi mới toàn
diện của nhân dân ta, do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, được
triển khai mạnh mẽ và toàn diện, giữa
một thế giới đang biến động sâu sắc, đan xen những thời cơ lớn với thách thức
cũng lớn. Trên bình diện chủ quan thì UBVNVNONN, qua 40 năm hoạt động và phát triển và sau 4 năm Thủ tướng Chính phủ quyết
định sát nhập vào Bộ Ngọai giao, đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu và có thêm điều kiện để có những
bước phát triển mới về chất.
Hôm nay, nhìn lại quãng thời gian
ấy, tôi vui mừng là đã cùng tập thể cán bộ nhân viên UBVNVNONN tăng cường đoàn
kết, không ngừng phấn đấu vươn lên, kế thừa và phát huy được những kinh nghiêm quý báu của các lớp anh, chị đi
trước, đồng thời đã tự đổi mới được mình, trước hết là đổi mới tư duy, phát huy
mạnh mẽ bản lĩnh, tinh thần chủ động, tiến công, dám chịu trách nhiệm, đã hoàn
thành tốt nhiệm vụ tham mưu và quản lý mà Đảng và Nhà nước giao phó trên lĩnh
vực công tác này, có những đóng góp xứng đáng vào các thành tích đáng tự hào
trong 50 năm phát triển của UBNNVNVNONN.
Trong số các sự kiện giờ đây dồn
dập hiện lên trong ký ức tôi, nổi bật nhất, sâu đậm nhất là qúa trình thai
nghén và ra đời của Nghị quyết 36 của
BCT, nghị quyết công khai đầu tiên của
cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng về công tác đối với NVNONN.
Đầu năm 2000, sau khi nhận quyết
định bổ nhiệm của Thủ tướng Phan Văn Khải, tôi khẩn trương tìm hiểu công việc, nắm các tư tưởng chỉ đạo của Lãnh đạo
Đảng và Nhà nước để định hướng cho mình và xây dựng chương trình công tác tổng
thể. Tôi nghiên cứu lại Nghị quyết 08-NQ/TƯ, ngày 29-11-1993 của BCT ( khóa
VII), một văn kiện đã thể hiện nhiều quan điểm đổi mới chủ yếu của Đảng ta trên
lĩnh vực này. Nhưng, đến thời điểm ấy, Nghị quyết ban hành đã được gần 7 năm, tình hình trong nước, tình hình cộng đồng
cũng như tình hình thế giới đã có nhiều điểm mới. Tôi thấy cần phải tiến hành tổng kết việc thực hiện nghị quyết quan
trong này, từ đó đề xuất những kiến nghị điều chỉnh, bổ sung cần thiết để đáp
ứng những đòi hỏi của tình hình mới. Qua quá trình thực hiện tổng kết, chúng
tôi phát hiện một thực tế là nhận thức chung về cộng đồng và công tác cộng đồng
còn nhiều điểm quá lạc hậu và lệch lạc nữa. Nhiều lãnh đạo các ngành, các
cấp thậm chí còn không biết là đã có NQ
– 08 của BCT. Điều này hiểu được, vì đó
là một nghị quyết mật và ra đời đã gần 7 năm. Trong khoảng thời gian này, rất
nhiều lãnh đạo các ngành, các cấp đã thay đổi. Chính thực tế này đã làm cho tôi
nảy sinh ý tưởng cần kiến nghị BCT ra
một NQ mới và công khai về vấn đề này, bởi tôi nghĩ rằng để có thể làm tốt công tác đối với
cộng đồng NVNONN trong thời kỳ mới thì,
điều kiện đầu tiên, quan trọng nhất và quyết định nhất là phải tạo được
một nhận thức chung, thực sự đổi mới, đúng đắn và thống nhất. Không chỉ cán bộ
lãnh đạo các ngành, các cấp và các đảng viên mà toàn bộ hệ thống chính trị cũng
như toàn thể nhân dân ta và cả cộng đồng NVNONN cũng phải được biết, hiểu và
quán triệt tư duy đổi mới của Đảng và Nhà nước ta trên lĩnh vực này. Hơn nữa,
chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước ta đối với cộng đồng NVNONN
là quang minh, chính đại, không hề có gì trái với lợi ích của các nước nơi bà
con ta đang làm ăn, sinh sống, mà ngược lại còn góp phần tăng cường quan hệ hợp
tác, hữu nghị giữa các nước đó với nước ta. Bởi vậy, cũng rất cần phải tuyên
truyền rộng rãi chủ trương, chính sách đó cho thế giới hiểu. Và, biện pháp khả
thi và hiệu nghiệm nhất để đạt được các mục tiêu này là BCT ra một nghị quyết
công khai, nói rõ tư duy, các quan điểm và chủ trương đổi mới đó. Nhưng khi chỉ
đạo UBVNVNONN xây dựng “Đề án tăng cường công tác vận động cộng đồng”, tôi nêu
ý này ra thì đã có một số ý kiến không đồng tình ngay trong số cán bộ chủ chốt
của UB, vì cho rằng các nghị quyết của BCT lâu nay hầu hết đều là mật, Nghị
quyết 08 cũng là một văn kiện mật, BCT
không thể ra một nghị quyết công khai về một vấn đề phức tạp và tế nhị
như vậy. Nhưng qua tranh luận thật sự dân chủ,
thẳng thắn, ý tưởng đổi mới này đã
được hoàn toàn nhất trí. Chúng tôi đã tập trung lực lượng khẩn trương
xây dựng Đề án, trong đó kiến nghị 8
giải pháp tổng thể mà điểm then chốt
nhất, có tính chất quyết định để đổi mới công tác vận động cộng đồng là BCT ra
một Nghị quyết mới, công khai về vấn đề này. Nhận thức rõ đây là một công
việc rất quan trọng và nhạy cảm, tôi đã tranh thủ trình trước 2 Ủy viên BCT (
đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm , Phó thủ tướng phụ trách đối ngoại và đồng chí Trương
Tấn Sang, Trưởng Ban kinh tế TƯ) để cho ý kiến sơ bộ. Thầm mừng được cả 2 đồng chí bật đèn xanh- đồng chí Trương Tấn
Sang còn khen là đề án tốt-, tôi rà soát kỹ lại và sửa sang lần chót văn bản
và ngày
28 tháng 7 năm 2000 đã ký Tờ trình Đề án lên Thường vụ BCT ( Khóa VIII,
Trung ương Đảng không có Ban Bí thư) và Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp đó là những ngày tháng chờ đợi.
Qua các mối quan hệ công tác, tôi cố gắng thúc đẩy việc đưa Đề án ra trình xin
ý kiến Lãnh đạo. Nhưng, thời điểm đó, Lãnh đạo Đảng đang tập trung vào việc
chuẩn bị, tiếp đến là tiến hành Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng, và sau
đó là vào việc triển khai các NQ của Đại hội IX, có thể vì vậy mà chưa thể xem
xét việc này.
Đầu tháng 10 năm 2001, tôi thật vui mừng nhận được công văn của Văn
phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với “Đề án
tăng cường công tác vận động cộng đồng” , trong đó Thủ tướng chỉ thị “ Ban cán sự Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các
Bộ, ngành liên quan chuẩn bị Đề án trình Bộ Chính trị có Nghị quyết (hoặc Chỉ
thị) về lĩnh vực công tác này”. Thế là tôi cùng các cán bộ hữu quan của UB
bắt tay vào xây dựng dự thảo Đề cương, rồi Đề cương chi tiết và cuối cùng là
văn kiện mà chúng tôi vẫn kiên trì kiến nghị là “Nghị quyết công khai của BCT”. Trong suốt quá trình này, chúng tôi
đều tiến hành trao đổi, lấy ý kiến đóng góp của Mặt trận Tổ quốc và các Bộ, cơ
quan, ban, ngành hữu quan. Qủa thực, đây là một công việc không đơn giản. Nhưng
qua kiên trì trao đổi cởi mở, tranh luận thẳng thắn, cuối cùng , ngoại trừ một
cơ quan còn phân vân giữa “ Nghị quyết” hay “ Chỉ thị”, 12 Bộ, cơ quan, ban,
ngành hữu quan khác đều nhất trí với chúng tôi là kiến nghị BCT ra“ Nghị quyết công khai”.
Ngày 20 tháng 5 năm 2002 tôi ký Tờ trình dự thảo Nghị quyết
lên BCT Và Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đó lại là những tháng ngày cố gắng thúc đẩy việc
xem xét kiến nghị này, nhưng vẫn chưa có thông tin khích lệ.
Ngày 12 tháng 3 năm 2003, Taị Hội nghị toàn thể lần thứ 7, TƯ Đảng khóa IX ra Nghị quyết về “phát
huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì
dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Tôi thầm
mừng: thời cơ đã đến để làm sống lại kiến nghị mà chúng tôi đã kiên trì đeo
đuổi suốt 3 năm qua. Bởi BCT ra nghị
quyết mới này chính là một bước triển khai và cụ thể hóa Nghị quyết TƯ 7 đối
với cộng đồng nười Việt Nam ở nước ngoài, một bộ phận không thể tách rời của
toàn dân tộc Việt Nam. Thế là chúng tôi lại rà soát lại các văn bản và ngày 14 tháng 4 năm 2003, tôi ký một Tờ
trình mới lên BCT, nhắc lại kiến nghị
này trong bối cảnh tình hình và
yêu cầu mới.
Tiếp theo đó, nửa đầu tháng 6 năm
2003, tôi được cử dẫn đầu một đoàn liên ngành đầu tiên của nước ta đi thăm,
tiếp xúc trên tinh thần rất chủ động, thẳng thắn, cởi mở với cộng đồng người
Việt tại Canada và Hoa Kỳ. Những nét rất mới trong tình hình cộng đồng nắm được
qua chuyến đi này càng củng cố thêm niềm tin và thôi thúc tôi phải tiếp tục
thúc đẩy kiến nghị nói trên. Tôi chủ
động xin ý kiến đồng chí Vũ Khoan, Bí
thư TƯ Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách đối ngoại. Tôi rất mừng được đồng
chí đồng ý. Thế là lại một lần nữa, tôi cùng anh chị em cán bộ hữu quan của UB
khẩn trương rà soát, chỉnh lý lại văn bản đã trình trước đây; và ngày 25 tháng 6 năm 2003, tôi lại ký Tờ
trình lên BCT nhắc lại kiến nghị nói
trên, lần này với niềm hy vọng lớn hơn bao giờ hết. Thật là may mắn, đồng chí
Vũ Khoan đã dành thời gian đích thân đọc và cho ý kiến chỉ đạo trực tiếp vào
văn bản. Vào thời điểm đó, tôi đã có quyết định của Lãnh đạo cấp cao cử làm Đại
sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước ta tại Pháp. Tôi đặt mục tiêu: phải hoàn thành bằng
được công việc then chốt này mà tôi đã tâm huyết, trăn trở từ khi mới nhận
nhiệm vụ làm Chủ nhiệm UBVNVNONN. Với quyết tâm
đó, theo ý kiến chỉ đạo rất cụ
thể của đồng chí Vũ Khoan, tôi đã dành thời gian, công sức cùng anh chị em cán
bộ UB hoàn chỉnh dự thảo. Rồi lại lấy ý
kiến đóng góp của các cơ quan, ban, ngành hữu quan một lần nữa. Tôi rất vui đã
thực hiện được mục tiêu đề ra : hoàn
chỉnh lần cuối cùng các văn bản và kịp trình Dự thảo NQ lên BCT trước khi tôi
lên đường đi Paris nhận nhiệm vụ mới vào đầu tháng 12 năm 2003. Cũng như các lần trước, trong Tờ trình, chúng
tôi đã báo cáo ý kiến của tất cả các cơ
quan, bộ, ban, ngành hữu quan để BCT có đầy đủ cơ sở xem xét. Đáng lưu ý là, lần
cuối này, ngoài một cơ quan ngay từ đầu vẫn giữ ý kiến phân vân giữa kiến nghị
BCT ra “ Nghị quyết” hay “ Chỉ thị” thì có thêm một cơ quan rất quan trọng trước đây tán thành, nay không đồng ý với
việc kiến nghị BCT ra Nghị quyết công khai nữa.
Ít tháng sau, trong khi đang công
tác tại Pháp, tôi thật sự vui mừng nhận được tin và toàn văn Nghị quyết số 36 NQ/TW , bản NQ công khai
đầu tiên của BCT về cộng đồng NVNONN, ban hành ngày 26 tháng 3 năm 2004. Như trên đã nói, Nghị
quyết 36 của BCT chính là bước cụ thể hóa và triển khai Nghị quyết 7 của TƯ
Đảng ( khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đối với hơn 3
triệu đồng bào ta đang sinh sống ở nước ngoài, một bộ phận không thể tách rời
của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, một
văn kiện có ý nghĩa lịch sử, có giá trị cơ bản, to lớn, toàn diện và lâu dài.
Từ đó, trên cơ sở các tư tưởng, quan điểm và nguyên tắc chỉ đạo của Nghị quyết
36, nhiều chính sách đổi mới cụ thể của Nhà nước ta đối với cộng đồng đã (và sẽ
còn tiếp tục) được ban hành, được bà con kiều bào cũng như dư luận quốc tế
nhiệt liệt hoan nghênh.
Trong khi tập trung trí tuệ, tâm
sức vào việc then chốt nói trên tôi cũng tự đặt câu hỏi: có việc cụ thể nào khả
thi mà có thể tạo tác động đột phá, thể hiện thực sự và mạnh mẽ tinh thần đổi
mới, chủ trương khép lại quá khứ, thực hiện hòa hợp, đoàn kết dân tộc
của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng kiều bào ta? Tôi nghĩ chiến tranh
kết thúc và đất nước thống nhất đã một
phần tư thế kỷ, cùng với cả nhân loại, dân tôc ta đã bước vào một thiên niên kỷ
mới. Ngay với Hoa Kỳ, nước đã đem quân tới xâm lược nước ta, gây ra biết bao
tội ác và hậu quả nặng nề cho nhân dân ta, thế mà từ cuối thập niên 80 của thế
kỷ trước, ta đã bắt đầu hợp tác với họ để tìm kiếm hài cốt những binh lính Mỹ
mất tích trong chiến tranh, một chủ trương thể hiện rõ truyền thống khoan dung,
nhân đạo của dân tộc ta, đã tác động tích cực tới dư luận Hoa Kỳ và thế giới.
Vậy, đối với những binh lính Sài Gòn, là đồng bào của ta, đã chết, xét cho cùng
cũng là những nạn nhân của cuộc chiến
tranh xâm lược đó, thì ta cần và có thể làm gì? Tôi quyết định trực tiếp cùng một số cán bộ của UB vào khảo sát nghĩa
trang mà chính quyền Sài Gòn cũ đã xây dựng tại xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh
Bình Dương, nơi tập trung nhiều mồ mả nhất của binh lính chế độ cũ. Sau chuyến
đi, chúng tôi đã nhanh chóng thống nhất
trong nội bộ UB một ý tưởng mới và bắt tay ngay vào việc trao đổi, bàn bạc và
thuyết phục, tranh thủ sự đồng tình của các cơ quan, bộ phận và cá nhân hữu
quan khác đối với ý tưởng này, một việc không hề đơn giản vì cực kỳ nhạy cảm,
khi nêu ra đã gặp không ít sự không đồng tình, hiểu lầm, phản đối. Tuy nhiên,
chúng tôi vẫn kiên trì, không nản chí. Và khi thấy tình hình đã tương đối thuận, ngày 05 tháng 01 năm 2001, tôi đã ký Tờ
trình lên Thường vụ BCT, đề xuất chủ trương cho thân nhân ở trong nước hoặc
đang sinh sống ở nước ngoài bắt đầu từ Tết Tân Tỵ được chỉnh trang, tu bổ lại
những ngôi mộ của người thân nguyên là sỹ quan, binh lính chế độ Sài Gòn cũ tại
nghĩa trang tỉnh Bình Dương bình thường như các khu mộ chí khác của nhân dân.
Tôi thật sự vui mừng là chưa đầy nửa
tháng sau, tại công văn số 5333-CV/VPTW,
ngày 19 tháng 01 năm 2001, Văn phòng TƯ
Đảng đã thông báo ý kiến của Thường vụ BCT
đồng ý với kiến nghị đó. Nhưng cũng thật là buồn, một chủ trương
đúng đắn, sáng ngời tính nhân văn, được cấp Lãnh đạo cao nhất của Đảng rất
nhanh chóng xem xét và chấp thuận như vậy,
đã không được thực thi nghiêm
túc, mặc dù UBVNVNONN và cá nhân tôi đã
hết sức cố gắng để thúc đẩy thực hiện, mà phải chờ đợi hơn 5 năm sau, mãi đến cuối 2006, với ý kiến chỉ đạo trực tiếp
của Thủ tướng Chính phủ, chủ trương này mới được thi hành đầy đủ.
Một việc khác mà tôi cũng rất
trăn trở và xác định là một trọng tâm công tác sau khi nhận nhiệm vụ là thành lập Hội liên lạc với người VN ở
nước ngoài. Sự thật là ở thời điểm đó, vẫn còn một số ý kiến chưa thuận
trong các cơ quan hữu quan, kể cả ở cấp Lãnh đạo. Nhưng tôi thấy đã đến lúc rất
cần sự ra đời của Hội ở cấp quốc gia, bởi hơn 20 Hội thân nhân kiều bào ở các địa phương đã được
thành lập và hoạt động khá sôi nổi. Thế
là chúng tôi bắt tay vào việc trao đổi, vận động, thuyết phục ... Sau khi đạt
được sự đồng thuận, ngày 30 tháng 5 năm 2000, tôi đã ký Tờ trình lên Thường vụ BCT và Thủ
tướng Chính phủ kiến nghị xin chủ trương cho thành lập Hội liên lạc với người
VN ở nước ngoài kèm theo Đề án cụ thể về thành lập Hội. Phấn khởi được bật
đèn xanh, chúng tôi khẩn trương trao đổi, hiệp thương để mau chóng hình thành
Ban vận động thành lập Hội, do Gs.TsKH Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc Đại học Quốc
gia Hà Nội, làm Trưởng Ban, rồi cùng với Ban vận động triển khai các công việc
chuẩn bị để thành lập Hội phù hợp với
các điều luật hữu quan hiện hành: xây dựng Điều lệ, tìm kiếm, trao đổi, hiệp
thương về nhân sự, chuẩn bị nội dung, tổ chức, hậu cần, lễ tân… cho Đại hội lần
thứ nhất trong điều kiện rất khó khăn về tài chính. Cuối cùng, mọi công việc đã
được hoàn tất và điều tôi nóng lòng mong đợi đã đến: Đại hội lần thứ nhất thành lập Hội liên lạc với người VN ở nước ngoài
đã được tổ chức thành công ngày 4 tháng 2
năm 2002 tại Hội trường Đại học
Quốc gia , 19 Lê Thánh Tông, Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã cử ra Ban Chấp hành
gồm 50 vị tiêu biểu, đai diện cho Mặt trận Tổ quốc VN, một số tổ chức quần chúng,
các Hội địa phương…, do Gs. Ts.KH Nguyễn
Văn Đạo làm Chủ tịch, ông Phạm Khắc Lãm, nguyên Phó Chủ nhiệm UBVNVNONN làm Phó
Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký. Ban chấp hành còn có nhiều trí thức, nghệ sỹ lớn như
các Gs. Ts. Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Tài Thu, các NSND Đặng Nhật Minh, Chu Thúy
Quỳnh, nhà sử học Dương Trung Quốc.. Từ khi ra đời, Hội đã và đang triển khai
hoạt động ngày càng phong phú, thiết thực, góp phần tăng cường mối liên hệ giữa
cộng đồng kiều bào với đất nước.
Một điều trăn trở khác của chúng
tôi là công tác vận động cộng đồng kiều bào quan trọng, được sự quan tâm của
Đảng và Nhà nước như vậy; thế mà chưa bao giờ có được một ngân sách cho công
tác này, ngoại trừ những chi phí cho UBVNVNONN như một cơ quan hành chính và
một số rất ít cán bộ chuyên trách công tác cộng đồng tại một số cơ quan đại
diện của nước ta ở nước ngoài. Bởi vậy, chúng tôi đã tích cực và kiên trì đề
xuất, vận động, thuyết phục các ngành hữu quan và cả cấp Trên tán thành cho lập Quỹ hỗ trợ cộng
đồng. Và thật vui là cuối cùng thì Thủ
tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 990/Q Đ-TTg, ngày 30 tháng 10 năm
2002 cho phép thành lập “Quỹ hỗ trợ, vận đồng cộng đồng người Việt Nam ở nước
ngoài”, với số ngân sách ban đầu 7
tỷ đồng do Nhà nước cấp. Nhận thức tầm quan trọng của Quỹ, chúng tôi đã mời và
được Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa nhận làm Chủ tịch Hội đồng Bảo trợ
Quỹ. Từ ngày ra đời, Quỹ đã tài trợ trên 16 tỷ đồng cho 85 dự án
rất thiết thực, hỗ trợ việc giảng dậy tiếng Việt, tổ chức trại hè về nguồn cội
cho con em kiều bào, đưa các đoàn văn nghệ ra phục vụ cộng đồng, đưa nhiều trí
thức kiều bào về góp phần phục vụ đất nước…
Trong 4 năm công tác tại UB, tôi đã có một
số lần đi thăm, tiếp xúc với cộng đồng ở
các địa bàn khác nhau. Mỗi chuyến đi đều để lại trong tôi những kỷ niệm
không thể quên. Nhưng, chuyến đi để lại những ấn tượng sâu đậm nhất là dịp tôi
được cử dẫn đầu đoàn liên ngành đầu tiên đi thăm, tiếp xúc với bà con kiều bào
ở Hoa Kỳ và Ca na da vào nửa đầu tháng 6 – 2003 mà tôi đã nhắc tới ở phần trên.
Đoàn có một số vị lãnh đạo các ngành như ông Nguyễn Tiến Võ, Ủy viên thường
trực Đoàn Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Trịnh Xuân Giới, Phó ban
thường trực Ban Dân vận TƯ; ông Trần Văn
Tạo, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành Phố Hồ chí Minh, nguyên Ủy
viên TV Thành ủy, Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa và Giám đốc Sở Công an của
Thành phố. Ban Bí thư đã cho ý kiến chỉ đạo khi chúng tôi trình Đề án chuyến
đi. Nhưng, trước khi lên đường, tôi vẫn xin gặp đồng chí Vũ Khoan, Bí thư TƯ
Đảng, Phó Thủ tướng phụ trách đối ngoại, để xin thêm ý kiến chỉ đạo, đặc biệt
là xin được triển khai với tinh thần mới thực sự chủ động, tiến công, cởi mở,
theo đúng Nghị quyết TƯ 7 (khóa IX) về đại đoàn kết dân tộc vừa ban hành. Tôi
rất mừng là những đề xuất cụ thể theo tinh thần đó đã được đồng chí chấp thuận.
Các thành viên trong Đoàn rất phấn khởi, nhưng cũng tỏ lo lắng trước trách
nhiệm nặng nề khi tôi quán triệt trong toàn đoàn tinh thẩn mới đó trong ý kiến
chỉ đạo của đồng chí Vũ Khoan. Trong chuyến đi này, ngoài các cuộc làm việc
chính thức với các quan chức hữu quan
nước sở tại, một trọng tâm là gặp gỡ, đối thoại với các thành phần khác nhau
trong cộng đồng kiều bào. Tôi không bao giờ có thể quên không khí thực sự cởi
mở, thẳng thắn, chân tình trên tinh thần hòa giải dân tộc, cũng như những giây
phút xúc động trong các cuộc gặp gỡ đó. Có một số kiều bào, sau bao năm tháng
bị bưng bít, tác động bởi tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch với
đất nước, đã khóc khi nghe chúng tôi thông báo tình hình đất nước và trả lời
các câu hỏi, làm sáng tỏ các chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà
nước đối với cộng đồng. Điểm đặc biệt nhất trong chuyến đi này là lần đầu tiên
chúng tôi gặp gỡ một số nhân vật nguyên là lãnh đạo chính quyền Sài Gòn cũ và
hoặc bất đồng chính kiến nổi bật trong đó có ông Nguyễn Cao Kỳ, ông Đỗ Ngọc
Yến, Tổng Giám đốc Công ty Báo Người Việt, ông Nguyễn Ngọc Hải, “Chủ tịch Ủy ban bảo vệ chính nghĩa quốc gia” của thành
phố Houston, nhạc sỹ Phạm Duy…
Tôi còn nhớ như in: sáng ngày 14
tháng 6 năm 2003, tôi cùng Tổng Lãnh sự nước ta lúc đó tại San Francisco Nguyễn
Mạnh Hùng đã chơi golf với vợ chồng ông Nguyễn Cao Kỳ. Ông Kỳ đã chủ động kể
cho tôi nghe chi tiết câu chuyện hồi kháng chiến chống Pháp, ông đã bị đưa về
Hà Nội như thế nào trong khi đang lên cơn sốt rét ác tính nguy kịch. Cùng dạo
bước trên sân cỏ gần 5 tiếng đồng hồ,
trong không khí cởi mở, thẳng thắn, tôi
và ông Kỳ đã trao đổi ý kiến về tình hình đất nước, đường lối đổi mới của Đảng
và Nhà nước ta, về tình hình cộng đồng, tình hình khu vực Đông Nam Á…Ông đã bày
tỏ sự đồng tình đối với các chủ trương đổi mới của Đảng ta, nói rõ không tán
thành các hoạt động chống đất nước và ý kiến của một số cá nhân và nhóm phái
trong cộng đồng đòi áp đặt mô hình dân chủ phương Tây vào đất nước ta…Sau cuộc
chơi golf, tôi đã mời vợ chồng ông Kỳ ăn cơm cùng toàn đoàn chúng tôi. Trong không
khí cởi mở, vui vẻ của bữa cơm gặp lần đầu, với danh nghĩa Chủ nhiệm UBVNVNONN,
tôi đã mời vợ chồng ông Kỳ về thăm quê hương. Một thoáng ngỡ ngàng, rồi niềm
vui và xúc động đã lộ rõ trên nét mặt dày dạn phong sương của ông. Ông đã cảm
ơn và sau đó bày tỏ với tôi mong muốn
được Nhà nước cho phép đưa một đoàn doanh nhân về làm ăn, hợp tác với đất nước
như một cử chỉ hòa giải. Nửa năm sau, khi đang công tác tại Paris, tôi rất vui
nhận được tin ông Nguyễn Cao Kỳ đã về thăm quê hương sau nửa thế kỷ xa cách, bể
dâu.
Tôi cũng không thể nào quên cuộc
gặp gỡ tối ngày 9 tháng 6 năm 2003 với vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Hải tại nhà ông.
Vợ chồng ông Hải là người miền Bắc, sau Hiệp định Giơ ne vơ năm 1954 mới di cư
vào Nam. Vừa bước vào nhà, tôi có ấn tượng như tới thăm một gia đình trí thức ở
Hà Nội, một không gian đầy ắp màu sắc và hương vị văn hóa truyền thống Việt
Nam. Sau phần chào hỏi theo thông lệ, ông mời đoàn chúng tôi vừa dùng cơm tối
vừa nói chuyện. Vừa ngồi vào bàn ăn, ông Hải đã nói thẳng với tôi: ông đang là
“ Chủ tịch Ủy ban bảo vệ chính nghĩa quốc gia” của thành phố Houston, ông là
người chống cộng sản và vẫn kiên quyết chống cộng sản. Thế là bắt đầu cuộc đối
thoại và tranh luận rất thẳng thắn và không ít lúc có thể nói là “ nảy lửa”
giữa tôi và ông suốt bữa cơm kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ, trong đó, ông lý giải
và bảo vệ lập luận cơ bản của ông là theo chủ nghĩa cộng sản thì sẽ mất độc lập
dân tộc, rơi vào vòng thống trị của Nga cộng, Trung cộng; vì vậy ông đã đi với
Pháp rồi Mỹ, vì đó là cách duy nhất để chống lại nguy cơ đô hộ của Nga cộng,
Trung cộng, bảo vệ độc lập dân tộc(?!). Còn tôi, đã lấy những sự thật lịch sử
của nước ta, của Đảng ta và quan hệ quốc tế liên quan, đồng thời làm rõ những
chủ trương, chính sách đổi mới hiện nay để chứng minh cho ông chân lý hiển nhiên là chỉ có dưới ngọn cờ
và sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tich Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam thì
đất nước ta mới giành lại được độc lập, thống nhất và đang trên đường xây dựng
một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Cuộc gặp gỡ với vợ chồng ông Hải đã kết
thúc bằng một bài hát dân tộc mà ông Hải là người hát và ông Trần Văn Tạo,
thành viên trong Đoàn chúng tôi, là người đệm đàn. Lúc chia tay, ông Hải phát
biểu giọng xúc động: “ Tôi không ngờ các anh chị lại là những người thật dễ
thương!”. Tôi cũng mời vợ chồng ông về thăm lại quê hương. Tôi được biết, chỉ
vài tháng sau, vào dịp Quốc khánh năm 2003, ông Hải đã về thăm quê sau gần 50
năm xa cách và ông là một trong số kiều bào đầu tiên ở thành phố Houston đầu
năm 2007 đã được nhận giấy miễn thị thực xuất nhập cảnh mỗi khi về nước.
Hà Nội, 30 tháng 9 năm 2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét