Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

NGUYỄN ÁI QUỐC / HỒ CHÍ MINH VỚI NƯỚC ĐỨC

Trần Ngọc Quyên


Năm 2015 Việt Nam và nuốc Đức kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ngay từ những năm 20 của thế kỷ trước Nguyễn Ái Quốc đã từng đến nước Đức, gặp gỡ nhiều người Đức ở cả nước Đức lẫn ở nước ngoài như Paris, Mátxcơva; từ những người dân thường đến các Lãnh tụ nổi tiếng của Đáng Cộng sản lẫn phong trào công nhân Đức. Có thể nói Nguyễn Ái Quốc là người đã đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Đức và Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Đức chúng tôi xin giới thiệu với Bạn đọc bài dưới đây của một người đã từng học tập và công tác trên 20 năm ở cả hai miền của nước Đức và đã dày công sưu tầm các tư liệu về Nguyễn Ái Quốc/Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Đức.
Như chúng ta đều biết, trong những năm bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm đường cứu nước từ năm 1911 đến năm 1941 Nguyễn Ái Quốc / Hồ Chí Minh đã từng đến nước Đức để hoạt động cách mạng bí mật, đó là vào các năm 1923 và 1927/28. Năm 1957 với tư cách Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam - Chủ tịch nước VNDCCH Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sang thăm chính thức CHDC Đức.


Hoạt động bí mật tại nước Đức trong những năm 20 của thế kỷ XX

Thật ra trước năm 1923 Người cũng đã 2 lần đến Đức: lần đầu khoảng cuối tháng 10 năm 1919 cùng với Luật sư Phan Văn Trường trong đó có việc liên hệ mua vật tư ngành ảnh của hãng AGFA cho hiệu ảnh Khánh Ký khi Người làm thuê cho hiệu ảnh này (AGFA là công ty con của tập đoàn Bayer AG ở Leverkusen ở Tây Đức). Lần thứ hai Nguyễn Ái Quốc đến Đức năm 1920 khi Người tham gia đoàn du lịch của Hội du lịch Pháp. Như vậy có thể nói lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc đặt chân lên nước Đức là năm 1919 và những người Đức đầu tiên Người giao dịch khi làm thuê cho hiệu ảnh Khánh Ký là các nhân viên Đại diện cho công ty AGFA của Đức tại Paris.

Nhưng quan hệ đầu tiên có tính chất lịch sử của Nguyễn Ái Quốc với một trong những nhân vật tiêu biểu nhất của phong trào cách mạng Đức là với Clara Zetkin tại Đại hội lần thứ XVIII của Section française de l’Internationale ouvriére (S.F.I.O) diễn ra từ ngày 25 đến 30.12.1920 tại Tours. Clara Zetkin tham gia Đại hội trên với tư cách là Đại diện của Quốc tế Cộng sản (KOMINTERN) do Lê-nin thành lập năm 1919 và bà rất có ấn tượng về Nguyễn Ái Quốc cũng tham gia Đại hội này và trở thành một trong những người sáng lập của Đảng Cộng sản Pháp sau này. Từ đó với Clara Zetkin Nguyễn Ái Quốc đã có mối quan hệ rất thân tình và mối quan hệ này đã lan tỏa ra quan hệ giữa Người với các chiến sĩ cộng sản khác của Đức làm việc tại QTCS ở Mátxcơva như Hugo Eberlein, Wilhelm Pieck, Walter Ulbricht, Elli Schmidt, Erich Wolllenberg..., hoặc cùng hoạt động tại Trung Quốc theo sự phân công của KOMINTERN như Gerhart Eisler; nhưng có lẽ quan trọng và có ý nghĩa nhất sau này là mối quan hệ giữa Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh và Wilhelm Pieck, đặc biệt khi hai người đều trở thành Chủ tịch đầu tiên của hai nước XHCN anh em là VNDCCH và CHDC Đức... Và Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Chủ tịch Wilhelm Pieck chính là nhũng người đặt nền móng cho quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Đức.
Năm 1923 để đến được Liên Xô, đất nước mà Nguyễn Ái Quốc mơ ước được đặt chân tới, Người đã chọn con đường từ Pháp bí mật qua nước Đức bằng tàu hỏa, rồi từ Đức đi tiếp tàu thủy đến Liên Xô. Đêm 13.6.1923, Người đã khôn khéo đánh lừa được cảnh sát Pháp luôn đeo bám theo dõi Người mọi lúc, mọi nơi lên tàu hỏa tại Paris sang Đức. Sau này nhắc lại chuyến đi ấy Người nói: „Bác cố trấn tĩnh, nhưng đến khi xe lửa qua khỏi biên giới Pháp – Đức, trong ngực mới hết phập phồng“. Như vậy là chuyến đi đã trót lọt, một phần cũng nhờ sựu giúp đỡ của các nhân viên đường sắt ở cả Paris lẫn Đức.
Lần đến Đức năm 1923 Nguyễn Ái Quốc chỉ lưu lại Berlin vài ngày để làm các thủ tục đi tiếp Liên Xô. Tại đây ngày 16.6.1923 Nguyễn Ái Quốc đã được Cơ quan Đặc mệnh toàn quyền (thực chất là Đại sứ quán) Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô-viết Liên bang Nga tại Berlin cấp cho Giấy đi đường với bí danh là CHEN VANG. Đến ngày 18.6.1923 Người được Sở cảnh sát Berlin cấp cho Giấy phép tạm trú  số 5136 tháng 6 năm 1923 do Chánh cảnh sát Berlin là Schröder ký, sau đó được gia hạn đến ngày 27.6 vẫn với bí danh CHEN VANG (lý do phải gia hạn tạm trú vì trong những ngày cuối tháng 6.1923 công nhân cảng Hămbuốc (Hamburg) của Đức bãi công làm cho hoạt động của cảng này bị tê liêt. Vẫn với bí danh CHEN VANG ngày 25.6.1923 Nguyễn Ái Quốc được Cơ quan đại diện của Xô-viết Liên bang Nga cấp cho Thị thực nhập cảnh Liên Xô. Như vậy chắc chắn trong thời gian ngắn ngủi ở Berlin Nguyễn Ái Quốc đã đến trụ sở của Cơ quan đại diện Liên bang Nga và Sở cảnh sát Berlin để xin và nhận các giấy tờ nói trên. Cơ quan Đại diện của Liên bang Nga (ĐSQ) tại Berlin là tài sản của Liên bang Nga, sau này trở thành Đại sứ quán của Liên Xô tại CHDC Đức và của Liên bang Nga sau khi nước Đức thống nhất và Liên Xô tan rã năm 1990. Đó là một quần thể lớn, kiến trúc kiên cố hoàn toàn theo kiểu Nga và nằm trên Đại lộ Unter den Linden (Dưới nhũng cây bồ đề) rất gần cổng thành Brandenburger Tor, một biểu tượng của Thủ đô Berlin và điểm du lịch rất hấp dẫn, có lẽ không khách du lịch nào đến tham quan Berlin mà không đến chụp ảnh kỷ niệm trước cổng thành này!
Tuy chỉ lưu lại Berlin ít ngày nhưng Nguyễn Ái Quốc cũng đã cảm nhận được sự nghèo đói và tình cảnh khó khăn của người dân Đức do hậu quả của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và siêu lạm phát lúc đó. Người nhớ lại „Tại Berlin còn bao trùm nạn đói (có lẽ ở cả ở các nơi khác nữa). Mọi người trông ốm yếu và xanh xao. Lạm phát thật là khủng khiếp; sáng một giá, đến chiều lại một giá khác. Nếu người ta muốn mua một tờ báo thì tập tiền mua báo còn dày hơn cả chính tờ báo“. Nhưng Người cũng thích thành phố Berlin. Người đặc biệt có ấn tượng với toà nhà Quốc hội (Reichtag). Sau này Người nhớ lại „Trước toà nhà Quốc hội có rất nhiều tượng đến mức người ta có thể nghĩ rằng đây là một cửa hàng bán tượng“. Còn về người dân Berlin thì Người có nhận xét „ họ rất chăm chỉ, thân thiện, có kỷ luật và tinh thần đấu tranh“.
Trong khoảng thời gian sau ngày 25 và trước ngày 30.6.1923 Nguyễn Ái Quốc đã lên tàu Các Lípnếch (Karl Liebneck) của Liên Xô khởi hành từ cảng Hămbuốc (Hamburg) đi Pêtơrôgrat (sau Cách mạng tháng Mười là Leningrad và nay là St. Peterburg). Lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc đặt chân lên nước Nga – Quê hương của Le-nin vĩ đại và  một hành trình cách mạng mới đã mở ra với Người
Chúng tôi đã nhiều lần đến các cơ quan lưu trữ của Đức như Cục lưu trữ Liên bang (nơi lưu trữ toàn bộ hồ sơ tài liệu của nước Đức từ 1945 về trước cũng như của CHDC Đức trước đây (đến khi thông nhất nước Đức (03.10.1990) và của CHLB Đức từ năm 1990 đến nay (sau khi nước Đức thông nhất); Cục lưu trữ của một số Bang như Berlin, Sachsen/Dresden... và cả các Lưu trữ chuyên ngành như lưu trữ của Sở cảnh sát Berlin (trong đó có cơ quan quản lý theo dõi ngoại kiều, đặc biệt theo dõi tung tích và hoạt đông của các chiến sĩ cộng sản, nhất là cộng sản người nước ngoài đến hoạt động tại Đức)... tìm và  khai thác các tư liệu về Nguyễn Ái Quốc, kể cả dưới bí danh Chen Vang, Wang... nhưng không tìm được tư liệu nào cho biết thời gian đó Nguyễn Ái Quốc ở đâu (tên phố, số nhà...) và gặp gỡ những ai trong số những Lãnh tụ của Đảng Cộng sản Đức lúc bấy giờ (KPD) và có những hoạt động gì... Điều đó chứng tỏ Nguyễn Ái Quốc đã tuân thủ rất nghiêm ngặt những quy tắc trong hoạt động cách mạng bí mật, Người không để lại dấu vết gì và rất khôn khéo trốn tránh sự theo dõi gắt gao của cảnh sát, mật thám Pháp và Đức... nên không tìm thấy một tài liệu nào trong hồ sơ lưu trữ của cảnh sát Đức.
Năm 1927/28  Nguyễn Ái Quốc lại đến Đức một lần nữa (có tài liệu nghiên cứu lại ghi là Nguyễn Ái Quốc đến Đức tháng Hai năm 1928). Nhưng theo chúng tôi thì Người đã đến Đức khoảng cuối năm 1927, và trước ngày 16.12.1927 (vì theo Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử ngày 16.12. 1927 từ Berlin Nguyễn Ái Quốc đã viết thư gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân).
Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử - Tập I, NXB CTQG, Hà Nội năm 1993, trang 252 – 262 đã ghi lại khá chi tiết hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong thời gian này tại Đức. Theo tiểu luận „Hồ Chí Minh và nước Đức“ tại đây Người đã làm việc nhiều tháng cho tạp chí „Thư tín quốc tế“ tại phố Friedrichstrasse 225, một trong những đường phố nổi tiếng nhất tại trung tâm Berlin lúc đó. Trong thời gian này với bút danh WANG Người đã viết nhiều bài cho ấn phẩm tiếng Đức và tiếng Pháp của tạp chí trên, chủ yếu về tình cảnh ở châu Á và về các vấn dề của chính sách thuộc địa. Cũng có bằng chứng chắc chắn là Người đã viết về tình hình ở Đức, có thể với bút danh khác cho một số tạp chí và tờ báo khác của Đức. Cuối năm 1927 Nguyễn Ái Quốc viết tài liệu Công tác quân sự của Đảng trong nông dân, nêu lên tầm quan trọng của nông dân trong tiến trình cách mạng và đảng của giai cấp vô sản phải hết sức quan tâm tới công tác chính trị và tổ chức (cả về công tác quân sự ) trong nông dân. Ngoài ra Người còn tham gia viết một cuốn sách chung với các tác giả Đức và Nga có tên là „Cuộc khởi nghĩa vũ trang“ trong đó có bài phân tich các cuộc khởi nghĩa ở Thượng Hải, Quảng Châu (Trung Quốc) và Hamburg (Đức) và rút ra các kết luận về mặt lý luân. Trong lời tựa cho lần tái bản mới của cuốn sách này (năm 1971), Erich Wollenberg đã viết: trong các đặc phái viên của KOMINTERN ở Trung Quốc bên cạnh Nguyên soái nổi tiếng của Liên Xô là Blücher và người Đức Wilhelm Zeiser „là một người Đông Dương mảnh mai và rất được quý trọng, đó chính là Hồ Chi Minh, người sau này đã làm nên lịch sử thế giới“. Wollenberg viết tiếp „những gì mà Hồ Chí Minh viết hồi đó trong chương
„ Hoạt động/công tác trong giới nông dân“ đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự ... Sau này khi hoạt động ở Mátxcơva Hồ Chí Minh đã gặp lại Clara Zetkin, làm quen hoặc cùng công tác với Wilhelm Pieck là Đại diện của KPD trong Ủy ban thường trực của KOMINTERN (EKKI), với Ernst Thälmann, ủy viên dự khuyết của EKKI, và với Ruth Fischer, Chủ tịch Văn phòng chính trị của Trung ương Đảng KPD. Như vậy trong hai năm đầu hoạt động tại Mátxcơva  Hồ chí Minh đã làm quen hoặc cùng công tác với cả ba nhân vật cao cấp thuộc ba trường phái khác nhau của KPD: Heinrich Brandler, Ruth Fischer và Ernst Thälmann. Trong thời gian công tác tại QTCS ở Mátxcơva Hồ Chí Minh đã tiếp tục viết nhiều bài cho ấn phẩm tiếng Đức của tạp chí „Thư tín quốc tế“ có trụ sở chính ở Brüssel và hai chi nhánh tại Berlin và Wien (Áo).
Từ Berlin Nười đã nhiều lần viết báo cáo và trao đổi thư từ với Ban chấp hành Quốc tế Nông dân, Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản tại Mátxcơva, đều ký tên Nguyễn Ái Quốc. Cũng tại Berlin với bút danh WANG Nguyễn Ái Quốc đã viết tiểu luận về „Phong trào công nhân và nông dân Ấn Độ“ đăng trên tạp chí  „Thư tín quốc tế“ xuất bản bằng tiếng Đức tại Wien (lâu nay chúng ta mới chỉ biết đến ấn phẩm này xuất bản bằng tiếng Nga hoặc Pháp). Cũng có thể Người còn viết các bài khác nữa chúng tôi còn đang sưu tầm tiếp. Ngoài ra theo GS.TS. Wilfried Lulei và Thạc sĩ  Axel Friedrich (cả hai người đều là các nhà Việt Nam học, đã từng học tập và công tác tại Việt Nam nhiều năm) là tác giả của Tiểu luận „Hồ Chí Minh và nước Đức“ (công bố năm 2011 tại Đức) thì có thể trong thời gian hoạt động tại Đức lần này Nguyễn Ái Quốc còn viết bài cho các báo và tạp chí của Đức và đi dự các cuộc hội họp chính trị do Đảng Cộng sản Đức và các tổ chức tiến bộ tổ chức tại các thành phố khác ngoài Berlin ... Theo các thông tin đã được kiểm chứng thì Nguyễn Ái Quốc đã nhiều lần đi tàu hỏa từ Berlin xuống Dresden để tham quan quần thể nghệ thuật Zwinger (có bảo tàng tranh vào loại nổi tiếng thế giới), các bộ sưu tập tranh khác và các tòa nhà nổi tiếng cũng như các triển lãm nghệ thuật... Chình Người cũng đã từng kể với nhà báo lão thành Franz Faber (đã từng công tác ở Việt Nam nhiều năm và đồng thời là Dịch giả nổi tiếng Truyện Kiều sang tiếng Đức theo sự khích lệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh): các đồng chí Đức đã mời Người đi diễn thuyết tại Sachsen và Mecklenburg. Cũng có thể trong những năm 20 và 30 của thế kỷ trước trong khi hoạt động ở châu Âu Nguyễn Ái Quốc còn đến nước Đức ngắn ngày nhưng do hoạt động bí mật nên không tìm thấy bằng chứng nào trong các hồ sơ lưu trữ.
Ngày 23.01.1969 trong buổi tiếp đoàn nguyên Phó Thủ trướng kiêm Bộ trưởng Y tế và đồng thời là Chủ tịch lâu năm của Ủy ban Việt Nam của CHDC Đức Max Sefrin thăm Việt Nam (đây là đoàn cuối cùng của CHDC Đức được Người tiếp, TG) Chủ tịch Hồ Chí Munh đã kể một số tình tiết về thời gian hoạt động của Người ở Đức năm 1928 như sau: Ban đầu Người ở trong một gia đình công nhân ở gần Quảng trường Alexanderplatz (nằm ở trung tâm của Thủ đô Berlin, TG). Nhưng sau thấy có nguy cơ bị cảnh sát Đức theo dõi và bị bắt nên các đồng chí cộng sản Đức đã chuyyển chỗ ở của Người đến khu nhà vườn ở Karlhorst thuộc Quận Berlin – Lichtenberg.
Xin nói thêm Đại sứ quán Việt Nam từ xưa đến nay đều nằm ở quận này; năm 2014 Tác giả bài viết này đã cùng ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch kiêm TGĐ Trung tâm Thương mại ĐỒNG XUÂN (Trung tâm lớn nhất ở Berlin và có lẽ ở cả nước Đức) đã đến Tòa Thị chính gặp ông Thị trưởng Quận Lichtenberg để trao đổi về việc kết nghĩa giữa Quận Hoàn Kiếm của Hà Nội với Quận Lichtenberg, và vừa qua giữa hai Quận đã ký Thỏa thuận kết nghĩa với nhau. Việc kết nghĩa giữa hai quận rất có ý nghĩa đối với Cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại Lichtenberg vì trên 5.000 người Việt – tức khoảng phân nửa số người Việt đang cư trú tại toàn Berlin sinh sống tại Quận Lichtenberg!
Qua việc sống trong một gia đình công nhân cũng như  chuyển ra ở khu nhà vườn Ngươi đã trực tiếp sống với công nhân và viên chức nhỏ tại Berlin, biết được những lo âu, suy nghĩ và hoạt động của họ trong đời sống hàng ngày cũng như trong cuộc đấu tranh chính trị.
Các địa chỉ mà Nguyễn Ái Quốc giao dịch thư từ với Quốc tế Nông dân và Ban Phương Đông của Quốc tế cộng sản (có thể cũng là nơi Người ở tạm) là: Ông Lai, ở nhà ông Écxten, 21 phố Halesơ (Hallesche Strasse), Berlin; hoặc dịa chỉ mới là ông Lu, Tạp chí Thư tín quốc tế, Ban biên tập tiếng Pháp, số nhà 225 phố Friedrichstrasse, ngoài ra Người còn nhắc tới phố Lutsô Uphe (Lützowufer) ở Tây Berlin; hoặc đề nghị chuyển thư từ qua Trụ sở của Trung ương Đảng Cộng sản Đức (KPD), nay là trụ sở của Đảng cánh tả PDS/Die Linke (Đảng thừa kế về pháp lý Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức/SED của CHDC Đức trước đây) cũng nằm ở gần khu Trung tâm của Đông Berlin. Tuy thời gian ở Đức không lâu nhưng Nguyễn Ái Quốc rất quan tâm tói tình hình và sự phát triển của nước Đức.
Về nơi ở của Nguyễn Ái Quốc trong thời gian này tại Berlin, GS-BS Richard Kirsch, Trưởng Đoàn công tác y tế CHDC Đức sang giúp Việt Nam những năm 1956-1957 trong  bài „Hồ Chí Minh – Người Bạn của CHDC Đức, Chiến sĩ quốc tế đầy nhiệt huyết – Người gắn bó mật thiết với với những người anh em cùng giai cấp ở Đức“ đã viết về cuộc ông được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội như sau: „Chủ tịch Hồ Chí Minh kể rằng trong những năm 20 Người đã phải trốn khỏi Paris vì bị truy nã về chính trị và hồi đó Người đã sang Béc-lin mấy tháng. Lúc đầu Người ở trong một gia đình công nhân gần Quảng trường Alex (tên viết tắt của Alexanderplatz, TG) và sau đó, khi bị cảnh sát chính trị (Đức) phát hiện, Người đã chuyển ra ở trong một ngôi nhà vườn ở ngoại ô của thành phố. Hồi đó, Người buộc phải học tiếng Đức để có thể nói chuyện bằng tiếng Đức. Đến tận ngày nay, sau nhiều thập niên, Người vẫn có thể diễn đạt bằng tiếng Đức những điều Người muốn nói. Trong buổi tối hôm đó, tôi đã nhận thấy rằng Người là một thiên tài về ngoại ngữ...“ (đăng trên báo Nước Đức mới của Đảng SED ngày 10.9.1969, sau khi Chủ tịch Hổ Chí Minh qua đời). Khu nhà vườn đó nằm ở khu Karlhorst thuộc Quận Lichtenberg có truyền thống cách mạng lâu đời của giai cáp công nhân, và chủ ngôi nhà vườn là một đôi vợ chồng già tốt bụng; năm 1957 khi sang thăm chính thức CHDC Đức Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Bạn bố trí cho Người đến thăm đôi vợ chồng người Đức đã cưu mang mình năm 1928, nhưng khu nhà vườn này lúc đó không còn nữa (trong chiến tranh thế giới thứ II bị ném bom tàn phá nặng nề, nên sau đó trở thành khuôn viên của một nhà máy)  nên đề nghị của Người không thực hiện được vì không biết hai người này còn sống không và nếu còn sống cũng không biết họ đã chuyển đi đâu. Sau này được biết hai vợ chồng già đó còn sống Người rất tiếc đã không gặp lại được họ.
Ngoài Clara Zetkin đã gặp tại Paris năm 1920, trong thời gian ở Đức, Nguyễn Ái Quốc đã có dịp gặp gỡ các Lãnh tụ nổi tiếng của Đảng KPD và phong trào công nhân Đức như Ernst Thälman (1886 -1944), là Chủ tịch KPD (1925 – 1933) - Ủy viên BCH Quốc tế Cộng sản (bị phát xít Đức cầm tù và sát hại tại trại tập trung Buchenwald năm 1944), Wilhelm Pieck sau này trở thành Chủ tịch đầu tiên của nước CHDC Đức, có thể Người còn gặp cả  Karl Liebneckt và Rosa Luxembuerg là những Lãnh tụ kiên cường của phong trào công nhân Đức... 
Theo các Tác giả của tiểu luận „Hồ Chí Minh và nước Đức“ ngày 04.3.1928 Nguyễn Ái Quốc đã gặp ba người Việt Nam từ Pháp sang Berlin tại trụ sở Liên minh phản đế là các ông Trần Đình Long, Nguyễn Thế Thạch và Bùi Ái trên đường từ Pháp đi Liên Xô, lúc qua Berlin đã được giao thông bí mật của Quốc tế Cộng sản bố trí cuộc gặp này (theo Trần Đình Long: Ba mươi năm ở nước Nga Xô-viết, Hà Thành thời báo, số 21 ngày 04.9.1937).
Trong thời gian ở Đức năm 1928 trong các thư  gửi Ban Phương Đông Quốc tế Cộng hoăc Quốc tế Nông dân Nguyễn Ái Quốc tỏ ra rất sốt ruột với cảnh rỗi rãi trong khi Người nóng lòng được về Đông Dương để hoạt động cách mạng. Trong thư đề ngày 16.12.1927gửi Đoàn Chủ tịch  QTND Người viết „..Trong 2 hoặc 3 tuần lễ tôi sẽ trở về đất nước tôi. Chuyến đi của tôi tốn chừng 500 đôla Mỹ, Vì tôi không có tiền, nên tôi mong các đồng chí giúp đỡ. Xin vui lòng trả lời tôi ở địa chỉ như sau: Ông Lai, ở nhà ông Escxten phố Halesơ (Hallesche Strasse)... Nếu là có (tiền hỗ trợ, TG), hãy gửi tiền đến Ủy ban Trung ương của Đảng Đức (tức KPD, TG), cho „Liwang“. Có hay không có tiền, tôi yêu cầu các đồng chí gửi cho tôi một chương trình tổ chức thực hành để tôi có thể làm việc một cách có ích“....
Ngày 03.2.1928 trong một bức thư khác gửi Quốc tế Nông dân ở Mátxcơva Nguyễn Ái Quốc thông báo không tìm được cơ sở liên lạc tại phố Lutsô Uphe (Lützoufer) và yêu cầu cho địa chỉ liên lạc mới. Thư cũng cho biết: Trong khi chờ đợi ngày có thể lên đường khoảng một tháng hoặc một tháng rưỡi nữa, Người sẽ tranh thủ thời gian viết sách „Những ký ức của một nhà tuyên truyền“, nói về phong trào nông dân Trung Quốc, chủ yếu là ở Hải Lục Phong - nơi có các Xô-viết nông dân. Cuốn sách dự tính dày 120 trang đánh máy và chia thành năm mươi chương (Nguồn: Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, Tập I , NXB CTQG năm 1993).
Hay trong thư đề ngày 12 tháng 4 năm 1928 Nguyễn Ái Quốc lại viết: „Không thể công tác tại Pháp (vì bị cảnh sát theo dõi gắt gao, TG), ở Đức vô ích, nhưng cần thiết ở Đông Dương, nên tôi đã xin lại lên đường về xứ sở này. Trong những thư gửi cho các đồng chí, tôi đã lập một ngân sách công tác và một ngân sách đi đường.
Khi đồng chí Đôriô qua Béclin, đồng chí đã hứa sẽ quan tâm đến vấn đề của tôi. Tôi đã nói với đồng chí ấy là nếu không được kinh phí công tác, miễn là đồng chí cho tôi tiền đi đường, thì dù thế nào tôi cũng sẽ đi, bởi vì đã một năm tôi lang thang từ nước này sang nước khác trong khi có nhiều việc phải làm ở Đông Dương.
..... Hiện nay, tôi ở trong hoàn cảnh khó khăn không chịu nổi....
Vậy tôi xin các đồng chí cho tôi càng sớm càng tốt những chỉ thị chính xác về điều mà tôi phải làm và bao giờ thì tôi có thể lên đường“.
Cùng ngày trên Nguyễn Ái Quốc còn gửi thư cho một cán bộ của QTCS, trong đó có đoạn: „... Đồng chí có thể hình dung nổi tôi đang sống trong một tình trạng tinh thần và vật chất như thế nào không: biết là có nhiều công việc nhưng không thể làm gì được, ăn không ngồi rồi, không có tiền, sống ngày nào hay ngày ấy mà không được phép hoạt động...“.
Qua những thư trên chúng ta có thể thấy Nguyễn Ái Quốc trong thời gian ở Đức đã không ngừng làm việc, tận dụng mọi thời gian để viết sách báo và tham dự các cuộc hội họp. Đồng thời Người cũng luôn nung nấu mong muốn sớm được về Đông Dương để hoạt động cách mạng.
Đầu tháng 6.1928 Nguyễn Ái Quốc đã rời nước Đức, bắt đầu cuộc hành trình để về gần Tổ quốc. Từ Đức Người qua Thụy Sĩ bằng tàu hỏa rồi sang Ý. Sau này, nhắc lại kỷ niệm về chuyến đi đó, Người kể: „Khi Bác xin cấp phép đi qua Ý, cơ quan phát xít hỏi nhiều câu lôi thôi. Đến biên giới, cơ  quan biên phòng phát xít giở xem quyển Từ điển chống cộng quốc tế dày khoảng 2.000 trang, ghi tên tuổi những người cách mạng các nước từ chữ A đến Z. Không thấy có tên mới của Bác trong đó, chúng chào lễ phép và nói: „Mời ông cứ đi“.
Năm 1930, từ Hồng Kông, trong thư gửi Văn phòng đại diện của Đảng Cộng sản Đức (KPD) tại QTCS, Lý Thụy (bí danh mới của Nguyễn Ái Quốc) đã đề nghị cấp cho Người một giấy chứng nhận là phóng viên báo Die Welt (Thế giới) của Đức, với tên gọi là L.M.Vương để có danh nghĩa một nghề khi phải nới với người khác trong hoàn cảnh Người đang sống không hợp pháp ở đây.
Qua việc thay tên đổi họ, dùng nhiều bút danh trong cả hai lần đến Đức cũng như khi ở Hồng Kông có thể thấy Nguyễn Ái Quốc rất dày dạn kinh nghiệm hoạt động cách mạng bí mật, để che mắt bọn mật thám, cảnh sát địa phương như thế nào. Thậm chí các đồng chí và hàng xóm của Nguyễn Ái Quốc còn tưởng Nguyễn Ái Quốc là người Trung Quốc. Vì dụ ông Nguyễn Thúc Canh (hay Cảnh ?), một đệ tử của Phan Bội Châu và là một hội viên của phong trào Đông Du trong hồi ký của mình đã viết trong thời gian ông nằm diều trị tai bệnh viện Charite (Berlin) có hai người, một Đức, một châu Á vào thăm. Mãi sau này ông mới biết người Đức chính là Ernst Thälmann và „người châu Á“ chính là Nguyễn Ái Quốc. Qua câu chuyện này có thể thấy Nguyễn Ái Quốc đã có quan hệ và hợp tác với Lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đức, các  đảng phái cánh tả, các tổ chức và cá nhân vật quan trọng khác như  Clara Zetkin, Wilhelm Pieck và Ernst Thälmann...  




Thăm chính thức CHDC Đức năm 1957

Nếu như trong những năm 20 của thế kỷ 20 Nguyễn Ái Quốc phải
thay tên đổi họ và bí mật đến Đức, thì năm 1957 Người đã đến CHDC Đức trong một tư thế và hoàn cảnh hoàn toàn khác: Người dẫn đầu Đoàn đại biểu của Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ nước VNDCCH đi thăm chính thức nước CHDC Đức với tư cách là Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước  và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đón tiếp rất nồng nhiệt với nghi thức cao nhất.
          Cuộc đi thăm diễn ra từ ngày 25.7 đến 01.8 1957 trong khuôn khổ Người đi thăm hữu nghị các nước XHCN anh em để cảm ơn Lãnh đạo và nhân dân các nước đã hết lòng ủng hộ nhân dân Viet Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; xây dựng miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước.
          Tư liệu về cuộc đi thăm này rất phong phú và được bảo quản đầy đủ và có hệ thống trong điều kiện kỹ thuật hiện đại tại các cơ quan lưu trữ của CHDC Đức trước đây cũng như CHLB Đức ngày nay, riêng tài liệu nội bộ của Bộ ngoại giao CHDC đức trước đây chuẩn bị cho cuộc đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Mình và Đoàn (hiện lưu trữ tại Cục Lưu trữ chính trị của Bộ Ngoại giao CHLB Đức) đã gần 400 tờ. Các cơ quan có liên quan của CHDC Đức hồi đó đã chuẩn bị rất chu đáo, tỉ mỉ tới từng chi tiết lễ tân nhỏ nhất; riêng Chường trình hoạt động của Đoàn đã có tới trên 10 bản dự thảo được sửa đi sửa lại nhiều lần!
          Chủ tịch Hồ Chí Minh là người không thích lễ tân rườm rà nên Người đã đưa ra các đề nghị rất cụ thể. Biết tin Chủ tịch Wilhelm Pieck lúc đó sức khỏe đã giảm sút nhiều nên trước khi đến Đức Người đã gửi điện cho Chủ tịch W. Pieck tha thiết đề nghị Ông không ra sân bay đón Người như nghi thức lễ tân thông thường (ngang cấp). Ngay sau khi Đoàn đến nơi ở Berlin-Pankow Chủ tich Hồ Chí Minh đã đến nhà riêng thăm Chủ tịch W. Pieck. Cuộc gặp giữa hai vị Chủ tịch, hai người Đồng chí và Bạn chiến đấu thân thiết từ những ngày cùng hoạt động tại QTCS ở Mátxcơva diễn ra rất thân tình và nồng nhiệt. Cảm động trước cử chỉ đầy ân tình đó Chủ tịch W. Pieck ngay hôm sau đã viết thư riêng cảm ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vợ chồng Thủ tướng Otto Grotewohl cũng đã mời Người đến ăn trưa tại nhà riêng ngay trong ngày đầu đến Berlin. Đây là những cử chỉ rất đặc biệt trong ngoại giao !
          Người cũng đề nghị Lễ tân bạn bố trí cho Người được trực tiếp gặp gỡ với công nhân, nông dân, trí thức và đặc biệt là với các cháu thiếu nhi Việt Nam đang học tập tại CHDC Đức và thiếu nhi Đức, gặp lại hai vợ chồng già người Đức đã cưu mang người năm 1928 như đã nói ở trên.
          Tại Berlin ngoài đến chào Chủ tịch W. Pieck, Người đã có cuộc hội đàm với Lãnh đạo Đảng SED và Nhà nước CHDC Đức với sự có mặt của  các vị Lãnh đạo cao nhất và toàn thể Bộ chính trị Đảng SED, đến thăm Quốc hội Đức, thăm Tòa thị chính Berlin và ghi Sổ vàng của thành phố (nay là Tòa Thị chính của toàn Thủ đô Berlin); dự chiêu đãi trọng thể do Chủ tịch Quốc hội TS. Johannes Dieckmann thừa ủy quyền của Chủ tịch nước W. Pieck chủ trì chào mừng Đoàn và Người cũng mở tiệc chiêu đãi đáp lễ trước khi rời CHDC Đức. Ngoài Berlin Chủ tich Hồ Chí Minh đã đến thăm Nhà máy đóng tàu ở Stralsund thuộc tỉnh Rostock (tiếp xúc với công nhân), Viện nghiên cứu và sản xuất vắc - xin phòng chữa bệnh cho gia súc tại đảo Riems (tiếp xúc với các nhà khoa học); thăm một HTX nông nghiệp và Đội máy kéo ở ngoại ô Berlin (tiếp xúc với nông dân); thăm trại hè thiếu nhi quốc tế tại Berlin (gặp các cháu thiếu nhi Đức và Hungari đang nghỉ hè tại đó)... thăm thành phố Stalinstadt (sau này đổi thành Eisenhüttenstadt) là thành phố công nghiệp nặng còn non trẻ của CHDC Đức có nhà máy luyện kim lớn mới xây dựng. Tại Dresden Người đã gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo của tỉnh này, thăm quần thể nghệ thuật Zwinger (năm 1928 Người đã đến thăm nơi này), thăm Bảo tàng vệ sinh - nơi trưng bày mô hình cơ thể người được làm bằng thủy tinh trong suốt giúp người xem thấy rõ các bộ phận nội tạng trong cơ thể, hệ thống thần kinh và tuần hoàn máu trong cơ thể người (như một giáo cụ trực quan hiện đại !)... Sau đó Người đã về Moritzburg – một thị trấn nhỏ xinh đẹp ở ngoại ô Dresden gặp gỡ các cháu thiếu nhi đang học tập tại đây và lưu học sinh Việt Nam từ các trường đại học cũng tập trung về đây để đón Bác. Đó là một ngày hội tưng bừng không bao giờ quên đối vối tất cả các bạn nhỏ hồi đó, nay đều đã trên dưới 70 tuổi.
Sau đó tại khuôn viên của Trường „Käthe- Kollwitz-Heim“, nơi diễn ra cuộc gặp giữa Bác Hồ với các cháu của Người một tấm Bia kỷ niệm đã được dựng lên để ghi nhớ sự kiện ngày 29.7.1957 Bác Hồ về thăm Moritzburg. Khuôn viên dựng Bia rộng khoảng trên 10 m² có các trụ xây bằng đá bao quanh và một bảng đồng khắc chữ gắn trên trụ chính giữa. Năm 2005, nhân dịp kỷ niệm 50 năm học sinh Việt Nam đến trường này Văn phòng DAAD của Đức tại Hà Nội đã phối hợp với Bộ Ngoại giao Đức và Đại sứ quán CHLB Đức tại Hà Nội và với sự hỗ trợ của một số tổ chức khác đã tổ chức cho các cựu học sinh của hai trường về thăm lại trường cũ. Điều đặc biệt là Đoàn đã đi tàu liên vận quốc tế từ Hà Nội qua Bắc Kinh và Mạc-tư-khoa đến Berlin như hành trình của họ cách đây đúng 50 năm. Thày trò gặp lại nhau tay bắt mặt mừng vô cùng cảm động, tất cả đã cùng nhau đến dâng hoa tại Bia kỷ niệm Bác Hồ, cùng nhau hát vang những bài hát mà họ đã hát tại đây lúc còn là học sinh... Thỉnh thoảng khi có dịp trở lại Đức từng nhóm cựu học sinh Moritzburg cũng về đây thăm lại trường cũ và các Thày cô giáo (vợ chồng Tác giả bài này cũng đã về  thăm lại trường 4 - 5 lần, có lần cùng với các con). Theo sự tư vấn và dựa trên các tư liệu do tôi cung cấp năm 2013 trong khuôn khổ se-ri phim tài liệu „Hồ Chí Minh trong trái tim Bạn bè“ VTV 1 cũng đã về trường này quay Bia kỷ niệm và phỏng vấn bà giáo Ruth Rehmet (bà giáo duy nhất còn sống trong khuôn viên của trường)*. Năm 2014 Tác giả lại cùng một số anh em người Việt đang sinh sống tại Đức về thăm trường và nhà báo Huy Thắng, TBT tờ báo mạng Thoibao.de phục vụ Cộng đồng người Việt Nam tại Đức, đã làm một phóng sự về Bia kỷ niệm**; hiện nay công ty Thăng Long của anh Võ Văn Long, một doanh nhân thành đạt tại Berlin đang bàn thảo với Ban lãnh đạo tổ chức Diakonenhaus là một tổ chức từ thiện của Nhà thờ Tin lành (hiện là đơn vị chủ quản toàn bộ các cơ sở từ thiện tại đây,  trong đó có trường  Käthe-Kollwitz-Heim) phương án trùng tu, nâng cấp, chăm sóc và bảo vệ Bia kỷ niệm lâu dài. Nếu có thể được, công ty Thăng Long sẽ xin thuê khoảng 300 m² để mở rộng khuôn viên đặt Bia kỷ niệm, thuê trồng hoa và cây cảnh và ký Hợp đồng dài hạn với một công ty môi trường định kỳ chăm sóc khuôn viên này. Sắp tới anh Long sẽ cùng Tác giả đến làm việc với Bảo tàng Hồ Chí Minh về vấn đề này. Bia kỷ niệm Bác Hồ về thăm Moritzburg là di tich vật thể duy nhất còn lại về cuộc đi thăm CHDC Đức năm 1957 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta phải bắng mọi cách duy trì và bảo tồn lâu dài!.
Sau khi Chủ tich Hồ Chí Minh qua đời, Lãnh đạo CHDC Đức trước đây đã tiến hành rất nhiều biện pháp để tôn vinh Người như cử Đoàn đại biểu cấp cao sang Hà Nội dự Lễ tang Người; nhân dịp kỷ niệm lần thứ 80, 90... ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh Bạn đã đặt tên Hồ Chí Minh cho một số trường học tại Berlin và các tỉnh; đổi tên một số đường phổ ở Berlin, Leipzig, Dresden... thành đường Hồ Chí Minh; đặt tên Hồ Chí Minh cho một đơn vị quân đội (Trung đoàn huấn luyện bộ đội biên phòng số 39 ở ngoại ô Berlin); một số xí nghiệp, đội sản xuất cũng được mang tên Hồ Chí Minh... Ngoài ra CHDC Đức còn phát hành tem bưu chính chân dung Chủ tịch Hố Chi Minh, một số áp phích (tranh cổ động) với nội dung tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; một số huy hiệu chân dung Hồ Chí Minh các màu với dòng chữ „Đoàn kết“ bằng ba thứ tiếng (Đức, Việt và Nga hoặc Anh), đặc biệt theo tìm hiểu của chúng tôi thì CHDC Đức là nước duy nhất có Huy chương HỒ CHÍ MINH để tặng cho các tập thể và cá nhân có thành tịch xuất sắc trong phong trào đoàn kết với Việt Nam; ngoài ra có nghệ sĩ còn sáng tác phù điêu chân dung hoặc tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng... Một số nhà báo, nhà văn đã từng công tác tại Việt Nam cũng viết sách về Hồ Chí Minh, chủ yếu là tiểu sử Người trong đó các tác giả đều ca ngợi và đánh giá rất cao thân thế và sự nghiêp cách mạng của Người. Hàng trăm bài báo viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở cả Đông và Tây Đức cũng như sau khi nước Đức thống nhất (từ năm 1946 đến nay) đã được Tác giả sưu tầm.
CHDC Đức là một trong những nước XHCN trước đây có phong trào đoàn kết với Việt Nam mạnh nhất cá về tinh thần và vật chất. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta tại Tây Đức một số tổ chức nhân đạo - từ thiện cũng rất tích cực hoạt động đoàn kết với những tấm gương rất tiêu biểu như Bà Sybille Weber, Tổng thư ký tổ chức „Hành động giúp đỡ Việt Nam“ đã để lại Di chúc xin được yên nghỉ vĩnh hằng tại Việt Nam (hiện tro cốt của Bà đang được đặt tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh). Hay ông Milo Roten, nguyên Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị với Việt Nam cũng có nguyện vọng tro cốt của Ông được rải tại sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre); nguyện vọng cuối cùng của Ông đã được thực hiện với nghi thức rất cảm động...).
Hồ Chí Minh luôn là thần tượng tinh thần thúc đẩy Thế hệ 1968  (đa số là thanh niên) xuống đường biểu tình phản đối cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ chống lại nhân dân Việt Nam và hô vang khẩu hiệu „HỒ - HỒ - HỒ CHÍ MINH“. 
Với lòng kính yêu Bác Hồ, Tác gỉa bài này từ năm 1969 đến nay đã
liên tục sưu tầm được rất nhiều tư liệu và hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đức, đã năm lần tặng tư liệu cho Bảo tàng Hồ Chí Minh và đang chuẩn bị tặng lần thứ sáu với số tư liệu phong phú và lớn nhất so với các lần trước đây./.

Ngày 15.05.2015
Trần Ngọc Quyên
(Nguyên cán bộ Ngoại giao tại CHDC Đức và CHLB Đức)


*) Các đường Link phim „HỒ CHÍ MINH TRONG TRÁI TIM BẠN BÈ“ (Kênh VTV1 phát từ ngày 10.5.14; kênh VTV4 phát lại nhiều lần)
Links zu den Teilen der Dokumentarfilmserie „Ho Chi Minh in den Herzen internationaler Freunde (gesendet in VTV 1 und danach mehrmals Wiederholung in VTV 4 für Auslandzuschauer !

Tập 1                   http://vtv.vn/video-clip/131/Phim-tai-lieu/category53.vtv
(Teil 1)
                  
                   (Teil 2)

                   (Teil 3)

Tập 4                   http://vtv.vn/video-clip/131/Phim-tai-lieu/category53.vtv
(Teil 4)

Viet/video46404.vtv
(Teil 5)

*****

Đường Link: Bản tin tổng hợp 12 giờ trưa ngày 20.5.2014 (buổi tối phát lại) của Truyền hình Thông tấn (TTXVN), trong đó có phóng sự về  việc Tác giả sưu tầm tư liệu về CT HCM tại Đức (nằm ở cuối bản tin trên!)
Link zu einem Filmreportare von VNA-TV über meine Sammlung der Ho Chi Minh – Archive in Deutschland, am Ende der Nachrichten vom 20.5.14)


**) Ký sự về Bia kỷ niệm Bác Hồ (tác giả Huy Thắng)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét