Tuổi Trẻ gặp lại ông để tìm hiểu thêm về chuyện nghề của vị đạo diễn phim tài liệu hàng đầu VN này.
* Thưa ông, lâu nay người ta thấy ông im hơi lặng
tiếng, phải chăng phim tài liệu không còn sức hấp dẫn với ông khiến ông
sau khi chia tay Hãng Phim tài liệu khoa học trung ương lại chuyển sang
nghề viết?
- Không, hoàn toàn không phải thế, tôi vẫn làm việc,
làm nhiều là khác. Tôi đọc sách, đi giảng bài, nói chuyện và nhất là vẫn
phải làm phim. Tôi đã làm được một số phim rất thích, sau Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai,
tôi làm khá nhiều, trong đó ưng ý nhất là bốn tập phim Người man di
hiện đại - phim chân dung danh nhân văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh do gia đình
cụ đặt làm. Tôi cũng đang làm ba tập Vọng khúc ngàn năm. Và còn vài kịch
bản nữa đang đợi tôi. Tôi vẫn làm phim.
Còn cuốn sách, nó như một cái duyên, và tất cả là do sự
nhiệt tình, tận tâm, hết lòng với bạn bè của anh Nguyễn Thanh Dũng -
bạn chí cốt của tôi. Hai nhà báo nước ngoài đến phỏng vấn tôi rất lâu,
rất nhiều câu hỏi, tôi ghi lại để làm tư liệu và cũng để đối chiếu với
bài báo của họ. Anh ấy dỡ ra, gõ lại, sắp xếp, bổ sung, trình bày... Câu
chuyện nghề, những sự kiện, nhân chứng, những bộ phim, những thử thách,
cam go, những giải thưởng... là của đạo diễn Trần Văn Thủy, nhưng cuốn
sách thì là tấm lòng của bạn tôi.
* Trong phim Chuyện tử tế, ông có nói một ý
rằng “để thấu hiểu nỗi đau của con người không phải là một việc dễ
dàng”, và “chỉ có sống cuộc sống của người đời, chia sẻ những nỗi buồn
và niềm vui của người đời thì may ra mới tìm được, hiểu được, nghĩ được
và làm đúng được đôi điều”. Ông thấy với những văn nghệ sĩ ở VN nói
chung và những người làm phim tài liệu nói riêng, cái việc “sống cuộc
sống của người đời” ấy nó bình thường và không bình thường như thế nào?
- Khi làm hậu kỳ phim Chuyện tử tế, tôi bị ốm.
Phải nằm Bệnh viện Bạch Mai, và tôi có dịp chứng kiến hàng trăm con
người chen chúc nằm trên giường, dưới sàn... trong phòng bệnh kinh khủng
thế nào. Cảnh khóc lóc, mếu máo, đau đớn, đói khát... đập vào mắt tôi,
cứa vào tim tôi. Nói cho đúng thì tôi có tiêu chuẩn nằm Bệnh viện Việt
Xô, và nếu nằm đó thì tất nhiên được chăm sóc khác hẳn, nhưng không nhớ
vì lý do gì tôi lại vào Bạch Mai, và như thế, lời bình kết phim Chuyện
tử tế ra đời ở đấy.
Thật ra, cái chuyện này rất là cũ, cũ như khẩu hiệu “ba
cùng” của những người cộng sản thời kỳ còn phải bí mật, còn phải vận
động quần chúng. Nhưng lâu ngày thì người ta quên, đến nỗi có ai làm lại
thì người ta thấy mới mẻ. Nó cũng đơn giản như khi anh ăn sáng, uống cà
phê rồi mặc ấm, ngồi xe hơi hay xe máy đi dạo đường Cổ Ngư sương giăng
lãng đãng hồ Tây mùa đông, anh thấy đời sao mà lung linh thơ mộng. Trong
khi cũng cảnh đấy, thời tiết đấy, anh còng lưng đẩy xe than lên dốc Yên
Phụ hay mò ốc dưới hồ thì tâm thế anh sẽ khác. Một người làm phim tài
liệu như tôi cố gắng lý giải cuộc sống và xã hội từ nhiều góc độ như
thế.
Sách do Phương Nam & NXB Hội Nhà Văn ấn hành - Ảnh: H.T.Vân |
* Trong sách Chuyện nghề của Thủy ông có
nhắc một ý: “Một xã hội gồm những con người vô đạo, không biết sợ cái
gì, không biết tin vào cái gì là một xã hội cực kỳ nguy hiểm”. Ông thấy
cái nguy hiểm ấy ở nước ta hiện nay đang như thế nào? Và liệu thể loại
phim tài liệu sẽ có tác động như thế nào đến việc giảm bớt loại nguy
hiểm ấy?
- Tôi nghĩ về sự nguy hiểm của một xã hội không có đức
tin, không còn biết sợ cái gì thì chẳng cần nói nữa, báo chí ngày nào
chả đầy rẫy những vụ việc như thế. Bản thân tôi cũng cảm thấy cái tình
người của thời tôi làm Chuyện tử tế nó cũng khác xa bây giờ, dù
hồi ấy tôi cũng đã phải kêu lên trong bộ phim về lòng tử tế thiếu vắng ở
nơi cần nhất. Nói thật lòng, tôi chẳng có chút ảo tưởng nào vào những
bộ phim của mình nói riêng hay sách báo phim ảnh nói chung sẽ tác động
trực tiếp làm giảm làm bớt những cái nguy hiểm ấy. Nhưng việc tôi thấy
cần và nên làm thì tôi vẫn làm.
Còn nhớ hồi 1978, khi các đồng nghiệp vẫn mải làm phim
Truyện Kiều với cầu Bắc Luân, thì tôi đã kêu với giám đốc xưởng phim tư
liệu khoa học thời ấy là anh Lý Thái Bảo: anh lên biên giới mà xem,
chúng ta không thể ngồi im không làm cái gì được. Các ông ấy báo cáo lên
trên, đi thực địa rồi về bảo tôi: “Đúng là tình hình căng thẳng lắm.
Chúng ta phải làm một cái gì đó. Nhưng cái gì đó là cái gì thì cậu làm
đi”. Thế là tôi ngồi viết kịch bản phim Phản bội. Bộ phim tôi
rút hết gan ruột ra mà làm. Tôi rất yêu nó, bộ phim dài nhất trong lịch
sử phim tài liệu nhựa VN cho đến nay: 90 phút. Tôi nghĩ đó cũng là người
nghệ sĩ trong tôi đã kịp “làm một cái gì đó” cho xã hội, cho đất nước.
Hoặc, kể ra thì hơi... tréo ngoe, nhưng các nhà sản
xuất phim Nhật Bản đã đầu tư để tôi làm một bộ phim về làng gốm Phù Lãng
- một bộ phim tôi kể những câu chuyện “tử tế” của một ngôi làng cổ ven
sông, nơi người ta cha truyền con nối làm chum vại, tiểu sành, nơi anh
thương em, mẹ kế thương con chồng, hàng xóm quý nhau như ruột thịt...
Người Nhật xem phim và kinh ngạc nhận ra họ có một quá khứ gần với VN
đến thế. Vâng, đấy là cách mà một đạo diễn có thể “làm một cái gì đó” để
ngăn từ xa cái nguy hiểm của một xã hội đang mất lòng tin.
Và, tất cả những điều đó, tôi đã kể, dù ít dù nhiều,
trong cuốn chuyện nghề của mình. Tôi, giờ như chiếc xe máy cũ không còn
phanh, còn đi được chặng đường nào thì phải đi nốt, tôi không còn thời
gian “à ơi” nữa đâu.
VIỆT LAN thực hiệ. (Tuoitre 10/5/13)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét