Tác giả Vũ Khoan và nhà thơ Việt Phương, người viết Lời giới thiệu. ký tặng bạn đọc |
Lời
nói đầu
Nói đến “ngoại giao” nhiều người chỉ thấy bề ngoài có phần
hào nhoáng mà không rõ lắm bếp núc của nghề này ra sao. Thậm chí trong thời
kinh tế thị trường người ta còn sử dụng từ “ngoại giao” để chỉ những đặc ân
dành cho ai đó nhằm thu về mối lợi cho mình, như mảnh đất này để “làm ngoại
giao”, vị trí này dành cho mục đích “ngoại giao”…?! Cũng do tính chất “bí hiểm”
như vậy của nghề ngoại giao nên trong nhiều cuộc giao lưu, tiếp xúc, nhất là với
thanh niên, sinh viên, cán bộ ngoại giao hay bị hỏi về nghề, về nghiệp của
mình.
Thấy vậy, một số anh chị em chúng tôi từng làm việc lâu
năm trong ngành ngoại giao nay đã nghỉ hưu, lúc trà dư, tửu hậu đã nẩy ra ý
nghĩ ghi lại những việc đã làm, những gì đã thấy để thiên hạ tỏ tường. Không ngờ
sáng kiến ấy đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều người! Thế là chúng
tôi bắt tay vào viết lại những chuyện tai nghe mắt thấy về “cái nghề, cái nghiệp
ngoại giao” và in thành cuốn sách cùng tên này.
Chúng tôi không có
ý định viết “lịch sử” hay “giáo trình” ngoại giao Việt Nam hoặc hồi ký mà chỉ
muốn qua những câu chuyện về người thật, việc thật, những công việc chúng tôi
đã làm, những hoạt động đã từng tham gia, những sự kiện đã từng chứng kiến, những
đất nước đã từng đi qua góp phần làm cho mọi người hiểu cho phần nào những điều
hay nỗi khổ, điều khôn sự dại của một lớp người đã “sinh ư nghệ, tử ư nghệ” ngoại
giao, đồng thời cũng ước sao lớp người sau may ra có thể lượm lặt được đôi điều
bổ ích. Cũng xin nói ngay rằng, những câu chuyện trong sách mới chỉ do vài người
kể lại. Tuy chúng khá đa chiều vì mỗi người một góc nhìn, một cương vị, một
lĩnh vực, một khu vực nhưng chưa thể vẽ nên được bức tranh toàn cảnh về nghề
ngoại giao. Lại nữa, đôi chỗ bạn đọc có thể thấy những nhận xét, đánh giá này nọ
nhưng đó chỉ là những cảm nhận rất riêng tư, hoàn toàn không phải là sự đánh
giá mang tính tổng quan hay những triết lý sâu xa gì về nghề nghiệp.
Mặc dầu đã có nhiều cố gắng trong khi biên soạn, nhưng chắc
rằng cuốn sách còn nhiều lỗ hổng, sai sót; còn nhiều câu chuyện bổ ích và lý
thú nữa cần được bổ sung thì mới có được một cuốn sách về “Chuyện nghề, chuyện
nghiệp ngoại giao” hoàn chỉnh. Dù sao đi nữa, đây cũng là một sự khởi đầu, là “cái
đà” khích lệ những người đồng nghiệp của chúng tôi thuộc mọi lứa tuổi kể tiếp về
những trải nghiệm của họ trong đời hoạt động ngoại giao của mình. Biết đâu đấy,
có thể từ cuốn sách đầu tay này sẽ xuất hiện một xê-ri sách về chuyên đề ngoại
giao thì hay biết mấy.
Kết thúc mấy dòng ngắn ngủi về sự ra đời và nội dung cuốn
sách, chúng tôi mong đợi độc giả lượng thứ cho những điều thiếu sót, góp ý cho
những điều cần được cải thiện.
Chúng tôi rất vui đã mời được nhà thơ Trần Việt Phương, một
người thuộc lớp đàn anh chúng tôi đã từng trực tiếp giúp việc cho Bác Hồ, Thủ
tướng Phạm Văn Đồng, Tổng Bí thư Lê Duẩn… và trên cương vị ấy đã từng đồng hành
với ngành ngoại giao ngay từ ngày họp Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 và trong nhiều
năm sau đó viết Lời giới thiệu cuốn sách. Mong các bạn đọc tiếp trước khi đọc
những mẩu chuyện của chúng tôi.
Hà Nội, Xuân Quý
Tỵ
Nhóm tác giả.
Lời
giới thiệu
Đã nhiều năm nay, thực hiện nhiệm vụ của mình, tôi được
theo dõi một chừng mực nào và thỉnh thoảng được ít nhiều tham gia hoạt động ngoại
giao, nhờ vậy mà được quen biết một số nhà ngoại giao của nước ta. Trong tám
tác giả của cuốn sách này, tôi được quen biết bốn người.
Tôi không phải một người chuyên nghề ngoại giao, nhưng cũng không
hoàn toàn ngoài cuộc.
Được cầm cuốn sách này trong tay, cảm nhận đầu tiên của tôi là
tên của cuốn sách: Khiêm nhường, giản dị, một lời chào thân tình,
một lời mời chia sẻ.
Đọc từng bài trong cuốn sách này, tôi được
sống lại những chặng đường đối ngoại của nước ta, những bước đi của
lịch sử, với không gian Việt Nam và thế giới, với thời gian chiến
tranh và hoà bình, những sự kiện, những con người, những kỷ niệm,
biết bao cung bậc và sắc thái của cuộc đời, vui buồn, sướng khổ,
phấn khởi và lo âu, tiếc nuối và hy vọng, thấm thía trong sâu xa
tâm khảm của mình.
Tôi đọc và dừng lại suy ngẫm về từng chi tiết, từng mẩu
chuyện, nhỏ nhoi mà lớn rộng, nhẹ nhàng mà ý nhị, như chơi mà
rất thật, bình thường mà xúc động, hóm hỉnh mà nghiêm
trang, tự nhiên mà điêu luyện, nề nếp mà sáng tạo.
Tôi đọc với lòng cảm kích và kính phục các anh, các chị tác
giả, các nhà ngoại giao thuộc nhiều thế hệ của nước ta, đã rất
mực yêu nước, gắn bó từng hơi thở, từng ý nghĩ, từng sáng kiến
ngoại giao với nước, với dân, xứng đáng là hiện thân khát vọng
và ý chí của dân tộc Việt Nam ta.
Tôi cảm nhận thấy bao trùm lên tất cả, thấm nhuần trong từng
bài viết, cuốn sách này góp phần bồi bổ cho người đọc lòng tự
hào được là người Việt nam, ý thức về phần trách nhiệm của
mỗi người, niềm tin vào ngày nay và ngày mai của đất nước ta,
và cùng với đó là niềm tin vào con người, vào loài người
ta, ngày nay và ngày mai của thế giới ta.
Cuốn sách này là một lời kêu gọi, một sự khích lệ sống làm
người Việt Nam
và làm người.
Tôi xin trân trọng giới thiệu cuốn sách này với bạn đọc,
nhất là với các bạn trẻ đang là hôm nay và sẽ là ngày mai của
nước ta.
Hà Nội, ngày
20 tháng 2 năm 2013
Trần
Việt Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét