(LĐ) -
Số 110 -
Thứ sáu 17/05/2013 11:17
Chia sẻ với PV Lao Động tại buổi giới thiệu cuốn sách “Chuyện
nghề, chuyện nghiệp ngoại giao” sáng 16.5, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan
khẳng định, yếu tố quan trọng của ngoại giao trong thời bình chính là
sự hòa hiếu.
Chịu chơi, nhưng phải giữ mình
Theo ông Vũ Khoan, ngoại giao hiện nay khác hẳn thời Việt Nam còn bị bao vây, cô lập trong chiến tranh. Thời đó, đứng cạnh Việt Nam trong các cuộc chiêu đãi thường chỉ là Triều Tiên, trong lúc thái độ của nhà ngoại giao Việt Nam chỉ là đứng thẳng, không ôm hôn. “Đến thời bình thì chúng ta phải biết chơi, chịu chơi. Phải karaoke, phải chơi golf chứ” – ông nói.
Theo ông Vũ Khoan, ngoại giao hiện nay khác hẳn thời Việt Nam còn bị bao vây, cô lập trong chiến tranh. Thời đó, đứng cạnh Việt Nam trong các cuộc chiêu đãi thường chỉ là Triều Tiên, trong lúc thái độ của nhà ngoại giao Việt Nam chỉ là đứng thẳng, không ôm hôn. “Đến thời bình thì chúng ta phải biết chơi, chịu chơi. Phải karaoke, phải chơi golf chứ” – ông nói.
Nhà ngoại giao Vũ Khoan kể: “Trong những cuộc họp quan chức cấp cao ASEAN (SOM) mà tôi làm trưởng đoàn, các cuộc tranh luận thường rất gay cấn, vì nguyên tắc của ASEAN là đồng thuận. Dàn xếp được ý kiến của từng đấy ông thì khó lắm. Một lần, có một thỏa thuận trong nội bộ ASEAN không nhất trí được nên nghỉ giải lao và sáng hôm sau thì có buổi đánh golf. Tôi thắc mắc, không rõ golf là trò gì mà họ ham thế; 5-6h sáng đã đi rồi. Nhưng do buồn ngủ, nên 7h sáng tôi mới đến sân golf. Giám đốc sân nói “họ đang ở đâu đó, khoảng lỗ số 9”. Tôi chả biết nó là cái gì, nó ra làm sao, nên đành ngồi uống nước cam xong, rồi đi về. Sau đó, các trưởng đoàn tụ họp và nói đã thỏa thuận xong ở sân golf. Tôi ngạc nhiên nói: “Tôi không đánh golf, tôi có ở đó đâu”. Câu trả lời là: “Ông không biết đánh golf là lỗi của ông, không phải của chúng tôi”.
“Tất nhiên, vấn đề tranh cãi đó không quá quan trọng, chỉ là thống nhất về mặt câu chữ mà thôi; nhưng nó đủ để thấy ngoại giao sân golf quan trọng như thế nào. Sau đó, tôi bắt đầu học đánh golf và được coi là người đưa golf vào Việt Nam. Tôi lúc nào cũng được giải “Người chơi golf cao tuổi nhất”.
“Thế mới thấy, ngoại giao thời bình là phải chịu chơi. Chịu chơi, nhưng phải giữ được mình, chứ đánh mất bản thân thì nguy hiểm lắm”.
Dùng “thực”, đừng dùng “gậy”
Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, trong ngoại giao cần phải ứng xử với những vấn đề mâu thuẫn bằng giải pháp mềm, chứ không cần giải pháp cứng. “Ta cần dùng “thực”, chứ đừng dùng “gậy”. Đó là nghệ thuật ngoại giao thời bình” – ông nói.
Ông Vũ Khoan nhận định, một trong những kỹ năng rất quan trọng của một nhà ngoại giao là ngòi bút sắc bén. “Nếu muốn làm nhà ngoại giao tốt, phải biết viết tốt. Ý nghĩ sâu sắc đến đâu mà viết dở sẽ gây hậu quả lớn”.
Ông kể: Hồi tôi còn làm ở Bộ Ngoại giao, anh em hay phàn nàn sao cứ ngồi chữa từng chữ, từng dấu phẩy. Tại sao không viết "vinh quang", mà cứ chữa thành "quang vinh". Thực ra điều này tôi học lại từ các bậc tiền bối. Đồng chí Trường Chinh có bí danh là anh Thận, mà có nguồn tin giải thích là do ông rất cẩn thận hay siêu cẩn thận. Ông luôn chữa từng chữ rồi chỉ bảo. Chẳng hạn chữ Hán-Việt "vinh quang" là không đúng, mà phải là "quang vinh". Ví dụ chỉ một từ như vậy để thấy kỹ năng viết của ngành ngoại giao là cực kỳ quan trọng”.
“Ông đi chợ còn chả biết, giờ lại còn đi chợ cho cả nước”
Trong bài viết về các cuộc đàm phán đa phương, ông Vũ Khoan từng ví nó như một mặt trận nơi những người đàm phán phải mặc cả đến từng dấu phẩy. “Đến giờ thì chẳng thể nhớ xuể mình đã khổ vì các dấu phẩy ở đâu. Chỉ nhớ một dấu phẩy của cuộc đời, là tự nhiên đi làm ngoại giao, vì đáng ra tôi thích kiến trúc, nhưng cuộc đời đưa đẩy, khi đến đó lại phẩy một cái hất sang ngoại giao. Dấu phẩy thứ hai là khi được điều sang làm Bộ trưởng Thương mại. Về nhà vợ tôi bảo: “Ông đi chợ còn chả biết, mà giờ lại đòi đi chợ cho cả nước thì chết à?”. Đó là những dấu phẩy cuộc đời để lại những ấn tượng rất sâu sắc.
Theo ông, làm ngoại giao không phải là “lên xe, xuống ngựa”, tiệc tùng, quần áo. Cái đó chẳng qua là bề ngoài hão huyền thôi. Nếu nhà ngoại giao “ra mặt trận” mà đằng sau lưng chống chếnh thì chắc chết. Vì vậy, muốn làm ngoại giao tốt, phải làm đối nội tốt. Không hiểu rõ việc trong nước thì không bao giờ làm ngoại giao tốt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét