Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

Khi bộ trưởng hứa cái rẹt, nói ráo hoảnh.

Đào Tuấn
Bộ trưởng Thăng là người chăm hứa. Dân bảo ông “hứa cái rẹt”. Nhưng sau đó, ông ráo hoảnh phân tích tại sao lời hứa lại nhanh “thoảng bay theo gió” đến thế.
Báo Thanh Niên ngày hôm qua đã dùng 2 chữ “dày đặc” khi cảnh báo về nguy cơ “trạm thu phí” trên tuyến Quốc lộ 1A. Kèm ngay theo đó là lời khẳng định của đại diện phía “nhà xe”, rằng: “Xe phải đóng thêm 1 triệu thì phải tính vào giá cước 1 triệu, nên áp lực giá sẽ đẩy ra ngoài xã hội và người dân phải gánh”. Có lẽ thế là đủ. Ngay cả những người nghèo không có xe riêng, cũng nhận đủ phí đường bộ. Người may mắn có xe, dù chỉ là xe ba gác, hẳn sẽ tự hào được xác nhận yêu nước gấp đôi khi vừa đóng phí bảo trì đường bộ vừa móc túi đều đều mỗi khi xe qua trạm.

Một đoạn Cát Lái đi Cần Thơ, phí cầu đường chiếm 19% giá cước. Chưa kể “hàng loạt các chi phí như lãi vay, dầu, vỏ (lốp) xe..”. Chưa kể loại mà các DN gọi là “phí vô danh”. Tất tật những khoản từ hữu hình cho đến vô thanh này ai phải chịu nếu như không phải là nhân dân?
Đóng phí là yêu nước. Người dân phải thấy hạnh phúc, tự hào khi đóng phí. Không cần phải nhắc, 9/10 người dân sẽ biết ai là tác giả của phát ngôn bất hủ đó.
Đóng phí là yêu nước. Nhưng không đóng phí không có nghĩa là không yêu nước. Và mỗi độ phải bớt miệng để đóng cho cái sinh kế được gọi là xe, nói thật, khó bảo người dân phải hạnh phúc, phải tự hào lắm, thưa Bộ trưởng Thăng.
Trong chương trình “Dân hỏi- Bộ trưởng trả lời” hôm 17.3, người dân còn nhớ như in Bộ trưởng đã khẳng định “như dao chém đá”: “Không có chuyện phí chồng phí”. Bấy giờ, Bộ trưởng nói thêm: Phí bảo trì đường bộ được dùng để bảo trì các công trình đường bộ được đầu tư xây dựng bằng ngân sách nhà nước, còn với các công trình BOT và được xây dựng bằng các nguồn vốn khác, các nhà đầu tư phải bỏ tiền ra đầu tư, bảo trì, sửa chữa.
Nhân dân cả tin và ngây thơ quên béng rồi cái vế sau. Và bây giờ, câu chuyện QL 1A bị băm nhỏ bởi các trạm thu phí mới cho họ một bài học về sự cả tin:  Đúng là Bộ trưởng không cho thu phí “trạm nhà nước” nữa, nhưng ông chia nhỏ quốc lộ trong cái gọi là BOT, để xuất hiện dày đặc hơn các “trạm tư nhân”.
Dày đặc là bao nhiêu? Là khoảng 20 trạm. Kể cả khi chiều dài đoạn BOT chưa đủ 70 km theo quy định của Chính phủ. Và thật kinh khủng, mức thu trong tương lai gần sẽ tăng gấp 3,5 lần, được “điều chỉnh” mỗi 3 năm, kéo dài tối thiểu 20 năm.
Vừa phí bảo trì, vừa “phí BOT”, thế mà Bộ trưởng vẫn nói không phải là “phí chồng phí” thì nói thật là người dân không hiểu được.
Còn nhớ hơn 10 hôm trước, Phó trưởng đoàn ĐBQH Đồng Nai Trương Văn Vở, một cách thẳng thắn nhưng mềm mỏng, đã nhắc khéo Bộ trưởng rằng ông đã thất hứa với cử tri Đồng Nai, khi ông từng “hứa cái rẹt” sẽ bỏ trạm thu phí Định Quán trong quý IV/2012.
Trong công văn trả lời liền ngay sau đó, Bộ trưởng Thăng lại “hứa cái rẹt” với một mốc thời gian mới “chậm nhất trong quý III/2013”, nhưng không phải là bỏ mà là “có trạm mới thay thế trạm Định Quán”.
Thật hài hước. Phí vẫn là phí. Chuyện cái trạm và lời hứa, chỉ là sự dịch chuyển người này đóng thuế thay vì người khác.

 http://daotuanddk.wordpress.com/2013/04/03/khi-bo-truong-hua-cai-ret-noi-rao-hoanh/

1 nhận xét:

  1. Nhiều dân chợ nói cái nhà anh Thăng có vấn đề về thần kinh đó ạ.

    Trả lờiXóa