Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

NGƯỜI GẮN BÓ CẢ ĐỜI VỚI NGOẠI GIAO VĂN HÓA. (Hỏi chuyện nhà báo Nguyễn Vĩnh)

Chiến Thắng thực hiện

Nói anh Nguyễn Vĩnh, nguyên Tổng biên tập Báo Quốc Tế, nay sắp bước vào tuổi 70 thì thật khó tin. Anh đi chiếc Lead màu nâu to đùng, đẩy xe lên vỉa hè quán cà phê nhẹ tênh, gặp bạn bè là cười nói rộn ràng, anh em thân tình đâu ới một tiếng, dù ở xa anh cũng ào tới không mấy khi chối từ ái ngại. Đánh bạn với những người như thế thật sướng, ít phải giữ kẽ. Anh Vĩnh đi đâu cũng thường mang theo một cái túi, trong đó trước đây là láp-tóp Vaio xịn, giờ anh thay cái máy tính bảng mới tinh, gọn nhẹ hơn. Đều là thứ dụng cụ đồ nghề gắn với cánh nhà báo và những blogger; bởi với họ không cập nhật thông tin thì hình như “không chịu được”. Nguyễn Vĩnh quả thật vẫn là một ông lão trẻ trung và ham thích cái mới.

Vào một sáng Hà Nội tháng mười, anh và tôi đã ngồi với nhau ở một quán cà phê ven Hồ Tây. Thi vị và đáng nhớ cái buổi ấy khi gió đầu đông chỉ mới chớm lướt trên mặt hồ xanh và chút se lạnh trên da thịt người. Bên hồ câu chuyện của chúng tôi rỉ rả theo từng giọt cà phê, cũng toàn chuyện kỷ niệm nghề nghiệp, chuyện bạn bè một thuở…

Khi trở về nhà nhớ lại, thấy những điều Nguyễn Vĩnh kể thật là hay, đặc biệt là những nhận xét thật xác đáng mà lý thú,  mới xin phép anh chép ra đây, có thế nào chép thế ấy, không văn chương màu mè gì.
                                                  
Nhà báo Nguyễn Vĩnh
                                                     
Phần 1

Ở Bộ Ngoại giao, tôi thấy anh là một trong số không nhiều người đã gắn bó suốt với ngoại giao văn hoá.

Tôi ra trường năm 1967 và bắt đầu làm việc ở Nhà xuất bản ngoại văn.

Thì xuất bản ngoại văn là văn hóa đối ngoại chứ còn gì nữa.

Đúng thế, hồi đó cơ quan này trực thuộc Ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài, chuyên về việc quan hệ văn hóa với các nước trên thế giới, nên mang tên như trên. Các cơ quan đơn vị trong Ủy ban này nơi thì xuất bản sách báo tiếng nước ngoài; chỗ chuyên đón - đưa các đoàn văn hóa nghệ thuật nước ngoài vào ta và đoàn của ta ra bên ngoài biểu diễn giao lưu; lại có chỗ chuyên trách quản lý văn hóa phẩm (liên quan đến trao đổi quốc tế), có đơn vị như một doanh nghiệp, chuyên nhập và xuất sách báo ngoại văn, v.v…    

Cụ thể anh Vĩnh làm gì hồi đó?

Sau thời gian thực tập, kiểu điếu đóm như bất cứ anh sinh viên mới ra trường nào, tôi bắt đầu được giao trực tiếp làm sách. Công việc là theo dõi phát hiện các sách văn học xuất bản trong nước có thể dịch, hợp với đối tượng độc giả nước ngoài nào rồi biên tập theo những yêu cầu mà dịch giả sau này có thể hỏi đến và tham khảo về tác giả và tác phẩm. Sau hết trình ban biên tập phê duyệt để chuyển các công đoạn sau.

Thế khi làm có cuốn sách nào anh nhớ lâu nhất, có chuyện gì kể được không?

Có nhiều cuốn để lại ấn tượng nhưng nhớ nhất vẫn là bộ Hợp tuyển văn học Việt Nam. Thời kỳ này tay nghề cánh biên tập viên trẻ tuổi nhất ở nhà ngoại văn chúng tôi đã khá lên chút thì tôi cùng vài đồng nghiệp trẻ khác được đóng góp vào một công trình lớn, là bộ sách “Anthologie de la litterature Vietnamienne”. Đó là tuyển tập văn học Việt Nam, cả thời cổ đại và thời hiện đại, gồm tới 4 tập dày dặn, khổ sách khá lớn. Tôi nhớ là sau khi in bản tiếng Pháp thì NXB đưa dịch cả tiếng Anh. Bộ sách này vì thế có tiếng vang ở cả hai châu lục Âu – Mỹ.

Sách nhiều tập nhưng cánh trẻ chỉ được góp vào tập văn học hiện đại. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện và ông Hữu Ngọc chủ trì bộ sách. Ít tuổi, lại sai phái được, tôi hay được cử đi gặp cộng tác viên với một biên tập viên dày dặn kinh nghiệm là anh Trương Đình Hưng. Vì thế mà tôi có cơ hội làm quen với nhiều nhà văn nổi tiếng thời ấy. Anh Hưng là người Hà Nội gốc, tú tài tây xịn, đặc biệt tính tình vui vẻ, lại là lứa kháng chiến chống Pháp nên dễ gần gũi với các nhà văn được chọn dịch , điều đó và khiến các buổi trò chuyện luôn luôn hứng thú.

Việc này cũng muốn kể với anh Chiến Thắng. Do làm tuyển tập văn chương quy mô lớn mà nhà NXB Ngoại văn thành nơi lui tới của nhiều khuôn mặt danh giá, như Tế Hanh, Xuân Diệu, Huy Cận, Quang Dũng, Anh Thơ, Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Khải, Hữu Mai, Hồ Phương, Lê Lựu, Đỗ Chu, Xuân Quỳnh… Dĩ nhiên còn nhiều con người tài danh khác nhưng vì họ đang đi chiến trường miền Nam nên không gặp được và ban biên tập chỉ làm công việc chọn tuyển tác phẩm. Giờ nhớ lại tôi không khỏi trạnh buồn, bao khuôn mặt văn chương vẻ vang một thời có tác phẩm góp vào tuyển tập này nay đã không còn nữa...

Vừa rồi thấy anh Vĩnh không nhắc đến ông Tố Hữu. Tôi nhớ hồi đó NXB có làm cuốn “Việt Nam, máu và hoa” cơ mà ?

Nhà thơ Tố Hữu hồi đó là cấp lãnh đạo rất cao rồi nên đâu dễ có thời gian qua lại NXB như các tác giả khác. Nhưng ông ấy có thơ trong tuyển tập. Còn cuốn sách anh nói đến, “Việt Nam, máu và hoa”, là có nhưng tôi không được giao làm. Biên tập viên chính vẫn do anh Trương Đình Hưng đảm nhiệm. Thời gian chuẩn bị và đi giao dịch với tác giả, anh Hưng có kéo theo tôi bồi đồng, học hỏi nghề.

Anh Thắng chắc nhớ, Tố Hữu hồi đó sáng tác thành công nhiều bài thơ về đề tài miền Nam chiến đấu, trong đó có bài “Việt Nam, máu và hoa”. Chính cái tên đó gợi lên cho bác sĩ Nguyễn Khắc Viện ý định xây dựng một tập sách thơ đối ngoại.

Nội dung cuốn sách giới thiệu nhà thơ Tố Hữu, chủ yếu con đường đi tới thi ca của ông. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Tố Hữu rất phong phú và chính nó tạo nên chủ đề, đề tài cụ thể và cả đến một phong cách rất riêng mang tên ông trong thơ ca cách mạng.

Phần chính yếu của sách đương nhiên là chọn dịch những bài thơ tiêu biểu của thi sĩ xứ Huế sang tiếng Pháp. Giám đốc NXB Nguyễn Khắc Viện giỏi Pháp văn là thế mà ông vẫn chưa yên tâm, ông liên hệ sang Pháp mời bà Mireille Gansel là nhà thơ, cũng là đảng viên cộng sản bên ấy vào Việt Nam cộng tác. Bà “chuyên gia” này ở khách sạn nhưng NXB lo bố trí phòng làm việc hằng ngày ở trụ sở cơ quan, 46 phố Trần Hưng Đạo. Cuốn sách ra đời có nhan đề tiếng Pháp là “Sang et Fleurs - Chemin du poète To Huu” (Máu và những cánh hoa - Con đường của nhà thơ Tố Hữu). Sách được phát hành  ở Pháp và một số nước trong cộng đồng Pháp ngữ.

Xong việc trên anh Hưng kể tôi nghe rất nhiều chuyện, anh bảo rất ngạc nhiên thấy vị bí thư trung ương đảng bận việc là thế mà ông sẵn lòng tiếp chuyện ma-đam thi sĩ Tây, trao đổi hỏi han bà đầm này mọi thứ chuyện. Bà lúc đầu còn ngần ngại, sau cũng “tranh thủ” khai thác (là đích gặp của bà) từ nhà thơ Việt Nam những chuyện vừa thơ ca, vừa vượt ra ngoài chuyện văn chương chính trị bình thường. Nên không lạ thấy cuốn sách bà viết có tính hấp dẫn nổi bật với dư luận phương Tây khi đó.

Sau này một số vị “tiên chỉ” khác ở NXB như Vũ Cận, Hoàng Nguyên đã ở cơ quan lâu năm, lại có người như bác Hoàng Túy bên bộ ngoại giao mới chuyển sang do giỏi tiếng Anh để trợ thủ thêm cho bác Đặng Thế Bính là trưởng ban Anh ngữ đều nói lại với tôi rằng, những câu chuyện với nhà báo nhà văn bên Tây như thế, nếu họ thấy thú vị sẽ biến thành những dòng sách báo “tuyên truyền đối ngoại” thật sự. Nó mang giá trị khác biệt mà dù anh em Việt Nam ta có chịu khó viết đến mấy cũng “không địch” được với họ.  

Khi ấy NXB chỉ in sách tiếng Pháp, không in tiếng Việt?

Đúng vậy, hồi ấy NXB in 100% sách bằng “ngoại văn”, tức không in tiếng Việt. Cuốn thơ Tố Hữu cũng vậy. Vài thập niên gần đây nhà ngoại văn đổi tên thành Nhà xuất bản Thế giới thì ngoài in sách bằng tiếng nước ngoài còn xuất bản cả sách tiếng Việt.

Những năm trước kia sách tiếng Pháp ra nhiều nhất, kế đến mới là các thứ tiếng Anh, Hoa, Tây Ban Nha, Nga, và đặc biệt có cả Quốc tế ngữ (hồi đó Hội Quốc tế ngữ của Việt Nam hoạt động mạnh, nay hội này hầu như khuất bóng rồi?). Có nghĩa đây là nhà xuất bản đa ngữ, nhưng chỉ là ngoại ngữ thôi nên mới có tên gọi là Nhà xuất bản Ngoại văn.

Như vậy rõ ràng là từ lúc bấy giờ ta đã làm Ngoại giao văn hóa. Và anh Vĩnh đã là người tham gia trực tiếp khi ở nhà xuất bản ngoại văn. Theo anh thì Ngoại giao văn hóa có phải là một phần của quyền lực mềm hay không?

Tôi được đào tạo về văn học và ngôn ngữ (học khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), khi ra trường làm nghề trên kể ra cũng là trúng nghề nên chóng bắt nhịp được với công tác. May mắn hơn nữa là được tiếp xúc ngay và sớm với nhiều bậc thầy trong một công việc đòi hỏi rất cao này. 
Từ trái sang phải : Nhà văn Nguyễn Khắc Phục, Nhà tư vấn Nguyễn Quang Dy, nhà báo Nguyễn Vĩnh, cựu Đại sứ Vũ Quang Diệm và chủ Lều Thăng Sắc
                                                 
Nhiều anh em lứa chúng tôi đánh giá rằng, người làm văn hóa đối ngoại - cũng tức là công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại - một cách căn cốt bài bản nhất là bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Anh Chiến Thắng nếu có điều kiện thì hỏi chuyện thêm các bậc cựu trào trong lĩnh vực văn hóa đối ngoại, tôi chắc không ai nói khác đâu. Ngoại giao văn hoá như bây giờ hiểu và triển khai trong thực tiễn phải nói cụ Viện là người mở đầu, và ông đã tận tâm tận lực với sự nghiệp này đến cuối đời.

Chúng ta cùng nhớ lại xem, rõ ràng từ những năm còn chiến tranh, ngoại giao văn hóa đã phát huy tác dụng vượt trội. Nó đã góp phần vào sự nghiệp lớn làm cho nhân dân các nước trên thế giới hiểu Việt Nam, ủng hộ giúp đỡ Việt Nam kháng chiến thắng lợi.

Anh có thể nói kỹ hơn về tác dụng những cuốn sách ngoại văn.

Những năm xưa sách của ta xuất hiện ở nước ngoài thường là một tuyển tập truyện ngắn hoặc bút ký chiến tranh, hoặc là một tập thơ, một tập tuyển tranh mỹ thuật hoặc nhiếp ảnh. Nói chung là các sách giới thiệu đất nước - con người Việt Nam, phản ánh cuộc sống chiến đấu và sản xuất lúc đó, lại gắn cái nhãn là cuốn sách được làm ra dưới bom đạn ở thủ đô Hà Nội-Việt Nam là gây ấn tượng lắm với người phương Tây. Sách như một thông điệp mà trong đó chuyển tải được thiện chí và tình cảm thân thiết của nhân dân Việt Nam đối với thế giới bên ngoài. Nếu gọi đó là Ngoại giao văn hóa để đạt mục tiêu kết thân bạn bè, chinh phục lòng người thì chính đó là một thứ quyền lực mềm như anh Thắng đã nói.

Hiểu nôm na quyền lực mềm thì đấy là thứ lạt mềm mà buộc chặt nhất. Nói mềm ở nghĩa là nó đi vào lòng người ta, người ta chuyển biến rồi người ta cảm tình với anh, chứ không ai áp đặt ai gì cả. Và như bác sĩ Viện thường dẫn chứng, cái “người ta” kia mà là nhà văn nhà báo bản địa, thì họ sẽ từ các “tài liệu, tư liệu” nguyên liệu gốc sống động ấy, họ sẽ xây dựng thành sách báo phim ảnh về đề tài Việt Nam gây tác động trực tiếp mạnh đến dư luận nước họ. 

Ồ anh lại đề cập tới chuyện “tái sản xuất mở rộng”, đề tài thú vị đấy.

Anh biết trên thế giới nếu tính thời đó có khoảng 170 - 180 nước, nhưng có phải nước nào cũng biết đến nước Việt Nam mình đâu. Nhưng nếu khéo léo lồng trong thông tin tuyên truyền, gắng nêu được cái căn cốt văn hóa Việt - một nền văn hóa đặc sắc không trộn lẫn với các nền văn hóa Á Đông trong vùng - thì điều ấy rất có tác dụng. Từ đấy các cây bút, các nhà văn hóa và nghiên cứu ở nước ngoài họ sẽ căn cứ từ những menu đặt hàng của độc giả nước họ (mà chỉ họ mới phát hiện ra được), họ sẽ tìm ra cách làm tốt nhất giới thiệu Việt Nam. Đấy mới là đích ngắm cho Ngoại giao văn hóa có cơ thành tựu lớn và rộng hơn. Ta một mình sức mấy làm cho xuể.

Thế bạn bè thế giới họ đánh giá thực chất “tuyên truyền phẩm” của ta thế nào khi đó?

Hồi đó các thư viện lớn ở Pháp và một số nước Tây Âu đều có sách báo Việt Nam. Tôi nhớ có vị học giả nổi tiếng gốc Việt từ Mỹ về có nói chuyện ở cơ quan tôi, bảo thư viện Quốc hội Hoa Kỳ là thư viện có quy mô lớn nhất và có giá trị tư liệu lớn nhất ở nước này thường mua các đầu sách báo Việt Nam, trong đó tạp chí Nghiên cứu Việt Nam (Vietnam Studies) và báo Vietnam Courrier – hai xuất bản phẩm định kỳ bằng tiếng Anh của cơ quan tôi phát hành – rất thu hút các tầng lớp độc giả Mỹ.

Khi tổng tập Anthologie Vietnamienne kể trên xuất bản, các tờ báo lớn như Le Monde, Le Monde Diplomatique của Pháp, Washington Post và New York Times của Mỹ đều có những bài viết giới thiệu in ở góc cao trang trọng. Trong nhiều bản báo cáo và các cuộc trưng bày triển lãm thời kỳ đó, những dẫn chứng về thành tựu văn hóa đối ngoại luôn luôn được tô đậm và gây ấn tượng mạnh về một nền văn hóa Việt Nam kháng chiến và kiến quốc “tỏa sáng” ở nước ngoài.

Lại nữa, dư luận quốc tế còn nêu bật tác động của những bộ sách, những bức tranh tấm ảnh từ Việt Nam gửi sang đã có ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu rộng đến phong trào đấu tranh ủng hộ Việt Nam.

Anh nói chiến tranh thì thế, còn xây dựng hòa bình thì sao?

Trong chiến tranh thì vai trò của quân sự trên chiến trường là hết sức quan trọng. Nhưng bên cạnh đó nếu biết sử dụng cái phần mềm của văn hóa này, sẽ tác dụng nhân lên cho thành công quân sự… Bây giờ do những điều kiện thuận lợi mới, do mở rộng các địa hạt ngoại giao và đối ngoại, ta thấy Ngoại giao văn hóa đã được coi trọng hơn. Chủ trương Ngoại giao văn hóa được coi là một trong ba trụ cột của ngành là một bước đi khôn ngoan và đúng đắn (cùng với Ngoại giao chính trị và Ngoại giao kinh tế). Vì thế đương nhiên phải chăm sóc nó hơn nữa để trở thành một binh chủng mạnh mẽ, đóng góp và hội nhập được với thế giới bên ngoài.

Rõ ràng giờ đây chúng ta đã có nhiều phương tiện hơn để đưa thông tin và văn hóa Việt Nam đến với bạn bè nước ngoài. Trong số đó ngoài sách báo còn rất nhiều hình thức trao đổi khác, như nghệ huật biểu diễn, triển lãm, hội chợ, trao đổi các đoàn (giới trí thức, các nhà văn, nhà báo chẳng hạn) đi giao lưu, hội thảo, giới thiệu, thuyết trình, giảng dạy… ở nước ngoài. Đó chính là những cách làm ngoại giao văn hóa thích hợp và hiệu quả nhất.

Trong nước gần đây có những giao lưu, dòng văn hóa như đang được khơi thông, tác động cả trong nội địa cả ra bên ngoài...

Đúng như thế, gần đây người ta nhắc đến khá nhiều danh lam thắng cảnh, cảnh sắc thiên nhiên, nghĩa là những di sản văn hoá quý báu của Việt Nam đã được cấp độ thế giới công nhận. Những cái đó đều tốt, thay cho rất nhiều lời tuyên truyền hô khẩu hiệu. Chính chúng có sức kết nối và làm cho người dân các nước yêu mến thêm Việt Nam. Quyền lực mềm như trên trao đổi là cái quyền lực văn hóa đó. Nó nằm bên trong con người, có sức gắn kết mọi người với nhau, có ý nghĩa sâu xa của những món ăn tinh thần. Và nó không bị chi phối, phụ thuộc vào các giá trị vật chất áp đặt, tác động. Quyền lực mềm vì thế nâng cao giá trị nhân văn của con người.

Nói về vật chất ở nghĩa thông thường, nhìn chung theo tôi ta còn thua kém nhiều nước. Sau này thì cứ vẫn còn thua vì mình xuất phát chậm, khi tiến bước cũng chậm, hoặc đi lạc nữa. Nếu ta đua xây những cái nhà, dựng lên những công trình kiến trúc to lớn, rồi cố làm ra những hệ thống giao thông thật đồ sộ tốn kém đến mấy chăng nữa…thì mãi chúng ta vẫn đứng thứ hạng sau so với thế giới quá giàu có về tiền của, phương tiện. Dĩ nhiên ta cần làm những công trình thiết thực, đáp ứng nhu cầu sống của người dân, nhưng đừng ham to, đừng ham hố vĩ cuồng.

Anh Vĩnh vừa so sánh giữa vật chất và tinh thần. Anh nói rõ hơn được không?

Ý tôi gần gần như thế. Là nói văn hóa đôi khi có những phẩm chất đột biến. Vật chất tiền của mình có thể thua kém người ta, nhưng văn hóa của anh có thể bật lên bằng người ta. Thậm chí có cái anh còn làm được hơn người ta nếu như biết khai thác cái độc đáo riêng mình anh mới có. Tức là anh phải khôn khéo khai thông được dòng chảy văn hóa tinh thần riêng biệt của người Việt để tạo nên giá trị văn hóa Việt Nam. Chính đây là sức mạnh cho những đóng góp hội nhập và phát triển với thế giới. Tôi muốn nhắc câu này của một nhà nghiên cứu văn hóa : không phải người ta cứ giầu có là tức thị người ta có văn hóa cao…

Anh nói không phải cứ giàu mà đã có văn hóa cao thì tôi thấy thật là thấm thía. Tôi nghĩ một đất nước cần xây dựng làm sao để có nhiều người có văn hóa cao hơn là chỉ có nhiều người giàu. Có văn hoá cao và giàu thì càng tốt. Nhưng nếu chỉ nhiều ngươì giàu mà văn hóa ở tình trạng như bây giờ thì rất không tốt, rất đáng lo ngại.

Thôi, chuyện Ngoại giao văn hóa ta dừng ở đây anh nhé. Xin hỏi anh là anh làm Tổng biên tập từ năm nào đến năm nào ?

(Xin mời xem tiếp ở phần 2 sẽ đăng vào ngày sau)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét