Vài ghi chép
từ Hội thảo quốc tế lần thứ 3 về Biển Đông : Hợp tác vì ổn định và hợp tác trong khu vực
( KS Melia, Hà Nội 4 – 5/11/2011 )
Tác giả : Hải Sơn
1. Biển Đông với sự phức tạp vốn có của các tranh chấp biển, đảo cùng với khát vọng về hòa bình , ổn định và hợp tác đã và đang tiếp tục thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của giới nghiên cứu, giới hoạch định chính sách và dư luận trong và ngoài khu vực. Không phải ngẫu nhiên số đại biểu tham dự Hội thảo lần này, nhất là từ các nước Á, Úc, Mỹ tăng lên nhiều so với Hội thảo lần thứ nhất với những tên tuổi lớn như : GS Geoffrey Till từ Anh, TS B.Percival , GS Jon Van Dyke từ Mỹ, GS C. Thayer , GS L. Buszynski từ Úc, GS E. Franchx từ Bỉ, TS V.Sakhnuja , TS D. Pradhan từ Ấn độ, GS K. Sato từ Nhật bản, GS E. Kanaev từ Nga, ĐS H. Djalal từ Indonesia, Tường về hưu D.Shaeffer từ Pháp, GS R. Amer từ Thụy điển, TS Koh Choong Suk và Yearn Hong Choi từ Hàn Quốc, GS R. Pangalangan, TS R. De Castro từ Philipin, ĐS Severino nguyên Tổng thư ký ASEAN, GS R. Beckman từ Singapore, GS M. George từ Malaysia, GS Tô Hạo, TS Nhậm Viễn Giả, TS Đặng Kiến Quần, TS Tiết Quế Phương từ Trung Quốc, GS Dustin Wang từ Đài loan.v.v. Đại diện các cơ quan đại diện ngoại giao, thương mai, kinh tế - văn hóa các nước và vùng lãnh thổ của châu Á – Thái Bình dương, châu Âu, châu Mỹ tại Hà Nội . Phía Việt nam có sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, nhà nghiên cứu về Biển, luật pháp quốc tế, quan hệ quốc tế từ các trung tâm, các Viện nghiên cứu chíến lược, các trường Đại học của Việt Nam.
Với 31 tham luận và hơn 70 ý kiến trao đổi qua 8 phiên làm việc tập trung đánh giá các vấn đề gắn liền với Biển Đông bao gồm việc phân biệt giữa các điểm đảo và các vùng nước, giữa đảo và đá như được định nghĩa tại điều 121 Công ước Luật Biển 1982; làm thế nào để điều chỉnh tuyên bố “ chủ quyền không thể tranh cãi “ của TQ đối với Biển Đông cho phù hợp với thực tế rằng bản thân tuyên bố đó vẫn còn đang gây tranh cãi; lợi ích và chiến lược của các bên trong cuộc tranh chấp ; khảng định tầm quan trọng của Biển Đông đối với hòa bình, ổn định và phát triển ở Đông nam Á nói riêng và châu Á – TBD nói chung, khu vực nhiều cơ hội đan xen với những nguy cơ bất ổn tiềm ẩn có thể dẫn đến bùng nổ xung đột nếu không có sự kiềm chế, sự tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của LPQT.
2. Các cuộc trao đổi thẳng thắn, cởi mở đã giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau về lợi ích và mong muốn , lập trường và cách tiếp cận của các bên tranh chấp, các nươc khác trong và ngoài khu vực dù rằng vẫn còn nhiều điều cần phải được tiếp tục làm sáng tỏ.
2.1. Các đại biểu Trung Quốc
- Cho rằng trong lịch sử sự yếu kém của các chính quyền TQ , chịu sức ép của nước ngoài đã khiến TQ bị “ sỉ nhục “ và mất đi nhiều vùng lãnh thổ cả trên bộ và trên biển. Nay việc TQ trở lại các vùng trước đây là của mình là điều bình thường; tranh chấp về lãnh thổ giữa TQ và các nước cần phải được giải quyết song phương và trong quá trình thương lượng về giải pháp cần phải tính đến các nhân tố lịch sử và pháp lý; Công ước Luật Biển của LHQ ( UNCLOS 82 ) ra đời sau khi TQ tuyên bố về đường chữ U ở Biển Nam Trung Hoa ( 1947 ).
- Đề cao sáng kiến “ gác tranh chấp cùng khai thác “ nhưng lại vẫn không thể chứng minh được sơ sở pháp lý của đường đứt đoạn chữ “ U “, và cũng không thể xác định được những khu vực nào là “ tranh chấp “ ở Biển Đông để có thể cùng khai thác. Đây chắc chăn sẽ còn tiếp tục là bài toán khó đối với TQ.
- TQ đang trở thành tâm điểm chú ý của khu vực và thế giới không chỉ về vân đề Biển Đông mà còn về các vấn đề lớn khác như sự minh bạch về quân sự, chích sách tài chính, tiền tệ…và nguyên nhân trực tiếp là do TQ đang ngày càng mạnh lên toàn diện đồng thời xuất hiện cùng với sự lo ngại của các nước láng giềng ASEAN và cac nước lớn khác như Mỹ, Nhật, ngay cả Ấn độ cũng muốn tham gia “ cuộc chơi “ với TQ.
- Ở Biển Đông, trước một TQ lớn mạnh các nước khu vực một mặt muốn lôi kéo Mỹ , Nhật, Ấn độ tham gia cân bằng ảnh hưởng của TQ ; mặt khác cũng đứng trước sự lựa chọn vừa phải ứng xử với TQ như một đối tác thương mại lớn nhất và cũng là người hỗ trợ tài chính hùng mạnh vừa phải tìm kiếm sự bảo đảm an ninh từ phía Mỹ. Nhưng liệu Mỹ có dễ dàng hy sinh thị trường TQ rộng lớn vì ASEAN ?
Hai năm qua, Biển Đông đã trở thành điểm nóng và vượt qua giới hạn của vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển. Vấn đề khai thác năng lượng dầu khí trong tương lai sẽ là một thách thức lớn đối với tất cả các nước liên quan. Các nước trong khu vực phải hết sức thận trọng khi mời các bên thứ ba tham gia giải quyết những vấn đề của khu vực.
2.2. Các đại biểu quốc tế khác từ Na uy, Mỹ, Nga, Úc, Nhât, Ấn độ, Malayssia, Indonessia, Việt Nam.. chia sẻ các nhận xét
- Trong thời kỳ toàn cầu hóa, an ninh quốc tế không thể bị chia nhỏ thành các khu vực địa lý rời rạc. Lợi ích kinh tế của thế giới bên ngoài gắn với những gì đang diễn ra trong và xung quanh khu vực Đông nam Á là rất lớn vì đây là một thị trường quan trọng, một nguồn hàng hóa, dịch vụ và một điểm du lịch chính; Hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông không chỉ liên quan đến lợi ích của các bên tranh châp mà cả các bên không có tranh chấp trong và ngoài ASEAN vì tất cả đều có lợi ích bảo đảm tự do, an toàn giao thông hàng hải, sự bùng nổ xung đột đương nhiên gây trở ngại cho an toàn giao thông hàng hải và cũng ảnh hưởng đến an ninh và phát triển của tất cả các nươc trong khu vực. Do vậy, một giải pháp lâu dài và bền vững cần có sự phối hợp những nỗ lực chung của các quốc gia liên quan trực tiếp và gián tiếp.
- Trung Quốc đang nổi lên như một đế quốc mới tại Biển Đông và Biển Hoa Đông . TQ đang cố gắng sử dụng lý thuyết thềm lục địa từ phán quyết của vụ Biển Bắc để tuyên bố chủ quyền đối với vùng lãnh thổ rộng lớn là Biển Đông và Biển Hoa Đông với các tài liệu lịch sử mơ hồ và xa xôi của nền văn minh TQ cổ đại đối với các quốc gia láng giềng. Sự ngờ vực và nỗi quan ngại của châu Á về TQ là dựa trên các tham vọng lãnh thổ họ đưa ra đối với Tây tạng và giờ đây là việc theo đuổi tham vọng lãnh thổ biển để có thể có nhiều hơn các nguồn dầu, khí, các kim loại quý dưới đáy biển và nguồn thủy sản. Tham vọng của TQ cần được cân bằng bởi nước Mỹ như một đối tác của các nước châu Á- Thai bình dương và bởi một liên minh châu Á thống nhất được trang bị bằng công lý và sự công bằng trong cộng đồng quốc tế.
- Gần đây Biển Đông trở thành mối quan tâm chính của nhiều tờ báo, tạp chí chuyên ngành và mặc dù lời tuyên bố về chiến tranh đã không trở thành cuộc chiến thực sự nhưng Biển Đông đã thu hút sự chú ý rất lớn của thế giới trong năm 2011. TQ đã cảnh báo Hoa Kỳ không can dự vào Biển Đông. Hai nước lớn giải thích vùng đặc quyền kinh tế theo hai cách khác nhau: Mỹ cho rằng vùng đặc quyền kinh tế trong đó có cả vấn đề tự do hàng hải , bao gồm sự tự do đi lại của các tầu hải quân Mỹ, nhưng TQ lại tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển độc quyền của quốc gia ven bỉển. Các quốc gia có chung Biển Đông và Biển Hoa Đông vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về điểm này.
- Việc trở lại châu Á của Mỹ là không thể tránh khỏi, mặc dù có lẽ sẽ không suôn sẻ như dự đoán của Ngoại trưởng H. Clinton. Khi Mỹ chuyển sang tập trung vào không gian địa lý giữa Ấn độ và Nhật bản, hay vùng Châu Á – Thái Bình dương, thì Đông nam Á và Biển Đông có lẽ không trở thành “ trung tâm của thế giới “ nhưng khu vực sẽ được đặt như một ưu tiên cao hơn trong chính sách của Mỹ. Tình trạng hiện nay của những sự cố thỉnh thoảng xẩy ra ở Biển Đông xem ra vẫn có khả năng tiếp tục. Chừng nào các cuộc va chạm trên biển không leo thang thành các cuộc xung đột nghiêm trọng thì cái giá đối với Mỹ vẫn rất thấp.
- Cần thiết phải tôn trọng đày đủ Luật pháp quốc tế cả về nội dung và mục tiêu, biện pháp; giải thích luật pháp quốc tế phải minh bạch , áp dụng nhất quán và điều chỉnh nội luật phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế; đặc biệt chú trọng vấn đề tự do an toàn hàng hải vì đó không chỉ đơn giản là vấn đề qua lại vô hại và nếu các quốc gia ven biển bổ sung những điều kiên hạn chế sẽ là không phù hợp; tự do hàng hải không thể cùng tồn tại vơi những yêu sách quốc gia quá mức; Nếu thị trương đòi giá cao hơn nữa thì sẽ không còn tự do.
- Luật Biển không chỉ đơn thuần là “ công cụ “ các chính phủ có thể sử dụng phục vụ cho những mục đích riêng. Các nước mạnh có thể uốn cong nguyên tắc trong thương lượng nhưng nếu “ già néo “ tới mức phạm luật thì sẽ không thể có thỏa thuận. Nếu các quốc gia ở Biển Đông bỏ qua các nghĩa vụ pháp lý thì Luật pháp quốc tế cũng chẳng thể thực hiện được chức năng giải quyết tranh chấp của nó. Nếu LPQT vẫn còn “ mập mờ ” và cho phép các đảo, đá nhỏ có quyền yêu sách về vùng biển thì chính LPQT cũng sẽ dẫn đến tranh chấp. Như vậy, LPQT có tác động hai mặt vừa có thể giải quyết hòa binh vừa có thể gây ra tranh chấp. Vấn đề cốt yếu ở đây là tùy thuộc vào cách hành xử của các quốc gia. Nếu bất chấp luật pháp, bẻ cong nguyên tắc thi có thể dẫn đến xung đột. Nếu thừa nhận giá trị của LPQT trong việc tạo ra các cơ chế giải quyết hòa bình tranh chấp và sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kể cả “ sĩ diện “ vì một giải pháp hòa bình bền vững thì LPQT sẽ thực hiện được sứ mạng là động lực mạnh mẽ cho hòa bình.
3. Nhiều gợi ý về cơ sở và lĩnh vực hợp tác ở Biển Đông được nêu ra trao đổi . Đó là :
- Những lợi ích xuất phát từ hơp tác kinh tế : xúc tiến thương mại giữa các quốc gia ven biển để tạo ra tăng trưởng; tạo điều kiện cho cac quốc gia ven biển tận dụng các nguồn tài nguyên ; Tận dụng sự phân công lao động sản xuất trong những hoạt động kinh tế; Tạo điều kiên cho các nhà xuất khẩu khu vực tiếp cận những thị trường lớn hơn; Xús tiến tự do hóa ở mức cao hơn vơi sự gia tăng các hoạt đông như thưng mại vận tải biển và thăm dò sản xuất dầu khí là chất xúc tát cho quá trình tự do hóa; tăng cường thu hút đàu tư trực tiếp từ nước ngoài.
- Các lĩnh vực hợp tác nhiều tiềm năng là : thăm dò và sản xuất năng lượng, khai thác nguồn thủy sản, mở rộng thương mại biển, mở rộng dịch vụ hỗ trợ hàng hải, xúc tiến các hoạt động kinh tế ven biển, mở rộng cac tuyến đường vận tải xuyên biên giới, gia tăng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng biển, du lịch biển..v.v.
- Bất đồng sâu sắc về lịch sử và chính trị ở Đông Á tiếp tục cản trở hợp tác khu vực. Đến nay cho dù các nước châu Á đã đạt được một số giải pháp thực dụng ngắn hạn đối với các tranh chấp tài nguyên, họ vẫn chưa xây dựng được các tổ chức biển ở cấp độ khu vực thực sự hiệu quả. Do vậy tốt nhất nên phảt triển một tổ chức có thẩm quyền cả trong lĩnh vực quản lý nguồn lực và ô nhiễm. Một tổ chức như vậy nên được qui định bởi một công ước có tính ràng buộc và được tất cả các nước trong khu vực thông qua. Tổ chức này có trách nhiệm về vấn đề khai thác nguồn tài nguyên ( đăc biệt là đánh bắt hải sản ) quản lý nguồn ô nhiễm từ đất liền, tàu thuyền và quản lý các vùng ở biển, cửa sông, đầm lầy, sông và các vùng biển mở bằng các công nghệ quản lý hệ sinh thái. Cách tiếp cận này kết hợp quản lý nguồn tài nguyên và môi trường. Tuy nhiên, khả năng tạo ra một thiết chế hợp nhất như vậy có vẻ xa vời trong tương lai gần.
- Cách tiếp cận dựa trên sự đồng thuận và theo chủ nghĩa kiến tạo của ASEAN trong thúc đẩy quan hệ khu vực là cách tiếp cận thích hợp nhất nhằm tăng cường liên kết kinh tế trong một khu vực rộng lớn với nhiều cổ đông như Biển Đông. Kinh nghiệm của ASEAN trong việc tạo ra các cơ chế và mô hình có hiệu quả nhằm đẩy mạnh hợp tác khu vực trong các lĩnh vực như thương mại, vận tải, an ninh chăc chắn cũng có thể áp dụng cho Biển Đông. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng những kết quả đạt được bước đầu giữa ASEAN và TQ liên quan đến Biển Đông như DOC đã tạo điều kiện cho việc tiến tới xây dựng một khu vực Đông nam Á hòa bình, hữu nghị, tự do và hợp tác thông qua tham vấn và đối thoại bền vững, cung cấp khuôn khổ phân tích rõ câc vùng biển tranh chấp và các vùng biển không tranh chấp tại Biển Đông. Song trên thực tế chúng vẫn chỉ tòn tại như những cam kểt trên giấy. Các văn kiện hợp tác giữa ASEAN – TQ là nguyên tắc dẫn lối cho hòa bình tại Biển Đông. Tinh thần của DOC cần phải được khích lệ. Hiện tại vẫn đang thiếu điều đó.
- Quá trình tiến tới xây dựng Bộ qui tắc ứng xử COC sẽ không dễ dàng. Hợp tác trên những ván đề không mang tính tranh chấp và những vấn đề an ninh phi truyền thống và không tập trung quá vào vấn đề về chủ quyền và quyền tài phán sẽ tạo cơ hội để các bên thảo luận với nhau về cuộc tranh chấp trên cơ sở không đối đầu và không chính thức. Nhưng nếu bỏ qua vấn đề cốt lõi – các yêu sách chủ quyền chồng lấn nhau trên Biển Đông – thì cũng khó duy trì hòa bình , ổn định lâu dài trong khu vực.
Những diễn biến vừa qua cho thấy tình hình ở Biển Đông sẽ còn không ít bấp bênh, nhưng đã có cơ sở để không quá bi quan về triển vọng hợp tác khi các quốc gia trong khu vực đêu nhận thức rằng nhu cầu về sự cần thiết phải khai thác những tiềm năng to lớn của vùng biển Đông có thể vượt qua nhu cầu bảo vệ các lợi ích có thể gây nhiều căng thẳng hơn nữa ở Biển Đông; cần phải từ bỏ tâm lý phải thắng bằng mọi giá trong việc đòi chủ quyền và suy nghĩ cẩn trọng về hậu quả cách tiếp cận đối với hòa bình, ổn định của khu vực./.
Hà Nội, tháng 11/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét