Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2019

NGỤ CƯ, tiểu thuyết của THĂNG SẮC, chương 8 và 9.

NGỤ CƯ
NXB Hội Nhà văn, 2017





Chương 8


          Vầng trăng khuyết đêm tháng 4 phủ ánh sáng mờ ảo lên vùng đồi núi biên giới Ốt-tra-va. Tuyết muộn vẫn còn đóng thành băng trên những cành cây trong rừng thưa, những cành cây không lá chĩa lên trời trông như những đoạn xương cá, thỉnh thoảng một làn gió vù vù thổi, lùa cái lạnh băng giá vào tai, vào cổ những người đang lặng lẽ bước. Họ đi hàng một, người này bám theo dấu chân người kia, là những cái bóng lẫn vào rừng đêm, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng trong lặng im. Những bước chân giẫm lên vũng bùn tuyết cuối mùa nghe lép nhép, đêm vắng lặng thỉnh thoảng bị khuấy động bởi tiếng một con chim hoang hoảng hốt đập cánh. Bùi Khoái đi ngay phía sau Bích Ngọc nhưng đôi lúc cô vẫn quay lại nhìn, như sợ anh sẽ chạy biến mất vào khu rừng mờ tối dưới ánh trăng yếu ớt. Họ bước theo nhau, dẫm lên những bước chân của nhau. Họ đã đi như thế hơn hai giờ trong rừng thưa, lên đồi, xuống đồi, lại lên đồi, chui luồn qua những bụi gai rậm rạp cào xước mặt. Bùi Khoái kéo Bích Ngọc đi chậm lại, đưa cho cô chiếc bi đông nhựa đựng nước.
          - Em mệt không ? Uống nước đi.
          - Em sợ lắm. Nhỡ sang bên kia mà bị bắt thì sao ?
          - Sợ gì, mình đi như thế này còn dễ dàng chán. Bọn ở Liên Xô muốn sang Ba Lan cực khổ hơn nhiều. Họ phải đi thành từng tốp do bọn ma-phi-a dẫn đường, bị bọn này giam lại trong rừng của U-cren trước khi vượt biên. Tất cả mấy chục đàn ông đàn bà chen chúc trong một cái nhà gỗ không có lò sưởi, ăn uống đói khát, hễ có ý chống đối là bị chúng quật chết. Đàn bà con gái xinh đẹp như em bị chúng lôi ra rừng làm thịt tươi sống ngay. Mọi người phải đợi như thế mà không biết lúc nào mới đi được, lúc đi phải nằm trong xe tải rồi chất củi chất gỗ lên, có khi nằm trong công-tơ-nơ hai ngăn ngạt muốn chết. Có khi phải chui dưới đường cống, có khi còn phải liều mình băng qua bãi mìn…Mình đi thế này đã ăn thua gì, cứ nhớ làm theo những điều người ta dặn là được.
          - Làm sao anh biết những nỗi khổ ghê gớm ấy ?
          Bùi Khoái khẽ bật cười.
          - Chính trong những nỗi thống khổ ấy mà con người tìm thấy sự khởi phát của sức mạnh. Thế đấy, hãy vững tin mà bước đi.
          Câu nói ấy không phải của Bùi Khoái. Anh ta bất thình lình nhớ lại câu danh ngôn của tác giả Hăng-ri Công-xiêng đã học lỏm được từ ông Trần Đại hồi trong nước. Thấy hai người xì xào nói chuyện, người dẫn đường nghiêm giọng :
          - Khởi  phát cái mẹ gì, có im miệng đi không ! Muốn bị tóm cả lũ hay sao !
          Bùi Khoái cụt hứng, lặng lẽ bước. Bích Ngọc nhẩm lại trong đầu những điều người đưa đường đã dặn cả đoàn. Một là phải vứt bỏ hết mọi thứ giấy tờ, kể cả hộ chiếu. Hai là có bị bắt thì phải làm như không biết tiếng và không được nhận mình là người Việt Nam. Hai việc này cốt để xóa sạch nhân thân, làm cho công an sở tại không biết đằng nào mà lần. Trước ngày lên đường, Bích Ngọc bật khóc nức nở khi đưa cuốn hộ chiếu cho Bùi Khoái hủy đi. Trong khi cô khóc nức nở thì anh này cứ hềnh hệch cười. Bích Ngọc tức lắm, kéo anh ta giằng lại cuốn hộ chiếu mới biết anh cũng đang khóc chứ không phải cười như cô tưởng, chẳng qua vì Bích Ngọc đã quen nghe Bùi Khoái cười mà chưa thấy anh khóc bao giờ. Hai người ôm lấy nhau, cứ để cho nước mắt giàn giụa. Bùi Khoái nấc lên :
          - Bây giờ ta là ai !
          Nhớ lại, Bích Ngọc vẫn thấy còn dấm dứt. Bây giờ có bị biên phòng của Ba Lan bắt, hộ chiếu không có, không tên tuổi, không nguồn gốc thì chính cô cũng không biết cô là ai. Thôi thì không cần biết những ngày tới sẽ như thế nào, cứ kệ cho bước chân vô định cuốn đi. Đừng ngoảnh lại phía sau, cũng không nghĩ tới phía trước, như thế có vẻ lòng đỡ xáo trộn, tinh thần bớt hoang mang hơn ! Bích Ngọc quay lại nhìn Bùi Khoái, thấy anh ta cúi đầu, lầm lũi đi. Chiếc đồng hồ dạ quang trên tay cô chỉ 1 giờ 30 sáng. Lúc bắt đầu vào rừng khoảng 11 giờ đêm, vậy là họ đã đi được gần 3 tiếng. Khi đã mệt rã và buồn ngủ díu mắt, Bích Ngọc thấy mình đang đi xuống dốc, cây rừng cũng thưa dần. Cô tỉnh táo và phấn khích hẳn lên khi nghe như có tiếng ô tô từ phía xa. Quả nhiên chỉ cố mấy bước chân nữa mọi người đã ra tới một con đường nhỏ luồn rừng, lượn vòng vèo mờ tỏ trong đêm. Người dẫn đường ra lệnh :
          - Đứng nép hết cả vào ven đường, đợi đến 2 giờ khắc có xe đón.
          Mọi người thở phào nhẹ nhõm, ngồi dạt vào những lùm cây. Mắt trĩu nặng díp lại, Bích Ngọc dựa vào vai Bùi Khoái định ngủ thì có tiếng xe ô tô đến gần, đèn pha chiếu loang loáng lên những ngọn cây  tuyết đè trĩu nặng. Mọi người vội vàng đứng cả dậy theo tín hiệu của người dẫn đường khi chiếc xe từ từ đỗ lại. Anh này chậm rãi thu mỗi người 50 đô trước khi đẩy họ lên xe. Đây là chiếc xe đông lạnh cũ, phải chui vào xe từ phía đuôi, trong thùng xe rỗng, khá rộng cho một đoàn 8 người. Lái xe như một cái bóng đen tròn trịa hiện lên lù lù ở cửa xe, nói một tràng tiếng Ba Lan. Người dẫn đường dịch :
          - Ông ấy bảo ai muốn có thể ngủ một giấc vì phải đi khoảng 6 tiếng mới đến Vác. Ông ấy sẽ cho mọi người xuống ở chợ Sân Vận Động như hợp đồng.
          Người lái xe đóng cửa nghe đánh rầm, thùng xe bỗng chốc tối đen như mực. Bùi Khoái cười phớ lớ, cất tiếng đùa lạc lõng :
          - Tối đen như đêm 30, còn thiếu mấy con chó con nữa chúng mình thành chị Dậu tuốt.
          Không ai cười. Đã quá mệt để cười. Mọi người chỉ nghĩ đến việc lăn ra sàn xe mà ngủ. Bích Ngọc khẽ véo Bùi Khoái, nói nhỏ :
          - Anh lạ thật, đến thế này mà vẫn còn đùa được.
          Xe nổ máy lao đi trong đêm, chạy rất êm. Bùi Khoái nghĩ chắc phải đang đi trên một con đường tốt, chỉ nghe tiếng máy rì rì đều đều như muốn ru cho mọi người mau ngủ. Và đúng là mọi người đã lăn ra ngủ, ồn ã thế mà Bùi Khoái vẫn nghe có tiếng người ngáy khò…ò… vang như sấm.   
          Rồi đến lượt Bùi Khoái cũng lăn ra ngủ. Hình như gối đầu lên đùi một ai đó cũng đang ngủ say. Chiếc xe đi rất đều, lắc lư nhè nhẹ đưa võng, bỗng chốc chở Bùi Khoái về làng quê anh, ở đấy tràn ngập nắng gió biển. Bùi Khoái giẫm chân lên con đường đất cát in đầy những dấu chân tuổi thơ, con đường dẫn đến cái cổng tre sơ sài, bước qua cổng là một hàng cau với những buồng hoa màu sữa đang nở, hương cau thơm ngát khắp sân. Một người đang ngồi vá lưới, dáng còn trẻ nhưng Bùi Khoái biết rằng đấy là bố anh, khi ông dừng tay, ngẩng lên nhìn thì hóa ra lại là mặt ông anh Bùi Khoai, nửa cười nửa nhăn nhó. Người ấy hỏi :
          - Đói chứ gì ?
          Bụng đói réo sôi ùng ục, Bùi Khoái đi vào trong góc bếp, anh biết ở đấy có một hũ sành to đựng khoai khô. Trước khi đi học, Bùi Khoái thường giấu Bùi Khoai thục tay vốc một nắm to đúc vào túi, vừa đi vừa lấy từng miếng ra nhai, ngọt và giòn, chỉ tội miếng khoai khô tan ra thấm hết nước bọt, miệng khô cong, khó nuốt.  Bùi Khoái cố nhấc cái nắp hũ khoai khô lên mà không được. Cái nắp hũ hôm nay sao nặng thế. Anh ta cúi hẳn người xuống, cố nhấc, cố lôi kéo, vừa lúc cái nắp bật tung lên làm Bùi Khoái mất đà ngã bổ chửng thì cũng bừng tỉnh vì nghe một tiếng nổ thất kinh. Chiếc xe bất thình lình khựng đứng lại, mọi người đang ngủ bị hất dồn về một góc, đè lên nhau. Tiếng máy xe rồ lên nhanh gọn rồi chết lịm. Liền theo có tiếng kêu thét đau đớn :
          - Ối giời ơi, tôi bị sai khớp rồi ! Lui ra, đừng đè lên tôi nữa.
          Mọi người lồm cồm bò dậy, sờ soạng chung quanh, không biết chuyện gì xảy ra. Bùi Khoái gọi khẽ :
          - Ngọc, Ngọc ơi, có làm sao không ?
          Ngọc quờ quạng nắm được tay Bùi Khoái.
          - Em đây, không sao. Anh sao không, có chuyện gì thế ?
          - Không biết. Ở ngoài im lặng lắm.
          Trong lúc người sai khớp rên rỉ thì Bùi Khoái bò ra phía đuôi xe, lấy tay đập vào cửa thình thình mấy cái. Bỗng cửa xe bật mở, ánh sáng và khí trời mát mẻ bên ngoài ùa vào trong làm chói mắt. Lái xe hiện ra, đứng gần như chắn cả cái cửa, hoa tay nói một hồi rồi định đóng cửa thì bị Bùi Khoái túm áo kéo lại, nói bằng tiếng Nga :
          - Này, bên trong có người đau chân, đau đớn lắm.
          Lái xe nhảy lùi lại để gỡ tay Bùi Khoái rồi giơ tay mình lên khua lia lịa, nói liến thoắng :
          - “Nhe pa-nhát, nhe pa-nhát ! Nhi che-vô”.
          Nói rồi đẩy Bùi Khoái bắn vào trong, đóng sầm cửa. Chút ánh sáng vừa lọt vào xe tắt lịm.
          Một người hỏi to  :
          - Có ai hiểu nó nói gì không ?
          - Tớ đếch hiểu gì cả.
          - Tớ cũng đếch hiểu. Có phải tiếng Tiệp đâu mà hiểu.
          - Giời đất ơi, các anh chị ơi, chân tôi đau quá rồi, không biết bao giờ mới tới nơi !
          Đến lúc này Bùi Khoái mới nói to :
          - Bình thường chỉ hơn một giờ nữa là đến Vác.
          - Sao ông biết ?
          - Vừa rồi tôi ngó ra lúc cửa mở, thấy có cái biển chỉ đường ghi là cách Vác 100 linh 3 hay linh 8 cây số nữa thôi, nhìn không rõ.
          - Vậy ông có biết chuyện gì vừa xẩy ra không ?
          - Có vẻ như ô tô đâm vào cái gì nên chúng mình mới bị mất đà xô đè lên nhau. Có khi tại lái xe ngủ gật chắc !
          - Có thể lắm. Không biết bao giờ mới đi tiếp được.
          Vừa vặn lúc ấy có tiếng đề máy, máy rung lên xình xịch một lần, hai lần, đến lần thứ ba thì nổ, chiếc xe lùi lại một đoạn rồi bon bon chạy tiếp trong niềm vui của mọi người. Bên ngoài đã nắng nhưng ánh sáng chỉ có thể lọt vào trong xe qua mấy cái kẽ hở rất nhỏ, tạo thành một thứ ánh sáng mờ nhạt và yếu ớt giống như trong hang sâu dưới lòng đất. Trong ánh sáng ấy những mặt người hiện lên xanh xao, Bùi Khoái nghĩ chẳng khác gì những bóng ma trắng bệch trong chuyện ma cà rồng đang trốn chạy ánh nắng ban ngày. Bích Ngọc cứ 15 phút lại giơ tay lên nhìn đồng hồ để ước lượng đoạn đường. Quả nhiên như lời Bùi Khoái, một nửa giờ sau xe giảm tốc độ, không phóng nhanh như trước nữa. Ngồi trong thùng xe mọi người cảm nhận rõ ràng bên ngoài giao thông đã nhộn nhịp, đông đúc hơn. Chiếc xe tiếp tục chạy chậm, vòng vo một lúc lâu rồi bất thình lình đỗ lại. Mọi người im lặng chờ đợi, hồi hộp và sảng khoái hẳn lên khi lắng nghe có tiếng ồn ào í ới gọi nhau ở bên ngoài. Mà là tiếng Việt. Một người trong đoàn đứng phắt dậy, hét lên :
          - Đến rồi !
          Không reo hò nhưng ai cũng vỗ tay hoan hô. Chờ đợi khoảng 10 phút lê thê mới có người mở cửa, lần này là một người đàn ông Việt thấp nhỏ thò đầu vào.
          - Mời xuống hết đi, đến nơi rồi.
          Bùi Khoái nhảy xuống, đỡ Bích Ngọc xuống theo. Anh ghé vai cõng anh chàng đau chân, đặt ngồi bên vỉa hè. Chỉ một loáng thùng xe đã trống. Đứng tụm lại sau một hành trình dài mệt mỏi và gian nan, mọi người bắt tay nhau, hân hoan trước viễn cảnh một cuộc sống mới bắt đầu, tuy nhiên nét mặt mừng rỡ vẫn không giấu được vẻ nhếc nhác sau những chui lủi, luồn lách, ngơ ngác nơi mảnh đất xa lạ, sợ hãi như một lũ phạm sổng tù. Đúng như thế, vừa thoáng trông thấy hai người mặc đồng phục, Bùi Khoái đã nói :
          - Thôi, mau tản ra  tìm người quen đi, công an đang đến kia kìa !
          Họ vội vã xiết chặt tay nhau, nói lời tạm biệt, chúc nhau may mắn rồi ai đi đường nấy. Bùi Khoái kéo Bích Ngọc lẫn vào chỗ đông nhất, vừa hay thấy một phụ nữ Việt Nam đang còng lưng kéo chiếc xe chất đầy quần áo đi tới. Bùi Khoái túm lại hỏi thăm.
          - Chị ơi, làm ơn chỉ cho chúng tôi đi lối nào ra phố Da-môi-xkec-gô ?
          Chị chở hàng dừng lại, nắm chắc hai tay xe, ngẩng mặt nhìn hai người nên để lộ ra mớ tóc hoa râm luống tuổi. Thấy dáng vẻ lơ ngơ của Bùi Khoái và Bích Ngọc, chị ta hỏi :
          - Mới đến hả, tìm ai ở phố ấy ?
          - Tìm anh Nguyễn Bách, người Hà Nội.
          - Soái Nguyễn Bách thì ai chả biết. Bây giờ cứ thẳng đường này mà đi, chỉ một đoạn nữa là đến.  
          Chị ta chỉ tay theo con đường rộng rãi và đông đúc. Bùi Khoái chưa kịp nghe rõ nên hỏi lại :
            - Còn phải đi xa không chị ?
          - Cứ đi thẳng một đoạn nữa thôi.  
          - Chị đẩy hàng đi đâu bán đấy ?
 - Bày ra vỉa hè ấy.
          - Có khá không chị ?
          - Cũng nhanh chú ạ. Chịu khó ngày cũng được vài ba trăm.
          Bùi Khoái nhìn Bích Ngọc, vui vẻ thốt lên :
          - Úi chà, khá quá nhỉ.
          Không kịp để hai người mới đến cảm ơn, chị ta nhanh nhẹn kéo xe đi. Bùi Khoái quay sang hỏi Bích Ngọc :
          - Mấy giờ rồi ?
          - Gần 12 giờ. Kiếm cái gì ăn đi, em đói lắm.
          Nhìn quanh một lượt, Bùi Khoái reo lên :
          - Kia có hàng bánh mỳ xúc xích, ta đến đấy đi.
          Hàng bánh mỳ xúc xích là một chiếc xe đẩy, chủ hàng là một ông Tây khoác trên người chiếc áo phao màu bộ đội, Bùi Khoái trông nó chẳng khác gì chiếc áo phao Xuân Đỉnh. Đưa cho hai vị khách châu Á 2 bánh mỳ ruột xúc xích rõ to, ông ta tuôn ra một tràng tiếng Ba Lan khiến Bùi Khoái đớ người, phải dùng tay chỉ chỏ mới vỡ lẽ là ông ta hỏi có muốn thêm mù tạt hay không. Vừa ngoạm bánh, Bùi Khoái vừa lầm rầm nói với Bích Ngọc :
          - Phải nhanh chóng học tiếng, ú ớ thế này không làm ăn được.
          Không khó khăn lắm để tìm đến địa chỉ của Nguyễn Bách. Đây là cửa hàng bán đổ vải, tuy chỉ nhỏ bằng khoảng một phần cửa hàng của Zđen-nếc ở Pra-ha nhưng các mặt hàng rất phong phú và đều là những thứ mà Bùi Khoái đã từng mua bán.Vừa thấy hai người dừng lại trước cửa, một cô gái châu Á trẻ trung và xinh xắn đã vội bước ra hỏi bằng tiếng Ba Lan. Bùi Khoái nói ngay :
          - Chúng tôi là người Việt, không hiểu tiếng Ba Lan.
          Cô gái nhoẻn cười rất tươi, hỏi :
          - Thế mà tôi cứ tưởng người Trung Quốc. Anh chị đang tìm mua gì ?
          - Chúng tôi không mua hàng mà tìm gặp anh Nguyễn Bách.
          Cô gái có vẻ như đã quen với nhiều khách hỏi thăm Nguyễn Bách nên thản nhiên nói :
          - Thế thì phải đợi đến đầu giờ chiều anh Bách mới đến, bây giờ anh ấy đang ở la-bô.
          - Vâng, chúng tôi đợi được.
          Cô gái trẻ chạy vào mang ra hai chiếc ghế nhựa màu xanh, ân cần :
          - Cửa hàng chật, anh chị ngồi tạm đây đợi anh Bách.
          - Cám ơn chị.
          Trong lúc ngồi đợi, Bùi Khoái đã kịp để ý quan sát chung quanh. Đây là một con phố sầm uất người qua lại, nhiều cửa hàng buôn bán các mặt hàng khác nhau nhưng chủ yếu vẫn là quần áo. Ở một khoảng vỉa hè rộng có mấy người bày bán các thứ như kính, ví da, dây lưng và quần áo bò, người đi đường dừng lại hỏi giá, mua hàng khá nào nhiệt. Bùi Khoái vui vẻ nói với Bích Ngọc :
          - Chỗ này hứa hẹn là một bến đỗ tốt, chúng mình neo thuyền lại được đấy.
          Vừa lúc ấy có một thanh niên khoác chiếc áo dạ ngắn màu xám, đầu đội mũ phớt tay xách cặp đen đi vào. Nghe cô gái ban nãy nói gì đó, người này quay ra, tiến đến chỗ Bùi Khoái đang ngồi. Khi đến gần, anh ta bỗng dừng lại, ánh mắt đầy vẻ ngạc nhiên, nói như reo lên :
          - Ơ, thày Bùi Khoái ! Em chào thày. Có phải thày tìm em không ?
          Bùi Khoái vội đứng lên, không kém lạ lùng :
          - Chào anh, tôi tìm anh Nguyễn Bách.
          - Em là Nguyễn Bách đây. Chắc thày không nhận ra em.
          Bùi Khoái kín đáo ngắm nhìn vẻ thanh tú và ánh mắt thông minh của người thanh niên đứng trước mặt như để cố tìm ra nét thân quen nào đó nhưng đành thú nhận :
          - Tôi thật không nhớ ra đã gặp Nguyễn Bách ở đâu.
          - Em là học sinh của thày cả học kỳ 2 năm thứ hai. Hồi ấy em là một trong số các bạn được thày chọn vào làm việc ở xưởng sản xuất lốp xe đạp của thày. Em còn nhớ thày hay đội chiếc mũ nồi đỏ. Hồi ấy chúng em phục thày lắm, khó khăn thế mà đã có ý tưởng sản xuất. Chúng em thường gọi thày là thày chủ xưởng.
          Nghe Nguyễn Bách nhắc lại kỷ niệm xưa, Bùi Khoái thấy có một luồng điện nhẹ giật khắp người làm da gà nổi hết lên. Anh không ngờ cái xưởng sản xuất lốp xe đạp chết yểu ấy có thể để lại những ấn tượng tốt đẹp như thế, không ngờ Nguyễn Bách nay đã trở thành soái rồi mà vẫn nhớ chuyện cũ.
          - Đúng rồi, thế mà đã gần chục năm nên tôi không nhớ được Nguyễn Bách, hôm nay gặp em thế này thật là may. Bách sang Ba Lan lâu chưa ?
          - Em được sang làm nghiên cứu về chất rắn biến dạng đã 3 năm rồi. Vừa nghiên cứu em vừa tranh thủ buôn bán thêm, cũng kiếm được. Một mình em làm không xuể nên phải đón vợ sang giúp. Hôm nay thày tìm em có việc gì, em mời thày vào quán cà phê đằng kia uống nước rồi thong thả nói chuyện.
          Bùi Khoái chỉ Bích Ngọc giới thiệu :
          - Đây là cô Bích Ngọc, em tôi.
          Nguyễn Bách tươi cười :
          - Mời chị Bích Ngọc.
          Họ kéo nhau vào quán, mùi cà phê thơm nức tỉnh táo khiến Bùi Khoái thoáng nghĩ đến văn phòng quản đốc Pa-ven Ka-đê-ra-bếc. Nguyễn Bách cởi bỏ chiếc áo dạ xám treo lên mắc áo để ở cửa, lúc ấy Bùi Khoái mới để ý thấy anh này mặc com-lê xanh ma-rin, cổ quấn chiếc khăn len xám, trông nhẹ nhàng mà lịch sự. Sau khi ngồi cả vào một bàn khá riêng, Bùi Khoái  lấy trong cặp ra bức thư của Lạng gửi Nguyễn Bách.
          - Tôi có cầm lá thư của anh Lạng là cán bộ trong nước sang công tác ở Tiệp gửi Nguyễn Bách, chắc Nguyễn Bách quen biết anh Lạng ?
          - Vâng, chúng em quen biết và có quan hệ làm ăn với nhau.
          Thư được dán kín nên Bùi Khoái không biết nội dung nói gì nhưng chắc chắn có phần giới thiệu anh với Nguyễn Bách và đề nghị giúp đỡ làm ăn tại Ba Lan. Thật không ngờ người nhận thư lại là sinh viên cũ của mình, Bùi Khoái chắc cuộc gặp gỡ này sẽ làm cho mối quan hệ trở nên dễ dàng hơn. Anh chăm chú theo dõi từng động tác của Nguyễn Bách, từ cách cẩn thẩn xé phong bì đến cách rờ tìm trong túi áo vét cái kính cận ra đeo, cái kính gọng vàng mà theo con mắt chuyên môn buôn kính của Bùi Khoái, đó phải là một chiếc kính đắt tiền, không dưới 1000 đô la. Bùi Khoái ngạc nhiên thấy Nguyễn Bách đọc thư khá lâu, không biết đây là bức thư nhờ vả, công việc hay tâm tình gì mà dài thế. Anh ta kiên nhẫn ngồi đợi một hồi, cuối cùng Nguyễn Bách cũng gỡ kính ra, ngẩng lên.
          - Tình hình bên Tiệp thay đổi phức tạp thày nhỉ ! Trong nước mình cũng khó khăn, đến như anh Lạng còn được phép tự lo lấy kinh phí hoạt động thì biết khó như thế nào. Ở Ba Lan mọi cái rõ hơn, công đoàn Đoàn kết đã có từ lâu nên bây giờ ngô khoai đã thứ nào ra thứ ấy, chúng em ở đây đã yên tâm làm ăn. Em không tưởng tượng được thày đã ở Tiệp lâu thế mà cuối cùng vẫn rơi vào tình cảnh như ngày hôm nay. Tất nhiên em vẫn có thể thông cảm được bởi vì chính em cũng đã gặp những khó khăn như của thày. Mình sang đây tìm đường làm ăn, ngoài nỗ lực quyết tâm của bản thân thì vẫn cần một chút may mắn thầy ạ.
          - Nguyễn Bách nói đúng. Cái số may mắn chưa đến với tôi nên cứ gặp hết đổ vỡ này đến thất bại khác. Thực tình  khi hết hạn làm việc tôi rất muốn về nước nhưng không ngờ đúng lúc ấy lại mất trắng tay, mà tôi thì hoàn toàn không muốn về trong tình trạng như thế. Không ngờ bây giờ phiêu bạt tới Ba Lan, coi như Nguyễn Bách phải giúp tôi làm lại từ đầu.
          - Xin thày cứ yên tâm. Em luôn nghĩ chúng ta đã rời bỏ quê hương ra ở xứ người thì đều phải có bổn phận giúp đỡ, đùm bọc thương yêu nhau. Đúng là thày phải bắt đầu lại từ đầu. Tuy nhiên ở Ba Lan cũng rất thoáng, chẳng thế có nhiều người bảo đây là “miền đất tự do” của dân Việt mình. Có lẽ vì thế mà anh Lạng đã gợi ý thày qua đây. Mọi việc cụ thể thế nào thày phải đợi em một hai hôm. Gần chỗ này có một nhà nghỉ của người Ba Lan, tiền thuê cũng rẻ thôi, thày và chị Ngọc có thể nghỉ tạm ở đấy trong khi chờ. Chưa có giấy tờ, thày và chị đừng có đi lại nhiều.
          - Việc đó tôi biết. Nhờ em chạy giấy tờ nhanh nhanh lên là được.
          - À quên, thày có cần em đưa tiền để tiêu tạm không ?
          Bích Ngọc nhanh nhảu trả lời, rõ ràng nhưng ý tứ :
          - Không cần đâu ạ, chúng em vẫn còn đủ để nhờ lo công việc.
          Nguyễn Bách gọi cô gái khi nãy đến để đưa Bùi Khoái và Bích Ngọc đi thuê chỗ nghỉ tạm. Hóa ra đó chính là vợ Nguyễn Bách, tên là Thu Hiền. Cô mặc chiếc áo len cổ lọ màu cỏ úa, chiếc áo vét vải bò màu xanh khoác ra ngoài trông thật đẹp. Ngày hôm sau Thu Hiền dẫn hai người đi chụp ảnh, nói là để làm hộ chiếu. Thấy Bùi Khoái có vẻ băn khoăn, Thu Hiền bảo :
          - Dịch vụ hết, anh chị không phải lo, cứ chuẩn bị sẵn một ít tiền là được.
          Cuộc gặp gỡ không ngờ với người học trò cũ đã làm Bùi Khoái có không ít xao động. Ngoài những lúc đi dạo tìm hiểu việc buôn bán ở chợ, Bùi Khoái thường ngồi thần người, thả mình phiêu diêu trở lại một thời. Anh nhớ về cái xưởng làm lốp xe đạp với đầy những mơ ước tươi đẹp và nhân ái của ngày đầu lập nghiệp, những khuôn mặt sáng ngời niềm kiêu hãnh tuổi trẻ của những sinh viên như Nguyễn Bách, con đường nhựa nhỏ chạy vòng vèo trong sân trường dưới bóng mát những cây xà cừ, cầu thang gác bụi bậm hôi mùi cứt lợn dẫn lên tầng 5 của căn nhà tập thể A6. Những quá khứ ấy bị thời gian và những bươn chải hiện tại khỏa lấp đi nay bỗng nhiên được khơi dậy do sự xuất hiện bất ngờ của Nguyễn Bách, trở về trong tâm trí Bùi Khoái. Anh ngồi suy ngẫm về khoảng thời gian tuổi trẻ sôi nổi ấy với tình cảm nuối tiếc pha lẫn những mặc cảm về thân phận hiện tại của mình. Thấy Bùi Khoái mắt nhìn trừng trừng vào trống không, Bích Ngọc lấy tay đập vào vai anh.
          - Anh nhìn cái gì mà như mất hồn ấy !
          Bùi Khoái quay ra, thảng thốt.
          - Không ngờ đã xa nhà, xa đất nước 10 năm trời rồi. Cũng không ngờ gặp lại cậu học trò cũ, mừng vì may mắn nhưng cũng tủi cho thân phận mình.   
          - Gớm, anh cứ hay nghĩ lung tung, mệt người-Bích Ngọc nói và véo vào tai Bùi Khoái.
          Chờ đến ngày thứ tư thì Nguyễn Bách đến nhà nghỉ tìm Bùi Khoái và Bích Ngọc, vẫn bộ com lê xanh ma-rin và chiếc mũ phớt trên đầu, chiếc cặp đen xách tay. Đi cùng với Bùi Khoái là một thanh niên chạc tuổi Bích Ngọc, tóc đen dài, mặt xương với hai gò má dô hẳn lên, cặp lông mày rậm rịt như hai con sâu róm to  bằng hai ngón tay vắt trên mí mắt. Khi đã vào trong phòng, anh này cẩn thận bảo  Bích Ngọc :
          - Chị cứ chốt cái cửa vào.
          Nguyễn Bách chỉ người thanh niên này nói :
          - Em giới thiệu với thày đây là anh Khuông, người lo giấy tờ cho thày và chị Bích Ngọc.
          Anh chàng này chẳng chào hỏi ai, rút trong túi ngực ra hai quyển hộ chiếu, màu bìa còn xanh mới. Anh ta mở cuốn có tên Nguyễn Tiến Vân đưa cho Bùi Khoái, cuốn có tên Trần Thị Hồng Châu đưa cho Bích Ngọc, rồi lại đưa ảnh cho từng người. Khi cầm hộ chiếu, Bích Ngọc thoáng ngỡ ngàng nhìn anh chàng mắt sâu róm, có vẻ như con mắt ấy gợi cho Bích Ngọc điều gì.
          - Đây là hộ chiếu mới-Anh chàng mắt sâu róm nói. Từ hôm nay anh đừng quên mình là Nguyễn Tiến Vân và chị là Lê Hồng Châu. Bây giờ mọi người hãy đem dán ảnh này vào, nhớ dán thật khéo. Thế là xong.
          Bích Ngọc cầm quyển hộ chiếu mới tinh, tươi cười hỏi :
          - Nhỡ vô tình mà vẫn gọi nhau bằng tên cũ thì có sao không ?
          - Cũng chẳng sao, người ta có thể có mấy tên cơ mà. Chỉ khi nào bị kiểm tra hay làm thủ tục ở sân bay thì  phải nhớ tên mới.
          Bùi Khoái đọc các chi tiết trong hộ chiếu rồi nói :
          - Phải nhớ cả ngày tháng năm sinh và quê quán nữa. Theo như đây thì tôi sinh năm 1949 chứ không phải 1948, trẻ ra được một tuổi. Quê quán vẫn ở Hải Phòng nhưng không phải ở Thủy Nguyên mà là ở huyện An Lão. Của Bích Ngọc thì sao ?
          Khi ấy Bích Ngọc đang sắp dán ảnh của mình vào ô hình chữ nhật, nghe Bùi Khoái hỏi mới đọc nhanh ngày tháng năm sinh trong hộ chiếu, vội rú lên :
          - Thôi chết rồi, trong này Hồng Châu sinh năm 1946, già hơn em gần chục tuổi thì làm thế nào.
          Cả Bùi Khoái và Nguyễn Bách vội vã nhìn vào. Nguyễn Bách nói :
          - May quá, chưa dán ảnh. Để nhờ anh Khuông đổi quyển khác.Tìm được những quyển hộ chiếu còn hạn thế này để thay thế là rất khó, chỉ cần gỡ cái ảnh cũ ra, thay cái ảnh mới vào.
          - Bao giờ tìm được quyển mới cho em ? Bích Ngọc sốt ruột hỏi.
          Khuông nhận lại cuốn hộ chiếu, đút lại vào túi ngực, nói tỉnh bơ :
          - Cũng nhanh thôi, muộn lắm là cuối tuần tôi đưa cho.
          Bùi Khoái tò mỏ :
          - Tìm đâu ra những quyển hộ chiếu này ?
          Khuông nhanh nhảu trả lời, tỏ ra rất chuyên nghiệp :
          - Ối giời, quy luật cung cầu mà. Có bao nhiêu người có yêu cầu được sống hợp pháp ở đây bằng các loại giấy tờ thật hoặc giả, vì thế có rất nhiều hộ chiếu bị đánh cắp. Cũng có một số ít người sẵn sàng để bị mất cắp hộ chiếu của mình, họ cần tiền mà.
          Nói rồi anh ta chào qua mọi người, rút then cửa rất nhẹ, lặng lẽ đi ra. Bùi Khoái hỏi :
          - Hai quyển của tôi và của Bích Ngọc hết bao nhiêu ?
          Thoáng một chút lúng túng như đã làm một điều gì không phải, Nguyễn Bách ngập ngừng :
          - Mỗi quyển 600 đô. Thày và chị Bích Ngọc đưa trực tiếp cho anh Khuông khi đã xong việc. Em chỉ giúp thôi.
          Bùi Khoái vội vàng đỡ lời :
          - Tôi biết và rất cám ơn em. Từ hôm nay tôi đã là người hợp pháp, không còn phải chịu thân phận “hộ tịch pháp” như ở bên Tiệp nữa.
          - Thày nói gì, “hộ tịch pháp” là thế nào ?
          - À, đấy là cách dân mình bên Tiệp gọi những thân phận chui lủi, không có giấy tờ hợp lệ để sống đàng hoàng. Có hộ chiếu thế này là có bùa hộ mệnh rồi. Còn về công việc, em có gợi ý gì cho chúng tôi không ?
          - Em nhắc thêm thày và chị Bích Ngọc phải nhớ cả ngày tháng và địa điểm nhập cảnh vào Ba Lan có ghi trong hộ chiếu, có thể người ta hỏi bất thình lình. Còn về công việc, ở chợ Sân vận động này bây giờ cơ hội làm ăn nhiều, hàng hóa bán rất chạy. Bà con mình chủ yếu buôn bán các mặt hàng vải, giày dép từ Việt Nam sang, từ Trung Quốc đến. Tuy vậy cũng lắm thách thức. Người nước ngoài ở đây đông, không kể người Ba Lan còn lại toàn giỏi về buôn bán như người Thổ Nhĩ Kỳ, U-cren, Nam Tư, Trung Quốc…Người Việt Nam mình cũng đông rồi, đấy vừa là thuận lợi nhưng  đồng thời cũng là khó khăn, vừa hợp tác buôn bán lại vừa phải cạnh tranh quyết liệt. Chợ Sân vận động bây giờ chủ yếu là bán buôn, vốn liếng cần nhiều, kinh doanh vất vả, các nơi người ta về lấy hàng rất sớm, ba giờ sáng chợ đã đốt đèn họp rồi. Thày mới đến Vác, tiếng chưa có, tiền cũng chưa, trụ lại không phải điều dễ dàng. Hay là…
          Thấy Nguyễn Bách tỏ ra lăn tăn, Bùi Khoái vội giục :
          - Hay là làm sao, em cứ nói đi.
- Thày và chị Bích Ngọc nên về một tỉnh lẻ, mọi cái dễ hơn.
          - Tỉnh lẻ là tỉnh nào ?
          - Mọi người nói bây giờ về tỉnh Goóc-dốp, cách Vác khoảng 500 cây số là tốt nhất. Đây là tỉnh biên giới với Đức, dân Đức sang mua hàng rất đông. Thày có thể lấy hàng từ chỗ em với giá ưu đãi, chắc chắn sẽ có lãi. Em đã giới thiệu 3 người mới sang từ Liên Xô  về đấy, nếu thày đồng ý đến nơi rồi bàn tính với nhau cách hợp tác cùng làm ăn.
          Đã quen sống ở những thành phố lớn như Hà Nội rồi Pra-ha, Bùi Khoái thật thất vọng khi nghe nói đến một tỉnh lẻ biên giới hẻo lánh. Buồn hưu hắt là cái chắc, khác gì anh bạn Lê Văn Thành ở tỉnh Li-bê-rét bên Tiệp. Tuy nhiên Bùi Khoái làm gì có sự lựa chọn nào khác, và anh ta làm gì có quyền được lựa chọn bây giờ. Một cái gật đầu lúc này sẽ lại là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời không có chông gai sóng gió nhưng thật lắm gian truân. Bùi Khoái ngại ngùng quay sang hỏi Bích Ngọc :
          - Thế nào, em nghĩ sao ?
           Bích Ngọc trả lời dứt khoát :
          - Anh đi đâu thì em theo đấy.
          Vốn liếng không có, tiếng tăm chưa biết, tất nhiên Bùi Khoái phải chọn con đường đi về Goóc-dốp. Hỏi ra được biết đây là một thành phố khá lớn ở phía Tây Ba Lan, bên sông Vác-ta, sát biên giới với Đức, hiện thời ở đây đang rất dễ buôn bán. Nguyễn Bách chuẩn bị cho Bùi Khoái và Bích Ngọc một khối lượng hàng lớn để gần kín một toa tàu, gồm toàn những áo gió, áo ki-mô-nô, quần áo bò. Trước hôm đi, Nguyễn Bách đến tìm hai người và đưa cho Bích Ngọc quyển hộ chiếu mới.
          - Anh Khuông nhờ tôi đưa lại chị Bích Ngọc cuốn hộ chiếu này.
          Bích Ngọc cầm lấy xem, reo to :
          - Lệ Quyên trẻ hơn em 2 tuổi, tuyệt quá !
          Nguyễn Bách nói đùa :
          - Hóa ra ai cũng thích trẻ, không ai thích mình già.
          Hôm sau Nguyễn Bách đưa Bùi Khoái và Bích Ngọc ra ga, thuê hẳn một toa chở hàng riêng, đợi hai người lên toa rồi anh mới quay về. Khi tàu lăn bánh Bùi Khoái loay hoay xếp cho mình một chỗ nằm.
          - Ngọc à, em thức cho anh ngủ một tí nhé, nghe nói phải đi quá nửa ngày mới đến nơi.
          - Sao lại Ngọc, Lệ Quyên chứ-Bích Ngọc vui cười nhắc.
          - Ừ nhỉ, Lệ Quyên, quên béng mất !
          - Này-Bích Ngọc kéo Bùi Khoái sát lại, nói. Em thấy cái anh Khuông ấy rất giống cái thằng ăn cắp gương xe máy trong trường em ngày xưa. Xe ai cũng khóa nhưng còn cái gương chỉ xoáy cái là ra. Nó đã bị nhà trường bắt mấy lần nhưng rồi lại tha, tại vì ai cũng bảo cái gương xe máy chẳng đáng gì.
          Bùi Khoái đang muốn ngủ nên ậm ừ :
          - Cũng có thể nhưng mà thiếu gì người giống nhau.
          - Cái mắt sâu róm ấy chẳng nhầm vào đâu được.  
          - Ừ thì nó là thằng ăn cắp gương xe máy. Bây giờ nó đi buôn hộ chiếu, toàn hộ chiếu ăn cắp được cũng thế, khác gì. Nhưng mà thôi, miễn là mình có hộ chiếu hợp pháp. Thế nhé, để yên cho anh ngủ một chốc.
          Bùi Khoái nằm co mình, nhắm mắt. Nhịp tàu đung đưa như nhịp võng, tiếng bánh sắt rít trên đường ray giống hệt tiếng rít tàu Hà Nội-Hải Phòng. Trong lơ mơ  mờ ảo của trí nhớ, Bùi Khoái chợt thấy những chuyến tàu thời sinh viên, những toa tàu đen đúa bụi bậm chạy vào ban đêm để tránh máy bay Mỹ, lúc nào cũng chen chật kín người. Khách đi tàu dựa vào nhau gà gật, tay vẫn giữ chặt túi đồ. Rõ ràng Bùi Khoái ngủ ngáy hẳn hoi mà vẫn nghe được tiếng cô nhân viên đường sắt  xách chiếc đèn bão bước qua đầu mọi người nhắc rất to :
          - Ai chưa có vé thì mua vé đây. Kẻ cắp đầy, có hành lý thì biết mà giữ lấy.
          Vậy mà trong tiếng gió thổi và tiếng bánh sắt rít thỉnh thoảng lại có người  hét lên :
          - Thôi chết, nó lấy mất cái túi của tôi rồi !
          Như người mộng du, Bùi Khoái đi qua các ga Lạc Đạo, Cẩm Giàng, rồi Hải Dương, Phú Thái, ga nào cũng toàn người chen chúc lên chứ không có ai xuống, ga nào con tàu cũng thúc còi hú lên một tràng tiếng tu tu rồi đi xuyên qua những màn sương trắng đục và lạnh lẽo như ảo ảnh. Bỗng Bùi Khoái giật mình bật dậy, tay nắm chặt quai ba lô. Hóa ra Bích Ngọc vừa đập vào người vừa lay anh.
          - Anh Khoái, đến ga rồi, dậy mau. Người ta kiểm tra kìa.
          Bừng tỉnh khi thấy ba người mặc đồng phục màu xám, đầu đội mũ kê-pi, không biết đấy là công an hay người của đường sắt, Bùi Khoái buột miệng hỏi bằng tiếng Tiệp :
          - Các anh soát vé ?
          Ba người nhìn nhau cười, một người lắc đầu ra ý không hiểu. Người cao tuổi nhất nói dằn từng tiếng :
          - Pát-xpót ?
          Bất thình lình Bùi Khoái hỏi lại bằng tiếng Nga :
          - Các anh là công an à ?
          Cả 3 người cùng ồ lên :
          - Vâng. Đề nghị ông bà cho kiểm tra hộ chiếu.
          Cái cảm giác nơm nớp sợ bị kiểm tra hộ chiếu không còn nữa, Bùi Khoái mỉm cười, tự tin rút trong túi ra hai quyển sổ hộ mệnh đưa cả cho người công an. Anh này lật giở từng trang, soi ảnh với mặt người thật, nói gì đó rồi chuyển cho đồng nghiệp bên cạnh. Người này cũng kiểm tra rất kỹ, cuối cùng vui vẻ đưa trả lại cho Bùi Khoái.
          - Tốt, ông Vơ-ân. Ông bà mang hàng đi Goóc-dốp ?
          - Vâng, chúng tôi bán hàng ở đấy. Còn mấy ga nữa sẽ đến nơi ?
          - Ba ga nữa. Chúc ông bà may mắn.
          - Cám ơn các anh.
          Ba anh công an đi rồi, tàu cũng lăn bánh tiếp, Bùi Khoái và Bích Ngọc nắm tay nhau cùng reo lên mừng rỡ. Họ vừa qua được một thử thách đầu tiên, những lo phiền về giấy tờ hợp pháp chất chứa nặng nề lâu nay một lúc được trút bỏ. Bùi Khoái thấy lòng nhẹ tênh khi nghĩ về những ngày trước mặt đã có thể yên tâm chăm chú vào làm việc kiếm tiền.
          - Cứ như Nguyễn Bách nói thì chả mấy anh trả hết nợ cho Bích Ngọc.
          - Khiếp, anh cứ nhắc đi nhắc lại mãi.
          - Sang được đến đây là nhờ em. Lúc đi anh có đồng nào đâu, trên răng dưới…các tút !
          - Đừng mang cái các tút ấy ra mà dọa em, em không sợ đâu !
          - Thôi được, bây giờ đến lượt em nằm ngủ đi một chốc, để anh thức, kha-ra-sô ?
          - Tốt, kha-ra-sô !
          Bích Ngọc nằm xuống chỗ  vừa nãy Bùi Khoái đã nằm, đầu gối lên tay, tóc xõa lất phất bay trước gió. Nhìn thân hình gọn gàng cân đối trong tư thế nằm nghiêng của người đàn bà một con, Bùi Khoái thở dài, không hiểu cái duyên là cái duyên nào đã đưa cô tới với mình, để rồi cùng lặn lội vào con đường gian truân ngày hôm nay. Nếu không có cuộc cách mạng nhung với những đảo lộn chính trị rộng lớn ở Tiệp thì có đâu một người đàn bà xinh tươi như Bích Ngọc, một thực tập sinh về điện tử đi theo con đường hợp tác giữa hai nhà nước lại bằng lòng dấn thân theo Bùi Khoái để tìm một cơ hội kiếm ra đồng tiền. Đặt những câu hỏi ấy, Bùi Khoái tự nhủ phải cố gắng đỡ đần, vun vén cho cô. Anh với lấy cái áo bò đắp lên người Bích Ngọc khi cô đã thở đều chìm vào giấc ngủ trong tiếng xình xịch nhịp nhàng của con tầu. Vuốt mớ tóc bị gió thổi cuốn lên che mặt Bích Ngọc, Bùi Khoái thấy lòng mình quặn lại, chợt thốt lên “Cún của anh”. Bích Ngọc vẫn nằm im như đang ngủ say nhưng từ trong khóe mắt ứa ra hai giọt nước mắt trong vắt lăn trên má.
          Bùi Khoái quay lại ngồi ở cửa sổ toa tàu, nhìn ra bên ngoài. Mặt trời tháng 6 tỏa nắng rực rỡ lên những cánh đồng ngô xanh mướt, tỏa sáng lên những nóc nhà mái ngói đỏ tươi, tường vôi trắng tinh khiết ẩn hiện trong những vườn táo đang bói quả. Những dải đồi thoai thoải đầy hoa đồng nội độ vào hè, trải đều lên khắp nơi màu hoa đỏ hoa trắng, tạo thành một bức tranh thảm cỏ rộng thênh thang đều đều lướt đi ngoài cửa sổ. Mấy chú bò khoang mải mê gặm cỏ không cần biết đến đoàn tàu đang vun vút lao đi. Say sưa ngắm nhìn trời đất, Bùi Khoái thảng thốt nhận ra phong cảnh tuyệt vời kia không phải quê hương mình. Gần một chục năm bên Tiệp, Bùi Khoái chưa có lúc nào được ngồi yên ngắm thiên nhiên tuyệt đẹp như hôm nay. Lần duy nhất được đi du lịch là lúc còn đang học tiếng, bà giáo Mô-níc-ca đã tổ chức cho cả lớp đi thăm thành phố nổi tiếng Ca-rơ-nô-vy Va-ry, nơi thường diễn ra những liên hoan điện ảnh của phe xã hội chủ nghĩa, tuy nhiên  lúc ấy vẫn còn là mùa đông, tuyết rơi đầy. Những ngày sau đó trong đầu ngổn ngang toàn những xe đạp ét-xka, súng săn 9 cân hơi với quần áo bò, lấy đâu ra một tâm trạng thư thái mà ngắm cảnh. Thấy trong lòng trào dâng lên một niềm vui sướng dào dạt, Bùi Khoái tròn miệng huýt một tiếng sáo dài, bỗng nhiên trong đầu hiện lên hình ảnh những thảm lúa tháng 3 xanh mướt dưới một bầu trời xuân xanh dọc đường tàu đưa anh từ Hà Nội về Hải Phòng. Anh nghĩ phong cảnh nhà mình cũng đẹp chẳng kém gì.
           Con tàu đi chậm lại khi Bùi Khoái đang thả hồn theo những so sánh vân vi ấy, chỉ khi tiếng kéo phanh kêu rít lên ken két trước lúc vào ga thì anh mới như người chợt tỉnh. Bên ngoài cửa sổ toa tàu, nhà cửa và cây cối lướt chậm hẳn, từ từ hiện rõ những nước sơn tường bạc thếch và bụi bặm, những dàn hoa đỏ thiếu sự chăm sóc chu đáo nhưng đẹp một cách man dại. Bùi Khoái đứng lên đánh thức Bích Ngọc.
          - Cún Ngọc, cún Ngọc, dạy đi em. Đến ga rồi.
          Bích Ngọc mở to đôi mắt tròn long lanh, ngơ ngác nghe tiếng gọi “Cún” quen thân nhưng lại lơ mơ như vọng về từ nơi xa tít tắp. Nhận thấy bàn tay Bùi Khoái đang đặt lên vai mình lay gọi, cô vùng dậy, lấy tay vuốt gọn mái tóc và lau sạch chút nước bọt chảy ra khóe mép khi ngủ.
          - Em ngủ say thật đấy, tàu lắc thế mà chẳng biết gì-Bích Ngọc nói.
          Bùi Khoái nhảy xuống trước, giơ tay đỡ Bích Ngọc. Anh liếc nhanh cái ga lẻ, thấy nhà ga lợp ngói đỏ cũng đứng đơn độc ở một khoảng riêng biệt, không thể so sánh với ga trung tâm ở Vác nhưng rõ ràng bề thế chẳng kém gì ga Hải Phòng của anh. Bích Ngọc kéo lại áo, vươn vai thở, hít thấy có mùi xúc xích nướng trong không khí. Ba người quen của Nguyễn Bách được báo trước đã ra ga đón, mải mê cùng 4 cửu vạn địa phương  chuyển rất nhanh những kiện hàng đóng bằng bao vải gai nhuộm xanh về kho. Một thoáng sau, khi con tàu rúc còi rời ga, Bùi Khoái và Bích Ngọc được những người bạn mới dẫn đến một ngôi nhà khá to, đưa cho một xâu mấy chiếc chìa khóa.
          - Chúng tôi thuê cho anh chị một phòng trong tòa biệt thự này. Rẻ thôi, yên tâm đi.
          Nhìn ngôi nhà to lớn trong khu vườn rộng thênh thang có nhiều cây phong cổ thụ, Bùi Khoái hỏi :
          - Sao các anh không thuê hết về đây ở mà lại chỉ thuê có một phòng cho chúng tôi ?
          - Chúng tôi  đang thuê dở chỗ khác, tội gì bỏ đi phí mất tiền. Anh chị ở một phòng rồi thì sẽ không có ai thuê nữa, khi hết hạn bên kia chúng tôi đến. Ở đây thuê nhà dễ lắm.
          - Thế cũng được, có điều chỉ hai người ở đây sẽ buồn tí thôi.
          - Bận cả ngày, còn đâu mà buồn. Thế này nhé, khoảng 6 giờ tối chúng tôi quay lại đón anh chị về chỗ chúng tôi ăn cơm, bây giờ dọn đồ lên phòng nghỉ ngơi chút đi. Đến bữa cơm chúng ta làm quen với nhau.
          Đến giờ hẹn, Bùi Khoái và Bích Ngọc được dẫn đến một căn hộ ngay mặt đường rộng nhưng vắng vẻ, tường sơn màu vàng u tịch như kiểu những ngôi nhà cổ ngày xưa. Mở cửa vào nhà đã thấy các kiện hàng xếp chật kín tầng dưới, phải đi qua các kiện hàng này để tới một gian bếp rộng, ở đấy có một cái bàn ăn tròn. Bữa ăn đã được chuẩn bị từ trước, thịnh soạn và ngon lành. Bùi Khoái giương mũi ngửi và phán :
          - Tôi ngửi thấy có mùi thịt rán, lại có mùi húng bạc hà rất thơm.
          - Anh thính thật đấy. Húng bạc hà chúng tôi mua ở chợ từ sáng, để ăn với tim lợn luộc. Chỉ tiếc là không có mắm tôm thôi. Ta ngồi cả vào bàn đi, tôi giới thiệu với mọi người chúng tôi là ai.
          Liếc thấy một đĩa to tim lợn luộc, bên trên phủ mấy cọng bạc hà, Bùi Khoái nghĩ món này ở nhà phải xơi với húng quế, vụt nhớ đến quán lòng lợn ở Cửa Nam, bên cạnh đường tàu dẫn vào ga Hàng Cỏ. Bộ môn anh đã đôi lần kéo nhau ra đấy liên hoan, tiền liên hoan là tiền bán giấy vụn, sau khi kết thúc đĩa lòng mỗi người còn đánh thêm một bát cháo tiết nóng hôi hổi. Khi tất cả đã ngồi vào bàn, một người có vẻ lớn tuổi nhất trịnh trọng đứng lên, tay cầm cốc bia.
          - Cứ coi như tôi là chủ ở đây, để tôi giới thiệu trước. Cô gái mặc áo len đỏ cộc tay đây là Liền, người Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Anh bạn ngồi cạnh đeo kính cận kia là Khiêm, người Phú Xuyên, Hà Tây. Khiêm là người đầu tiên nêu ra ý trốn sang Ba Lan, vạch  kế hoạch để chuyến đi của chúng tôi thành công. Còn tôi, tôi là Lộc, chính người Mễ Trì, Hà Nội. Cả ba chúng tôi đều là công nhân xuất khẩu lao động, sang làm ở nhà máy giầy da Lút  từ năm 1987, tức là nhà máy giày Ánh Sáng ở Min-xkơ thuộc Liên Xô. Đến cuối năm 1989, tình hình bên ấy khó khăn quá, nhờ móc nối được với soái Nguyễn Bách ở Vác mà chúng tôi sang được Ba Lan, rồi theo lời soái về Goóc-dốp, trước các anh vài tháng. Về phía chúng tôi chỉ có thế thôi, bây giờ đến các anh giới thiệu cho chúng tôi làm quen.
          Bùi Khoái cầm cốc bia đứng lên, vui vẻ :
          - Tôi là Bùi Khoái, à quên, tên chính trong hộ chiếu là Nguyễn Tiến Vân, còn em đây là Lệ Quyên, thường gọi là Bích Ngọc. Chúng tôi dạt từ Tiệp sang đây vì lúc đó bên Tiệp đang có cách mạng nhung cách mạng lụa gì đó. Có người giới thiệu với soái Nguyễn Bách giúp cho về đây gặp được các anh chị mừng lắm. Bây giờ ta chạm cốc mừng cho cuộc gặp gỡ này nhé.
          Sau màn dạo đầu ấy mọi người náo nhiệt cụng ly, không khách khí. Cô gái mặc áo len đỏ được chủ nhà giới thiệu là Liền có vóc dáng rất đẹp, to cao, trắng trẻo, một nét đẹp mạnh mẽ mà quyến rũ. Liền thường bật lên tiếng “à há” rất to, một thói quen của người châu Âu sau mỗi câu chuyện làm Bùi Khoái nhớ đến mẩu tiếu lâm bên Tiệp thường kể. Trong cái ngà ngà say rất cao hứng của men bia, anh ta đứng lên đề nghị :
          - Tôi xin kể cho các bạn câu chuyện tiếu lâm có thật trăm phần trăm. Một cô gái Việt mới sang Tiệp, ngày đầu phải đi mua gà nhưng không biết tiếng. Người bán hàng đành lấy tay chỉ  vào từng thứ như thịt bò, thịt lợn cô đều lắc, đến khi chỉ vào gà thì cô gật đầu, anh bán gà liền bật lên tiếng “à há” và đưa cô 1 con gà. Cô gái Việt rất hài lòng, yên tâm tiếng “à há” có nghĩa là một con gà. Ít lâu sau cô gái lại đi mua gà, lần này cô tự tin nói “đờ-va à-hí”, ý là mua hai con gà !
          Chỉ khi nghe Liền bật lên tiếng “à há” thì mọi người mới cười rộ, cười vui như nắc nẻ. Lộc đưa ra một nhận xét :
          - Tiếng Tiệp cũng đổi từ số ít sang số nhiều à, có vẻ giống tiếng Nga đấy nhỉ. Chúng tôi đã biết tiếng Ba Lan nào đâu, toàn nói tiếng Nga, nhưng mà ở đây họ hiểu hết.
          Lộc quen biết với Nguyễn Bách từ trong nước do hai nhà ở khá gần nhau. Nguyễn Bách được học đến nơi đến chốn, còn Lộc chỉ học hết lớp 12 rồi đi làm linh tinh đến khi nhờ được người xin cho đi xuất khẩu lao động. Trước khi đi, anh ta đã lấy được địa chỉ của Bách ở Ba Lan, những tưởng chỉ vậy thôi, ai ngờ đã có ngày phải nhờ đến Bách.
          Sau những câu chuyện phiếm, họ quay sang bàn cách làm ăn. Khiêm cho biết :
          - Hiện ở đây rất dễ, hàng bày ra bao nhiêu bán hết tưng đấy, đôi khi không lấy kịp thì không có mà bán, ra đường gặp người quen người ta lại hỏi. Cái khó của mình là phải lên tận Vác lấy hàng. Hay là thế này, chúng mình bây giờ có 5 người, ta lập thành một hợp tác xã, cùng làm cùng ăn.
          Bùi Khoái đưa ra ý kiến :
          - Ý tưởng của Khiêm hay quá, đúng là Gia Cát Lượng của nhóm. Trước khi về đây soái Nguyễn Bách cũng gợi ý chúng tôi liên kết làm ăn với các bạn. Tuy nhiên bây giờ làm gì còn ai lập hợp tác xã nữa, tại sao chúng ta không lập một công ty ?
          Mọi người tỏ ra bất ngờ, tất nhiên là bất ngờ vui vẻ, trước ý kiến này. Riêng đối với Bùi Khoái, hai tiếng công ty luẩn quẩn trong đầu anh đã từ rất lâu, có thể kể từ ngày phụ trách cái xưởng làm lốp xe đạp, nhưng thời ấy khái niệm công ty hoàn toàn không rõ ràng, có cái gì đó mập mờ lẫn lộn với hợp tác xã. Thấy mọi người im lặng chờ đợi, Bùi Khoái nói tiếp :
          - Ngày xưa ở trong nước, tôi đã có một cái xưởng làm lốp xe đạp, không ai gọi nó là hợp tác xã, cũng chẳng ai gọi là công ty. Ngày ấy  tự mình đứng ra lập hợp tác xã đã khó, nói gì đến công ty tư nhân, nghe khiếp quá, ai cũng sợ nó phát triển lên thành chủ nghĩa tư bản. Ở Pra-ha tôi biết mấy người bạn Tiệp đã lập công ty, có chủ, có người làm thuê hẳn hoi.
          Khiêm ngắt lời :
          - Thế nếu chúng mình lập công ty thì ai là chủ, ai làm thuê ?
          Bí câu trả lời, Bùi Khoái nói đại :
          - Cả 5 anh em chúng mình đều là chủ.
          Mọi người ồ lên khen hay đấy. Lộc băn khoăn :
          - Nhưng để lập được công ty thì phải làm những gì ?
          - Không lo, sẽ hỏi soái Nguyễn Bách.
          Trong niềm hứng khởi của những ý tưởng mới lạ, Liền đứng lên hỏi :
          - Chúng mình phải đặt cho công ty một cái tên chứ ?
          Mọi người nhao nhao đồng thanh :
          - Đúng rồi, một cái tên thật hay, thật có ý nghĩa.
          Vẫn là Liền :
          - Phải có giám đốc chứ ?
          Đến lượt Khiêm :
          - Tôi đề nghị bầu anh Bùi Khoái làm giám đốc vì mấy điểm sau đây : một là anh ấy lớn tuổi nhất trong chúng ta, hai là anh ấy đã buôn bán rất nhiều ờ Tiệp, ba là anh ấy đã có kinh nghiệm từ ngày còn trong nước, bốn là vì anh ấy thạo mấy thứ tiếng.
          Khiêm vừa dứt lời mọi người đã phấn khởi giơ tay biểu quyết đồng ý. Bùi Khoái vẫn tưởng đây chỉ là câu chuyện vui trong lúc uống bia. Anh vỗ tay đôm đốp hỏi mọi người :
          - Đặt tên công ty là gì ?
          Lộc giơ tay :
          - Tôi đề nghị lấy tên là Quê Hương, công ty Quê Hương.
          Khiêm hào hứng :
          - Quê Hương là tốt rồi, nhưng nên thêm cái gì vào cho thật hay.
          - Thêm cái gì ?
          Lần này là Bích Ngọc bật nói :
          - Thêm chữ mặt trời vào, là Mặt trời Quê Hương.
          Bùi Khoái không ngờ Bích Ngọc lại có một gợi ý hay đến như vậy khiến tất cả đứng lên reo to :
          - Mặt trời Quê hương ! Mặt trời quê hương ! Tuyệt vời quá.
          Khiêm nói to :
          - Nhưng mà không thể để tên công ty bằng tiếng Việt được, tiếng Ba Lan thì chúng mình không ai biết, đúng không ? Tôi đề nghị lấy tiếng Nga, ở đây người lớn trẻ em đều thạo tiếng Nga.
          - Nhất trí. Tiếng Nga thì nói thế nào ?
          Bùi Khoái chỉ Lộc.
          - Xin mời các bạn đã ở Liên Xô.
          Lộc nghĩ ngợi một lúc rồi ngập ngừng :
          - Mặt trời là “xôn-xe”. Quê hương là “rô-đin-na”.
          Liền chen vào :
          - Em nhớ còn một chữ nữa, thường dùng vào ngày tết quê hương, chẳng phải là mấy anh giỏi tiếng vẫn viết chữ “rát-nôi-dem-li” lên sân khấu đấy không ?
          Cả Lộc cả Khiêm vui mừng thán phục trí nhớ của Liền :
          - Giỏi, tuyệt quá, thế mà các anh cứ tưởng Liền chỉ biết mấy tiếng bàn là, xe đạp con én với quạt tai voi thôi.
          - Hai anh đừng có coi thường, không biết ai đi mua tủ lạnh xa-ra-tốp vẫn phải nhờ em đi làm phiên dịch ấy nhỉ ! Đừng quên em là dân “đầu đội áp xuất chân đi bàn là” một trăm phần trăm đấy nhé.
          Mọi người cười phá lên. Khiêm tranh lấy nói :
          - Quên làm sao được, tụi mình chẳng đã nhẵn mặt ở các đôm, các gum là gì. Người ta tận 11 giờ mới mở cửa, còn tụi mình mới 8 giờ đã kéo nhau đi, mậu dịch viên mở cửa ra toàn thấy dân đầu đen xếp hàng. Anh còn nhớ có một lần Liền  đứng đầu, cửa hàng hôm ấy có 100 cái chậu nhôm em ôm tất, còn nhờ anh thuê xe chở về nữa, thế mà chỉ để lại cho anh có 5 cái, rõ là dân Hà Tĩnh keo chết được !
          Lộc cũng vui vẻ nhắc lại kỷ niệm của những ngày chưa xa :
          - Thứ bảy nào được nghỉ mà chẳng thế, từ rõ sớm anh và Khiêm đã bắt xe đi hàng trăm cây số đến các thị trấn, thị xã xa xôi hòng tìm được hàng, thế mà đến nơi đã thấy toàn dân Việt mình xếp hàng, khiếp chưa !
          Mấy ngày sau cuộc liên hoan vui vẻ và nhiều ý nghĩa này, Bùi Khoái đi Vác để lấy hàng đồng thời nói chuyện với Nguyễn Bách về dự định thành lập công ty “Mặt trời Quê hương”. Nguyễn Bách nghe chuyện thì vui lắm. Anh ta nói bây giờ lập công ty đang là cái mốt, anh ta cũng có thể tham gia với tư cách người cung cấp hàng và sẽ đứng ra lo mọi thủ tục pháp lý.
          - Để em lo việc này sẽ thuận tiện hơn vì em ở đây đã lâu, quen biết nhiều. Nguyễn Bách nói. À, em còn chuyện này muốn khoe với thày.
          - Chắc là một chuyện vui ?
          - Em cũng nghĩ thế. Em vừa mới nộp đơn xin nhập quốc tịch Ba Lan.
          - Ôi, thế à ? Việc này có khó không ?
          - Với em thì không phải là khó. Thế nhưng em cứ suy nghĩ, cân nhắc, dằn vặt mãi trước khi quyết định. Em cứ cảm thấy như mình sắp làm một việc giống như một sự phản bội.
          - Không đâu. Tôi chưa rơi vào hoàn cảnh Nguyễn Bách nên chưa có những tình cảm như thế, nhưng tôi có thể hiểu và chia sẻ với em. Tôi cho rằng không phải như Bách vừa nói đâu.
          - Vâng, cám ơn thày. Em chỉ cho rằng có quốc tịch ở nơi mình đang sống thì việc làm ăn buôn bán cũng như việc học hành của con cái sẽ thuận tiện hơn.
          - Đúng thế, tôi xin chúc mừng em.
          - Đã được đâu mà chúc mừng, em mới nộp đơn thôi.
          Bùi Khoái cười lên hơ hớ vỗ vai Nguyễn Bách.
          - Thì cứ chúc mừng trước, chắc được mà.
          - Thày vẫn cười như ngày ở Bách Khoa, không lẫn vào đâu được.
          Khi chia tay Nguyễn Bách, Bùi Khoái gửi hàng cẩn thận rồi quyết định đi lượn một vòng vì còn lâu mới đến giờ tàu chạy. Cảnh mua bán nhộn nhịp đông đúc ở chợ Sân Vận Động cùng với viễn cảnh thành lập công ty đã đem lại cho Bùi Khoái một niềm vui mới khó tả. Anh nhẩn nha đi qua những ki-ốt bán hàng, nhận thấy các thứ bày bán cũng rất đa dạng và phong phú, đều là những thứ mà ở bên Tiệp anh đã buôn bán qua tay và đã có ít nhiều kinh nghiệm. Nhận xét ấy làm cho Bùi Khoái thấy càng tin tưởng vào thành công của cái cộng đồng nhỏ bé của anh ở Goóc-dốp.  
          Lững thững đến chợ Nhà Ga, Bùi Khoái bất thình lình sững lại khi nhìn thấy một dáng người quen quen đang đứng bán hàng dưới gầm cầu. Người này cầm một mớ áo phông cành mai chìa ra chào mời khách qua lại. Nhiều kẻ bước qua vô tình không thèm để ý, vài người dừng lại cầm lấy áo lên xem trước khi bỏ đi. Người bán hàng đã có tuổi, mặc áo sơ mi màu sáng bỏ trong quần ka-ki xám, đầu đội mũ phớt, trông rất đạo mạo và nghiêm túc. Bùi Khoái đứng ngây nhìn, không dám tin vào mắt mình, tự hỏi chẳng nhẽ đấy chính là ông Trần Đại. Anh tiến đến gần nữa, khi chắc chắn mình không nhầm thì lại ngập ngừng bỏ đi. Giữa chốn chợ trời nơi xứ lạ, anh không muốn gặp lại người đã từng là thủ trưởng của mình, đã thu xếp cho mình đi lao động ở Tiệp. Cũng không chắc gì ông Trần Đại đã muốn gặp lại anh khi ông đang đứng bán mấy chiếc áo cành mai dưới gầm cầu. Lúc Bùi Khoái gặp lại Nguyễn Bách và Nguyễn Bách nhận là sinh viên của mình, thật tình trong tận thẳm sâu Bùi Khoái đã thấy ê chề lắm rồi. Biết đâu ông Trần Đại cũng có tình cảm ấy khi bất ngờ gặp lại anh. Nghĩ thế nhưng Bùi Khoái không bước đi nổi, phần muốn đi tiếp, phần kia lại bảo dừng lại, như có cái gì níu giữ. Không sao, mặc kệ ông ấy muốn nghĩ gì thì nghĩ, mình cứ đến chào hỏi thày. Bùi Khoái bước từng bước tới cạnh ông, dè dặt lên tiếng :
          - Thày Đại, em chào thày.
          Thày giáo già giật bắn mình khi nghe có người nói tiếng Việt lôi chính tên mình ra mà chào, ngạc nhiên quay lại nheo mắt nhìn, miệng há tròn mà không thốt lên được lời nào.
          - Em là Bùi Khoái đây.
          - Trời đất ơi, Bùi Khoái đấy à !
          Nhận ra người quen vừa là học trò, vừa là đồng nghiệp cùng tổ bộ môn trước đây, ông Trần Đại mừng rỡ ôm chầm lấy Bùi Khoái, tay vẫn cầm mớ áo phông để phủ lên vai anh.
          - Ôi, mừng quá, không ngờ lại gặp Bùi Khoái ở đây. Cậu đi Tiệp cơ mà ?
          Bùi Khoái nhớ trước đây  chỉ những lúc thân tình ông mới gọi anh là cậu.
          - Chuyện dài lắm, từ từ em kể thày nghe. Thế còn thày ?
          - Chuyện cũng dài lắm. Tôi đi sau cậu gần 3 năm nhưng là đi chuyên gia An-giê-ri.
          - Vậy em mời thày vào quán uống nước, nói chuyện.  
          Ông Trần Đại rất thong thả mở chiếc ba lô đang để trên nền gạch, cẩn thận nhét mấy chiếc áo phông trắng vào trong rồi họ kéo nhau tới một quán bia gần đấy. Bùi Khoái nhanh nhẹn kéo ghế mời thày giáo ngồi, gọi hai vại bia. Uống hớp bia đầu anh hơi nhăn mặt, có vẻ như vì đã quen uống bia Tiệp tuy nhẹ mà đậm đà hơn.
          - Em đi lao động ở Tiệp từ sáu, bảy năm nay, làm được đến đâu mất sạch đến đấy thày ạ. Chán quá em vừa đến Ba Lan xem có cách nào làm ăn không. Thế còn thày, chắc cũng vừa tới ?
          - Tôi đi làm chuyên gia, dạy toán trong một trường Đại học ở tỉnh Blít-đa, gần thủ đô An-giê. Đợt này về phép, thú thật là có mang trộm một ít bột kháng sinh giăng-ta-mi-xin nhưng chẳng may bị hải quan bạn bạn bắt lại. Bây giờ trở sang tranh thủ mang ít đồ theo. Cũng chẳng được bao nhiêu Khoái ạ, chỉ để bù vào tiền vé đi về.
          - Thày có nhiều không mà đứng bán lẻ thế này thì lâu chết ?
          - Tôi không quen biết ai ở đây, tiếng tăm không có nên mới phải thế. Với lại cũng không có nhiều, cố gắng lèn thật chặt chỉ được một va-li, không dám mang nhiều sợ quá cước.
          - Thày về phép từ bao giờ, có được ở trong nước lâu không ?
          - Tôi được ở nhà hơn một tháng.
          - Tình hình ở nhà bây giờ thế nào hả thày ?
          - Có vẻ dễ chịu và thoáng hơn hồi 1986 là lúc tôi đi.
          - Thày cũng đi lâu thế rồi cơ à ?
          - Lâu thế đấy. Tôi phải tìm cách kéo dài em ạ. Lần này chắc không kéo được nữa, với lại bên ấy bây giờ khủng bố dữ dội lắm. Bọn FIS là Hồi giáo cực đoan giết người như ngóe, kể cả là người nước ngoài, cốt để gây sức ép lên chính phủ. Kể như ở đây mà có cơ sở thì tôi về đây, tìm cách ở lại buôn bán quanh chắc cũng đỡ.
          - Cái đó được mà thày, em thấy nhiều người ở các nơi về đây làm ăn rồi. Bao giờ thày về thì hợp tác làm ăn với em.
          - Được thế thì tốt quá. Tất nhiên tôi phải về lại trường để dạy hết hợp đồng, giải quyết các chế độ chứ không thiệt thòi.
          Nghĩ tới việc phải lặn lội trở về An-giê, ông Trần Đại nhún vai tỏ ý  ngại ngùng kinh sợ, sợ khủng bố một phần, phần khác là sợ quãng đường dài. Từ Ba Lan ông sẽ phải đi tới Pa-ri của nước Pháp rồi từ Pa-ri mới bay sang An-giê, đường thì xa mà tiền thì tốn kém.
          - Bên ấy có đông người Việt mình không ?
          - Lấy đâu ra, làm sao đông vui nhộn nhịp như ở đây. Bọn chuyên gia chúng tôi đều ở các địa phương, lẫn trong ký túc xá các trường đại học. Việt kiều chỉ có mấy vị, hầu hết đều đã già, đều là những bà trước đây lấy chồng lính An-giê-ri trong đội quân viễn chinh. Họ nghèo lắm, Bùi Khoái không hình dung nổi đâu. Có lần mọi người tập trung về Sứ quán đón Tết, bỗng thấy một bà lớn tuổi, người nhỏ teo tóp, da dẻ nhăn nheo, đầu đội một cái thúng to đứng ở cổng. Chạy ra hỏi mới biết bà ta là người Việt, đi từ cách đó gần năm chục cây số, đội lên đôi gà và chục mớ rau xanh. Bà ấy nói nhớ nhà quá, chắc đến chết cũng không được về quê nên tìm đường đến gặp mọi người để nói tiếng Việt.
          Bùi Khoái thở dài thông cảm.
          - Như thế thì buồn quá thật, vậy nên khi nào về được thì thày cứ tìm em. Hiện giờ em ở dưới tỉnh Goóc-dốp, xa lắm, nhưng trước sau gì em cũng sẽ về Vac thày ạ.
          Ngồi gần một tiếng đồng hồ mà chưa hết chuyện, cuối cùng Bùi Khoái cũng phải xin phép đứng dậy để kịp đi tàu. Ông Trần Đại nắm chặt tay Bùi Khoái lắc mạnh mà không buông ra, ngập ngừng như muốn nói một điều gì.
          - Khoái ạ, có chuyện này mình ngần ngại quá, không biết có nên nói cho cậu biết không !
          - Có chuyện gì đấy ạ ?
          - Cách đây chục năm, sắp xếp cho cậu đi hợp tác lao động ở Tiệp, cậu có oán mình không ?
          Bùi Khoái hết sức ngạc nhiên trước câu hỏi của ông Trần Đại.
          - Không ạ, thày tốt thế làm sao lại oán thày.
          Ông Trần Đại cũng tỏ ra ngạc nhiên không kém :
          - Thế thực sự lúc bấy giờ cậu không biết bộ môn đã dự kiến giới thiệu cậu đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô ?
          - Thật thế à ? Em hoàn toàn không biết gì-Bùi Khoái trố mắt hỏi lại.
          - Nếu không có chuyện ngưng xưởng sản xuất lốp xe đạp thì cậu đã đi Liên Xô làm nghiên cứu sinh chứ đâu phải đi hợp tác lao động. Nhưng mà cái người chen vào thay cậu, cậu có biết là ai không ? Chính là thằng Trịnh Hùng. Hóa ra nó họ hàng dây mơ rễ má thế nào đó với Mạc Côn, đã bàn mưu tính kế với Mạc Côn làm to chuyện cái xưởng để lấy lý do đánh trượt cậu rồi nhảy vào. Nó đi rêu rao khắp nơi rằng cái xưởng làm lốp xe đạp của cậu là một cái xưởng tư nhân trá hình, có yếu tố chủ thợ, có thể chuyển sang thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa, đi ngược với quy luật kinh tế xã hội chủ nghĩa...Khiếp thế đấy, quy kết thế nên ai cũng sợ. Lúc ấy mình thương cậu lắm, cố tìm cách làm im chuyện rồi để cậu đi Tiệp chứ ở nhà cũng khổ. Vậy mà về sau có người phê bình mình hữu khuynh trong chuyện này, mình trượt bí thư chi bộ từ đấy. Khổ thế !
          Nghe chuyện, Bùi Khoái thấy mình như người vừa bước hẫng mấy bậc, mắt đục ngầu nỗi buồn uất ức mà không thoát ra được thành lời. Anh ta chỉ còn thiếu nước gào lên :
          - Thằng chó, thế mà lúc em đi nó còn ra bộ hỏi tại sao lại đi hợp tác lao động, sao không đăng ký đi nghiên cứu sinh.
          Ông Trần Đại vội nói lời an ủi :
          - Thôi, chuyện cũ rồi, mình đã ngần ngại không muốn nhắc lại.
          Sau mấy phút xúc động, Bùi Khoái trấn tĩnh lại hỏi :
          - Trịnh Hùng nó đã trở lại trường chưa ? Lão Mạc Côn giờ thế nào rồi ạ ?
          - Mạc Côn lên làm thứ trưởng rồi. Còn Trịnh Hùng thì nghe nói cũng ở lại Liên Xô buôn bán chứ có nghiên cứu gì đâu. Xưa cứ nghĩ người ta gọi Trịnh Hùng là Hùng chó vì nó hay ăn thịt chó, hóa ra không chỉ có thế ! Thôi, bỏ qua đi. Chúng mình không đua được với bọn này.
          - Vâng, em biết.
          Một lần nữa ông Trần Đại nắm chặt tay Bùi Khoái, giục :
          - Cậu đi đi cho kịp tàu. Cố gắng giữ gìn sức khỏe nhé.
Bùi Khoái lấy trong ví 3 tờ một trăm đô, băn khoăn không biết nói thế nào khi đưa ông Trần Đại.
          - Gặp thày em mừng quá. Em vẫn rất nhớ những lời khuyên sáng suốt và sự giúp đỡ vô tư của thày. Bất thình lình thế này nên em chẳng có quà gì, em xin biếu thày mấy đồng tiêu vặt, thày nhận cho em vui.
          Đôi mắt già nua của ông Trần Đại rưng rưng tràn đầy ánh cảm động.
          - Cám ơn Bùi Khoái, thế này đối với tôi cũng là to lắm. Được gặp nhau ở chốn đất khách quê người thật tình tôi vừa mừng vừa tủi. Tôi xin chúc cho Bùi Khoái làm ăn tốt, nhanh chóng phát đạt nhé.
          - Chẳng là gì so với việc thày đã thu xếp cho em đi Tiệp ngày xưa, ơn ấy em không bao giờ quên được. Bây giờ em phải chia tay thầy để ra ga đi về Goóc-dốp, em chúc thày luôn mạnh khỏe, đi đến nơi về đến chốn.
          Họ ôm chặt lấy nhau, bịn rịn chia tay, cảm nhận được hơi ấm và nỗi lòng người này truyền sang cho người kia. Ông Trần Đại lại xách chiếc ba lô, chậm rãi đi ra đúng chỗ ban nãy, cẩn thận lôi  mấy chiếc áo phông vắt lên tay đứng bán, tập trung vào việc bán như là không có chuyện vừa gặp cậu học trò cũ của mình. Đi được một quãng xa Bùi Khoái còn ngoái lại nhìn như muốn in lấy hình ảnh già nua của  ông Trần Đại đang đứng bán rong mớ quần áo dưới gầm cầu ở một nơi thật xa lạ, bỗng thấy lòng đầy ái ngại khi nhớ tới người thày, người bí thư chi bộ mẫu mực và giỏi giang mới năm nào.

          Chương 9


           Vốn thông minh lại biết sẵn tiếng Tiệp, tiếng Nga nên chẳng bao lâu Bùi Khoái đã khá thạo tiếng Ba Lan, nhanh chóng giao dịch được trong những chuyện mua bán thông thường. Một hôm đang bán hàng thì có một người Ba Lan trẻ tuổi đến làm quen. Anh này tầm thước, mặt nhìn sáng sủa, miệng cười rạng rỡ nhưng đầu hói bóng lộn, không vẩn lên một sợi tóc nào. Chìa tay cho Bùi Khoái trước, anh này cất giọng nói sang sảng :
          - Chào các bạn. Các bạn là người Việt Nam ?
          Bùi Khoái bắt tay, thầm nghĩ ít nhất cũng có ai đó không nhầm người Việt Nam với người Trung Quốc.
          - Vâng, chào anh. Sao anh biết chúng tôi là người Việt Nam ?
          - Tôi chuyên bán kính gần đây, đã để ý và hỏi thăm mấy người quen về các anh từ trước.
          Bùi Khoái chỉ sạp hàng bày trên vỉa hè của mình.
          - Hôm nay anh muốn mua hàng hay sao, có nhiều mẫu đẹp lắm.
          - Không, tôi chưa có ý định mua. Hôm nay ghé qua chơi làm quen với các anh thôi.
          - Cám ơn anh, vậy anh tự nhiên xem hàng nhé.
          - Tôi tên là Zen-lin-xki, Pi-o Zen-lin-xki. Anh tên gì ?
          - Là Bùi Khoái. Khó phát âm đấy, anh cứ đọc là Bu-kho-ai.
          - Ồ, Bu-kho-ai, tôi đọc đúng chưa ?
          Zen-lin-xki ngồi xổm xuống, cầm từng thứ đồ lên ngang tầm mắt xem kỹ lưỡng rồi nói :
          - Hàng của các anh đẹp lắm. Nếu đem những thứ này lên chợ biên giới bán cho người Đức chắc sẽ rất  được.
          Đúng là đã có nhiều người Đức về tận đây mua hàng của Bùi Khoái. Họ mua bán dễ lắm, xem chọn nhanh, ít mặc cả, ưng ý là lấy luôn, được những món khách như thế đến hàng thật dễ chịu. Bùi Khoái chăm chú nhìn anh bạn Ba Lan, chưa hiểu tại sao anh ta lại gãi đúng chỗ ngứa của mình như thế.
          - Tôi cũng nghĩ như anh nhưng chưa có xe để đi thử một chuyến.
          Zen-lin-xki đứng lên, tay vẫn cầm một cái áo phao.
          - Tôi có xe, một chiếc lu-blin màu trắng rất tuyệt. Nếu Bu-kho-ai không phản đối thì ta có thể cùng đi.
          - Thế thì tốt quá, vậy mai ta đi có được không, mai đúng là ngày thứ bảy ?
          - Tại sao lại không. Vậy nhé.
          Khi chào tạm biệt Bùi Khoái, Zen-lin-xki chỉ tay vào Bích Ngọc đang đứng bán sạp bên cạnh, lúc này cô mặc chiếc áo bu-dông màu đỏ, đầu chít chiếc khăn ni lông cũng mầu đỏ nên trông thật trẻ trung.
          - Cô bé kia là con anh đấy à ? Bao nhiêu tuổi mà đã bán hàng, giỏi quá nhỉ. Con gái tôi lớn tướng mà chưa làm được việc gì.
          Bùi Khoái phá lên cười, chối đây đẩy :
          - Không, không phải con gái tôi đâu. Cô ấy là bạn hàng của tôi đấy.
          Bích Ngọc và Khiêm đứng gần đấy chưa nghe được thủng hết câu chuyện nhưng cũng quay qua cười, vẫy tay chào Zen-lin-xki đầy thiện cảm.
          Sáng hôm sau Zen-lin-xki đến đón Bùi Khoái từ sáng sớm, khi sương mù còn trắng xóa khắp cả và những đám tuyết rơi trong đêm còn bám đầy trên các nóc nhà. Zen-lin-xki nói oang oang :
          - Đường lên dốc có chỗ đóng băng, hơi khó đi một chút. Ta đi sớm đảm bảo 10 giờ đến nơi vừa lúc chợ đông.
          Họ xếp hàng đầy ngập thùng của chiếc lu-blin cũ kỹ. Bùi Khoái và Ngọc ngồi xít vào nhau trên ca-bin, Zen-lin-xki vừa nổ máy vừa nháy mắt nói đùa :
          - Ha ha, cái xe của mình tuyệt thật, hai người Việt Nam ngồi vào một ghế  vẫn vừa.
          Bùi Khoái cười phớ lớ, khoác tay ôm Bích Ngọc về phía mình.           Mới 9 giờ rưỡi họ đã đến chợ, lúc này hơi mù và sương đêm còn lẩn khuất vương trên những dẫy cây thông đầy tuyết ven đường. Đây đúng là một cái chợ biên giới khá lớn, theo Zen-lin-xki thì có trên một nghìn ki-ốt, tuy vậy người nước ngoài tuyệt đối không được vào bán hàng ở đây. Có lẽ vì thế mà những người Di-gan đứng đầy ở cổng, dăng hàng đón khách, ai cũng cầm trên tay một món đồ, tranh nhau chèo kéo làm cho không khí ở cổng chợ nhộn nhạo một cách vui vẻ. Nhìn những cô gái Di-gan mặc áo váy sặc sỡ, Bùi Khoái chợt nhớ đến những người Di-gan đã cứu đỡ anh ở Tiệp, nhớ tới cô Xten-la xinh đẹp và tốt bụng. Anh đến gần các cô, hỏi một câu bâng quơ :
          - Các cô có ai tên là Xten-la không ?
          Không ngờ những người Di-gan ý ới gọi nhau rồi một phụ nữ  chạy tới, váy màu đen viền đỏ phủ xuống tận gót giày. Cô gái béo tốt đẫy đà này dúi vào tận mặt Bùi Khoái một chiếc áo da màu đen và nói :
          - Tôi là Xten-la đây. Sao anh biết tôi bán áo da mà tìm. Áo da tốt và đẹp lắm, mua đi.
          Bùi Khoái phá ra cười trước vẻ lạ lùng của mọi người chung quanh. Anh vui vẻ bỏ tiền mua chiếc áo da, cứ thế khoác lên người. Theo hướng dẫn của Zen-lin-xki, Bùi Khoái và Bích Ngọc không thể đứng bán hàng trong chợ. Họ chia nhau đem những gói nhỏ hàng đến từng quầy bán đổ cho các chủ ky-ốt. Bán đổ kiểu này hàng hết nhanh, lãi gấp mấy lần ở Vác, lại đảm bảo tôn trọng quy định của chợ. Từ đấy, ngày nào Bùi Khoái và Zen-lin-xki cũng làm một chuyến, chuyến nào cũng đầy một xe hàng, rồi họ trở thành đôi bạn thân. Nhận thấy anh bạn người Ba Lan rất tinh ý lại nhanh nhẹn và thân thiện, Bùi Khoái bàn với mọi người mời anh ta tham gia công ty “Mặt trời Quê hương”. Zen-lin-xki vui lắm, nhận lời ngay và tự nguyện đóng góp chiếc xe lu-blin của mình. Có thêm Zen-lin-xki là người địa phương, bọn Bùi Khoái không còn cảm thấy lẻ loi cô đơn như trước, những việc gì liên quan đến quận hay thành phố đều do Zen-lin-xki đảm nhận. Được cái anh chàng này là người nói một hiểu mười, chỉ cần tóm tắt vài ý là anh ta hiểu hết được tất cả những gì cần diễn đạt, nhờ thế việc giao dịch của Bùi Khoái trở nên vô cùng thuận lợi. Một lần có điện thoại của một người Ba Lan gọi đặt hàng, người này nói nhanh quá Bùi Khoái nghe không rõ nên hỏi lại :
          - Ông có phải người Ba Lan không ?
          - Tôi là người Ba Lan.
          - Thế ông đang nói tiếng gì ?
          - Tôi đang nói tiếng Ba Lan.
          Zen-lin-xki đứng ngay cạnh phá lên cười ầm ầm rồi anh ta giắng lấy máy điện thoại :
          - Thôi, anh để tôi nói cho.
          Thế là anh ta trình bày rành rọt hết những ý mà Bùi Khoái phải ngô ngọng mãi không ra.
          Vào một sáng chủ nhật rực nắng, khi những cành hoa phô-xi-chi-a vàng tươi  nở rộ hai bên đường  báo hiệu mùa xuân đang tới, Zen-lin-xki mời cả tốp 5 người bạn Việt Nam đến nhà dùng cơm. Trong lòng rộn lên một nỗi nhớ khó tả khi nhìn những cành hoa vàng rực trong gió lạnh cuối đông, Bích Ngọc hỏi :
          - Anh Khoái ơi, đấy là hoa gì mà đẹp thế ?
          - Dân Việt gọi đấy là hoa mai Tây, bởi vì nó vàng như hoa mai ở nhà mình. Hoa này chuyên nở vào cuối đông để báo hiệu mùa xuân đến. Em thấy không, màu vàng rực ấm áp khác gì màu nắng xuân đâu.
          Nhà Zen-lin-xki không ở trong khu phố đông đúc mà ở trên một xoải đồi rộng và thoáng mát thuộc khu Đông Nam của thành phố. Xe buýt đỗ ngay gần cổng, khi các bạn người Việt xuống xe đã thấy cả nhà Zen-lin-xki đứng đợi bên dãy hàng rào gỗ sơn trắng. Vợ Zen-lin-xki là một phụ nữ Ba Lan đẫy đà nhưng nét mặt rất trẻ đẹp, hàm răng trắng bóng phô ra khi cô ta cười nồng hậu đón khách, một chiếc tạp dề màu tím vẫn còn quấn quanh bụng chứng tỏ cô ta đang bận nấu nướng. Nhìn cô ta di chuyển, Liền ghé tai Bích Ngọc nói nhỏ “ chị ấy béo quá, đi rung cả thịt”. Con gái Zen-lin-xki có hai bím tóc màu vàng buộc nơ đung đưa trước ngực, đứng gần trông có vẻ còn cao hơn Bích Ngọc, tự nhiên ôm hôn mọi người làm các thanh niên Việt đơ cả ra, tất nhiên trừ Bùi Khoái. Anh này hôn cô bé rõ kêu, ôm rõ chặt khiến Zen-lin-xki phải nháy mắt nói đùa :
          - Thoải mái, thoải mái, miễn là đợi một năm nữa cho con bé đủ tuổi thành niên, đúng pháp luật thì thoái mái.
          Hồi ở Tiệp Bùi Khoái đã được ông quản đốc Pa-ven Ka-đê-ra-bếc mời ăn cơm vào dịp đầu năm 1986, đích thân ông làm món cá suối hấp để đãi anh đội trưởng Việt Nam. Lúc ấy Bùi Khoái hỏi anh bạn Stê-phan được mời ăn cá hấp thì nên mang quà gì, Stê-phan nói ngay nên mua chai rượu vang trắng. Lần này Bùi Khoái cũng nhanh trí hỏi trước Zen-lin-xki nên mang quà gì tặng cho chị chủ nhà, anh này gợi ý :
          - Mụ béo ấy chỉ thích có sô-cô-la.
          Bùi Khoái đưa tặng vợ Zen-lin-xki  hộp sô-cô-la Thụy sĩ được gói trong giấy bóng kính màu tím rất đẹp, không quên hôn đánh chụt vào đôi má đỏ hồng của cô ta. Cô này vui sướng đưa hộp quà cho chồng rồi ôm Bùi Khoái thật chặt mà hôn, bộ ngực đồ sộ như muốn đè nuốt lấy người khiến anh này phá lên cười khanh khách. Màn đón tiếp ở cổng nhà đã xong, vợ Zen-lin-xki và cô con gái lại vào bếp còn ông chủ nhà đầu hói mời mọi người vào phòng khách. Thấy không khí trong phòng thật ấm áp, Bùi Khoái hỏi :
          - Hình như anh vẫn để lò sưởi ?
          - Đúng rồi. Phải qua lễ Đập trứng vào tháng 4 thì chúng tôi mới tắt.
          Sau khi đi thăm các phòng ngủ trên gác, những người bạn Việt Nam được chủ nhà dẫn ra thăm vườn táo. Đây là một vườn táo rộng chạy dài lên sườn đồi, những cây táo mới vừa được Zen-lin-xki cắt tỉa và buộc bặm lại cẩn thận, chỉ đợi nắng lên là bật lá. Cô Liền người Kỳ Anh lại ghé vào tai Bích Ngọc tấm tắc “có ba người mà ở sướng thế, ở thế mới là ở chứ !”.
          Trở vào phòng, mọi người đã ngửi thấy mùi thơm từ bếp bay ra, một mùi thơm quyến rũ và kích thích dạ dày ghê ghớm. Bùi Khoái quay qua hỏi Bích Ngọc và Liền :
          - Các cô có nhận ra mùi thơm của món gì không ?
          Hai cô gái Việt hít hà, đều thốt lên thơm quá nhưng lắc đầu thú nhận không biết. Zen-lin-xki rất đắc ý thấy cảnh tượng ấy, cho rằng các vị khách sẽ rất thích món ăn mà vợ mình đang làm nên hào hứng kể :
          - Hôm nay chúng tôi đãi Giám đốc và các bạn đồng nghiệp trong công ty “Mặt trời Quê hương” của chúng ta, các bạn là các khách quý nên vợ và con gái tôi mới làm món này, gọi là món ra-dy. Tôi nhớ khi tôi còn bé, bố mẹ tôi chỉ làm món này vào những ngày lễ khi bạn bè quây quần đông vui.
          Nói đến đây Zen-lin-xki bụm tay quay về phía bếp gọi :
          - A-gờ-nhét-xca, em có thể lên một chút để giới thiệu cho các bạn Việt Nam món ra-dy của em không ?
          Bùi Khoái không bỏ lỡ cơ hội trêu chòng Zen-lin-xki khi nói với các bạn Việt Nam :
          - Thấy chưa, anh ta có biết nấu ăn qué đâu, phải gọi vợ lên nói đấy chứ !
          Nghe chồng gọi, A-gờ-nhét-xca từ bếp đi lên và khi vỡ ra câu chuyện, cô tươi cười :
          - Đúng như Pi-o vừa giới thiệu, món này chúng tôi thường làm vào lúc nhà có khách hay bạn bè quý. Các cô gái nhà quê Ba Lan như tôi đều biết làm món này. Tôi cũng đang bày cho con gái, sau này có đi lấy chồng còn biết làm cho nhà chồng. Nguyên liệu chính gồm các thứ rất đơn giản như thịt lợn xông khói, thứ này Ba Lan nhiều lắm, nấm, dưa chuột, vụn bánh mỳ, tất cả đem cuộn vào một miếng thịt bò đã lát mỏng rồi rán lên. 
          A-gờ-nhét-xca vừa nói vừa làm động tác băm thái cuốn, mọi người thấy như có thể nhìn ngay được món ra-dy của cô. Rồi mắt liếc nhìn chồng hóm hỉnh và tràn đầy yêu mến, A-gờ-nhét-xca nói tiếp :
          - Có thể nhắm với bia nhưng thường thì Pi-o thích vốt-ca hơn. Pi-o, anh có thể mời các bạn vào bàn đi, đã xong cả.
          Vừa lúc ấy có tiếng chuông gọi, Zen-lin-xki mở cửa rồi dẫn vào một người đàn bà phúc hậu, hình dáng gọn gàng chứ không to béo phốp pháp như những phụ nữ Ba Lan đứng tuổi. Bà mặc quần bò nên đến khi đã cởi bỏ chiếc áo ấm thẫm màu ra thì trông bà khỏe khoắn và có vẻ trẻ ra đến vài tuổi. Chủ nhà vui mừng nói :
          - Xin giới thiệu với các bạn Việt Nam, đây là bà Han-na, người hàng xóm quý mến của chúng tôi. Thực ra bà là chủ tịch Hội đồng quận chúng tôi đang sinh sống. Biết tin các bạn Việt Nam đến với chúng tôi, bà rất vui, đã làm bánh kếp đem sang mời các bạn. Chúng tôi đã mời bà Han-na cùng ăn cơm.
          Bùi Khoái vồn vã ôm hôn bà Han-na trong khi chủ nhà nói tiếp :
          - Bà Han-Na có nhà gần chỗ chợ chúng mình bán hàng nhưng hiện bỏ không vì người con duy nhất của bà đã sang Mỹ làm ăn. Bà thích về gần chúng tôi cho có bạn, lại có vườn trồng rau và nuôi gà. Nếu công ty “Mặt trời Quê hương” hoặc chính giám đốc Bu-kho-ai  sau này có thẻ định cư mà muốn mua nhà thì có thể nói chuyện với bà Han-na.
          Bà Han-na tiếp lời :
          - Chúng tôi rất vui mừng khi có các bạn Việt Nam đến làm ăn sinh sống cùng với chúng tôi ở đây, luôn mong các bạn gặp nhiều may mắn và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Nếu chúng tôi có thể làm được điều gì tốt cho các bạn thì các bạn cứ nêu ra, đừng ngại gì.
          Bùi Khoái thay mặt cả nhóm cám ơn bà Han-Na. Về việc mua nhà, Bùi Khoái thầm nghĩ bao giờ anh bạn Zen-lin-xki cũng đưa ra những gợi ý xác đáng bởi vì Bùi Khoái thấy giá nhà ở Goóc-dốp không đắt nếu không nói là rất rẻ, việc mua bán lại khá là dễ dàng, trong thâm tâm anh đã tự bảo khi nào đủ điều kiện thì cũng chẳng ngần ngại gì mà không mua lấy một cái. Quay sang bà Han-na, Bùi Khoái nói :
          - Anh Zen-lin-xki có gợi ý tốt quá, khi chúng tôi gom đủ tiền chắc sẽ phải tìm đến bà.
          - Vâng, tôi ở đây một mình, đã rộng lắm rồi, ngôi nhà trên phố thật chẳng để làm gì, nếu các bạn muốn mua tôi sẽ bán rẻ cho. Việc xin thẻ định cư cũng không khó khăn lắm, chúng tôi sẽ đỡ một tay.
          Chủ nhà mời mọi người ngồi vào bàn. A-gờ-nhét-xca bê lên hai đĩa to, một đĩa xa-lát và một đĩa ra-dy thơm phức. Bữa ăn ngon lành và rất vui vẻ. Món ra-dy của A-gờ-nhét-xca cùng với chai vốt-ca một lít đã làm mọc lên trên bàn ăn ba, bốn cái mặt trời đỏ lựng, tất nhiên không ai nhận mình đã say, kể cả Zen-lin-xki miệng luôn lè nhè một câu hát gì đó rồi đòi cô Liền phải đứng lên hát một bài. Đàn bà con gái Hà Tĩnh có tiếng là mạnh bạo, bởi thế Liền đứng lên nói rằng cô sẽ hát một bài hát về Hà Tĩnh. Liền chưa nói dứt lời thì Khiêm đã cầm chén chạm với mọi người rồi hát rõ to : “Hà Tĩnh mình ơi trung ương gọi lấy mì…”. Lối đùa cợt vô duyên đó làm cho cô Liền mất hứng ngồi xuống, mặt xịu ra, chỉ khi A-gờ-nhét-xca hỏi cô có biết nấu ăn không thì Liền mới vui vẻ trở lại.
          - Con gái Việt Nam chúng tôi ai mà chả biết nấu ăn.
          - Món đặc sản các bạn đãi khách là món gì ?
          - Món nem, cũng cuộn rồi đem rán lên, nhưng không phải như ra-dy của chị đâu, khó nói quá !
          Thấy vậy Bùi Khoái nói đỡ :
          - Cả cô Liền, cả cô Ngọc đây đều làm món nem rất giỏi. Thế này đi, lần sau đi Vác tôi sẽ tìm mua bánh đa nem về làm nem mời cả nhà Zen-lin-xki và cả bà Chủ tịch Hội đồng Han-na nữa. Làm cả món phở, lâu mình cũng không được ăn phở rồi, mọi người đồng ý không ?
          Còn một chút rượu trong chai Bùi Khoái đem rót đều cho mấy người đàn ông rồi dốc ngược chai lên.
          - Bây giờ chúng mình uống hết chỗ này để cảm ơn anh chị Zen-lin-xki và bà Han-na đã rất mến khách.
          Zen-lin-xki uống hết chén rượu, nói :
          - Cứ thong thả rồi tôi đưa các bạn về bằng xe của tôi, tôi giữ hai cô gái ngồi với tôi trên ca-bin còn ba anh ngồi ở thùng xe.
          Bùi Khoái cười khanh khách, chỉ vào Zen-lin-xki :
          - Khôn thế !
          Khoảng 1 năm sau bữa cơm trưa ở nhà Zen-lin-xki, Bùi Khoái đã mua được ngôi nhà 3 tầng trong phố của bà Han-na, cầu thang gỗ đánh véc-ni mầu nâu bóng loáng dẫn lên 4 phòng ngủ rộng rãi ở trên, mỗi phòng đều có cửa ra ban công thoáng mát. Tầng dưới cùng là phòng khách, phòng ăn và nhà bếp. Ga-ra ô tô ở bên ngoài được lợp sơ sài bằng những tấm tôn nhựa màu xanh, lá cây sồi to rụng đầy trên mái. Bà Han-na để lại cho Bùi Khoái toàn bộ đồ dùng trong nhà, từ  giường tủ đến nồi niêu bát đũa trong nhà bếp, tất cả còn tốt nguyên. Điều quan trọng là ngôi nhà sát ngay mặt phố, chỉ ngăn cách với vỉa hè bằng một hàng rào sắt thưa sơn đen, thật tiện lợi cho việc buôn bán. Việc mua nhà và làm giấy tờ khế ước giữa Bùi Khoái và bà Han-na thuận lợi đến không ngờ, nhiều lúc Bùi Khoái không tin mình có thể sở hữu một ngôi biệt thự đẹp đẽ như thế, cứ như trong mơ. Ý định của Bùi Khoái mua nhà là để đón mẹ con Thanh Thủy. Hiện thời anh bảo Bích Ngọc lên ở một mình một phòng trên tầng ba, mình ở một phòng dưới tầng 2, những nơi còn lại để chứa hàng, đỡ hẳn được khoản thuê kho. Đêm nằm lăn lộn trên chiếc giường 2 mét trải nệm trắng, ánh sáng đèn đường lọt qua khung cửa sổ thành một vệt sáng dài, Bùi Khoái không ngủ được lại nhớ đến những ngày chui lủi ở Tiệp trong căn phòng bé tí và hôi hám, cả đêm phải nghe tiếng ho sù sụ và tiếng thở khò khè của ông cụ già tội nghiệp. Bây giờ bên Tiệp thay đổi chế độ rồi, không biết ai trả tiền hưu cho ông già.
          Cũng nhờ bà chủ tịch Han-na giúp đỡ, công ty “Mặt trời quê hương” đã có được một khu đất rộng rãi nguyên là một cái bãi xe cũ ngay trung tâm. Họ mua khung sắt dựng lên, lợp tôn nhựa trắng rồi che bạt chung quanh thành 3 gian hàng, kể từ đấy không bày bán trên vỉa hè theo cái lối chợ cóc nữa. Bùi Khoái nhìn 3 gian hàng lọt thỏm trong một khu đất rộng mới nẩy ra sáng kiến đem nói cho mọi người :
          - Ở đây buôn bán rất thoáng, mình lại được ưu ái cấp cho khoảnh đất rộng, chi bằng chúng ta lập chợ ? Nghe nói chung quanh đây như ở Tiệp, ở Min-xcơ đã có nhiều người Việt mình lập chợ lắm.
Cô Liền vội hỏi :
          - Lập chợ thì dễ, nhưng mà đã nói đến chợ là phải có kẻ mua người bán. Người mua chắc có nhiều, nhưng lấy đâu ra người bán ở đây, chẳng lẽ chỉ có 5 chúng mình với anh Zen-lin-xki ?
          Bùi Khoái nói :
          - Chuyện đơn giản, trước hết mình cứ làm mấy quầy rồi mời những người quen biết về bán hàng. Thiếu gì người đang cần có chỗ buôn bán, riêng ở Tiệp tôi có thể gọi được hàng chục.
          Zen-lin-xki đợi mọi người nói hết rồi mới phát biểu ý kiến của mình :
          - Lập chợ không dễ như chị Liền nói, không đơn giản như anh Khoái nói đâu. Rõ ràng chúng ta được Hội đồng quận và bà Chủ tịch Han-na giúp đỡ nhiều nhưng tôi biết có những người không thích thế. Họ không thích chúng ta lập chợ.
          - Ai không thích ? Vì sao thế ?-Bùi Khoái hỏi.
          - Bởi vì họ là bọn ma-phi-a ở đây. Buôn bán vỉa hè chúng nó không chấp, nhưng lập chợ là đã phạm vào khu vực ảnh hưởng của chúng nó. Bọn này kinh lắm, chúng quản các hoạt động về xăng dầu, về bến bãi trong đó có chợ, cả các hoạt động cờ bạc, gái gú nữa. Bởi thế nếu muốn yên ổn lập chợ thì phải tìm cách thỏa thuận với bọn này.
          Thông tin của Zen-lin-xki làm cho cuộc trao đổi lắng xuống. Yên lặng một lúc rồi Bùi Khoái đứng phắt dậy, kiên quyết :
          - Khó thế chứ khó nữa chúng mình cũng nhất định làm. Điều quan trọng nhất là chúng mình được Hội đồng quận ủng hộ. Bây giờ còn việc quan hệ với bọn bến bãi thì giao cho Zen-lin-xki, chỉ cần tiền là thuyết phục được bọn này. Zen-lin-xki đồng ý không ?
          - Tôi đồng ý, việc đó cứ để tôi-Zen-lin-xki cả quyết.
          Nói là làm, Bùi Khoái nghiễm nhiên trở thành anh chủ chợ. Nhắn sang cho Đình Dũng vẫn đang ở Pra-ha nhờ tìm người, anh này giới thiệu được 4 thì có 3 từ tỉnh biên giới Ốt-xtra-va, còn 1 người là Long mới ở trong nước sang Tiệp chưa được bao lâu. Ở trên Vác, Nguyễn Bách cũng giới thiệu về được 10 người, mở thêm 3 quầy bán quần áo, giầy dép. Một vài người Ba Lan thấy vui cũng mang thịt cá, rau quả ra bán, mấy người Ác-mê-ni, Ru-ma-ni tìm đến Bùi Khoái thuê chỗ bán hàng, chẳng mấy chốc ở Goóc-dốp đã hình thành một khu chợ tuy nhỏ nhưng đông vui, họp từ sáng đến chiều muộn, các ngày thường người thưa thớt, chủ yếu là các ông bà già rỗi việc đi dạo chơi kết hợp mua đồ ăn. Chợ nhộn nhịp hẳn vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, tạo ra một không khí phồn thịnh và náo nhiệt, người lớn, trẻ con dắt díu nhau đi xem hàng, vui vẻ thử quần áo, mặc vừa đẹp là lấy ngay chứ không thêm một bớt hai.  
          Long sang được Tiệp cũng là nhờ Đình Dũng thu xếp. Những ngày đầu chưa có việc làm nên nhận lời trông nom một ông già 80 tuổi bị bệnh lẫn, khi nghe Đình Dũng nói đến chợ ở Ba Lan thì Long bỏ cả gần tháng tiền công chạy đi luôn. Bùi Khoái cho Long lấy hàng trước, trả lại vốn sau. Anh thường nghĩ mình cũng đã được soái Nguyễn Bách giúp đỡ như vậy trong những ngày đầu, nay giúp lại người chưa có vốn như Long là điều hết sức nên làm. Một lần đang cùng nhau chăng cái bóng điện cho gian hàng mới, Long chợt hỏi Bùi Khoái :
          - Anh có phải là soái ở đây không mà tốt thế ?
          Bùi Khoái cười ha hả :
          - Cậu thấy mình có vẻ soái lắm à ?
          - Tại em nghe người ta nói các soái đều lắm tiền và luôn sẵn lòng giúp đỡ bà con cộng đồng.
          - Đúng, các soái là như thế, nhưng mình thì còn xơi mới tới. Còn đang ngập nợ kia, soái cái gì ! À, nhân tiện tớ hỏi cậu, cậu làm thế nào mà sang được Tiệp.
          Long thật thà :
          - Em thấy cũng đơn giản mà anh, toàn nhờ soái Dũng hết, xong việc đưa tiền cho anh ấy. Anh Dũng bảo từ khi Tiệp Khắc biến thành 2 nước là Séc và Xlô-vắc thì việc đi lại cũng dễ dàng nên mới giúp được em.
          Bùi Khoái vốn đã có sẵn ý muốn đón vợ và con sang đoàn tụ nhưng vẫn còn do dự vì các thứ thủ tục khó khăn, nay nghe câu chuyện của Long, anh càng thấy phải thực hiện nhanh ý muốn này. Hôm ấy ngay sau khi tan chợ về nhà, ngồi trên chiếc ghế xô-pha bọc nhung ấm áp trong phòng khách, Bùi Khoái nói với Bích Ngọc :
          - Anh nghe thằng Long nói bây giờ ở Tiệp việc đi lại đã trở nên dễ dàng hơn. Chắc ở Ba Lan cũng thế, cho nên anh tính sẽ đón vợ con sang.
          Bích Ngọc im lặng, lúi húi lấy ấm đi đun nước. Chiếc ấm xa-mô-va là của cô Liền đem từ Min-xcơ tặng, vừa bật bếp lên một lát nước đã sôi ùng ục, hơi phun lên phì phì. Bích Ngọc lấy gói chè Thái Nguyên ra pha cho Bùi Khoái một ấm không quá đặc cũng không quá loãng, cô biết anh ta thích uống như thế vào buổi tối mà không sợ mất ngủ. Ngồi xuống bên cạnh Bùi Khoái, Bích Ngọc hỏi :
          - Anh chị xa nhau cũng đến chục năm rồi nhỉ ?
          - Kể từ năm 1983 anh đi đến giờ là đúng 11 năm. Nhanh thế đấy ! Con bé Thanh Thủy con gái anh đã bước sang tuổi thứ 11, nếu tính tuổi mụ thì đã 12, thành con gái lớn rồi.
          Bích Ngọc thở dài, cô không biết mình vừa buông ra một tiếng thở thật não nề.
          - Làm sao mà biết được 11 năm ấy ở nhà chị đã phải chịu đựng như thế nào !
          Nói xong rồi cô lặng lẽ đứng lên đi về phòng ngủ, bỏ mặc Bùi Khoái ở lại một mình với ấm trà.
          Mấy ngày sau, kết hợp việc về Vác lấy hàng, Bùi Khoái tìm đến Nguyễn Bách đặt vấn đề :
          - Tôi muốn nhờ em lo việc đón chị và cháu sang.
          - Vâng, việc đó nên làm quá. Thày tính khi nào ?
          - Càng nhanh càng tốt. Nguyễn Bách có thể cho tôi biết chi phí thế nào để tôi lo được không ?
          - Có hai cách. Một là đi hợp pháp qua Nga, qua Tiệp thì rẻ hơn nhưng sau đó   sang Ba Lan lại rất khó khăn, nhiều khi còn nguy hiểm, những ai may mắn chỉ mất một vài tuần là trót lọt, không may thì chẳng biết thế nào. Hai là đi với giấy tờ hợp pháp thẳng từ Hà Nội sang Ba Lan, cái này khó nhưng vẫn có thể làm được tuy có tốn kém hơn.
          - Tôi đã nghe mấy người bạn nói chuyện đi từ Nga sang vất vả và nguy hiểm  nên em giúp tôi chọn cách thứ hai. Cần bao nhiêu ?
          - Ít nhất thày cũng phải chuẩn bị 20 ngàn đô.
          - Tôi lo được.
          - Thế thì thày ghi cho em họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh thư, địa chỉ của chị và cháu.
          Bẵng đi mấy tháng, vào một ngày mùa hè Bùi Khoái đang mải bán hàng ở Goóc-dốp thì có điện thoại của soái Nguyễn Bách.
          - A lô, có tin vui cho thày đây, ngày mai thày về Vac chuẩn bị đón chị và cháu nhé, sáng ngày kia họ đến sân bay rồi.
          Bùi Khoái vừa nhảy vừa hét toáng lên sung sướng. Khách mua hàng chung quanh thấy lạ nhưng biết chắc anh ta đang tràn trề hạnh phúc, họ nhìn anh chia sẻ và bao dung. Riêng có một người lặng lẽ buồn. Đó là Bích Ngọc. Bùi Khoái vui quá nên không để ý thấy cô dọn hàng về sớm, mãi đến tối khuya khi anh đang sắp ít đồ để hôm sau đi Vác thì Bích Ngọc mở cửa bước vào. Cô đứng tần ngần nhìn anh, đôi mắt long lanh chứa chất ân tình và oán giận, Bùi Khoái thảng thốt nhận ra một tấm lòng thánh thiện từ cái nhìn ấy. Nhìn nhau một lúc như thế rồi Bích Ngọc đưa anh chiếc hộp đựng đồ trang sức nhỏ bằng nhung đỏ, bên trong có một chiếc nhẫn gắn ngọc bích màu xanh hồ thủy.
          - Mai anh lên Vác đón chị, em gửi biếu chị cái này.
          - Sao phải gửi, để chị ấy về đây rồi em đưa trực tiếp được không ?
          - Anh cứ đưa ngay lúc đón ở sân bay cho người ta mừng.
          - Được, thế thì đưa anh cầm.
          Bùi Khoái bỏ cái hộp nhẫn vào túi trong khi Bích Ngọc vẫn đứng dựa lưng vào cánh cửa, đến khi quay ra không còn thấy cô đứng đó nữa. Anh ta cứ thế vô tình đóng cửa phòng rồi lên giường nằm, cố hình dung ra hình ảnh vợ con sau 11 năm xa cách. Hôm sau, ngay khi đón vợ ra khỏi sân bay, Bùi Khoái đưa cho Thanh hộp nhẫn, chỉ nói của một người bạn gửi tặng. Khi đưa vợ con trở về Goóc-dốp, Bùi Khoái yên trí thế nào Bích Ngọc cũng ra đón và anh sẽ phải lựa lời giới thiệu Bích Ngọc với Thanh sao cho ổn thỏa. Vừa bước chân xuống sân ga, đảo mắt nhìn quanh chỉ thấy có một mình Zen-lin-xki, Bùi Khoái đã cảm thấy có điều gì đó không bình thường. Đến lượt anh bạn Ba Lan vô tình, thông thống báo cho Bùi Khoái :
          - Bích Ngọc bỏ đi từ hôm kia, khi cùng tôi lên biên giới bán hàng. Cô ấy nói sang Đức và không quay trở lại Ba Lan nữa.
          Nghe Zen-lin-xki nói thế, Bùi Khoái bỗng thấy mình như vừa rơi vào một khu vực không khí loãng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét