Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2019

NGỤ CƯ, tiểu thuyết của THĂNG SẮC, chương 1 và 2

NGỤ CƯ
NXB Hội Nhà văn, 2017



Chương 1



          Bùi Khoái ra vào chờ đợi từ 8 giờ đến 9 giờ sáng, lần nào quay lại vẫn thấy chiếc khóa Việt Tiệp màu đen bám chắc trên khuy cửa phòng bí thư chi bộ Trần Đại. Mãi đến khi nắng nóng đã chiếu thẳng vào hành lang chật hẹp của khu văn phòng bộ môn sức bền vật liệu mới thấy ông bí thư  từ chỗ họp ôm cặp về. Bùi Khoái chạy ngay đến, đon đả :

          - Hay quá, thày đã về. Em đợi thày từ sớm-Bùi Khoái vẫn gọi ông Trần Đại bằng thầy mặc dù bây giờ hai người đã là đồng nghiệp, cùng một bộ môn.

          Ông Trần Đại tra chìa, tay lách tách mở khóa, mắt nhìn Bùi Khoái, hỏi :

          - Có việc gì cần mà đồng chí chờ tôi lâu thế ?
          Mặc dù đang rất nôn nóng nói ra cái ý tưởng của mình nhưng Bùi Khoái vẫn tỏ ra thong thả.
          - Để vào phòng rồi em sẽ trình bày. 
          - Đồng chí vào đi.
          Bùi Khoái bước vào căn phòng nhỏ chật chội, chỉ một cái bàn làm việc đã gần như choán hết không gian. Trên bàn cuốn từ điển Nga-Việt có bìa mầu xanh để bên một chồng sách tiếng Nga bìa cứng làm tôn lên không khí khoa học của căn phòng. Bùi Khoái nhanh mắt liếc thấy cái siêu nhỏ đặt trên chiếc bếp điện mai-xo tròn ở góc phòng liền nói :
          - Chắc thày có chè, để em đun nước pha ấm nhé. Thày có vội gì không ?
          Ông Trần Đại lấy làm lạ về sự khác thường của anh chàng tổ trưởng  công đoàn, thầm đoán anh này đang muốn vận động ông ủng hộ cho đi nghiên cứu sinh ở đâu đó.
          - Đồng chí đổ ít nước thôi. Nhiều nước đun mãi không sôi, điện yếu lắm.
          - Em biết rồi. Giờ này là mạnh đấy, giờ cao điểm có khi tụt xuống chỉ còn vài chục von.
          Những sợi mai-xo ửng lên chậm chạp rồi cứ thâm xì, không đỏ lên được, đun tí nước mãi không sôi. Bùi Khoái không lấy làm lạ. Những buổi tối ở nhà, anh chỉ thắp có một bóng điện Rạng đông 40 oắt mà ánh sáng cũng đỏ quạch, nếu dùng sú-von-tơ thì phải ngồi canh, phòng khi điện thế bất chợt tăng mà không kịp vặn giảm xuống là chiếc bóng đèn đứt tóc ngay tức khắc. Trong khi chờ nước sôi, Bùi Khoái vào chuyện.
          - Em biết bây giờ ở nhiều nơi người ta đã làm kế hoạch 3, có thêm thu nhập, cải thiện rõ rệt đời sống, tạo điều kiện cho mọi người yên tâm làm công tác chuyên môn. Còn mình ở đây thì sao ? Mình có thừa khả năng mà không làm gì. Phí quá ! Em nghĩ mình có thể tìm cách cải thiện đời sống cho mọi người một cách chủ động và hiệu quả hơn.
          Ông Trần Đại gỡ chiếc kính lão ra đặt lên bàn, một động tác thể hiện sự ngạc nhiên khi ông chưa hiểu anh chàng cán bộ giảng dạy này định dẫn dắt ông tới cái gì, cái gì mà bị động với chủ động. Kính gỡ ra rồi nhìn vào anh chàng này mới thấy cái mũ nồi màu đỏ anh ta đội đỏ chói nhức cả mắt.
          - Đồng chí bỏ cái mũ ra có được không ! Góp ý rồi mà sao vẫn đội cái mũ ấy. Hôm nọ họp xét đối tượng lại có người nhắc chuyện cái mũ, cứ dây dưa mãi.
          Bùi Khoái bật cười hơ hớ, chẳng để ý gì đến câu nhắc nhở, tuy vậy cũng bỏ cái mũ đỏ ra cầm trên tay.
          - Em đội nó từ khi học lớp 8. Giống như trẻ con bây giờ có cái áo hít, không ôm nó mà hít thì không ngủ được. 
          Trong bộ môn, ông Trần Đại rất mến người đồng nghiệp trẻ tuổi giàu nhiệt huyết này. Dưới con mắt của ông, một tiến sĩ sức bền vật liệu du học nhiều năm ở Liên Xô về, anh chàng Bùi Khoái không có điểm gì đáng để không trở thành đối tượng kết nạp Đảng. Thế nhưng với hai, ba đồng chí trong chi bộ lại khác, cái mũ nồi đỏ cùng với điệu cười rất phớ lớ của anh ta là một lỗi nặng về tác phong thanh niên, đó là sự bất cần, khác biệt, không hòa nhập trong khi một thày giáo đúng chuẩn phải đạo mạo, mô phạm. Khó rồi, Bùi Khoái khó có thể vượt qua cửa ải này, cho dù đồng chí bí thư chi bộ rất có cảm tình. Ông Trần Đại lấy trong ngăn kéo ra một chiếc lược gỗ, đàn bà con gái thường gọi là lược thưa, chải đám tóc lơ thơ trên đầu đã hói nhiều. Bùi Khoái nghĩ ông thày mình gãi ngứa chứ không phải là chải tóc.
          - Đồng chí vừa nói cái gì mà bị động với chủ động ?
          - Mình có thể chủ động sản xuất để cải thiện đời sống cho anh em thày ạ.
          - Sản xuất ? Làm cái gì mà sản xuất ?
          - Em đề nghị làm lốp xe đạp.
          - Ơ hơ, hay nhỉ ! Ai làm ?
          - Bộ môn mình. Bộ môn đứng ra tổ chức làm lốp xe đạp. Thừa sức !
          Ông Trần Đại đeo lại cặp kính để nhìn cho thật rõ cái người đang ngồi trước mặt. Chẳng lẽ những điều chi bộ nhận xét về anh ta là đúng, anh ta là người khác biệt thật chăng ! Tròn mắt nhìn Bùi Khoái, ông thốt ra một câu hỏi :
          - Đồng chí lấy từ đâu ra cái ý nghĩ táo tợn thế ?
          - Từ thực tế đấy. Hôm nọ công đoàn phân phối lốp xe, em muốn mua một chiếc quá mà bốc thăm không trúng. Một chiếc lốp xe đạp là cái gì ? Chả là cái gì cả. Mà sao hiếm khó đến thế. Em mới tự hỏi, tại sao mình không làm lấy, ngần ấy kỹ sư tiến sĩ trong bộ môn mà chịu à ? Làm được, chỉ cần lãnh đạo các thày đồng ý
là ta làm.
          Ông Trần Đại lại tròn mắt nhìn anh tổ trưởng công đoàn. Bùi Khoái có chân trong bộ tứ, tức là một cơ chế lãnh đạo gồm  thủ trưởng đơn vị, bí thư chi bộ, tổ trưởng công đoàn và bí thư chi đoàn. Anh ta biết thừa vai trò của tổ trưởng công đoàn trong cái bộ tứ ấy chỉ  là việc chăm lo đời sống công đoàn viên, ví như Bộ môn được phân mấy lít nước mắm Cát Hải hay chục chiếc áo may ô Đông Xuân thì  đứng ra chia chác sao cho người có người không mà vẫn giữ được đoàn kết. Là người lanh lẹ hoạt khẩu, trong những lần về các trường tại chức giảng bài, Bùi Khoái được các địa phương rất có cảm tình nên họ thường nhượng lại cho anh với giá nội bộ khi thì 1 tấn khoai lang, 500 kí gạo nếp, khi thì vài ba con lợn thịt. Anh ta đem tất cả chiến lợi phẩm ấy về nộp cho ban đời sống của công đoàn trường, lòng hân hoan như vừa làm nên một thắng lợi vẻ vang, miệng cười rộng ngoác đến mang tai, cái mũ nồi đỏ đội lệch trên đầu, trông có chút hài hước nhưng thật dễ mến. Có lẽ vì thế mà anh ta được mọi người trong bộ môn  tín nhiệm, cứ trúng tổ trưởng công đoàn suốt mấy nhiệm kỳ.
          Thực ra, lo được tốt cơm áo gạo tiền cho mọi người trong đơn vị không phải là một việc đơn giản. Vào cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ 20, chưa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh chống Khơ-me Đỏ ở Căm-pu-chia và chưa cải thiện được quan hệ với Trung Quốc, đất nước bị bao vây cấm vận, đời sống người dân gặp vô vàn khó khăn. Đối với những người thuộc khu vực nhà nước, một năng xuất lao động quá thấp đi kèm với đồng lương ít ỏi đã tạo ra một thứ không khí trì trệ, đặc quánh và ngưng đọng. Những người năng động, tháo vát như Bùi Khoái đều cố tìm  cách ít nhiều thoát khỏi cảnh nghèo khó. Trong bộ môn đã có hai người nuôi lợn, một người cuốn thuê  xú-von-tơ, ba người lặng lẽ chuồn ra ngoài dạy thêm. Tổ trưởng công đoàn Bùi Khoái cuốn thuốc lá. Lúc chưa cuốn thuốc, Bùi Khoái khai mình nghiện nên được phân phối mỗi tháng dăm ba bao Trường Sơn hoặc Tam Đảo. Đợi lúc nhập nhoạng tối, khi mấy bà hàng nước ngồi trên vỉa hè phố Huế đã châm lên ngọn đèn dầu tù mù và lắt lay trước gió, anh ta đem tuốt số thuốc này bán chui cho họ. Nhờ thế  Bùi Khoái biết mấy bà hàng nước này đều là những cái ổ tiêu thụ thuốc lá cuốn. Anh ta quyết định cuốn thuốc. Một nhân viên trong bộ môn quê ở Bắc Giang là nơi trồng thuốc lá, cuối tuần đạp xe đạp về nhà, đầu tuần đạp xe trở lại, lần nào cũng đèo theo về bán cho Bùi Khoái khoảng dăm cân lá thuốc vàng khô nhét kín trong một cái bao tải cũ cáu bẩn để qua mắt mấy trạm thuế trên đường. Việc chở thuốc lá nếu bị bắt là một tội nặng, tuy nhiên anh bạn này may mắn, hàng tuần làm cái việc phi pháp ấy mà đều thoát. Bùi Khoái xếp những chiếc lá thuốc gọn lại, thái nhỏ thành sợi, sấy khô rồi sao tẩm, mua loại giấy cuốn thuốc hiệu Con gà của Thái Lan về cuốn thành những điếu thuốc đẹp mắt chẳng khác thuốc lá Tam Đảo, lại còn bày đặt tẩm ướp làm nhái thuốc lá Mo-re nhỏ như đầu đũa, dài gần gang tay, bán được hơn tiền. Đấy đều là những việc phải làm chui, nghĩa là phải kín đáo, lãnh đạo bộ môn không ủng hộ nhưng không cấm, nói là kín đáo nhưng ai cũng biết ai làm cái gì, tuy nhiên không ai công khai nói ra mà chỉ thậm thụt hỏi thăm, bày vẽ cho nhau cách làm thế nào để kiếm được.     
          Những lúc ngồi cuốn thuốc hoặc đi giao thuốc cho mấy hàng nước vỉa hè, Bùi Khoái thường nghĩ làm thậm thụt kiểu này không ổn. Năng nổ và có trách nhiệm, anh ta luôn nói ra mồm phải tìm cách làm kế hoạch 3, đưa công việc đến tận đầu giường cho mỗi gia đình thì việc cải thiện đời sống mới thiết thực. Cái cách ấy đã lóe lên trong đầu Bùi Khoái vào một hôm bộ môn được phân phối 5 chiếc lốp xe đạp. Đấy là những chiếc lốp cao su Sao Vàng 650 quý hiếm. Công đoàn quyết định nhường cho một bác nhân viên mới về hưu 1 chiếc, còn 4 chiếc phải bốc thăm. Anh chàng mang lá thuốc quê ở Bắc Giang đã từng phải lấy dây cao su bọc lốp xe bị bục bốc trúng 1 chiếc, cười khấc khấc sung sướng. Lần ấy Bùi Khoái rất muốn mua một chiếc. Hai chiếc lốp xe cọc cạch của Thanh, vợ anh, một chiếc màu đen, một chiếc màu đỏ, đã phải khâu tanh mấy lần. Nhưng Bùi Khoái bốc trượt. Xáo đều những lá phiếu nhỏ nhắn do chính anh ta vừa chuẩn bị, Bùi Khoái hồi hộp thò hai ngón tay còn dính bụi phấn nhón một chiếc với bao hy vọng, nhưng giở lá phiếu ra thì thấy một con số 0 gạch đít to tướng. Anh ta chưng hửng, trong lòng rất buồn. Buồn nhưng vẫn gượng gạo cười, làm ra mặt tươi vì Bùi Khoái đang phấn đấu vào Đảng, mỗi cử chỉ, lời nói, mỗi nét mặt buồn vui đều có người để ý. Đã 3 năm là cảm tình Đảng mà không hiểu vì sao anh ta vẫn chưa được xét lên đối tượng kết nạp.
          Chính trong lúc lòng nặng nề như thế  Bùi Khoái chợt nghĩ, làm một chiếc lốp xe đạp có khó gì đối với toàn những kỹ sư, tiến sĩ trong bộ môn, tại sao lại không tự làm lấy lốp mà đi ? Ý tưởng lóe lên trong đầu Bùi Khoái, từ rạo rực đến nóng bỏng. Anh ta lặng lẽ suy ngẫm, lặng lẽ đi tìm tài liệu, lặng lẽ đến xưởng làm lốp thủ công xem người ta ép lốp, đến khi không lặng lẽ giữ cho riêng mình được nữa mới đem ra trao đổi với mọi người. Đáp lại là những lời khen và những nụ cười chiếu lệ. Anh bí thư chi đoàn thanh niên bộ môn Trịnh Hùng phán một câu xanh rờn :
          - Đồng chí Khoái chỉ được cái lạc quan tếu, làm thế đếch nào được mà cứ huếnh lên !
           Đã vậy Bùi Khoái quyết định gặp trực tiếp bí thư chi bộ.
          Ông Trần Đại lặng im như để tập trung nghe tiếng ấm nước trên bếp điện bắt đầu reo nhè nhẹ nhưng thực ra là ông đang chú ý tới những điều Bùi Khoái nói. Đó là những điều ông chưa nghĩ tới. Thường ngày ông chỉ để hết tâm trí tới việc giảng dạy, ống tay phải chiếc áo vét màu xám của ông lúc nào cũng thấy phớt một lớp bụi phấn màu trắng. Rồi để ý đến thi đua, dỗ dành cánh thanh niên phấn đấu vươn lên Đảng. Là một trí thức xã hội chủ nghĩa mẫu mực, tốt bụng, được mọi người yêu mến nhưng an phận, ông không bao giờ muốn nghĩ về những điều vượt quá giới hạn của những quy định vô hình nhưng chặt chẽ. Ông thong thả nghe Bùi Khoái nói, chuyển từ đồng chí sang gọi anh là cậu, những lúc thân tình ông thường làm thế, ánh mắt nhìn của ông phút chốc đượm vẻ hài hước :
          - Cậu nói công đoàn bộ môn vừa phân phối lốp xe đạp. Cậu có biết anh em người ta nói về phân phối thế nào không ?
          - Họ nói thế nào ?
          - Cậu là tổ trưởng công đoàn bộ môn mà không biết câu này à ! Họ bảo “công đoàn ta cái cứt gì cũng phân, phân thì như cứt”.
          Cả hai thày trò phá lên cười. Bùi Khoái vui quá, quên mình đang ngồi với ai, buột mồm :
          - Tiên sư đứa nào nghĩ ra được cái cái câu hay thế. Hay mà đúng quá !
          - Cũng từ thực tế như cậu vừa nói. Mình đố cậu tìm ra vế đối lại, nếu hay, mình chịu mất chai rượu ngoại.
          Ông Trần Đại thường được theo đoàn đi công tác nước ngoài nên vẫn thỉnh thoảng có rượu và thuốc lá ngoại, những thứ đem ra chợ Hàng Da tiêu thụ thì có thu nhập bằng cả mấy tháng lương. Chẳng ai biết ông có làm thế không nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy ông đem rượu và thuốc lá ngon mời mọi người. Bùi Khoái phấn khích :
          - Được, thế nào thày cũng mất cho em chai rượu mà xem, nhưng bây giờ để em nói tiếp về cái ý tưởng làm lốp xe cái đã. Quy trình công nghệ làm lốp xe đạp thật ra không phức tạp lắm, em đã tìm hiểu rồi. Chẳng khó mấy, chỉ cần mua máy ép, mua cao su, vật liệu làm lốp thì chủ yếu có mành, thép tanh. Mành thì thục từ lốp ô tô cũ ra. Cái khó nhất là tìm đâu ra tiền để mua sắm những thứ đó. Cái khó thứ hai là làm sao cho ít tăm tiếng để đỡ bị soi mói. Thực ra em nghĩ, tiền thì cách này cách kia vẫn có thể tìm được chứ tổ chức sản xuất và kinh doanh thế nào để thuận trên vừa dưới mới là vấn đề, bởi vậy phải được các thày ủng hộ.
          Ông Trần Đại thấy ý kiến của Bùi Khoái quả là thú vị, tuy nhiên ông vẫn thong thả  nêu ra một loạt những nghi ngại :
          - Bộ môn  chỉ có chức năng giảng dạy và nghiên cứu, nói đến sản xuất nghe  có vẻ không ổn. Tổ chức thế nào, lập tổ sản xuất hay hợp tác xã, rồi những cái đó sẽ đi đến đâu, sẽ đưa các cậu tới đâu ? Đấy là chưa kể ở bộ môn mình toàn kỹ sư cơ khí với sức bền vật liệu, có anh kỹ sư hóa nào đâu. Thấy chưa, lao vào làm lốp xe thì chéo ngoe, chưa thấy cái lợi ở đâu mà toàn thấy những đụng với chạm.
          Bùi Khoái khơ khớ bật cười, tiếng cười của người lạc quan và nhiệt huyết lan tỏa sang cả ông Trần Đại.
          - Em đảm bảo là làm được. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm giao cho công đoàn phân phối, phương thức ấy chuyển hóa đi đâu được, thày lo cái gì !
          Nói đến đây Bùi Khoái lại cười lên khanh khách nhớ tới câu “công đoàn ta cái cứt gì cũng phân”. Rồi anh hăng hái nói tiếp :
          - Em đã đến mấy xưởng làm lốp tìm hiểu quy trình, ghi chép cẩn thận đây rồi. Còn chuyện này, nói ra thì thày bỏ qua cho vì chưa xin ý kiến mà đã làm. Em đã liên hệ Công ty Kim khí Hóa chất, họ thú nhận cũng đang thiếu lốp xe nên hoan nghênh ý tưởng này lắm. Họ nói nếu mình làm được thì sẵn sàng ký hợp đồng mua sản phẩm, càng nhiều càng tốt. Thày có biết bây giờ một chiếc lốp ngoài chợ đen giá bao nhiêu không ?
          - Bao nhiêu ?
          - Dao động trên dưới 10 đồng. Em vừa được lên lương 74 đồng, cả tháng lương của em chỉ mua được 7 cái lốp xe đạp. Em tính sơ sơ, mình chỉ cần lấy giá cao hơn giá phân phối một chút, khoảng 5 đến 6 đồng gì đấy là được cải thiện rõ ràng.
          - Cậu đang tính cua trong lỗ !
          Ông Trần Đại mỉm cười buông ra lời nhận xét như vậy, tự nghĩ không biết mình có hơi bi quan không. Ông thừa biết, vấn đề không phải là có làm được hay không mà phải đổi lại vế của câu là có được làm hay không. Làm được và được làm, chỉ thế thôi nhưng khác nhau vô cùng. Ý tưởng của Bùi Khoái không tồi, kiếm ra tiền ai mà chẳng thích. Không ra ủng hộ cũng không ra bác bỏ, ông Trần Đại thận trọng lấp lửng :
          - Cậu định làm ở đâu để cho có ít người dòm ngó ?
          - Chả đâu hơn là ở ngay trong trường, vừa có chỗ, vừa có sinh viên.
          Đến lúc này, ấm nước đã reo xình xịch, ông Trần Đại lôi trong ngăn kéo ra gói chè Hồng Đào bóc dở đưa cho Bùi Khoái.
          - Ý kiến của cậu nghe được nhưng có vẻ táo bạo. Thôi, cứ pha nước uống đi cái đã, chuyện này phải để bàn kỹ trong bộ tứ, rồi phải đưa ra xin ý kiến Đảng ủy. Trong khi chờ đợi, cậu cứ tìm hiểu mọi nhẽ. Thế đồng chí Khoái nhỉ, nhớ đừng để ảnh hưởng đến giờ lên lớp.     
          Bùi Khoái chợt nhận ra ông Trần Đại lại gọi mình là đồng chí, hóa ra cách xưng hô cậu tớ, anh tôi hay đồng chí lại chứa đựng những cung bậc thái độ tình cảm khác nhau.  Ông Trần Đại hít hà chén nước trà nóng, nói tiếp :
          - Đồng chí có nhớ Mạc Côn không ? Gặp hôm đi họp trên Bộ, Mạc Côn hỏi thăm, vẫn khen đồng chí lắm.
          Bùi Khoái không tỏ ra ngạc nhiên, vâng dạ cho qua chuyện. Anh uống một chén nước chè rồi chào ông để đi ra, bước đi vui vẻ, lòng phơi phới nghĩ về cái xưởng làm lốp xe đạp.
          Ông Trần Đại vừa nhắc tới Mạc Côn, chuyện là thế này. Tốt nghiệp năm 1972, nhờ thành tích học tập xuất sắc mà Bùi Khoái được phân về Bộ Cơ khí luyện kim, làm việc ở phòng máy nâng vận chuyển và xếp dỡ Viện luyện kim màu. Viện trưởng lúc ấy là Mạc Côn, con rể một vị lãnh đạo cao cấp. Không hiểu làm thế nào anh ta lọt được vào mắt cô công chúa bụ bẫm có mái tóc phi-dê quăn tít, có lẽ  bởi vì trước đó anh ta đã tiếp cận được với ông bố khó tính, trình bày với ông  những dự án khoa học táo bạo. Thực ra những cái gọi là dự án khoa học táo bạo đó chỉ là mớ kiến thức thông thường mà Mạc Côn đã học được trong trường Liên Xô, nhưng về Việt Nam, qua cái miệng trơn tru và giọng nói lên bổng xuống trầm lúc nhấn lúc buông của anh ta thì nó trở thành những điều mới mẻ cho dù có chút khoe khoang và giả dối. Mạc Côn không phải là loại phò mã tốt áo như anh em trong Viện nói vụng sau lưng. Tốt nghiệp tiến sĩ ở Liên Xô, anh ta là người có tài, có lối làm việc mạnh dạn, dám dùng người trẻ, thử những cái mới nên Bùi Khoái rất phục và chịu ảnh hưởng nhiều. Tuy vậy, Mạc Côn rất cá nhân, độc đoán, không thích nghe người khác nói ngược ý mình trong khi Bùi Khoái ngựa non háu đá, cái gì ngang tai trái mắt là có ý kiến lại ngay. Từ đấy hai người có nhiều điểm hợp nhau nhưng cũng không ít điều trái khoáy, tới mức Mạc Côn phải cho Bùi Khoái tham gia đoàn của viện đi Bun-ga-ri 6 tháng với một nhiệm vụ không đâu vào đâu là nghiên cứu thiết kế cần cẩu cho nhà 15 tầng. Lúc ấy được đi nước ngoài 6 tháng là một đặc ân. Khi đi, Mạc Côn nói thẳng với Bùi Khoái :
          - Cho mày đi nhưng lúc về thì phải câm cái mồm mày lại đấy nhé.
          Bùi Khoái cười hơ hớ :
          - Anh thích tôi nói thì khó chứ thích câm thì dễ thôi.
          Bùi Khoái đi rồi Mạc Côn nói với mọi người dù nó chống tôi nhưng tôi vẫn cho nó đi vì nó làm được việc. Thế là Mạc Côn vừa đuổi được Bùi Khoái mà vừa được tiếng. Sau 6 tháng trở về, Bùi Khoái vẫn chứng nào tật ấy cho dù Mạc Côn hứa Bùi Khoái mà im mồm thì bồi dưỡng  lên viện phó. Bùi Khoái không những không im mà còn lấy tên của 5 ông trưởng phòng ghép lại thành câu Phi Lý Tất Sinh Sự. Mạc Côn tức lắm, quyết chuyển Bùi Khoái đi cho đỡ vướng. Bùi Khoái từ viện về trường là như thế.
          Có một lần, khi đã đi khỏi viện, nhân sinh nhật của Mạc Côn, Bùi Khoái kiếm chai rượu cô-nhắc đến mừng, thấy trong nhà đông vui hơn cả một đám cưới. Những người đến dự cấp thấp nhất cũng là viện trưởng, chỉ có Bùi Khoái là lính trơn. Mạc Côn ngồi chễm chệ tiếp khách như ngồi trên chủ tịch đoàn. Anh ta rót hai ly rượu, đưa Khoái một, anh ta một, chúc rượu rồi cùng uống cạn, sau đó giới thiệu Bùi Khoái là người có tình, đi rồi mà vẫn đến chúc mừng.
          Vợ chồng Bùi Khoái được phân căn hộ số 509 tầng 5 nhà A6 là nhà tập thể của trường. Dù đang tuổi trẻ dư thừa sức lực nhưng việc hàng ngày phải lên xuống 5 tầng gác nhiều lúc không phải là không mệt. Vậy mà trưa nay từ chỗ ông Trần Đại đi ra, anh ta bước những bước nhẹ như không. Đến tầng 3, khi trong lòng vẫn đang lâng lâng những ý nghĩ tốt đẹp về cuộc gặp thì bỗng anh ta khựng lại, nhăn mũi, nheo mắt, nín thở đứng nhìn. Trước mặt Bùi Khoái là một đống to cứt lợn lù lù giữa chiếu nghỉ cầu thang, nước cứt đen loang trên nền đá lát, mùi thối bốc lên từ đấy. Một người đàn ông cởi trần ngồi xổm,  đang cố dùng đôi dép nhựa vét đống cứt lợn bỏ lại vào trong chiếc thùng sắt tây lỗ chỗ thủng vì hoen gỉ, bộ xương bả vai anh ta nhô lên thụt xuống theo từng động tác của đôi tay đã dính đầy cứt. Anh ta ngẩng mặt nhìn Bùi Khoái, cái nhìn  lúng túng :
          - Tôi xách phân lợn xuống vườn rau đổ đi, đến đây thì cái thùng chết tiệt này tuột đáy. Xin lỗi ông nhé, chịu khó ngửi thối tí !
          Bùi Khoái biết người này là Khơi, cán bộ giảng dạy bộ môn chế tạo máy. Gia đình anh ta được phân căn phòng 304 tầng 3. Trong căn phòng 24 mét vuông ấy có 5 con người là hai vợ chồng, hai đứa con, một bà mẹ già ở chung với 3 con lợn. Đã có lần Bùi Khoái nhẩm tính từ tầng 1 đến tầng 5 có ít nhất 7 nhà nuôi lợn, thường chỉ nuôi 1 con to hoặc 2 con nhỏ, riêng nhà Khơi lúc nào cũng 3 con. Chuồng lợn được ngăn vào trong phần nhà cầu vốn đã bé tí, người đi cầu phải ngồi chung với lợn, vừa đi cầu vừa ra sức xua lợn vì chúng cứ rít lên hùng hục xông vào đòi xơi của ấy.
          - Này anh-Bùi Khoái nói với Khơi, anh phải xách xô nước ra mà lau cho sạch, quẹt như anh nó bẩn ngoen ra khắp cả, mọi người kêu chết.
          Trường dừng tay hót cứt, đau khổ nói :
          - Ông ở trên trời mới xuống hay sao, không biết đã mất nước từ 3 ngày hôm nay à ! Tích được tí nước còn phải để ăn để uống, lấy đâu ra nước rửa phân lợn.
          Bùi Khoái chợt nhớ đúng là những ngày mất điện mất nước thì mùi hôi hám xú uế bốc lên cả tầng 5. Anh thường nói đùa với mọi người đừng gọi đó là mùi thối, mất vui, thối thì mình vẫn phải hít thở nó, trốn đâu. Vậy nên gọi nó là mùi dưỡng khí hữu cơ, nghe nhã hơn thối lại có vẻ khoa học. Bùi Khoái nghĩ nếu như cái kế hoạch 3 anh vừa trình bày với bí thư chi bộ mà được chấp nhận thì biết đâu khu nhà tập thể này sẽ bớt đi cảnh người phải ở chung với lợn. Đã có lần vợ anh gợi ý nuôi một con lợn, chỉ là một cách bỏ ống đợi ngày sinh con nhưng Bùi Khoái gạt đi. Đối với anh, căn phòng 18 mét vuông là một thiên đường không phải cặp vợ chồng trẻ nào cũng may mắn có, ở đấy anh trồng một cây vạn niên thanh cho leo lên cửa sổ, đóng một chiếc giá sách bằng gỗ thông treo trên tường để những cuốn sách quý, như thế làm sao có thể cho lợn vào ở được, nhất là chẳng mấy nữa vợ chồng anh sẽ đón một thiên thần. Về khoản chi tiêu lúc vợ sinh con, Bùi Khoái khá yên tâm vì anh đã có một ít lương khô sau 6 tháng đi Bun-ga-ri hồi còn ở viện, khác hẳn mấy người quen khác, vợ đẻ đến nơi còn phải lo chạy từng đồng.
          Bùi Khoái cười lên mấy tiếng phớ lớ, tuy hơi gượng nhưng là để tỏ ý thông cảm với Trường rồi tránh đống cứt lợn để đi lên tầng 5. Thấy anh ta mở cửa vào nhà sớm hơn mọi ngày, vợ anh ngạc nhiên :
          - Sao hôm nay anh về sớm thế ?
          Bùi Khoái cười tươi  :
          - Anh vừa ở chỗ cụ Trần Đại về thẳng đây.
          - Làm gì mà lên cụ Trần Đại ?
          - Chuyện làm lốp xe đạp, anh chẳng đã nói với em rồi là gì. Hôm nay anh trình bày trực tiếp với ông ấy.
          Vợ anh xì nhẹ một tiếng.
          - Anh chỉ giỏi những chuyện giời ơi ! Ai người ta cho anh làm !
          Bùi Khoái cười phớ lớ :
          - Làm mấy cái lốp xe đạp thì tự phát lên chủ nghĩa tư bản thế đếch nào được mà cấm.
          Thanh nói :
          - Không phải chuyện mấy cái lốp mà là phương thức sản xuất. Sách đã chẳng dạy thế là gì !
          - Không ngờ vợ tôi thuộc môn kinh tế chính trị thế nhỉ !
          Còn đang lơ lửng trên mây với những ý nghĩ làm lốp xe đạp thì Bùi Khoái bị Thanh kéo tụt xuống đất :
          - Hôm nay hết gạo, em chưa nấu cơm. Anh đợi em chạy ra cửa hàng, nếu mà vắng thì mua luôn. Tháng này còn 13 cân rưỡi của em, hình như họ bán nửa gạo nửa mỳ.
          Bùi Khoái vội vàng xua đi :
          - Anh vừa về qua đấy, đông lắm. Có mà đợi đến chiều chưa chắc mua được. Em lấy nắm mì nấu với cà chua ăn cho xong bữa.
          Đúng là trên đường về Bùi Khoái đã đi ngang qua một hàng dài người xếp hàng, chen lấn, xô đẩy trước cửa hàng gạo. Nhìn dáng Thanh gày yếu, mảnh mai, Bùi Khoái nghĩ đứng vào cái dãy người chờ mua gạo kia thì họ chen cho bẹp dúm, anh thực lòng thấy thương xót cô. Thanh không có nét gì thật nổi ngoài hai núm đồng tiền trên má, nếu có gì đặc biệt thì chính là bản tính hiền lành, chịu đựng của cô. Im lặng chịu đựng. Bùi Khoái biết Thanh có chút bệnh về tim, đôi má trắng xanh mới nhìn thấy đẹp nhưng thực ra ẩn chứa chút mầm bệnh tật. Những lúc nhìn Thanh thường hay vã mồ hôi thảng thốt lo lắng, Bùi Khoái thấy mình chưa phải người chồng tốt khi để cho vợ đang mang thai mà không được chăm nom tử tế. Hình như đọc được tâm sự ấy của chồng nên Thanh mỉm cười đôn hậu :
          - Thế cũng được. Còn một ít tóp mỡ để trong chạn, em cho cả vào nồi mỳ. Mình liên hoan tóp mỡ anh nhé !
          Nói rồi cô nhanh nhẹn vớ bao diêm Thống Nhất, bật diêm châm vào cái bếp dầu tráng men màu xanh, những chiếc bấc thối bốc ra mùi khét nồng nặc và khó nhọc bắt lửa. Vừa bắc nồi Thanh vừa nói :
          - Lại còn dầu cũng chưa mua. Hay là chiều nay anh chịu khó ra cửa hàng dầu hỏa phố Huế mua nốt tiêu chuẩn của mình đi, còn em sẽ đi mua gạo.
          Bùi Khoái ậm ừ, thơm nhẹ lên đôi má lúm đồng tiền xinh xắn của Thanh. Chẳng mấy Thanh đã bê ra xoong mỳ cà chua tóp mỡ bốc hơi ngào ngạt, lại còn rắc lên mấy cộng hành tươi nên trông thật bắt mắt. Thanh san ra hai bát, một bát đầy một bát vơi, không quên lấy thìa vớt mấy miếng tóp mỡ nổi lều phều bỏ sang bát đầy cho chồng. Bùi Khoái ngồi vào bàn, húp xoàn xoạt, khoan khoái nhai những miếng tóp mỡ tiết ra chất béo ngậy trong miệng, luôn mồm kêu ngon quá. Đã quá !
                                                                        *
                                                                     *     *
          Khi bắt đầu thấy nản sau một tháng thắc thỏm mong đợi thì ông Trần Đại bất thình lình gọi Bùi Khoái lên nói chuyện. Anh bước vào phòng bí thư chi bộ, hớn hở như một đứa trẻ được ban khen. Ông Trần Đại ngồi đợi Bùi Khoái, chiếc áo  com-lê mầu xám khoác trên thành ghế, tay ông cầm miếng vải lau mỏng lau cặp kính cận dày cộp. Bùi Khoái thường thấy các ông tiến sĩ ở Liên Xô về  mặc com-lê và đeo kính nên trông ông nào cũng đạo mạo khiến những người trong nước phải kính nể mỗi khi tiếp xúc. Không đợi Bùi Khoái yêu cầu, ông Trần Đại đưa cho anh gói chè Hồng Đào hôm trước. Bùi Khoái nhanh nhẹn cắm phích điện, những chiếc dây mai xo vẫn chỉ đỏ lên âm ỉ. Lần này không thấy bí thư chi bộ gọi mình là đồng chí nên Bùi Khoái yên tâm câu chuyện sẽ tốt đẹp. Ông vui vẻ hỏi :
          - Cậu đã tìm ra vế đối chưa ?
          - Em chịu, nằm nghĩ cả mấy buổi tối mà không ra.
          Ông Trần Đại biết chắc chắn những ngày vừa qua Bùi Khoái chỉ nghĩ  về chiếc lốp xe đạp, còn đâu tâm trí tìm vế đối. Tuy vậy ông vẫn hỏi :
          - Cậu chịu không tìm cách lấy chai rượu ?
          - Xin chịu ạ.
          - Lạ ! Cậu là người xưa nay có chịu cái gì đâu !
          - Thày nói thế, riêng khoản văn chương thơ phú em là dốt nhất.
          - Thế còn khoản làm lốp xe đạp ?
          - Nếu được phép thì em không chịu. Em làm được !
          Nói thế rồi Bùi Khoái lại cười lên hơ hớ. Cả bộ môn chẳng ai còn lạ điệu cười này. Từ xa mà nghe tiếng cười là biết ngay Bùi Khoái, tiếng cười lúc hợp thì rất dễ mến nhưng phần lớn là vô duyên, thế nào anh ta cũng cười được.
          - Bùi Khoái ạ, mình đã trình bày với các anh có trách nhiệm về ý tưởng kế hoạch 3 của cậu. Các anh ấy hoan nghênh, bảo mình nên động viên và tạo điều kiện. Dư luận rộng rãi rất ủng hộ, thế là thuận lắm rồi. Tuy nhiên, các anh ấy có chỉ đạo thế này, một là nhà trường có thể hỗ trợ địa điểm sản xuất, hiện bên bộ môn vật lý họ sẵn sàng cho mượn cái kho cũ ở nhà B1, đủ cả điện nước. Hai là đồng ý cho huy động một số ít sinh viên, phải chọn những người học giỏi và nhiệt tình để không bị ảnh hưởng đến thi cử. Bây giờ chưa gọi là trung tâm, cơ sở hay tổ sản xuất gì nhưng đồng ý chỉ định cậu phụ trách. Thế đã đủ chưa ?
          Bùi Khoái chỉ còn thiếu nước nhảy cẫng lên vỗ tay mừng.
          - Tuyệt quá. Nhưng…
          - Nhưng vốn chứ gì ? Cái này cậu phải tự lo. Cậu phải tự trả  tiền điện, tiền nước, tóm lại là tự hạch toán. Xoay sở lấy thôi, nhà trường không có khoản nào cho những việc  này cả. Nguyên tắc quản lý ngân sách mà.
          Bùi Khoái hơi chưng hửng nhưng lấy ngay lại được niềm vui háo hức. Anh ta uống một hớp nước do chính mình vừa pha, băn khoăn nói :
          - Khó cho em quá, biết lấy đâu ra ngần ấy tiền.
          - Số tiền có lẽ cũng không thật lớn lắm. Cậu tính qua cho mình nghe nào.
          - Giá một khuôn ép bỏ rẻ cũng trên 1000 đồng, tối thiểu mình phải xắm hai khuôn đã mất khoảng gần 3000 đồng. Đấy là chưa kể tiền mua nguyên liệu như cao su, mành, tanh…, lại còn tiền bồi dưỡng cho mấy em sinh viên. Chắc ít nhất phải có tới 5000 đồng mới vận hành được.
          - Với anh em mình thì ngần ấy tiền đúng là rất lớn. Tuy nhiên dự án đã được cấp trên ủng hộ thì mình phải tìm cách mà vượt qua khó khăn này. Cậu có thể đi vay.
          - Vâng, đúng thế. Được thày ủng hộ em tin chắc làm được.
          Ông Trần Đại đứng lên đi đến tủ lấy ra một chai rượu đưa cho Bùi Khoái.
          - Tớ không có nhiều nhưng sẽ thu xếp cho cậu vay 500 đồng, gọi là thôi, cốt để bày tỏ sự ủng hộ một cách cụ thể. Cậu không đối lại được vế đối nhưng mình vẫn thưởng cậu chai rượu này, ấy là mừng cho cái ý tưởng của cậu được chấp nhận. Đây là chai rượu cỏ, đặc sản của Ba Lan đấy. Chúc thành công nhé.
          Bùi Khoái đưa tay đỡ chai rượu có vẽ hình một chú bò tót hung hăng ở nhãn dán ngoài, chưa uống mà đã thấy lâng lâng như ngấm chất men, lòng tràn đầy tình cảm biết ơn đối với người thày bí thư chi bộ. Về tới nhà, anh ta nhảy ba bước một lên cầu thang, vừa nhảy vừa hát  thành tiếng bài “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…”, thoáng một cái đã tới tầng 5, chếnh choáng gọi vợ :
          - Thanh ơi, thành công rồi.
          Thanh nghe gọi, không biết có chuyện gì thành công nhưng cũng vui mừng chạy lại. Hóa ra là chuyện làm lốp xe đạp. Ngồi xuống chiếc giường đôi kê sát ở bức tường, anh nói :
          - Các ông ấy đồng ý để cho anh làm lốp xe đạp rồi. Bên bộ môn vật lý người ta cho mượn địa điểm, còn lại mọi cái mình phải tự xoay xỏa hết, kể cả vốn. Hết nhiều đấy.
          Là người nhạy cảm,  nghe nói thế là Thanh chột dạ nghĩ ngay tới cái món lương khô của hai vợ chồng. Thực sự cô cũng chưa tin dự án của Bùi Khoái có thể đi đến đầu đến đuôi suôn sẻ, không nói ra mồm nhưng cô vẫn áy náy là có điều gì gợn lên trong câu chuyện kế hoạch 3 của chồng. Tuy vậy, nếu Bùi Khoái cần thì  cô sẽ cứ để anh ấy lấy, đến khi sinh con rồi tính. Tuy nhiên Thanh chưa nói ngay ra cái ý định ấy mà hỏi :
          - Nhiều tiền như thế anh lấy đâu ra ?
          Bùi Khoái cũng đã nghĩ tới khoản dự trữ này nhưng chưa dám nói thẳng ra. Đây là điều khó mở mồm nhất vì chỗ lương khô đã được hai người đồng thuận để dành cho lúc sinh đứa bé. Anh ấp úng :
          - Phải đi vay mà chưa biết vay đâu. Hay là…
          Vợ anh mỉm cười, lộ rõ hai núm đồng tiền  :
          - Hay là anh cứ dùng chỗ vốn của mình chứ gì ! Em sợ còn không đủ.
          Thật không ngờ vợ anh đã không chút do dự mà động viên anh đem hết của nả ra bán, gồm cái đầu máy khâu Xanh-gie cũ, chiếc xe đạp Spút-nhích Liên Xô và ít thuốc Xê-rê-pa của Hung-ga-ri, cộng lại cũng được gần 2000 đồng. Số còn lại, hai vợ chồng tất bật đi vay mấy người, tất nhiên là vay lãi. Đem gộp lại cả 2 khoản mới được hơn 3000 đồng, tính ra chưa đủ tiền mua 2 khuôn ép và các loại vật liệu. Bùi Khoái quyết định nhờ ông giám đốc xưởng thủ công bên Thanh Xuân  tư vấn mua trước cho một chiếc khuôn ép đồng thời cho mượn một ít nguyên liệu để làm thử.
          Xưởng sản xuất đặt ở ba gian nhà rộng rãi vốn là một cái kho cũ chứa các thứ linh tinh. Ba bốn sinh viên do Bùi Khoái chọn, chú nào cũng đều khỏe mạnh như những cầu thủ bóng đá, đầu đội mũ, miệng bịt khẩu trang, dùng chổi xể khua mạng nhện chăng đầy trên trần, quét sạch bụi bẩn bám thành từng lớp dày đặc. Những cánh cửa sổ bằng gỗ đã bị người ta tháo đi mất từ bao giờ, cả 3 cửa sổ đều trống hoác, nay Bùi Khoái phải mua cót ép về đóng lên cho kín đáo.  3 bóng đèn Rạng Đông 100 oắt được mắc lên, tất nhiên phải chạy qua sú-von-tơ mới đủ sáng. Khi quét tước dọn dẹp xong, mấy thầy trò Bùi Khoái sốt ruột đứng ngồi chờ máy ép. Đợi mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng có một chiếc xe Din từ từ đỗ lại trước cửa kho, cái ống bô cũ kỹ rung lên bần bật phun ra làn khói trắng. Bùi Khoái vội chạy ra nhảy ngay lên thùng xe, tung chiếc bạt che, để phơi ra chiếc máy ép lốp, nước thép đen bóng lấp lánh dưới ánh nắng. Anh  gọi 4 em sinh viên tới nâng chiếc máy nặng gần một tạ từ trên xe xuống rồi hò nhau từ từ khiêng vào trong xưởng. Chiếc máy ép lốp lọt thỏm trong xưởng rộng, tuy nhiên bên cạnh mấy thùng cao su non và bó thép làm tanh thì nó là thứ duy nhất tạo nên dáng vẻ một xưởng sản xuất. Ngay buổi chiều hôm ấy Bùi Khoái nôn nóng cùng tốp học trò của mình bắt tay vào làm chiếc lốp đầu tiên. Anh trực tiếp thao tác theo những gì đã học được, vừa làm vừa hướng dẫn cho bốn cậu sinh viên. Chẳng mấy chốc mùi cao su bị ép nóng đã tỏa khắp cả ba gian nhà xưởng. Mồ hôi lấm tấm trên trán, bốn thày trò hồi hộp chờ đợi. Tim Bùi Khoái nảy mạnh  như muốn nhảy bắn ra ngoài. Khi chiếc lốp được lấy ra, mọi người ồ cả lên một tiếng thất vọng. Bùi Khoái nhói tim như đứng trước một đứa trẻ vừa sinh ra mà lại có hình hài dị tật. Chẳng hiểu vì sao chiếc lốp rộp lên từng đám, cao su không ăn đều nên chỗ dày nổi cục như mụn phát ban, chỗ mỏng tang như tờ giấy bao xi măng, đem so với lốp Sao vàng còn không đáng là loại phế phẩm. Tức tốc đạp xe đến Thanh Xuân hỏi nguyên nhân và cách khắc phục, Bùi Khoái được anh chủ xưởng hướng dẫn điều chỉnh lại cái chốt, làm cho khuôn trên khuôn dưới ép sát vào nhau, quả nhiên lốp lấy ra đều hơn nhưng vẫn bị rộp. Không chịu đầu hàng, hôm sau anh lại đi tìm hiểu lần nữa thì được biết nguyên nhân có thể do cao su non để lâu đã bị lưu hóa, chất kết dính với mành lốp đã kém. Một lý do khác là khi vệ sinh vải mành, mấy em sinh viên đã không làm sạch xà phòng còn bám trên mành được thục ra từ lốp ô tô, điều đó làm cho cao su cũng không ăn. Bùi Khoái trở về thúc mấy cậu sát sàn sạt, đích thân anh cũng vừa hướng dẫn vừa sắn tay trực tiếp làm trong suốt một tuần. Kết quả  mỹ mãn không ngờ, những chiếc lốp xe đẹp và tốt chẳng kém gì lốp Sao Vàng bắt đầu ra xưởng.
          Tin Bùi Khoái làm được lốp xe đạp đã nhanh chóng lan khắp nơi, nhiều người nửa tin nửa ngờ đến tận xưởng ngắm những chiếc lốp xe, sờ nắn, bóp tanh, đưa lên mũi ngửi mùi cao su rồi gật đầu, làm như họ là những người kiểm tra chất lượng chính cống. Anh bí thư chi đoàn Trịnh Hùng cưỡi chiếc xe ba-bét-ta màu xanh đến ngoài cửa sổ nhòm vào. Anh này trẻ hơn Bùi Khoái gần 4 tuổi, về bộ môn sau Bùi Khoái hơn 3 năm, đôi mắt kính cận trên bộ mặt trắng trẻo nhưng lạnh lùng khiến anh ta có vẻ kênh kiệu khó gần. Tuy có dáng tao nhã nhưng Trịnh Hùng lại là tay nghiện thịt chó, cái dạ dày của anh ta tiêu thụ ít nhất cũng 2 cân loại thịt này trong một tháng. Có lẽ bởi vậy anh ta bị gọi sau lưng là Hùng chó. Hùng chó cũng đang là cảm tình Đảng, hễ mở mồm là nói đến lý tưởng cộng sản, con đường đi lên cộng sản chủ nghĩa và việc tu dưỡng, phấn đấu trở thành người đảng viên. Điều đó không có gì xấu, tuy nhiên người nghe luôn nhận thấy anh ta giả dối khi nói những lời nói ấy. Vì thế, mặc dù là bí thư chi đoàn nhưng Trịnh Hùng vẫn bị nhiều người rất ghét. Cuối năm ngoái khi lấy ý kiến quần chúng xét lên đối tượng kết nạp, anh này bị Bùi Khoái nhận xét là người bẩn tính, hẹp hòi, cơ hội. Không phải vì lời nhận xét này đã làm việc kết nạp bị chậm lại nhưng Trịnh Hùng luôn cho rằng chính Bùi Khoái đã ngăn cản bước tiến của anh ta, hai người ít khi hỏi han trò chuyện. Thấy Trịnh Hùng dựng xe đứng ngoài cửa, soi mắt nhìn vào, mắt đảo như đảo lạc, Bùi Khoái lau tay chạy ra.
          - Cậu có vào trong nhìn qua tí không ?
          - Thôi, em chẳng vào cũng biết. Phục anh thật, một lúc làm những 3 việc lớn, ai mà theo kịp.
          - Cậu nói thế là thế nào, tớ không hiểu ?
          - Có gì mà không hiểu ! Vừa phấn đấu vào Đảng, vừa phấn đấu đi nghiên cứu sinh, lại vừa lập xưởng sản xuất, thế chẳng phải 3 cái đại sự là gì !
          Bùi Khoái cười sặc lên, khoát tay :
          - Cậu lấy đâu ra toàn những tin giật gân ấy ?
          - Ai chẳng biết anh đang được dự kiến đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô.
          Bùi Khoái bỏ đi vào, mặc anh bạn đồng nghiệp trẻ tuổi đứng lại với chiếc xe ba-bét-ta màu xanh. Từ trước Bùi Khoái chưa bao giờ tin lời anh này.
          Nhóm sản xuất phấn khởi lắm, ai cũng nỗ lực đưa công việc vào ổn định. Bùi Khoái muốn mua ngay chiếc máy ép thứ hai. Nghĩ rằng muốn vay được tiền thì cần có cái gì đảm bảo khả năng trả nợ, anh ta liền đem  những chiếc lốp xe mới ra làm vốn đối ứng, tìm gặp mấy người quen đi nước ngoài về, thuyết phục họ rằng có thêm chiếc máy ép thứ hai thì chỉ 6 tháng sau là anh ta có khả năng thanh toán cả vốn lẫn lãi. Hỏi ba người, có hai người tin tưởng cho Bùi Khoái vay. Chiếc máy ép thứ hai nhanh chóng được mang về lắp đặt, hai chú sinh viên nữa được tăng cường. Buổi sáng, khi Bùi Khoái đi qua sân trường để đến xưởng, mấy em sinh viên nhấp nháy nhau nhìn chiếc mũ nồi đỏ rồi chào đon đả :
          - Em chào thày chủ xưởng, thày cho em đăng ký một đôi lốp nhé !
          Bùi Khoái vỡ ra cười, vui sướng. Anh thấy cái tên “thày chủ xưởng” thật dễ mến và rất đỗi tự hào.
          Hai chiếc máy ép đều đặn cho ra từng chiếc lốp. Bùi Khoái cho mua giấy thấm dầu về quấn từng chiếc lại rồi xếp chúng chồng lên nhau gọn trong một góc xưởng. Việc sản xuất đi vào nề nếp, tỏ ra đầy triển vọng. Một hôm, vừa dạy xong 3 tiết buổi chiều về độ võng của kết cấu, Bùi Khoái vội vã chạy ngay đến xưởng. Bây giờ chỉ một hôm không ngửi mùi khét cao su là anh đã thấy cồn cào. Không mấy đêm Bùi Khoái không nằm mơ thấy những chiếc lốp xe của mình xếp hàng lăn tròn trên thảm cỏ mướt xanh. Sáng dậy, khi bôi kem đánh răng Ngọc Lan vào bàn chải, anh ta nghĩ đúng là nằm mơ, nhưng lạ, có khi nào lốp xe  lại tự lăn được trên thảm cỏ, cứ lăn mãi rồi biến hóa thành một vòng xoáy đỏ au trước mặt Bùi Khoái. Bước vào trong xưởng Bùi Khoái phấn chấn hỏi to :
          - Thế nào các chú, công việc tốt cả chứ ?
          Ba chú công nhân, theo cách gọi thân mật của thày chủ xưởng, đang miệt mài làm việc. 3 chiếc bóng điện 100 oắt có vẻ sáng hơn thường ngày. Như một người nghiện, Bùi Khoái hít sâu mùi cao su quen thuộc, tiện tay nhấc một chiếc lốp mới lên ngắm, hài lòng nhận xét :
          - Tốt đấy, ăn đứt lốp Sao Vàng rồi !
          Lúc này, một sinh viên tiến lại gần Bùi Khoái, nét mặt đầy vẻ ái ngại.
          - Thày à, em vừa nghe nói…
          - Lại nghe chuyện mình đến công ty Kim khí Hóa chất tìm hiểu về giá cả chứ gì ! Biết ngay mà. Các cậu cứ yên tâm, mọi cái sẽ tốt nếu như tớ không nói là rất tốt.
          Cậu sinh viên chưa hết băn khoăn.
          - Không phải, em nghe nói là…
          - Cậu nghe được cái gì mà có vẻ bí hiểm thế ?
          - Em nghe nói xưởng của mình phải dừng hoạt động.
          Bùi Khoái đang ngồi xổm xem mấy chiếc lốp, nghe nói thế liền bật dựng đứng, như chiếc lò xo ép bung lên.
          - Cái gì, cậu nói cái gì ?
          - Người ta nói xưởng của mình phải dừng hoạt động.
          Bùi Khoái nhẩy cẫng lên như đỉa phải vôi, túm lấy chú sinh viên, nói oang oang :
          - Làm gì có chuyện ấy. Cậu nghe ai nói ?
          - Là thày Trịnh Hùng nói sáng nay. Thày Trịnh Hùng nói chắc phải đúng.
          Bùi Khoái đứng ớ ra. Anh vừa gặp Trịnh Hùng trên khu giảng đường, anh ta cũng có lớp chiều nay. Bây giờ nhớ lại, Bùi Khoái thấy ngờ ngợ về cái nhìn của Trịnh Hùng. Lúc ấy Trịnh Hùng đi ngang qua và đã ném vào mặt anh một cái nhìn rất lạ lùng. Đất nước này là xứ sở của toàn những tin đồn, nhưng nếu đấy là một tin đồn liên quan đến cái xưởng của mình do Trịnh Hùng tung ra thì Bùi Khoái không thể yên tâm. Nhìn đồng hồ mới có 5 giờ kém 15 phút, Bùi Khoái vội vàng đi tìm ông Trần Đại. Ông Trần Đại đang đút mớ tài liệu vào chiếc cặp da, chuẩn bị khóa cửa phòng để ra về. Thấy Bùi Khoái hớt hải xộc vào, ông vứt chùm chìa khóa lên mặt bàn nghe đánh xoảng. Lần này ông  không bỏ gói chè Hồng Đào ra. Chiếc bếp điện mai xo bụi bậm lạnh lẽo nằm im lặng ở xó phòng. Ông cũng không gọi Bùi Khoái là đồng chí. Trông ông kém vui hẳn, những nếp nhăn trên trán hằn sâu xuống khi trả lời câu hỏi của anh :
          - Cái xưởng đó không phù hợp với chức năng nhiệm vụ của đơn vị nên phải dẹp bỏ, cậu cũng hiểu thế mà. Lại có đơn tố cáo cậu đánh cắp kỹ thuật làm lốp xe đạp, cái xưởng cậu lập ra không theo đúng quy luật kinh tế xã hội chủ nghĩa.Vậy phải dẹp bỏ, đơn giản vậy thôi. Việc này phải làm thật nhanh. Cậu về động viên các em sinh viên nhanh chóng trả lại ngay mặt bằng cho bên Vật lý. Để dây dưa người ta lập đoàn thanh tra xuống thì thật phiền phức.
          Ông Trần Đại nói thong thả, rõ ràng, đúng cái giọng của một thày giáo luôn sợ sinh viên không hiểu mình giảng giải cái gì. Còn đối với Bùi Khoái, mỗi tiếng thốt ra từ miệng ông bây giờ chẳng khác nào tiếng búa máy nện vào đầu. Hóa ra cái tin đồn của Trịnh Hùng là một tin chính xác.
          - Nghiêm khắc kiểm điểm thì đúng là chúng mình vì muốn làm kế hoạch 3 nên đã vượt rào, đã làm cái việc không phải chức năng nhiệm vụ. Còn nói tại đời sống khó khăn, thì cả nước đang khó khăn chứ đâu chỉ một đơn vị ta. Thôi, cậu về thực hiện nghiêm quyết nghị ở trên. Mọi việc dừng ở đây nhé. Cố mà thu xếp cho gọn gàng.
          Ông Trần Đại vớ lấy chùm chìa khóa trên mặt bàn trong khi Bùi Khoái còn đứng há hốc mồm, đau đớn như có hòn đá to chẹn ngang họng khiến anh không cất được lời nào. Nhìn bộ mặt thiểu não dài đuỗn ra của anh chàng tổ trưởng công đoàn vốn năng nổ và nhiệt tình, ông Trần Đại chợt nhớ đến cành phượng trước sân trường, hoa đang rực lửa thì bị cơn bão số 4 quật gẫy hè vừa rồi, nằm héo rũ. Tất cả những gì anh ta vừa mới xây dựng nên, những gì anh ta ra sức vun vén bằng sức lực, trí tuệ, tinh thần và tiền bạc bỗng phút chốc sụp đổ, tan tành như bọt biển. Tiếc quá, ông Trần Đại cũng thấy tiếc cho những thành công dang dở này. Tiếc nhưng không làm gì được, biết nói gì với anh ta. Bùi Khoái thẫn thờ định quay ra thì bỗng nhớ có lần Trịnh Hùng đã nói đến chuyện đi nghiên cứu sinh. Anh liền hỏi vớt vát :
          - Em nghe Trịnh Hùng nói năm nay có xuất đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô ?
          Không tỏ ra ngạc nhiên, ông Trần Đại nói :
          - Cái cậu Hùng này tài thật, gì cũng biết. Đúng là bộ môn được phân một xuất nhưng chưa dự kiến cử ai. Thật ra thì mình có nghĩ tới cậu, nhưng mới là nghĩ tới thôi,  còn biết bao nhiêu chuyện.
          Bùi Khoái thất thểu đi ra, lòng buồn rười rượi như người vừa mất của. Mà đúng là người mất của, chẳng phải sau hơn một tháng hao tâm tổn lực, Bùi Khoái bỗng dưng trở thành người trắng tay, không những đã mất hết những thứ đồ tích cóp được sau 6 tháng đi nước ngoài mà còn ôm vào một khoản nợ lớn, nợ lãi hẳn hoi. Trở về xưởng, anh ta đứng ngây thộn trước hai cái máy ép và một đống cao su non, lúc này chúng lặng im một cách ngang ngược thách thức. Bên ngoài sương chiều đã giăng mờ, một chú ve cà cộ trên cành cây xà cừ ven xưởng vẫn còn cố gáy nốt bản nhạc cuối hạ, gáy ra rả như là muốn níu giữ mùa hè ở lại, không hề biết chuyện gì đang xẩy ra với những con người trong xưởng. Bùi Khoái bước ra khỏi xưởng, lòng nặng nề như người phải bước ra khỏi những mơ ước tốt đẹp, không dám quay lại nhìn cánh cửa cót ép vừa khép, đứng trơ mắt trông cây xà cừ có tán lá xanh rì mà không nghe thấy tiếng ve kêu vỡ vụn vào chiều tối oi bức.
          Những người trong bộ môn, kể cả bí thư Trần Đại, đều tỏ ra thông cảm và động viên Bùi Khoái nhưng không ai có thể chia sẻ với anh những mất mát tiền của. Riêng Trịnh Hùng thường nhằm lúc vắng mặt Bùi Khoái để nói về việc bỗng dưng xưởng làm lốp xe đạp bị dừng hoạt động. Theo cách phân tích của anh ta, điều đó có nghĩa là Bùi Khoái mất hết, không chỉ tiền bạc, uy tín mà còn cả bước đường phấn đấu nữa. Việc xét đối tượng đảng cho Bùi Khoái đã khó vì cái mũ nồi đỏ, nay càng khó vì chuyện cái xưởng. Cho chết ! Trịnh Hùng nghĩ như thế khi anh ta đứng trước cửa lớp, lơ đãng nhìn đám sinh viên ríu rít qua lại.
          Giữa lúc  nắng tháng 8 đốt giám trái bưởi và mọi việc đang rối bời thì Bùi Khoái nhận được bức thư ngắn ngủi của người anh bộ đội gửi từ Tây Ninh ra. Thư viết :
          “Gửi chú Khoái,
          Thư này anh gửi chú từ chiến trường K đang ác liệt. Anh rối ruột nhận được thư chị dâu viết cách đây hai tháng, cho biết ở nhà bố ốm lắm, chị dâu bây giờ đau khớp đi lại khó khăn, con bé cháu Hoàng Thu năm nay vào lớp hai. Trước mắt anh phải nhờ chú chạy ít tiền gửi về lo thuốc thang cho bố và cho chị đồng thời sắm cho cháu ít quần áo vào năm học mới. Vắn tắt thế thôi còn chuẩn bị hành quân, chúc chú thím mạnh khỏe, may mắn.
          Anh Bùi Khoai”
          Việc người anh nhờ khó quá, làm thế nào Bùi Khoái có thể chạy được tiền vào những ngày này. Tuy nhiên anh không thể từ chối. Trong thâm tâm, Bùi Khoái luôn nghĩ mình có một món nợ lớn đối với anh trai Bùi Khoai. Thời chiến, nếu một nhà có 2 anh em trai thì một người phải đi nghĩa vụ. Chính anh Bùi Khoai đã giành lấy phần đi bộ đội để Bùi Khoái được ở lại học đại học. Bây giờ đang lúc ở chiến trường ác liệt, luôn đối mặt với cái chết, anh chỉ nhờ có việc ấy mà không làm được thì không còn mặt mũi nào. Thế là Bùi Khoái bị dồn vào ngõ cụt, trông anh lúc nào cũng  tóc tai phờ phạc, lo lắng ngẩn ngơ như người mất hồn.
           Ông Trần Đại cũng thấy mình phần nào liên đới trong chuyện lập xưởng sản xuất lốp xe đạp. Chính ông là người đã ủng hộ Bùi Khoái nhiều nhất. Bởi vậy, khoảng hai tháng sau, khi đất trời đã sang hẳn tiết thu, ông Trần Đại gọi Bùi Khoái lên phòng mình.
          - Tôi rất thông cảm với khó khăn của Bùi Khoái nên muốn có một gợi ý,  cậu có muốn nghe không ?
          - Bây giờ còn có người thông cảm với em là quý lắm rồi. Thày cứ nói, em nghe.
          Ông Trần Đại bất thình lình nói, không ra khẳng định, cũng không ra hỏi :
          - Hay là cậu đi nước ngoài một chuyến.
          Bùi Khoái lơ ngơ chưa hiểu câu chuyện, dương mắt hỏi lại :
          - Có đoàn à thày ?
          - Không có đoàn. Cũng không có xuất nghiên cứu sinh nào cả. Nếu cậu muốn cải thiện tình hình hiện nay của cậu thì đi theo tiêu chuẩn hợp tác lao động.
          Bùi Khoái bập ngay lấy :
          - Hay quá ! Nhưng em không phải công nhân, làm sao đi hợp tác lao động được ?
          - Nếu cậu thật sự muốn thì hãy đến gặp và trao đổi với anh Sáu, trưởng phòng tổ chức cán bộ, anh ấy sẽ hướng dẫn cụ thể. Tôi đã trao đổi qua với anh ấy.
          Ông Trần Đại dừng lại, tháo chiếc kính lão đặt lên bàn, nét mặt dãn ra thoải mái như là vừa tháo gỡ được một điều gì vướng bận trong lòng.
          - Đó là tất cả những gì tôi có thể giúp được cậu, Khoái ạ. Cậu nên nhanh chóng gặp anh Sáu đi kẻo lại lỡ.
          Bùi Khoái cảm động suýt bật khóc trước sự quan tâm chân thành của người thày giáo cũ, cũng là người thủ trưởng trực tiếp của mình. Anh bắt tay ông thật chặt để bày tỏ tình cảm biết ơn rồi vội vã chạy đi. Nhìn cái dáng tất bật của Bùi Khoái, ông Trần Đại ái ngại lắc đầu, lẩm bẩm :
          - Người đâu lúc nào cũng vội vội vàng vàng, cứ sủi lên sùng sục.
          Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Phạm Sáu cũng là sinh viên cùng thời với Bùi Khoái, học chế tạo máy, cả hai đều có điểm tốt nghiệp xuất sắc, chỉ khác là  không hiểu sao anh này lại  bắt đầu bằng việc xin làm cán bộ tập sự ở  phòng tổ chức trong khi Bùi Khoái được phân về Viện. Một điểm khác nhau nữa là sau nhiều năm công tác, bây giờ Bùi Khoái vẫn chỉ là anh cán bộ giảng dạy quèn còn Phạm Sáu đã là trưởng phòng tổ chức, nhiều lần đi nước ngoài, trong khi Bùi Khoái vẫn đạp chiếc xe spút-nhích mua được khi qua Liên Xô lúc đi Bun-ga-ri thì Phạm Sáu đã đi chiếc xe máy Sim Sơn Đức màu đỏ chót. Ít khi có dịp gặp gỡ nhưng họ không lạ gì nhau, nhất là Phạm Sáu biết rất rõ về Bùi Khoái, bởi vậy khi Bùi Khoái đến họ đã chuyện trò cởi mở.
          - Tôi biết thế nào ông cũng đến. Ông Trần Đại đã trao đổi với tôi rồi.
          - Thế à, ông ấy nói những gì ?
          - Thì gửi ông cho tôi chứ còn gì nữa. Để ông làm một cú dài ngày.
          Bùi Khoái vẫn còn xúc động khi nhắc tới Trần Đại :
          - Ông ấy tốt quá, tận tình lắm, thật hiếm có người như vậy.
          Phạm Sáu nâng chén chè vừa pha đưa mời Bùi Khoái, nói :
          - Hôm ông Trần Đại hỏi tôi có xuất nghiên cứu sinh nào không, tôi bảo thời gian tới có một xuất. Nhưng nói thật nhé, chẳng đến lượt ông đâu. Đã có người giấm rồi. Ông muốn xuất ngoại bây giờ thì chỉ có 2 cách, một là đi làm chuyên gia dạy toán ở An-giê-ri, hai là đi hợp tác lao động. Nếu đi An-giê-ri thì ông phải học tiếng Pháp, tập trung học nhanh cũng mất 6 tháng, thông thường phải một năm, sau đó người ta kiểm tra, đứng trên bục giảng được bằng tiếng Pháp  mới được nhận.
          Dừng lại nhấp hớp nước rồi Phạm Sáu lại hỏi :
          - Ông nói tiếng Nga nhỉ ?
          - Cũng tàm tạm-Bùi Khoái trả lời.
          - Đi hợp tác lao động thì khả dĩ hơn. Theo các văn bản hướng dẫn, ông có thể đi vào xuất 5 phần trăm của những người có trình độ đại học, gọi là cán bộ kỹ thuật, đi làm đội trưởng, làm phiên dịch ở các nước mình có lao động theo Hiệp định như ở Liên Xô, Đức, Tiệp Khắc... Tuy nhiên phải là người đã từng học ở đấy, có thế mới phiên dịch được chứ.
          Phạm Sáu dừng lại, rút bao thuốc Điện Biên bao bạc ra mời nhưng Bùi Khoái không hút mà chỉ ngồi lắng nghe rồi sốt ruột hỏi :
          - Thế thì hỏng rồi, tôi có được học ở những nước này bao giờ đâu.
          - Từ từ đã ! Trường hợp của ông có thể đi Liên xô vì ông biết tiếng Nga. Nhưng đi Liên Xô lần này phải đợi lâu trong khi Đức, Tiệp trong năm nay là chắc có đợt.
          Bùi Khoái nôn nao :
          - Vậy làm thế nào để tôi đi được ?
          - Rồi đâu có đó. Kế sách là cứ phải đầu xuôi đuôi lọt. Đẩy cho mấy đứa trong tiêu chuẩn đi trước, đấy là đầu xuôi, sau mình kèm vào, đấy là đuôi lọt. Tôi đã tính rồi, trước mắt ông phải chịu khó làm anh nhân viên của tôi, chạy lên chạy xuống với Tổ chức Bộ. Cho nó quen đi, ông hiểu không. Không phải quen việc đâu, quen tiếng ấy, khi đề xuất người ta dễ thông cảm. Cứ chuẩn bị cuối năm, về mà thu xếp với vợ, nghe nói sắp đẻ đúng không ?
          - Mới có mấy tháng.
          - Lo gì, đi sang  chịu khó làm ăn một năm là thay đổi tình hình ngay ấy mà.
          - Được thế quá tốt, xin chịu ơn ông.
          Phạm Sáu cười hồ hởi :
          - Ơn huệ gì, khi có tiền thì mua cho tôi khẩu súng hơi 9 cân là được rồi.
          Phạm Sáu trố mắt ngạc nhiên nhìn mặt Bùi Khoái méo xệch đi, dở khóc dở cười, ấy là vì trong lòng đang rất cảm động và biết ơn đối với những người đã quan tâm đến anh ta như ông Trần Đại và Phạm Sáu. Vốn dĩ là một người hoạt khẩu, bao giờ nói năng cũng lưu loát mà Bùi Khoái đứng trơ ra trước lời đề nghị của Phạm Sáu, cái mũ nồi đỏ vo tròn trong tay, ấp úng mãi mới nói được :
          - Ồ, tưởng gì chứ khẩu súng hơi thì có gì đâu, dễ thôi mà !
          Bùi Khoái không biết giá một khẩu súng hơi 9 cân ngang ngửa với giá một chiếc máy ép lốp xe đạp, cũng không biết đấy là cách mà mỗi người được xuất ngoại trả ơn cho những người có quyền thu xếp cho mình đi.
          Sau khi hoàn tất hồ sơ, Bùi Khoái nằm nhà thắc thỏm chờ đợi. Quả nhiên cuối năm ấy có 6 xuất đi làm đội trưởng gồm 2 xuất đợi đi Liên Xô, 1 xuất đi Cộng hòa Dân chủ Đức, 3 xuất đi Tiệp, Bùi Khoái được xếp chen vào 1 trong 3 xuất ấy. Buổi tối trước hôm lên đường là một tối cuối thu mất điện nhưng có trăng, vầng trăng muộn để lọt qua ô cửa sổ những khoảng sáng lạnh nhưng đẹp. Bùi Khoái ngồi dựa vào tường để cho Thanh dựa lưng vào lòng mình, hai tay vòng ôm bụng vợ. Đứa con trong bụng thỉnh thoảng cựa quậy khiến anh thấy nó như muốn nắm lấy tay anh bằng những ngón tay còn quá bé nhỏ và non nớt. Chẳng có lẽ bằng cử chỉ ấy nó đã biết nói với anh hãy ở nhà với mẹ con nó. Bùi Khoái bỗng thấy mình như người có lỗi khi không còn đỡ đần được Thanh. Anh ta thở dài :
          - Anh đi, một mình em ở nhà sẽ vất vả, tự mình lo sinh nở, lo tết nhất phải về nhà nội nhà ngoại thay anh. Thương lắm nhưng anh phải ra đi, không đi thì không biết làm thế nào thoát khỏi hoàn cảnh bây giờ.
          Thanh đặt hai ngón tay chặn lên miệng  chồng.
          - Anh nói những chuyện này mãi rồi. Xổng ra được thì cứ yên tâm mà đi, em ở nhà tự lo được hết.
          - Anh cũng nghĩ thế. Nghĩ thế nhưng sao vẫn cứ thấy không yên tâm.
          - Được rồi, em sẽ thu xếp về Hải Phòng thăm ông trước khi sinh em bé. Này nhé, nếu là bé trai thì anh thích đặt tên con là gì ?
          Thanh ngả đầu ngước mắt nhìn Bùi Khoái, hai mắt cô mở to, long lanh và ướt át trong cái lấp lóa của ánh trăng mờ. Bùi Khoái bật cười, nhớ đến cái bàn tay bé xíu của con trong bụng mẹ, nửa đùa nửa thật :
          - Bố là Khoái thì con trai phải là Chí, Khoái Chí mà không hay à !
          - Thế nếu là con gái ?
          - Mẹ là Thanh con gái là Thủy có được không !
          Một ngọn gió thu se se thổi hất mái tóc Thanh lòa xòa lên má Bùi Khoái, anh ta vội cúi xuống hít lấy cái mùi lá hương nhu vương ra. Thanh mới gội đầu buổi chiều, tóc còn chưa khô hẳn, còn giữ nguyên mùi thơm vườn tược này. Thanh không phải là tình yêu đầu tiên của Bùi Khoái, anh ta có một cô nàng trong mơ từ hồi còn học lớp 8 phổ thông, tuy chỉ là tình yêu học trò mà cứ ôm ấp nó mãi. Đến khi về trường Bùi Khoái mới gặp Thanh làm ở phòng thí nghiệm, lúc ấy cũng chỉ là để ý đến một cô gái xinh tươi có hai núm đồng tiền trên đôi má trắng xanh. Một lần Thanh ốm mệt, Bùi Khoái đến thăm, khi về Thanh không tiễn, buồn quá nên anh chàng  hay viết bích báo mới làm mấy câu thơ dỗi thế này :
          “Từ nhà ra ngõ bao xa
          Sao em nỡ để anh ra một mình.
          Dẫu không có nghĩa có tình
          Cũng là khách đến nhà mình em ơi”
          Lúc bấy giờ còn đang ở tập thể, cái mốt của những anh ở tập thể là có cái gì thường hay nhét xuống dưới chiếu ở đầu giường. Bùi Khoái cũng làm thế với bài thơ của mình. Tưởng đã là kín, không ngờ người bạn cùng phòng tên là Thành trong lúc tìm giấy đi nhà xí vớ được. Bùi Khoái và Thành không thật thân thiết nhưng hai người cùng ở phòng tập thể, nằm cạnh giường nhau nên hay chia sẻ những chuyện tình cảm. Đọc được mấy câu của Bùi Khoái, Thành thích chí làm mấy câu thơ đối lại thật đáo để :
          “Từ nhà ra ngõ không xa
          Tự anh mò đến nên ra một mình
          Lấy đâu ra nghĩa ra tình
          Chia cho khách đến nhà mình anh ơi”
          Sau đó Thành đem phát tán bài thơ, ai cũng biết chuyện Thanh và Bùi Khoái. Tình yêu Bùi Khoái dành cho Thanh thật thà, không hòe sói lãng mạn. Thanh cảm nhận được điều đó, đón nhận nó với một niềm tin yêu giản dị nhưng sâu sắc.
          - Nghe kể sang Tây nhiều gái lắm, anh nào cũng léng phéng.-Thanh ghì mặt chồng sát mặt mình, nói. Em cấm anh đấy nhé, đừng có lấy cớ này cớ nọ rồi ghép đôi lung tung.
          Bùi Khoái hôn vợ một cái thật dài rồi nói :
          - Anh chỉ  một mình em thôi.
          - Gớm, ai ôm hôn vợ mà chẳng nói như anh ! Người ta bảo con gái đi Tây chẳng khác gì cái xe đạp không khóa đem để ở Bờ Hồ, ai cũng cưỡi được.
          Bùi Khoái cãi lại yếu ớt :
          - Đâu phải ai cũng thế. Oan cho người ta.
          Thanh nói trong tiếng thở dài :
          - Anh đi rồi, xa nhau biết đến bao giờ mới gặp lại.
          Bùi Khoái ôm riết lấy vợ, dứt khoát :
          - Thời gian đi nhanh lắm, vèo cái là hết 4 năm, anh lại về với em.
          Ý nghĩ về sự chia ly làm cho Bùi Khoái bâng khuâng, trằn trọc suốt đêm. Khi thiếp đi, Bùi Khoái thấy rõ mình nằm mơ. Mơ mà thật như tỉnh. Những bông tuyết trắng muốt to hơn những cánh hoa hồng bạch đua nhau rơi lả tả, rừng Tai-ga rộng mênh mông trong bài học địa lý năm nào bỗng hiện ra, tuyết trắng phủ dày, trên tấm thảm tuyết bao la hằn rõ những dấu chân đơn độc thụt xuống sâu hoắm thành những cái hố nhỏ đen ngòm, những dấu chân kỳ lạ ấy nối tiếp theo nhau thành một hàng dài rồi biến mất vào mầu trắng.

        
 

         Chương 2

          Bùi Khoái cùng đoàn gần một trăm người đi hợp tác lao động đến thủ đô Pra-ha nước Tiệp Khắc vào mùa đông năm 1983, khi tuyết rơi phủ trắng trên các nóc nhà. Đại diện nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô Pra-ga  mặc áo khoác dạ màu đen, đi giày lông đen ra đón đoàn, tuyết bám trắng cả chiếc mũ lông đen đội trên đầu. Ông ta vội vã đưa mọi người về ký túc xá để tránh cái rét âm 12 độ, chia đoàn thành từng tốp nhỏ vào các phòng ngủ, còn đang lục xục chưa kịp chợp mắt thì trời đã sáng. Khoảng 9 giờ, một cán bộ của nhà máy đến cùng với một nữ phiên dịch tập hợp mọi người, phổ biến :
          - Theo tiêu chuẩn, các anh các chị sẽ có mỗi người 900 cu-run mua sắm quần áo và đồ dùng cá nhân thiết yếu. Hôm nay nhà máy sẽ đưa các anh các chị tới cửa hàng mậu dịch chọn mua đồ mặc ấm vì mùa đông ở Tiệp Khắc rất rét. Việc này chỉ làm trong ngày hôm nay, sáng mai các anh các chị đã phải đi đến lớp học tiếng ở tỉnh Mla-da Bô-lê-xláp, cách Pra-ha khoảng 50 cây số.
          Một cô gái cũng đội chiếc mũ nồi như Bùi Khoái nhưng là màu đen, vừa xoa bàn tay tê cóng vừa quay sang hỏi người bên cạnh :
          - 900 cu-run có nhiều không anh, bằng bao nhiêu tiền Việt ?
          Anh thanh niên tỏ ra thành thạo :
          - Chỉ cần thêm khoảng 200 cu-run nữa là mua được một chiếc xe đạp e-xka. Nếu đem đổi ra tiền Việt thì bỗng dưng mình mua được hơn tấn thóc.
          Cô gái xuýt xoa rồi bỗng giơ cao bàn tay đỏ mọng lên xin nói, dáng vẻ rất bạo dạn :
          - Xin hỏi tí, chúng tôi không mua hết quần áo thì có được rút tiền ra không ?
          Sau khi nghe dịch xong anh bạn người Tiệp trả lời :
          - Các anh các chị không được mua quá số tiền 900 cu-run, tuy nhiên nếu mua ít hơn thì cũng không được rút tiền ra.
          Mọi người được dẫn ngay đến cửa hàng mậu dịch, tầng dưới bày bán đồ nam, tầng trên đồ nữ. Họ tản ngay ra chọn đồ, ồn ào như một đàn ong, tất nhiên  không ai không tiêu hết số tiền 900 cu-run. Bùi Khoái lấy một chiếc áo blu-dông xanh độn bông nhân tạo nhẹ bẫng mà mấy người trong đoàn gọi là áo phao. Anh ta còn chọn một chiếc áo len cao cổ màu cỏ úa, một chiếc áo vét màu đen và một chiếc mũ lông có tai bịt. Khi tính tiền thấy còn thừa ra một ít, cô bán hàng nhoẻn cười bảo anh có thể lấy thêm đôi găng tay da, thế là vừa xoẳn số tiền 900 cu-run trong tiêu chuẩn.
Sáng hôm sau nhà máy đưa cả đoàn về trường dạy tiếng. Họ được sắp xếp cho ở trên tầng 3 và tầng 4 một dãy nhà khang trang trong  khu vườn rộng phủ dầy tuyết có những cây bạch dương mọc thẳng đứng chỉ còn lơ thơ lá. Các tầng 1 và 2 đều là lớp học, cửa kính lớn để cho ánh sáng bên ngoài lọt vào chiếu sáng lên các mặt bàn học sinh bằng gỗ sơn màu sữa. Lớp của Bùi Khoái hơn 40 người chia làm 2 phân lớp, mỗi phân lớp 20 người gồm cả nam và nữ, người có chồng, kẻ có vợ, có người mới chỉ 18, 20. Một anh chàng Nghệ An trông xương xẩu, hồn nhiên tự khai đã hạ tuổi từ 40 xuống 35 để được tuyển. Anh này cậy mình lớn tuổi nhất, lại là đảng viên nên hay ra điều chỉ bảo, nhiều khi át cả vai trò đội trưởng của Bùi Khoái. Bùi Khoái chỉ cười mà không tỏ thái độ bực tức. Một hôm có đông đủ cả lớp trong hội trường, anh này đứng lên hua tay tuyên bố :
- Thôi nhá, từ nay trở đi nhiều tuổi cũng như ít tuổi đều không tính nữa, ai cũng đều là trai tơ gái mầm hết. Rõ chưa ? Bởi vậy đừng có gọi tôi bằng chú !
Anh ta nhe bộ răng vẩu ra cười trong mấy tiếng vỗ tay lẹt đẹt.
Lớp ngoại ngữ này sẽ học liên tục trong 3 tháng, nghĩa là họ sẽ ở đây suốt cả mùa đông đầu tuyết rơi. Cái gì đối với họ cũng đều mới, đều lạ, ai ra đường cũng đều ngơ ngác nhìn, chẳng khác gì trâu nhìn tàu hỏa. Tuy vậy, họ thích ứng cũng nhanh, mau chóng gắn kết lại với nhau, vui vẻ và hồ hởi hưởng thụ cuộc sống mới. Gian hội trường rộng rãi đã nhanh chóng biến thành một cái câu lạc bộ chuyên hội hè, bia bọt, nhất là vào một đôi dịp sinh nhật. Họ mua nước uống, bánh kẹo về liên hoan, mua hoa tặng nhau, hát hò ầm ĩ. Anh chàng khai man tuổi xách đâu về một cái đài cát-xét 2 cửa, lắp băng Áp-ba rồi hò nhau ra nhảy nhót tứ tung trong tiếng nhạc chát xình chát bùm náo loạn. Bùi Khoái thấy các thày cô giáo Tây đi ngang qua đều mặc kệ, có ai để ý cũng chỉ im lặng đứng nhìn. Có lẽ họ đã quá quen với khung cảnh náo nhiệt này của những học trò người Việt. Bùi Khoái cũng phải quen dần, không thể cứ giữ mãi cái vẻ đạo mạo của người thày trước học sinh. Tuy vậy anh ta vẫn tìm được cho mình những phút riêng tư. Những lúc chờ vào lớp, Bùi Khoái thường chạy ra vườn, vục tay vốc lên một vốc tuyết, nắm chặt lại rồi đưa lên ngơ ngác nhìn cái quả cầu trắng tròn trong tay mình. Anh ta thấy lạ lùng với ý nghĩ mình đang ở xứ sở của tuyết, đã rời xa nơi có bốn mùa nóng ấm với những hàng cây xanh tốt quanh năm dưới ánh nắng mặt trời rực rỡ để bắt đầu cuộc sống ở một đất nước hoàn toàn mới lạ này.
Ngồi vào chỗ, Bùi Khoái nhìn ngay thấy mấy chữ khắc lên mặt bàn bằng đầu bút bi màu đỏ “Kỷ niệm Bạch Tuyết đã ở đây”. Vậy là có cô Bạch Tuyết nào đó đã ngồi cùng bàn này trước anh nhưng không biết từ bao giờ. Có tiếng chuông reo, mọi người nhìn nhau hồi hộp đón chờ cô giáo. Trông mái tóc vàng ươm chải gọn gàng và dáng điệu đi đứng điềm đạm, có thể đoán cô giáo khoảng 40 tuổi, hoặc trên dưới một chút. Cô bước vào lớp, cởi bỏ chiếc áo lông màu da cáo để lộ một vóc dáng vẫn còn xinh xắn trong bộ váy hoa cà hết sức duyên dáng. Cả lớp đứng lên chào. Chắc đã dạy nhiều lớp cho người Việt Nam nên cô không mấy ngạc nhiên trước tư thế nghiêm nghị của hơn 20 học sinh, những người đều có mái tóc đen, màu da vàng và khuôn mặt hao hao giống nhau, hầu như tất cả đều mặc áo vét từ một lò ra,  duy chỉ có một điểm khác biệt là các màu áo, người khoác áo màu xanh đậm, người màu xanh nhạt, người có màu đen. Khi cô giáo vừa bước vào, cả lớp nhận ra một mùi thơm nước hoa nhẹ nhàng và quyến rũ thoáng lan tỏa. Cô  đưa đôi mắt có màu xanh ngọc bích liếc nhìn những  học sinh như vừa đến từ một vùng hoang dã, cúi đầu chào lại, vẫy tay cho mọi người ngồi xuống, bập bẹ nói mấy câu tiếng Việt, đôi môi tô son đỏ mở ra khép lại một cách ngọng nghịu :
          - Xin chào các bạn. Tôi rất vui được đón chào các học sinh mới. Tôi tên là Mô-níc-ka.
          Trừ Bùi Khoái, số học viên còn lại đều lần đầu ra khỏi biên giới hình chữ S,  rất phấn khích khi thấy một cô giáo Tây nói tiếng ta nên vỗ tay rào rào tán thưởng. Tất nhiên, vốn liếng tiếng Việt của cô giáo Mô-níc-ka cũng chỉ bó lại có ngần ấy câu, thế nên khi vào bài học cô chuyển ngay sang tiếng Tiệp, những người vừa mới đây còn vỗ tay reo vui thì nay không ai biết cô nói gì, ngồi nghệt mặt, trông ngớ ngẩn đến tội nghiệp. Trước tình thế ấy, cô giáo Mô-níc-ka hỏi bằng tiếng Nga :
          - Các bạn có ai biết tiếng Nga không ?
          Bùi Khoái đứng bật dậy, nhanh nhẹn thể hiện vai trò đội trưởng trước sự thán phục của anh chàng khai man tuổi và của cả lớp.
          - Tôi có biết chút ít tiếng Nga.
          - Tốt, vậy trong một vài buổi học đầu, anh sẽ giúp phiên dịch cho mọi người. Chương trình học tiếng 3 tháng của chúng ta là do nhà máy soạn ra, sẽ chia làm hai phần chính, phần đầu giúp các bạn có thể trao đổi trong sinh hoạt, ví dụ như chào hỏi, đi xe buýt, đi chợ mua thức ăn...Phần hai sẽ giới thiệu một số từ chuyên môn về máy móc, kỹ thuật. Thời gian có ít nên tôi mong tất cả các bạn cố gắng, trừ buổi đầu thông qua tiếng Nga, còn lại tất cả phải nghe và nói tiếng Tiệp. Hôm nay chúng ta  sẽ học một số từ chào hỏi sau đây : Đô-bry đen là xin chào, Đê-ku-ju vam là cám ơn, Prô-mil-te là xin lỗi. Mọi người hãy đọc theo tôi : Đô-bry đen !
          Cứ như thế việc học tiếng dần đi vào nề nếp và trôi chảy hơn, cô giáo Mô-níc-ka chỉ có chút phàn nàn về nỗi khó nhọc phải chữa âm cho mấy anh nói ngọng. Một anh ngọng nói toạc ra trước lớp, rằng “ tôi không hiểu cô giáo cố công chữa mấy âm ngọng nàm gì, đến thày giáo trưởng phòng giáo dục huyện tôi còn lói chúng ta phải nắng nghe học sinh, nắng nghe ý kiến phụ huynh lữa nà” !
Bùi Khoái thường tranh thủ giờ giải lao để nói chuyện với cô giáo bằng tiếng Nga. Anh rất thích bởi vì ít khi được nói tiếng Nga với người nước ngoài. Có lần vui chuyện, cô giáo Mô-níc-ka hỏi anh :
          - Bùi Khoái học tiếng Nga ở đâu mà thạo thế ?
          Bùi Khoái liền tuôn ra một tràng, có vẻ như một bài khóa tiếng Nga nào đấy mà anh ta đã học thuộc lòng từ hồi nhà trường đi sơ tán ở Lạng Sơn.
          - Tôi học tiếng Nga dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, từ phổ thông đến khi vào đại học. Khi đi sơ tán trong rừng chiến khu, chúng tôi học tiếng Nga và các môn khác dưới bom đạn của máy bay Mỹ. Chính trong hoàn cảnh bom đạn ác liệt ấy mà chúng tôi đã được đào tạo trở thành người kỹ sư vừa hồng vừa chuyên.
          Cô giáo Mô-níc-ca lặng lẽ mỉm cười, cái cười rất độ lượng, đôi lúc gật đầu động viên người nói nhiều hơn là để bày tỏ sự cảm phục. Hóa ra anh chàng đang đứng trước mặt cô là một kỹ sư. Có vẻ như các học sinh của cô ai cũng có nhiều điều kể về chiến tranh, bom đạn và chết chóc. Cô Mô-níc-ca có nhận xét như thế bởi vì khi cô hỏi về chuyện tình Rô-mê-ô và Juy-li-ét, chuyện A-lít-xơ ở xứ sở thần tiên hay những chuyến du lịch xuyên châu Âu thì họ đều ngô ngọng, không biết gì. Kiên trì đợi Bùi Khoái kết thúc bài diễn văn khoe khoang ấy, cô giáo Mô-níc-ka mới hỏi, trong lòng có chút nể phục :
          - Anh là kỹ sư gì ?
          - Tôi là kỹ sư  sức bền vật liệu.
          - Tôi không hiểu gì về sức bền vật liệu, chắc đó phải là một chuyên môn khó và lý thú.
          - Vâng, đúng thế. Khi tôi dạy ở đại học, các sinh viên đều nói môn này khó.
          - Anh đã từng dạy đại học ? -Cô giáo Mô-níc-ca ngạc nhiên hỏi.
          - Vâng, tôi đã dạy đại học một thời gian dài.
          Cô giáo nhún vai, tỏ ý băn khoăn.
          - Có điều tôi không hiểu, những người giỏi như anh tại sao lại đến Tiệp lao động mà không ở trong nước làm công việc của người kỹ sư ?
          Bùi Khoái lúng túng khi bất thình lình nghe câu hỏi này, một câu hỏi mà những người như Bùi Khoái chưa bao giờ tự đặt ra. Tại sao lại ra đi ? Câu cửa miệng của những lần trò chuyện bỗ bã là ra đi để “cứu nước cứu nhà”. Tuy nhiên, anh không thể đem câu chuyện về những chiếc lốp xe đạp với một khoản tiền nợ kếch xù ra kể cho cô giáo. Phần vì sĩ diện cá nhân, phần vì kỷ luật. Trước khi lên đường, cả đoàn đã được học tập về thái độ lập trường của người đi hợp tác lao động, rằng đó là một vinh dự to lớn, là trách nhiệm học nghề học việc để khi về đóng góp xây dựng đất nước, trách nhiệm giữ gìn danh dự của cá nhân và của đất nước khi học tập lao động trên đất nước bạn. Làm gì có ai ra đi chỉ vì mục đích kiếm tiền. Khi Bùi Khoái vội trả lời cho qua chuyện, rằng mình đi theo đoàn để quản lý và làm phiên dịch thì cô Mô-níc-ka lại truy vấn :
          - Tôi biết Hiệp định hợp tác lao động được Việt Nam ký cả với Liên Xô. Anh biết tiếng Nga giỏi thế tại sao không đi Liên Xô ?
          Bùi Khoái bật cười hơ hớ, cười to và vui vẻ cốt để tránh phải trả lời cô giáo một cách thành thật :
          - Tôi chọn Tiệp bởi vì tôi yêu quý đất nước thanh bình này, muốn được tìm hiểu, khám phá nó.
          Cô giáo lặng thinh, nhìn anh mỉm cười, không biết những điều anh kỹ sư này vừa nói là thật hay dối, nhưng dù sao anh chàng cũng đúng là một người láu lỉnh.
          Bùi Khoái đi Tiệp chẳng qua vì Tiệp gọi  trước chứ nào đã biết gì về đất nước này mà nói đến yêu với quý. Trước khi đi, anh ta đã phải xoay xỏa đủ cách vay bằng được ba khoản tiền lớn, khoản một là để trả nợ cả vốn lẫn lãi cho vụ làm lốp xe đạp  bị đổ bể, khoản hai dành cho vợ sắp đến ngày sinh, khoản thứ ba đem về Hải Phòng cho bố và chị dâu theo lời dặn của người anh Bùi Khoai đang đánh nhau ở chiến trường Căm-pu-chia. Biết anh sắp được đi Tiệp nên việc vay mượn cũng dễ dàng hơn, tuy nhiên cái giá để vay được cũng vì thế mà cao lên gấp nhiều lần, ví dụ như vay một nghìn rưỡi đồng thì phải hứa trả một khẩu súng hơi, vay một chỉ vàng thì hứa trả một xe e-xka. Lúc đầu vay mấy người bạn cũng chỉ đủ cho khoản thứ nhất. Bí quá Bùi Khoái liều đến nhà người thày giáo cũ là thày Chương, nay là đồng nghiệp. Ông Chương đã học ở Tiệp nhiều năm nên khá dư giả, hiện là phó khoa cơ khí, cũng vì bức bách quá mà Bùi Khoái phải tìm đến con người nổi tiếng keo bẩn và hám gái này. Ông Chương đang mặc quần đùi áo may ô ngồi hút thuốc khi Bùi Khoái đến. Gãi đầu gãi tai, Bùi Khoái ấp a ấp úng nói đến gặp ông để hỏi kinh nghiệm đi Tiệp nhưng cuối cùng cũng tòi ra chuyện vay tiền. Ông Chương điềm nhiên trả lời :
          - Tao làm gì có. Không dạy thêm, không nuôi lợn, tao làm gì có mà cho mày vay.
          Lời từ chối thẳng thừng làm Bùi Khoái chưng hửng, cũng làm câu chuyện của hai người thành nhạt phèo. Khi Bùi Khoái đứng lên chào ông Chương để ra về, ông này liếc nhanh nhìn anh.
          - Này, tao biết, ai đi cũng thế, cũng phải có tí vốn. Chỗ anh em, tao có thể cho mày vay 5 nghìn đồng ở đây, sang bên kia mày trả cho tao 5 nghìn cu-run còn nợ người ta. Sang đấy kiếm 5 nghìn cu-run cũng nhanh thôi. Anh em giúp nhau thế được chưa !
          Đúng là chết đuối vớ được cọc, Bùi Khoái khấp khởi nhận 5 nghìn đồng về nhà, tính đi tính lại vẫn còn thiếu. Vợ gợi ý đi hỏi ông anh đồng hao. Bùi Khoái vốn đã không ưa anh này. Anh này  đã bỏ ra làm thầu xây dựng từ 2 năm nhưng vẫn cố giữ biên chế nhà nước, lúc nào cũng đi chiếc xe Hon-đa 67 nam màu đen, chiếc mũ phớt đen trên đầu, cặp kính đen đeo trên mắt. Nghiện hút thuốc lào nhưng anh này chuyên giắt bao thuốc lá 3 số trên túi áo ngực, lại còn để thò ra cho mọi người nhìn thấy, rõ là một anh chủ thầu. Anh này nói :
          - Độ này ít việc, tôi cũng đang khó khăn, nhưng chẳng nhẽ chỗ anh em chú hỏi mà tôi lại từ chối. Nghe nói chú đi Tiệp thì tôi yên tâm cho chú vay. Chú cầm 10 nghìn nhá, cứ cầm đi, khi sang bên ấy làm ăn khấm khá rồi gửi cho tôi cái gì cũng được. Tôi giờ chỉ thích có bộ giàn Phi-líp,  chú cứ gửi về, thiếu bao nhiêu ở nhà tôi trả cho cô ấy.
          Thế là Bùi Khoái ra đi mang theo một món nợ không nhỏ và một con tính rõ ràng trong đầu : làm thế nào kiếm tiền thật nhanh, trước là để trả nợ, sau để có tí vốn tính đường làm ăn. Những chuyện như thế, những con số ấy làm sao anh ta có thể đem ra trả lời cho câu hỏi của cô giáo Mô-níc-ka.
          Sau 3 tháng học tiếng, Bùi Khoái cùng đoàn trở về Pra-ha, ở trong  ký túc xá của nhà máy Pra-ga,  cách nơi làm việc chừng 3 cây số. Đây là một khu nhà 9 tầng to lớn, kiến trúc vuông vức, hành lang rộng rãi, các phòng ở dành cho 4 người thoáng mát, có phòng vệ sinh và phòng tắm riêng biệt. Như một thói quen chuyên môn, anh chàng kỹ sư sức bền vật liệu khâm phục đứng nhìn ngôi nhà và liên tưởng ngay đến những biểu đồ chịu lực, những cách tính toán độ bền độ võng của kết cấu ngôi nhà. Công nhân Việt Nam được xếp cho ở các tầng 8 và 9, tầng 8 dành cho nữ gọi là khu A, khu B là tầng 9 cho nam, hầu hết đều choáng ngợp trước bề thế và tiện nghi của một khu nhà tập thể xã hội chủ nghĩa mà có mơ họ cũng chưa từng được thấy ở trong nước. Công nhân Tiệp ở các tầng dưới, dưới cùng dành cho những người có gia đình. Lúc này đã sang xuân, tuyết chỉ còn rơi lất phất và những ngày nắng đã nhiều hơn làm cho Bùi Khoái thấy thân thể xông xênh dễ chịu hơn. Hàng ngày từ sáng sớm, khi mặt trời vừa hắt những tia nắng đầu tiên vào cửa sổ, anh ta  vui vẻ rảo bước ra bến xe buýt để đi đến nhà máy, cần mẫn bắt đầu những công việc của người đội trưởng, không nặng nhọc nhưng cũng không có nhiều hào hứng. Nhìn từng tốp công nhân Việt Nam bước vào cổng nhà máy, Bùi Khoái nghĩ, đằng sau mỗi cuộc đời kia là gia đình, là quê hương. Anh nhanh nhẹn giao tiếp không chỉ với số công nhân người Việt đã đến làm việc ở đây từ trước mà cả với công nhân Tiệp. Đến bữa ăn, anh ta vào căng tin, thực ra là một cửa hàng ăn rộng với những chiếc bàn i-nốc vuông xếp gần nhau, với những chiếc bóng điện bật sáng cả ngày, mùi xúc xích nướng, mùi dưa bắp cải hầm, mùi cà phê và thậm chí cả mùi bia hòa lẫn, ngột ngạt khuấy động dạ dày công nhân sau một buổi làm việc. Trong khi số công nhân Việt thường ngồi tụm vào với nhau, vừa ăn vừa há mồm nói chuyện rất to, đôi lúc có ai đó kể ra một câu chuyện tục tĩu và mọi người cười lên hô hố thì Bùi Khoái lại hay chọn ngồi bàn với các cô gái Tiệp. Đối với tốp công nhân mới đến cùng đợt với Bùi Khoái, họ sung sướng thoát được món thịt bò hầm sữa mà nhà bếp tập thể ở nơi học tiếng cho ăn ít nhất một tuần 2 lần, đến mức ợ lên cũng thấy mùi sữa chua loét. Bây giờ phòng nào cũng kiếm cho mình đủ lệ bộ xoong nồi để tự nấu ăn vào bữa chiều ở gian bếp chung cuối dãy hành lang, góp phần làm đậm đặc thêm mùi thịt rang  nước mắm  vốn là mùi đặc trưng của những khu tập thể có người Việt ở.
 Bùi Khoái ở cùng với 3 người thợ. Chiếc va-li màu đen thô thiển, dấu tích của hàng  hóa mậu dịch Hà Nội, được anh ta xếp gọn trên nóc chiếc tủ cá nhân, coi như nó đã hoàn thành nhiệm vụ chuyên chở mấy chiếc quần bò trong chuyến đi dài. Thấy Bùi Khoái bận bịu sắp xếp gọn gàng góc phòng của mình, một anh bạn cùng nhà máy cười khẩy :
- Có gọn thì cũng giỏi lắm được ba bảy hai mốt ngày, rồi các thùng hàng lại chẳng xếp ngập lên tận mặt.
Nghe nói thế Bùi Khoái thấy hơi nản, anh bạn kia đã nói thật hơn là khích bác cái việc giữ gìn gọn gàng sạch sẽ nơi ở lẽ ra là một việc tốt. Chiếc giường khung sắt của Bùi Khoái kê ngay cạnh cửa sổ, nhìn ra ngoài anh ta thấy hành lang xếp chật cứng những tủ lạnh, máy giặt, xe đạp và những thùng hàng lớn được đánh dấu bằng bút dạ màu đen, những thứ đồ cồng kềnh này được xếp chồng lên sát đến tận trần nhà. Đêm đầu tiên ngủ trên chiếc giường sắt, Bùi Khoái thấy nhớ vợ quay quắt, vật vã bên này bên kia mà không sao chợp mắt nổi. Chiếc giường sắt như dãn nở ra rộng thênh thanh trong khi Bùi Khoái cố lăn lóc giành lấy giấc ngủ mà không thành. Ngay bên cạnh anh, ngoài hành lang, mặc dù đã nửa đêm mà khách khứa vẫn ra vào nườm nượp, tiếng gọi nhau í ới âm vang suốt dọc 2 tầng khu A và khu B, chẳng khác một cái chợ Việt lộn xộn và đông đúc. Khi những tiếng ồn ào chợ búa thăm hỏi dịu đi, Bùi Khoái vừa nhíu mắt thì bỗng thấy vợ anh từ trên tường bước xuống, mặc độc một chiếc quần xi-líp màu đỏ, cơ thể lõa lồ đi lại trong phòng. Bùi Khoái hoảng hốt vùng dậy, định chạy đến ôm lấy vợ thì đụng ngay phải mấy bức tranh con gái khỏa thân của người cũ treo trên tường. Anh ta tức giận lấy tay lột hết xuống, vo tròn ném ra thùng rác.
Ba công nhân ở chung phòng với Bùi Khoái có lương 3500 cu-run một tháng trong khi là đội trưởng nhưng mỗi tháng anh chỉ được hơn 2000 cu-run. Ba tháng đầu, trừ tiền ăn ở nhà, tiền đi lại và bia rượu với bạn bè, anh chỉ còn để ra mỗi tháng  trồi sụt  800 cu-run. Tốc độ tiết kiệm ấy như con rùa bò, biết đến bao giờ mới đủ trả hết các món nợ. Bùi Khoái sốt ruột, quyết định lại đi vay, vay người này trả cho người kia. Anh tìm đến các bạn cùng quê Hải Phòng thường tụ tập vào những ngày cuối tuần chuyện trò, hò hát cho đỡ nhớ nhà. Xa quê, tình cảm đồng hương thật đậm đà, chỉ nghe Bùi Khoái nói qua hoàn cảnh của mình mọi người xúm vào giúp anh, nhiều thì một hai nghìn, ít cũng năm bảy trăm. Có trong tay một món, anh vội vã đi trả nợ. Theo địa chỉ ông Chương dặn, Bùi Khoái tìm đến nhà cô Thùy Linh, nghiên cứu sinh về mắt, đang thuê nhà riêng ở quận 10. Nghe tiếng gõ cửa, Thùy Linh vội chạy ra, trước mặt cô là một thanh niên mặc quần bò xanh, áo na-tô màu bộ đội thì biết ngay anh này người Việt, duy chỉ có cái mũ đỏ đội trên đầu là khác biệt. Thùy Linh hỏi luôn :
          - Anh tìm ai ?
          - Tôi là Khoái, mới ở trong nước sang. Tôi đến tìm chị Thùy Linh.
          - Tôi là Thùy Linh, có việc gì thế ?
          - Chị có thư và tiền trả nợ của thày Chương.
          - Mời anh vào nhà đã, đứng ngoài lạnh lắm.
          Bùi Khoái bước vào, cởi bỏ áo ngoài vì trong nhà có lò sưởi rất ấm. Đập vào mắt anh là một chùm ánh sáng treo trên trần, bộ đèn pha lê xanh biếc óng ánh tỏa sáng từ những khuôn pha lê hình thoi nhỏ nhắn như những thỏi ngọc thỉnh thoảng va vào nhau phát ra những tiếng nhẹ leng keng đáng yêu như tiếng nhạc. Một chiếc đèn nhỏ đặt trên bàn làm việc chiếu  sáng lên một bộ đồ óng ánh mà Bùi Khoái đoán cũng là đèn pha lê còn đang lắp dở, những miếng pha lê màu xanh đỏ to như chiếc bóng điện quả nhót thi nhau lấp lánh. Một người đàn ông tóc dài chấm vai đang ngồi chăm chú đọc ca-ta-lô, lưng quay ra phía ngoài, chẳng thèm để ý đến vị khách vừa vào.
          Bùi Khoái đưa thư cho cô Thùy Linh, liếc mắt nhìn nhanh nốt ruồi đen nháy ngay trên mép người phụ nữ mà anh không đoán được cô nghiên cứu sinh này khoảng bao nhiêu tuổi. Thùy Linh đọc lướt nhanh bức thư rồi quay nói với Bùi Khoái :
          - Ông Chương chẳng nợ nần tôi cái gì sất cả. Ông ấy gửi tôi 5 nghìn cu-run để mua xe đạp  hộ ông ấy.
          Bùi Khoái ngạc nhiên :
          - Thế à ! Trước khi đi  ông Chương cho tôi vay 5 nghìn đồng tiền Việt, bảo tôi sang đây trả cho chị 5 nghìn cu-run ông ấy còn nợ chị.
          Thùy Linh phá lên cười khanh khách. Lúc ấy người đàn ông đang đọc ca-ta-lô mới quay ra, ngước nhìn Bùi Khoái, chợt reo lên :
          - Ơ, Bùi Khoái ! Thảo nào nghe tiếng quen quá ! Mày sang lúc nào thế này ?
          Bùi Khoái mừng rú lên nhận ra người quen :
          - Lương, sao lại gặp mày ở đây ! Tao mới sang được mấy tháng.
          - Tao sang đây lâu rồi, vừa nghiên cứu vừa kết hợp làm thêm về đồ pha lê Bô-hê-mia, như cái đèn đang lắp này ấy. Thế mày có phi vụ gì mà lại đến tìm Thùy Linh ?
          Bùi Khoái kể lại đầu đuôi câu chuyện cho Lương nghe. Anh này tức giận đập mạnh tay xuống mặt bàn làm cốc nước trên đó bắn tung tóe.
          - Thằng cha này thật đểu! Người quen với nhau mà dối trá đểu thế ! Mày biết không, ngoài chợ người ta đổi một đồng cu-run ăn 5 nghìn đồng Việt Nam kia kìa. Mày đưa lão ấy 5 nghìn cu-run thì lão ấy phải trả mày ít ra là 25 nghìn đồng tiền Việt,  sao lại đòi đổi một ăn một ! Đểu, đểu quá !
          Lúc này Thùy Linh mới thêm vào :
          - Lão này vẫn bẩn tính thế, về nước rồi mà chẳng khác tí nào.
          Lương không ngần ngại bình tiếp :
          - Lão ấy đểu là đểu từ trong nước đểu ra chứ có phải sang Tiệp mới đểu đâu mà đòi thành người tử tế khi về nước.
           Bùi Khoái vừa biết mình bị ông Chương làm cho mắc lỡm nên cứ đứng đực ra. Khi vay được tiền của mấy người bạn đồng hương, việc đầu tiên là anh đi tìm trả nợ trong khi chưa kịp mua  thuốc trợ tim gửi về cho vợ. Anh tức lắm, cơn tức ứ lên nghẹn cổ.Thấy thế, Lương vỗ vai Khoái bảo :
          - Mày đừng lo, tao có cách rồi. Cứ yên chí, tao bày cho.
          - Cách gì ? Bùi Khoái nôn nóng.
          - Mày chỉ cần đưa Thùy Linh 2500 cu-run, đủ mua 2 cái xe đạp nhưng nói với lão 2 xe mất 5000. Thế là mày giữ lại được 2500 cu-run, đỡ thiệt thòi !
          Thùy Linh lặng im nghe rồi đánh một câu :
          - Được đấy ! Đúng là cái đầu nhà toán học.
          Bùi Khoái thoáng nghĩ như vậy cũng tốt, anh sẽ có ít tiền dư ra. Lương và Khoái quen nhau từ hồi còn sơ tán, gặp nhau trong một chuyến tàu tết về Hải Phòng. Lương học toán nên giờ sang nghiên cứu về cách giải bài toán biên truyền tải  ở Viện toán Pra-ha. Bùi Khoái còn nhớ ở trong nước anh này rất sợ gió lạnh, thường có lọ dầu con hổ đút túi và chiếc khăn len xù quấn quanh cổ.
          - Độ này mày không phải quấn khăn quanh cổ nữa à ? Bùi Khoái hỏi.
          Lương không trả lời, hỏi lại :
          - Sao không kiếm suất nghiên cứu hay thực tập mà lại đi lao động, mày thích thế à ?
          Cũng lại là một câu hỏi kiểu cô giáo dạy tiếng Mô-ni-ca. Tuy nhiên người hỏi là Lương nên Bùi Khoái không cần vòng vo :
          - Đến lúc phải đi thì đi thôi. Vả lại, bây giờ tao đã hiểu, đi nghiên cứu, thực tập, đi sinh viên hay lao động đều cùng làm một thứ việc. Có cần tao nói thẳng ra không ?
          Lương lắc lắc cái đầu tóc dài và rối bù, chép miệng :
          - Đừng nói ra, ai cũng biết cả rồi. 
          Bùi Khoái kể tình hình ở trường cho Lương nghe nhưng tuyệt nhiên không nhắc chuyện làm lốp xe đạp của mình. Đến bây giờ anh vẫn không biết đổ thất bại này cho ai nên cứ một mình ấm ức trong lòng. Ngồi hàn huyên một lúc Bùi Khoái lấy ra một cái bọc giấy báo, mở đếm đủ 2500 cu-run đưa cho Thùy Linh theo cách mà Lương vừa bày rồi chào mọi người đi về. Lương ái ngại nói với Thùy Linh khi Bùi Khoái đã ra khỏi cửa :
          - Thằng cha này thông minh và tử tế lắm, không hiểu vì sao cứ lận đận suốt.
          Vừa lúc ấy có 3 tiếng gõ cửa, hóa ra Bùi Khoái quay lại. Anh ta đưa cho Thùy Linh nốt 2500 cu-run, nói :
          - Tôi cứ đưa cho chị đủ 5000 cu-run như đã hứa với ông Chương, còn tính toán với ông ấy thế nào thì tùy chị.
          Thùy Linh thấy trong lòng áy náy nhưng vẫn cầm số tiền, nói :
          - Tùy anh, tôi thế nào cũng được.
          Rồi Bùi Khoái co ro đi ra trong gió rét và tuyết lác đác rơi. Anh đến bến đợi chuyến xe điện cuối cùng để về nhà tập thể. Những ngọn đèn vàng ở bến xe đem lại cho người đi đường một cảm giác ấm áp lạ thường trong đêm tuyết lạnh.
Ở nhà máy đã có gần 200 công nhân Việt Nam đến từ những năm trước. Họ có nhiều cách làm ăn nên những người đến sau như Bùi Khoái cứ việc theo chân họ. Những người này biết Khoái là cán bộ giảng dạy nên rất nể trọng, sẵn lòng chỉ bảo, giúp đỡ. Trong số này có cô thợ tiện xinh xắn, nhanh nhẹn tên là Lê Thị Mai đến Tiệp từ hơn hai năm. Vốn làm ở  nhà máy cơ khí Hải Phòng, đồng hương với Bùi Khoái nên cô hay gặp anh nói chuyện. Một hôm Mai bảo :
          - Làm ăn cũng dễ thôi, mình có hàng thì đem bán. Bán có tiền lại đi ôm của người khác về. Cứ thế  quay vòng cho vốn lớn lên. Ở nhà máy này muốn được việc thì trước tiên phải quen thân với ông quản đốc, tìm cách ra ngoài mà đánh hàng. Suốt ngày ở trong nhà máy thì anh em mình hốc xịt. Mấy năm mới được một hòm hàng gửi về theo tiêu chuẩn. Năm thì mười họa chẳng bõ bèn gì.
          Mai nói chuyện nhắt gừng câu một, đấy là chưa kể cô nói đặc giọng Hải Phòng, giọng dẹt mỏng ra, đáng lẽ phát âm “em” gọn gàng thì bao giờ Mai cũng kéo ra thành “i em’. Bùi Khoái đợi Mai nói hết câu rồi mới nửa đùa nửa thật :
          - Quen thân với quản đốc là chuyện đơn giản, nhưng quen rồi thì làm thế nào để có thể ra ngoài trong giờ làm việc ?
          - Dễ ợt, mọi người ra được thì mình ra được.
          Bùi Khoái và Mai đi sóng đôi trong sân nhà máy, dưới những cây sồi già bên tường rào, chân lép nhép đám bùn tuyết tan muộn. Mai kể cho Bùi Khoái nghe những cách ra ngoài.
          - Này nhé, i-em nói anh nghe, có ba cách để xin ra ngoài. Cách thứ nhất là báo ốm.
          - Hê hê, mình có ốm thật thì mới báo được chứ !
          - Ngốc ạ. Người ta toàn làm ốm giả. Chỉ bằng cách uống cà phê pha muối, anh biết không ! Cứ đem muối pha vào cà phê rồi uống. Khó uống lắm nhưng phải cố. Sau đó nhiệt độ đo được sẽ cao hơn thân nhiệt. Đây là cách làm sốt giả.
          - Mai đã uống cà phê muối bao giờ chưa, có bị phát hiện không ?
          - Phát hiện làm sao được. Cứ thấy nhiệt độ cao là cho về ngay. I-em làm rồi.
          - Cách này khó đấy. Thế còn cách thứ hai ?
          - Cách thứ hai là tặng quà. Thực ra là dạy cho mấy ông bà Tây cách ăn đút lót đấy. Người mình hay tặng cho họ mấy món đồ Việt Nam. Họ thích lắm. Anh Khoái có biết mấy câu thơ nói về chuyện này không ?
          - Anh là ma mới, biết làm sao được. Đọc cho anh nghe đi.
          - Chỉ có thế này thôi : “Trong tay một nắm bút chì, Mà đi cuối đất mà đi cùng trời !”
          Bùi Khoái đứng dừng lại nghe đọc thơ, không dấu được vẻ lạ lùng :
          - Thế nghĩa là thế nào mà như đánh đố ấy ?
          - Vậy là khi sang đây anh không mang theo lô bút nào ?
          - Anh chỉ mang được mấy bộ quần áo bò. Mãi đến khi cầm tờ quyết định anh mới dám lên phố Hàng Đào tìm mua. Người ta bán đầy ra mà mình mua vẫn cứ thấy sợ, vẫn phải giấu diếm.
          - Bút chì là bút kẻ mắt. Là son Thái kẻ môi chứ còn là gì nữa ! Đem bút chì này mà tặng cho Tây thì mọi chuyện đều trở nên dễ dàng.
          Bùi Khoái cười phớ lớ, nhắm tịt cả mắt khiến Mai phải kêu lên :
          - Khiếp, cười gì mà cười quên cả Tổ quốc !
          - Còn cách thứ ba ? Bùi Khoái thôi cười, hỏi.
          - Thuê công nhân Tiệp làm thay mình. Thí dụ họ làm ca sáng, mình làm ca chiều. Thuê họ làm thông ca cho mình để mình đi đánh hàng. Trả cho họ nguyên một ngày lương bằng đô la, họ thích lắm. Nhưng mà không phải ai cũng sẵn sàng nhận làm thay mình đâu.
          - Chắc cô i-em của anh đã phải giở cả ba thủ thuật này ? Bùi Khoái nhại lại cách phát âm của Mai.
          - Chắc rồi ! Bây giờ đến lượt anh đấy.
          Mai và Khoái thong thả đi bên nhau, vui vẻ chuyện trò không dứt, nhìn chẳng khác một cặp nhân tình lâu ngày mới gặp. Tuy nhiên câu chuyện của họ lại không một chút ướt át yêu đương mà toàn chuyện buôn bán. Mai tỉ mỉ nói cho Khoái biết những cách mà các cô đã làm ra tiền trong hai năm qua, từ việc tìm mua hàng ở Tiệp gửi về Việt Nam đến việc đánh hàng từ trong nước sang. Mai bảo hàng trong nước sang lúc này đang chạy, từ son Thái, áo phông cành mai, áo phông cá sấu, áo ki-mô-nô…Hàng đánh ngược lại cũng không kém lãi, thường là vải sa tanh đen, mũ nồi, máy khâu xanh-gie cũ, xe đạp e-xka, xe máy ba-bét-ta, thuốc tây, ni-ken…, nghĩa là chủng loại phong phú vô cùng, gửi được cái gì về cũng đều có thể có lãi gấp nhiều lần. Vì thế ai cũng cần có nhiều thời gian để đi lùng hàng. Vào những ngày nghỉ anh chị em ta dậy từ rất sớm tỏa đi khắp nơi, thế mà khi đến mấy cửa hàng lớn đã thấy toàn quân đầu đen xếp hàng.
          Chợt Mai hỏi Khoái :
          - I-em thật vô duyên. Đem kể toàn những chuyện anh đã biết tỏng đi rồi. Đúng không ?
          - Đúng là anh có nghe nhưng chưa bao giờ làm. Lần này phải nhờ cô giúp anh, đồng ý chứ ?
          - Có gì đâu anh. Đương nhiên muốn có lãi nhiều thì hai đầu mối trong nước với ngoài nước phải thật nhậy. Phải nhanh. Gọi điện thoại cũng có cái hay nhưng thường phải hẹn nhau ra “pốt”. Lệch giờ nên phiền toái lắm.
          - Như trường hợp của Mai thì mất bao nhiêu thời gian để gửi được hàng sang đây ?
          - Vô cùng anh ạ, có lúc chỉ một tuần. Có khi cả tháng. Tùy vào người mang sang hộ. Nói là mang hộ chứ mình cũng phải trả tiền cho người ta. Gọi là tiền cước.
          - Tất nhiên.
          Bùi Khoái nghe hết sức chăm chú. Những câu chuyện thế này anh đã từng đi hỏi, từng được nghe, gặp người xởi lởi thì họ kể qua, phải người kín đáo muốn giấu mánh làm ăn thì họ lẩn tránh. Chỉ có Mai là giảng giải đến nơi đến chốn, tận tình. Tuy nhiên, cho đến lúc này Bùi Khoái vẫn chỉ là người ngoài cuộc. Bắt đầu từ bây giờ những câu chuyện ấy sẽ liên quan trực tiếp đến anh, có làm theo được hay không sẽ trực tiếp quyết định ngay đến thành bại của chính anh. Qua những điều Mai vừa kể, tuy còn lơ mơ nhưng anh cũng bắt đầu hiểu rằng việc buôn bán, dù dưới hình thức nào cũng đều là một cuộc cạnh tranh khốc liệt, cạnh tranh về chủng loại hàng, cạnh tranh về thời gian, cạch tranh về đối tác. Đang mải theo đuổi những ý nghĩ riêng thì anh nghe Mai hỏi :
          - Anh giỏi như thế sao anh không móc với bọn Sứ quán, bọn Thương vụ ?
          - Móc nối để làm gì ?
          - Hỏi dở hơi. Để làm ăn chứ còn để làm gì. Bọn này nhiều thông tin nhanh nhạy lắm.
          - Móc nối cái khỉ gì trong khi anh còn chả có đồng vốn nào. Vẫn nợ đìa ra, suốt ngày lại ở trong nhà máy, có thoát ra mà đi săn hàng được như mọi người đâu.
           Mai dừng lại, nắm lấy tay Bùi Khoái kéo anh dừng lại theo.
          - Anh là kỹ sư, tiếng Tiệp giỏi hơn tụi em là cái chắc. Lại thạo cả tiếng Liên Xô nữa. Bây giờ thế này. I-em với anh làm ăn chung. Anh chuyên đi làm quen, liên hệ với các cô bán hàng. I-em lo vốn. Họ có cái gì mình mua hết. Cái gì cũng dặn họ để phần cho riêng mình. Mình cho quà họ. Thế là giải quyết cái vụ có hàng gửi về ngon ơ. Chúng nó đều làm thế mà anh. Đồng ý không ?
          - Đồng ý quá đi chứ, nhưng...
          - Đã đồng ý lại còn nhưng cái gì, hay là anh không thích ?
          - Không, không phải thế. Là vì anh cứ nghĩ em đã có bạn làm ăn.
          Đến lượt Mai cười lên khanh khách hồn nhiên :
          - Đúng thế, nhưng mà bỏ rồi. Thằng này cứ đòi ấy i em mà i em không thích nó. Ở đây chúng nó thay bạn làm ăn xoành xoạch mà anh. Thích thì làm, không thì bỏ.
          Bùi Khoái lại hỏi :
          - Khi có hàng thì làm thế nào gửi về được ?
          - Anh yên tâm đi, đã có các vị nghiên cứu sinh lo cho mình. Trong số nghiên cứu sinh khối gì người thật thà như đếm. Những người này không biết cách xoay xỏa nhưng lại có tiêu chuẩn mỗi năm gửi một hòm hàng về. Cái hòm này buồn cười lắm. Dài 1 mét 2, rộng 80 phân nhưng cao chỉ có 25 phân. Trông như cái quan tài nhỏ. Nhưng mà chứa được khối. Người có tiêu chuẩn nhờ mình tìm hàng hộ. Đổi lại họ cho mình gửi hàng vào hòm. Những người này thường có cách quan hệ để một năm được gửi 2 lần. Anh Khoái yên tâm chưa ?
          Ngay từ khi ở trường học tiếng trở về Pra-ha, Bùi Khoái đã muốn kết hợp làm ăn kiểu này nhưng chưa gặp được ai. Bây giờ Mai chủ động nói ra điều này làm cho Khoái vui mừng vô cùng. Thay cho câu trả lời, bất giác anh kéo Mai vào hôn lên trán cô. 
          Những ngày sau đó hễ hở ra là Bùi Khoái đi móc nối tìm mua hàng. Nhiều người bán hàng ở Pra-ha, nhất là các cô mậu dịch viên trẻ đẹp, dần dần quen với một anh chàng người Việt  vóc dáng nhỏ bé nhưng khá điển trai, chiếc mũ nồi đỏ trên đầu, chiếc áo khoác ni lông màu xám khoác trên người hơi cẩu thả nhưng trông rất lãng tử. Anh ta hồ hởi chào hỏi mọi người, cười từ cửa cười vào, đem quà tặng xả láng, cô thì thỏi son, cô thì cái bút kẻ mắt…, nhờ thế mà số hàng mua được mỗi ngày một nhiều. Có một lần Bùi Khoái đến một cửa hàng mậu dịch tít tận ngoại ô, vừa bước vào anh ta mừng rơn thấy có bày bán rất nhiều líp xe đạp. Phớ lớ tán tỉnh một lúc rồi anh ta hỏi mua, mua rất nhiều.
          Mậu dịch viên là một phụ nữ luống tuổi, đầu chít khăn hoa đỏ bó gọn mớ tóc bạch kim. Bà mỉm cười hỏi :
          - Nhiều là bao nhiêu chiếc ?
          Bùi Khoái nói vống lên, cũng chỉ có ý đùa vui :
          - Các chị có bao nhiêu tôi mua hết.
          Không ngờ mậu dịch viên bảo anh đứng chờ rồi vào kho đếm, một lát trở ra hồ hởi nói :
          - Còn tất cả 123 chiếc, anh có lấy hết được không ?
          Mừng không tả xiết, Bùi Khoái rối rít cám ơn và thốt lên :
          - Nhiều thế này chưa biết làm cách nào đem về.
          Bà mậu dịch viên đôn hậu gợi ý :
          - Để tôi gọi tắc-xi cho anh.
          Bà còn giúp Bùi Khoái khiêng cái thùng đóng 123 chiếc líp xe đạp ra xe. Bùi Khoái cảm động ôm chặt lấy bà, hôn chùn chụt lên đôi má thơm ngậy mùi phấn.
          - Việt Nam hả, sau cứ đến đây có gì tôi bán hết cho- Bà mậu dịch viên vẫy tay và nói với theo khi chiếc tắc-xi lăn bánh.
          Đem 123 chiếc líp xe về, Bùi Khoái thích chí gọi Mai đến.
          - Người ta bảo của chồng công vợ, còn đống líp này là tiền của em mà công của anh đấy nhé. Mình phải liên hoan mừng thắng lợi đầu tay này.
          Nói rồi anh ta không ngại kéo Mai vào hôn chụt một cái. Mai khẽ đẩy anh ra, nói :
          - Có giỏi thì hôn thật, sao cứ hôn lên trán người ta !
          Được thể Bùi Khoái ôm ghì lấy Mai, đè ra hôn thật. Mai cũng ôm chặt lấy anh ta, hôn lại nhiệt tình. Rồi cô nói, có chút thảng thốt :
          - Em sắp đến hạn về nước rồi.
          - Chán nhỉ, vừa dính vào chút đã phải rời xa.
          - Nói thế thôi chứ cũng còn 6 tháng. Anh nhớ để ý tìm cho em một cái đầu máy khâu thật tốt, đem về nước em dùng.
          - Khó gì, anh tìm thế nào cũng ra-Bùi Khoái nói.
          Tự tin như vậy bởi vì Bùi Khoái thường bỏ công tìm đến từng địa chỉ trên các mục rao vặt. Gặp những người có đồ cũ muốn bán là có thể thấy bất kể thứ gì, từ chiếc bàn là Liên Xô gỉ két, chiếc tủ lạnh đã bục bình ga đến chiếc xe fa-vo-rít gần như còn mới nguyên. Một hôm Bùi Khoái lần đến địa chỉ gần chợ Con Bò theo một mẩu tin cần bán máy dệt len cũ. Leo hết 4 tầng cầu thang, anh  đứng thở trước một cánh cửa gỗ cũ kỹ nhưng dày cộp và chắc nịch. Khi nhịp tim đã đập đều đặn trở lại, anh ta lấy tay vỗ mạnh vào cánh cửa, vỗ đến lần thứ 4 thì cánh cửa nặng nề mở ra. Bùi Khoái giật mình đứng lùi lại trước một bà lão tóc bạc trắng, khoác trên mình chiếc áo len cũng màu trắng bạc. Bà lão tháo chiếc kính tròn ra, nheo mắt nhìn thẳng vào mặt Bùi Khoái.
          - Anh cần gì, tôi có thể giúp gì cho anh ?
          Bùi Khoái bỏ chiếc mũ nồi đỏ ra cầm tay, cúi chào và nói :
          - Xin chào bà. Tôi xem trên báo quảng cáo, thấy có đăng bà cần bán máy dệt len. Tôi đang muốn tìm mua loại máy này.
          Bà già ngần ngại nhìn kỹ người đứng trước mặt mình rồi hỏi :
          - Việt Nam à ?
          - Vâng, tôi là người Việt Nam. Sao bà biết ?
          Bà mỉm cưởi, đeo lại chiếc kính tròn vo lên mắt, cố đẩy rộng cánh cửa.
          - Vào đi. Tôi có khối bạn là người Việt Nam
          Bùi Khoái đội lại chiếc mũ nồi đỏ lên đầu, theo bà bước vào trong phòng. Bà lão chỉ cho Bùi Khoái chiếc ghế gỗ cũ kỹ, lấy bình nước lọc rót đầy vào một chiếc cốc thủy tinh, tay run run làm vãi cả nước ra mặt bàn. Đưa cốc nước cho Bùi Khoái, bà lão nói :
          - Cách đây hơn chục năm, khi đó tôi còn đi làm trong một nhà máy dệt, tôi đã đi biểu tình phản đối chiến tranh, ủng hộ Việt Nam chống Mỹ. Đấy là những ngày thật sôi nổi.
          - Vâng, chắc là vào đầu những năm 70 !
          - Đúng thế. Chúng tôi đi thành hàng dài ngoài đường phố, hô vang những khẩu hiệu đòi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam. Lúc ấy tôi vẫn còn là một công nhân mạnh khỏe, là một đảng viên cộng sản. Vậy mà bây giờ đã thế này...Ôi, thời gian, không có gì tàn phá người ta nhanh như thời gian, có phải không anh ? Anh trông tôi đã già lắm chưa ?
          Bà lão giơ hai tay lên, run rẩy phơi bày bộ dạng ọp ẹp cũ kỹ của mình.
          - Vâng, đúng thế, thời gian đi nhanh thật.
          Bùi Khoái nói thế cốt để phù họa tình cảm nuối tiếc một thời của bà già nhưng trong lòng thì muốn nhanh chóng trở lại câu chuyện chiếc máy dệt len. Cuối cùng bà lão cũng dẫn anh vào phòng bên cạnh, chỉ lên chiếc gác xép và nói :
          - Chiếc máy dệt len ở trên ấy, anh phải leo lên mà tự lấy ra. Nó gần như còn mới nguyên. Nói thật nhé, đăng lên quảng cáo vì tôi chẳng có việc gì làm, đăng lên cốt để có việc cho vui thôi, anh đừng băn khoăn gì về giá cả.
          Bùi Khoái vén tay áo, bám chắc vào chiếc cầu thang nhỏ để leo lên gác xép, trong lòng thấy tội nghiệp cho bà già. Anh nhớ đến bố mình ở nhà, nghĩ chắc người già ở đâu cũng cô đơn và buồn bã như thế. Đồ đạc lộn xộn trên gác xép cũng bốc lên mùi cũ kỹ và quên lãng, tuy nhiên điều đó không làm nản lòng Bùi Khoái khi anh nghĩ tới món hàng mà anh vừa trúng được. Lúc bới đồ để kéo chiếc máy dệt, anh bỗng thấy đầu một chiếc máy khâu Xanh-gie lộ ra. Chợt nhớ đến Mai, anh mừng rỡ vội hỏi bà lão :
          - Tôi thấy còn có một chiếc máy khâu cũ, bà có bán cho tôi luôn không ?
          Bà lão đứng dưới hỏi vọng lên :
          - Thế à, vậy mà tôi quên mất. Anh mang luôn đi. Cái máy cũ ấy tôi tặng cho anh, để đấy làm gì. Nó đã ở đấy từ hàng chục năm rồi, có ai đụng đến đâu. Nếu  tôi nhớ đúng thì nó bị gãy mất cái chân vịt. Là vì có lần nó bị rơi đấy mà.
          Bùi Khoái khéo léo bê 2 cái máy xuống, đứng lau mồ hôi vã ra trên trán. Anh vớ chiếc khăn lau vải bông dưới gầm bàn lau qua bụi bám trên 2 cái máy, cái nào nước sơn cũng lộ ra sáng bóng. Bà lão lập cập lôi từ trong tủ ra một cái túi da to mà người Việt thường gọi là túi du lịch. Đưa cho Bùi Khoái cái túi để đựng máy dệt len và máy khâu, bà nhất định chỉ lấy tiền cái máy dệt.
          - Ngày xưa chúng tôi còn quyên góp bao nhiêu thứ quý giá gửi tặng cho các anh, cái máy khâu cũ này đáng gì.
          Bùi Khoái rối rít cám ơn, ôm hôn bà lão. Bà lão run lên vì sung sướng, hẳn vì đã lâu không có ai ôm hôn bà, đã lâu bà không được biết đến cái tiếp xúc nóng hổi ấm áp tình người. Bùi Khoái khệ nệ vác chiếc túi đồ xuống 4 tầng thang gỗ, khi đứng thở anh ta còn nhìn lên, thấy rất thương bà lão tội nghiệp. Mang được 2 món đồ về nhà, anh vội gọi Mai lên khoe. Cô vồ lấy chiếc máy khâu, tấm tắc khen nước sơn trên thân máy vẫn đen bóng.
          - Tuyệt quá anh ạ. Gần như còn mới nguyên nhé. I-em thích quá !
          Đúng là những thứ Bùi Khoái tìm mua được nói là cũ nhưng nhiều khi còn như mới với giá rẻ như cho, có khi người ta không lấy tiền mà còn cám ơn anh đã khuân đi hộ. Số hàng Bùi Khoái lặn lội tìm kiếm và đánh về theo kiểu này ngày một nhiều, một góc phòng ở của anh đã ngồn ngộn chất đống các kiện hàng khiến anh nhớ đến lời nhận xét của người bạn cùng phòng ngày nào. Có nhiều người đã tìm đến hỏi Bùi Khoái mua lại. Hóa ra trong chính cộng đồng người Việt cũng đã hình thành một thị trường buôn đi bán lại rất sôi động theo quy luật có cầu thì có cung. Những người đi tìm mua lại thường là đã có mối để gửi  hoặc biết chắc nhà đang cần thứ gì nhưng chưa có hàng.  
          Bùi Khoái đem chuyện này hỏi Mai.
          - Em chỉ đạo đi, có bán lại cho họ không ?
          Mai chẳng cần suy nghĩ, trả lời luôn :
          - Anh ngốc ạ, trong khi chưa gửi được về thì mình bán lại cho người ta. Miễn là có lãi. Để chất đống trong nhà làm gì. Bằng lòng ăn ít thôi nhưng nhanh được ăn, vốn mau tăng. Có vốn thì lại đánh được nhiều hàng.
          Bùi Khoái liền bán các thứ anh đã kiếm được, trong lòng thầm nghĩ cái cô thợ tiện nhỏ nhắn xinh xẻo hóa ra cũng giỏi lý thuyết buôn bán ra phết. Trong những lúc đi lùng hàng, nhiều người Tiệp thường hỏi Bùi Khoái có quần áo bò bán không. Anh ta cũng để ý thấy nhiều người Việt thường tìm mua vải bò, hỏi ra mới biết họ làm thế là để may quần áo bò bán cho người Tiệp, việc làm bỏ một vốn ăn ba, bốn lời. Những ổ may quần áo bò vì thế đã mọc lên không hiếm trong những nơi ở của người Việt, tuy không phải giấu giếm nhưng người ta cố giữ cho càng ít người biết càng tốt, cốt để giảm bớt sự quyết liệt trong cạnh tranh. Biết đây là cách kiếm tiền khá dễ, Bùi Khoái liền mon men vào lĩnh vực này, bắt đầu bằng cách mua vải bò về bán lại cho các ổ may. Tuy nhiên làm như thế mất thời gian mà lãi được ít, nhiều người may cũng tự mình đi kiếm vải vì người ta muốn ăn từ gốc đến ngọn. Nghĩ rằng có thể bắt chước mà may được quần bò, Bùi Khoái hẹn Mai đến bàn bạc.
          - Hai anh em mình hợp tác may quần áo bò đi, kiếm lắm- Bùi Khoái nói.
          - I-em biết từ trước nhưng chưa làm được, tại vì không biết cắt may. Bây giờ sắp về, chẳng biết có nên làm không.
          - Còn nửa năm nữa, tội gì không làm. Việc cắt may chưa biết thì học, khó gì.
          Bùi Khoái xòe ngón trỏ và ngón tay giữa ra như cái kéo, làm động tác cắt xoèn xoẹt trước mặt cô thợ tiện. Tinh thần lạc quan là một thứ rất dễ lây lan, Mai thấy Bùi Khoái tin tưởng như vậy thì cũng lạc quan theo. Cô nói :
          - Để rủ thêm con Hiền. Con này ở nhà cắt may rất giỏi. Quần áo bò thì không may được bằng máy khâu thường. Phải kiếm cái máy khâu công nghiệp.         - Dễ mà, anh vẫn thấy người ta rao bán.
          Thế là một ổ may hình thành ngay trong phòng ở của Bùi Khoái. Vải bò và quần áo thành phẩm các màu xanh màu xám xếp đống dưới sàn, mảnh vải vụn vứt tứ tung, bụi vải bay như sương mù trong ánh sáng của mấy cái bóng điện. Người làm ca chiều tranh thủ may vào buổi sáng, người làm ca sáng chiều về ngồi ngay vào máy, tiếng máy khâu rào rào reo đến tận khuya. Lúc đầu Hiền là người cắt và may, Bùi Khoái chuyên mua vải, Mai chuyên đi đưa hàng. Hàng bán ra rất chạy, ba người vui cười đếm và chia nhau những đồng cu-run do chính họ làm ra. Là người nhanh trí, Bùi Khoái chỉ để ý Hiền thao tác rồi học lỏm mà chẳng mấy đã cắt may được. Anh cắm cúi may như người đã có thâm niên việc này. Công việc chạy đều và có hiệu quả, họ lùng mua thêm một máy khâu công nghiệp nữa, việc mua vải bò và đưa hàng dồn hết lên Mai. Một lần ngồi may Bùi Khoái không cưỡng lại được cơn buồn ngủ, hai mắt nặng chĩu xụp xuống, chân đạp mà hai tay rời ra nên bị mũi kim khâu vào ngón tay trỏ, máu nhỏ xuống thành giọt đỏ loang ra sàn nhà màu trắng. Bùi Khoái  tỉnh hẳn ngủ, hét lên đau đớn nhưng ngay lập tức anh nắm lấy ngón tay bị thương, cười lên khanh khách trước sự ngạc nhiên của Mai và Hiền. Mai hốt hoảng chạy đến nhặt một mảnh vải mỏng buộc vào ngón tay cho anh, hỏi :
          - Anh cười cái gì, đau thế sao lại cười ?
          - Đau thì vẫn đau, nhưng buồn cười thì vẫn cười. Anh buồn cười vì không hiểu một thày giáo như anh sao lại có ngày trở thành một thợ khâu vụng đến như thế, ha ha ! Mọi cái có thể biến đổi khôn lường phải không em !
          Hiền dừng chân đạp máy, ngẩng lên :
          - Thế thì có cái đếch gì buồn cười, khối cái còn chéo ngoe bằng vạn !
          Đúng là không có gì đáng cười. Chỉ một tháng sau, khi Bùi Khoái đã may cắt khá lành nghề thì một hôm đi làm về, họ ngao ngán thấy tất cả đám tài sản gồm hai cái máy khâu công nghiệp, một cái máy vắt sổ và một đống vải bò  trị giá khoảng hơn 20 nghìn cu-run đã bị kẻ trộm dọn sạch. Mai bảo đây chỉ có thể là trộm nội bộ. Mất tăm mất tích mà không thể trình báo bởi không có phép tắc nào cho họ cái quyền được lập ra một  ổ may ngay trong nhà tập thể. Cái “hợp tác xã” may quần bò cũng giải tán, không ai có tâm trí dựng lại vì chẳng còn bao lâu là đến hạn về nước của Hiền và Mai.
          Bùi Khoái mất của tuy có phần hơi nản nhưng anh ta chẳng buồn, vào đến cổng nhà máy là đã hềnh hệch cười, người như thế chẳng bao giờ buồn được. Chiều tối ở nhà máy đi ra Bùi Khoái thường lang thang thăm người quen. Một hôm anh đến nhà Đặng Thái, cô bạn học lớp 10 thời phổ thông ở trường Thủy Sơn. Đặng Thái hiện đang là nghiên cứu  sinh về  hóa dược, đã ở Pra-ha hơn 2 năm trước Bùi Khoái. Là một người xởi lởi, lại được thuê nhà ở riêng nên địa chỉ của Đặng Thái là nơi tụ tập bạn bè, bạn bè tâm giao có, bạn bè nghiên cứu có, nhưng chủ yếu vẫn là bạn bè làm ăn. Đặng Thái lại có tài nấu nướng, món tủ của cô là món gà xé phay. Cô thường mua những con gà già vừa rẻ tiền lại vừa hợp với khẩu vị người Việt, đem luộc kỹ rồi bóc lấy thịt xé ra trộn với dưa chuột thái mỏng, dấm đường pha vừa khẩu vị rưới đều lên thành món nộm để uống bia tuyệt vời. Phần xương gà tất nhiên không bỏ đi, Đặng Thái đem ninh cho ra một thứ nước dùng thật ngọt chan với mỳ luộc. Đến chơi với Đặng Thái vừa được chuyện trò thoải mái, lúc đói có thức ăn ngon, khát có bia Plờ-zen để tủ lạnh, như thế ai chẳng thích.
          Hôm ấy Bùi Khoái vừa được Đặng Thái đãi tô mỳ và hai lon bia, trong lúc đang lâng lâng cao hứng thì có tiếng gõ cửa. Mới vào là một thanh niên to khỏe, vạm vỡ, bước đi huỳnh huỵch. Anh ta bỏ chiếc mũ lông đen treo lên mắc, để lộ ra cái đầu húi cua trông rất cọ mốc. Quay ra bắt tay, Bùi Khoái nhìn thấy rõ những vết xăm cổ quái nổi  trên cánh tay anh ta. Anh ta vui vẻ tự giới thiệu theo cách của người Tiệp chứng tỏ anh này đã ở Pra-ha khá lâu.
          - Chào anh, tôi là Phạm Đình Dũng. Đình Dũng Hô-ten đỏ đây.
          Bùi Khoái cũng đã quen với cách gặp gỡ tự giới thiệu này nên xiết chặt tay Dũng :
          - Chào anh, tôi là Bùi Khoái, đội trưởng lao động ở nhà máy phụ tùng ô tô Pra-ga. Tôi là bạn học phổ thông với Đặng Thái. Hồi đi học tôi toàn trêu đùa gọi cô ấy là Thái đen, anh xem bây giờ sang xứ tuyết mà cô ấy có trắng ra được tí nào đâu.
          Bùi Khoái liếc mắt nhìn Đặng Thái, phá lên cười khoái chí về câu nói đùa của mình. Đặng Thái không bực mình nhưng vẫn làu bàu đủ cho mọi người nghe được :
          - Người đâu mà vẫn chứng nào tật ấy.
          - Thật vui được làm quen với một “ve-đâu-xi”. Ông đã biết “ve-đâu-xi” là gì chưa, là đội trưởng như ông ấy !- Đình Dũng nói oang oang. Cùng học với Thái thì ắt là dân Hải Phòng, còn kém tôi khoảng hai, ba tuổi, đúng không ? Tôi quê Thanh Miện, Hải Dương. Hải Dương với Hải Phòng sát nhau, như thế cũng coi là đồng hương rồi. Ông đã bao giờ nghe nói đến món chả rươi thứ thiệt chưa, đặc sản quê tôi đấy.
          - Nói mà thèm. Thủy Nguyên Hải Phòng quê tôi cũng nhiều rươi, nhưng chắc chắn không nổi tiếng bằng Hải Dương. Tôi đã nghe nói về Hô-ten đỏ mà chưa biết vì sao lại có cái tên này, ở đấy toàn dân Bôn-xê-víc hay sao ?
          - Ồ không, tại vì nó sơn màu đỏ đấy thôi. Như ông đội cái mũ đỏ kia nhưng chưa chắc ông đã là Bôn-xê-víc, có đúng không ?
          - Đúng, tôi đã mấp mé mãi mà không thành.
          Đến lúc ấy Đặng Thái mới chen vào, hỏi Đình Dũng :
          - Ăn gì chưa, có làm tô mỳ không ?
          - Bỏ bia ra thì có, để tôi với ông Khoái đây làm quen với nhau.
          Có vẻ như đã biết gu khoái khẩu của Đình Dũng, Đặng Thái lôi ra cả két bia Plờ-zen, một đĩa xú giò lợn luộc và một đĩa muối tiêu vắt chanh. Đình Dũng vừa thong thả uống bia, gặm xú giò, vừa thích thú hỏi Bùi Khoái :
          - Cái món xú giò luộc này phải chấm với tương ớt nhà mình mới chuẩn, có đúng không ? Ông đã nghe bài ca đi Tây bao giờ chưa ? Người ta đồn bài này là của bọn sinh viên Việt Nam bên Đức chế ra rồi truyền đi tứ tung. Cứ uống bia với xú giò là tôi lại nhớ bài này.
          - Chưa, ông có thuộc thì đọc đi.
          - Vậy thì nghe này :
          “Đầu tuần có cổ cánh gà,
          Thì em phải nhớ mua ba kí vào,
          Kí để luộc, kí để xào
          Vừa bổ vừa rẻ lại dồi dào ca-lo
          Hay là vài kí móng giò
          Sang Tây ta phải ăn cho đàng hoàng !”.
Bùi Khoái lần đầu được nghe mấy câu thơ này nên cười ngặt cười nghẽo, vui nhưng thấy lòng quặn đau. Đau lòng có lẽ bởi cái câu kết “sang Tây ta phải ăn cho đàng hoàng” mà Đình Dũng đọc nhấn từng chữ một, nghe thật tội. Từ khi sang Tiệp đến nay đã quá nửa năm, Bùi Khoái biết hầu hết người Việt đều ăn uống rất tiết kiệm. Nhiều anh em trong đội Bùi Khoái ăn trưa ở căng tin, lúc ra về còn tranh thủ nhặt thêm mấy miếng bánh mỳ nhét vào túi để đến bữa tối chỉ cần rán một quả trứng nữa là xong. Bùi Khoái cũng thế, bữa trưa ở căng tin anh thường chọn món xúp và món ri-zek là món thịt rán, thế là quá đủ chất. Bữa tối và các ngày nghỉ thì đúng là anh toàn mua mo gà, tức là con gà sau khi đã bị lấy đi hai cái đùi, hai cái cánh và hai cái lườn. Nhiều khi ra chợ mà gặp móng giò thì cũng làm vài cân, bởi vì đó đều là những thứ rẻ nhất. Những thứ này đem ninh lên lấy nước ăn với mỳ luộc, quả thật là vừa rẻ vừa bổ. Chính là Mai, cô thợ tiện xinh đẹp cùng làm ăn với Bùi Khoái đã kể anh nghe, lan truyền câu chuyện là ngày xưa, khi mới đến, người Việt ra chợ thì những người bán thịt bản địa thường cho không còng gà với móng giò, lại thật thà hỏi sao các bạn nuôi lắm chó thế !
          Bùi Khoái bật thêm hai lon bia Plờ-zen, giữ cho mình một, đưa cho Đình Dũng một, chấm một chiếc móng giò vào đĩa muối tiêu, rưng rưng nói thật lòng :
          - Mẹ kiếp, sao mà nghe chua xót đến thế. Ở nhà có ai biết chúng mình khổ thế đếch nào đâu, chỉ những người ăn ở đây, ngủ ở đây, làm việc kiếm tiền ở đây mới biết thế nào là “sang Tây ta phải ăn cho đàng hoàng”!. Nào, tôi với ông làm hết lon này nữa cho bõ !
          Đình Dũng đỡ lon bia, hỏi :
          - Bõ cái gì ?
          - Bõ khổ chứ bõ cái gì, phải không Thái  đen !
          Đặng Thái quay sang nói :
          - Bia uống thoải mái, miễn là các ông đừng có choảng nhau ở nhà tôi là được.
          Bùi Khoái phản ứng ngay :
          - Gặp được người bạn ở Thanh Miện, Hải Dương quý hóa thế này, làm sao lại choảng nhau được, đã say đâu, phải ba say nữa vẫn chưa chai !
          Như sợ Đình Dũng không hiểu, Bùi Khoái nói rõ :
          - Tôi đùa tí đấy ông Dũng ạ chứ đã làm sao mà say được.
          - Đúng đúng, say là thế nào. Anh em mình phải uống đến say, không say không về, toàn là bia tôi gửi mụ Thái đấy chứ !
          Đặng Thái có vẻ đã quen với cảnh này nhưng vẫn đưa mắt lườm Đình Dũng.
          - Bắt đầu huyên thuyên đấy, nốc vừa thôi, sợ các ông rồi !
          - Đã sang đến đây thì sợ đếch gì, còn cái đếch gì mà sợ. Người ta bảo bia Tiệp ngon nhất thế giới, ông Khoái có thấy đúng thế không ? Phần tôi, tôi thấy có khi vẫn thua cái món bia Vạn Lực của anh Tàu, hay là tại cái lúc xơi Vạn Lực mình nghèo quá mà thấy ngon thế không biết !
          - Hồi trong nước, kể cả bia Vạn Lực cũng có mấy khi tôi được uống đâu. Lại còn nghe nói uống nhiều cái thứ đó quá thì tịt, không đẻ được !
          Đình Dũng trố mắt hỏi :
          - Khổ thế cơ à ? Trong nước ông làm gì mà đến bia Vạn Lực cũng không có uống ?
          - Cán bộ giảng dạy. Nhưng mà nghèo rớt mồng tơi. Thế còn ông Dũng làm gì ?
          Đình Dũng giơ lon bia uống dở lên huơ huơ :
          - “Em ơi em đừng yêu anh nữa, thân anh vôi vữa đã bám đầy người”. Hơ hơ, tôi là anh công nhân xây dựng, trong nước vôi vữa sang đây cũng vữa với vôi ! Trông tôi sức vóc thế thôi chứ đầu óc lơ mơ, chuyện làm ăn toàn phải trông cậy vào Thái đen của ông đấy. Nào uống đi, uống cho bõ !
          Quả nhiên hôm ấy họ uống cho bõ thật, hai người đánh hết một két Plờ-zen, say rồi rục xuống ngay ở nhà Đặng Thái. Bùi Khoái gác đầu lên đùi Đình Dũng ngủ ngon lành. Ngủ được một chốc Đình Dũng cựa mình, hất Bùi Khoái sang bên rồi ôm bụng ọe ra một đống lầy nhầy chua loét. Ọe rồi lại lăn ra ngủ. Sau lần gặp gỡ ấy, Bùi Khoái và Đình Dũng trở thành một cặp làm ăn với nhau. Dũng có tướng mạo cao to, mặt vuông bành ra, mắt nhìn thô lố không chớp, bắp tay gân guốc có thể tung ra những cú đấm chắc nịch trong khi đó Bùi Khoái lanh lợi, lắm sáng kiến, lại thạo tiếng, người này dựa vào người kia, bổ sung cho nhau. Điều này rất cần thiết khi mà giới làm ăn chợ búa đầy những mưu mô lừa gạt, đầy những những toan tính, kể cả những hành động vũ lực theo kiểu xã hội đen. Họ là những người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, bị xô đẩy phiêu bạt tới đây tham gia vào cái guồng buôn bán lậu khổng lồ. Việc buôn bán hàng lậu của họ bị nhà nước Tiệp cấm đoán, vì thế họ phải hoạt động tuy bạo liệt nhưng lén lút, chui lủi. Trong hoàn cảnh ấy không tinh nhanh, không bặm trợn thì bị đánh bật ra khỏi cái guồng buôn bán khổng lồ kia ngay lập tức. Ngược lại nếu may mắn và khéo léo móc nối được với các chủ hàng lớn thì rất dễ giàu có. Khi đã cặp với nhau thành một đôi, Bùi Khoái cùng Đình Dũng rủ nhau đi tìm mối hàng.
          - Thử làm ăn lớn một phen !- Đình Dũng nói với Bùi Khoái.
          Bùi Khoái phấn khích hỏi lại :
          - Nhất trí, nhưng bắt đầu thế nào ?
          - Trước mắt mình cứ ra mấy phố ở trung tâm cầu may.
          Đình Dũng cả quyết như vậy vì anh đã nghe nói giới làm ăn thường tụ tập, gặp gỡ tại mấy quán bia ở các phố trung tâm. Họ có thể là những người Nam Tư chuyên sở hữu các mặt hàng độc, những người Thổ Nhĩ Kỳ có nguồn hàng đa dạng và dồi dào, những người Triều Tiên chuyên đánh hàng từ các cửa hàng giao tế. Khấp khởi trong lòng một ước mơ làm giàu, Dũng và Khoái bắt xe buýt ra phố Mút-xtếc là nơi đêm ngày diễn ra các hoạt động đủ kiểu, từ thượng lưu đến hạ đẳng, trong đó có những cuộc giao dịch buôn bán. Bùi Khoái dướn mắt khâm phục nhìn lối hành xử thông thạo của Đình Dũng, ngạc nhiên nghĩ có lẽ anh ta đã lui tới nơi chốn này. Anh ta kéo Bùi Khoái đến một cửa hàng bia tươi rộng rãi, ngồi vào một cái bàn mà từ đấy có thể quan sát chung quanh, cũng có thể rút lui một cách dễ dàng khi cần. Anh ta gọi mỗi người một vại bia sóng sánh vàng, bọt trắng nổi lên miệng vại như một thứ mút mát rượi. Bùi Khoái cứ răm rắp làm theo anh ta, Đình Dũng nâng vại bia đưa lên miệng thì Bùi Khoái cũng nâng lên miệng, Đình Dũng đặt xuống bàn thì Bùi Khoái cũng đặt vại bia của mình xuống bàn. Khách ra vào tấp nập, đủ loại người, ngoài da trắng còn có khá nhiều da đen cũng như da vàng, khó đoán được đâu là khách du lịch, đâu là người địa phương. Hai bạn Việt Nam vừa nhâm nhi vại bia vừa đảo mắt khắp lượt, nhưng với kinh nghiệm ít ỏi của mình, họ chưa thể nhận ra ai là những ông chủ lớn mà họ đang cần tìm. Bỗng Đình Dũng ra hiệu cho Bùi Khoái rồi chỉ tay về phía một đám người ngồi ngoài sân đang vừa uống vừa nói chuyện ồn ã.
          - Nhìn kìa, trong đám họ có một thằng cha tóc vàng giống người Nam Tư tôi vẫn gặp ở chợ !
          Bùi Khoái ấn tay Đình Dũng xuống mặt bàn đá.
          - Ông đừng có chỉ tay vào người ta như thế, tối kỵ đấy. Kín đáo thôi.
          - Ông thấy đúng không ? Hay là mình ra làm quen xem sao ?
          Mới vừa nhấp nhổm đứng lên thì đám người ấy đã gọi nhân viên phục vụ đến tính tiền rồi kéo nhau đi, Bùi Khoái và Đình Dũng lại ngồi trơ uống bia. Gọi đến vại bia thứ bốn, Đình Dũng đã đứng lên đi vào toa-lét hai lần mà vẫn không có động tĩnh gì, họ không thể cứ ngồi mãi nên đứng lên bỏ về. Ý chí làm giàu của hai anh em không vì thế mà suy chuyển, ngay chiều hôm sau là một chiều thứ bảy, Bùi Khoái và Đình Dũng lại lững thững đi ra cầu may. Vừa vào đến quán bia, còn đang lưỡng lự tìm chỗ ngồi thì bỗng có hai người sáp đến bắt chuyện. Hai người này đều mặc áo ngắn tay bỏ trong quần rất nghiêm chỉnh, đều to cao, dáng vẻ dứt khoát, không quá lắm nếu bảo họ là anh em sinh đôi. Điểm khác rõ ràng nhất là một người có bộ tóc màu hung húi cua còn người kia tóc vàng xoăn tít. Ngay lập tức Bùi Khoái co người lại cảnh giác, sợ mắc vào những cái bẫy của công an Tiệp. Đình Dũng làu bàu :
          - Tại ông nghe nhiều chuyện trinh thám quá rồi. Nhát như cáy thì làm ăn thế đếch nào được.
          Bùi Khoái chỉ hừ lên một tiếng thì anh bạn tóc xoăn đã sán đến hỏi :
          - Các anh là người Trung Quốc ?
          Dân Tây thường không phân biệt được mấy người châu Á nên cứ  thấy da vàng tóc đen bụi bậm lam lũ thì đều cho là người Trung Quốc, sang trọng lịch sự một tí thì được coi là Nhật Bản. Người Việt chỉ được nhắc đến khi nói chuyện chiến tranh. Lúc đầu Bùi Khoái cũng định nhận bừa để giấu nguồn gốc, nhưng anh nghĩ nếu chẳng may gặp phải công an Tiệp lại hóa mình nói dối, vì vậy trả lời :
          - Không, chúng tôi là người Việt Nam. Có chuyện gì ?
          Anh bạn tóc hung reo lên :
          - Ô, hay quá, Việt Nam, Việt Nam ! Chúng tôi là Nam Tư. Việt Nam với Nam Tư là bạn, thế thì chúng mình là anh em rồi.
          Bùi Khoái vẩy tay một cái, thấy nhẹ cả người. Không ngờ cuộc gặp gỡ mong đợi lại diễn ra dễ dàng thế. Anh ta cười rõ tươi, độp luôn :
          - Nam Tư à ! Tôi nghe nói người Nam Tư ở đây toàn là chủ hàng.
          - Anh nghe nói thế à ? Đúng vậy đấy.
          - Vậy các anh có hàng gì không ?
          Anh bạn Nam Tư nháy mắt, kéo Bùi Khoái và Đình Dũng ngồi vào một cái bàn ngoài sân. Đình Dũng chỉ băm bổ bặm trợn khi ở giữa những người Việt, phải ngồi nói chuyện tay đôi với Tây đối với anh là một cực hình. Bởi vậy, anh ta để mặc Bùi Khoái lĩnh trọn công việc này.
          - Các anh có hàng gì-Bùi Khoái nôn nóng hỏi sau khi đã kéo ghế ngồi.
          Người có mái tóc húi cua liếc mắt nhìn chung quanh, cái liếc tuy nhanh và kín đáo nhưng không qua được sự chú ý quan sát của Bùi Khoái. Bùi Khoái nghĩ già dơ như bọn này cũng còn phải cảnh giác như thế !
          - Đã đến đây thì phải có hàng chứ. Không biết các anh cần gì, hiện chúng tôi đang có khăn tua của Ấn Độ. Loại hàng này vừa về, còn mới lắm, bán rất nhanh.
          Đình Dũng đã biết đúng là loại khăn này đang bán chạy nên vội vàng bấm Bùi Khoái nhận lời. Nhận được ám hiệu của Đình Dũng, Bùi Khoái hỏi :
- Khăn có bao nhiêu màu, các anh lấy giá thế nào ?
          - Có 5 màu khác nhau, rất đẹp, cái nào cũng sặc sỡ như đuôi công ấy. 20 cu-run một chiếc, chắc giá, không mặc cả. Các anh lấy được bao nhiêu ?
          Bùi Khoái chụm đầu vào Đình Dũng để tính số tiền họ có rồi nói :
          - Đợt một có thể lấy 5000 chiếc, trả tiền và trao hàng ngay tối nay ở gần chỗ chúng tôi ở được không ?
          - Được, tốt lắm !
          Họ vui mừng đập vào tay nhau nói : chắc chắn nhé.
          Anh bạn Nam Tư tóc vàng rút ví định trả phần bia của họ thì Bùi Khoái xua tay ngăn lại :
          - Hôm nay để chúng tôi trả tiền, mừng gặp nhau mà.
          Đút tiền trở lại vào ví, anh chàng này mủm mỉm cười :  
          - Cám ơn. Hôm qua chúng tôi đã để ý các anh rồi, đoán chắc các anh muốn gì nên hôm nay tiếp xúc luôn.
          Bùi Khoái không khỏi kinh ngạc, ngồi trước anh quả là những người dày dạn kinh nghiệm. Anh với tay vỗ vỗ vào vai anh bạn Nam Tư, kêu lên :
          - Các anh tinh quá, té ra chúng tôi đã bị theo dõi. Chúng ta giữ cầu làm ăn nhé. Các anh tên là gì ?
          Người tóc xoăn nói :
          - Tôi là Ra-cô-víc, còn bạn húi cua đây là Ta-díc. Ta-díc là một võ sĩ hạng nặng đấy.
          Thấy Ra-cô-víc chỉ tay vào Ta-díc, hai tay làm động tác nhử nhử như võ sĩ trên sàn đấu, ý như là muốn dọa mình nên Bùi Khoái phản ứng lại rất nhanh. Anh ta cũng chỉ tay vào Đình Dũng :
          - Bạn tôi là Dũng, thày dạy võ kung-fu. Các anh có nghe nói đến võ kung-fu bao giờ chưa ?
          Hai người Nam Tư trố mắt thán phục.
          - Anh ấy biết kung-fu ? Thật không ?
          - Người Việt Nam không nói dối bao giờ !
          Bùi Khoái cười thầm, ưỡn ngực trả lời. Khi họ đã chia tay nhau,  Đình Dũng vẫn còn ngạc nhiên hỏi :
          - Tôi có  võ vẽ gì đâu mà ông bốc phét với chúng nó ghê thế ?
          - Trông ông ghồ ghề cọ mốc phát khiếp, chỉ cần đeo một cái lắc bạc rõ to vào cổ là thành xã hội đen, bốc phét thế nào mà chúng nó chẳng tin !
          Bùi Khoái nắm tay thúc nhẹ vào người Đình Dũng, cười phá lên đùa tinh quái :
          - Lắc bạc to bằng cái xích chó ấy, ha ha !
          Bùi Khoái và Đình Dũng trở về nhà ngồi bật vô tuyến, hồi hộp chờ đợi buổi tối, không biết trên màn hình có những gì. Khi dãy đèn đường bật sáng, các anh vội vàng nhảy bổ ra ngoài, quên cả tắt vô tuyến. Đang lượn lờ ở điểm hẹn dưới rặng cây phong thì thấy có hai bóng người xuất hiện, đi sóng đôi, mỗi người xách theo một cái túi ni lông nặng. Bùi Khoái lo lắng nép mình vào một gốc cây, liếc mắt nhìn quanh, thấy người và xe vẫn nhộn nhịp bình thường. Khi đã chắc chắn hai bóng người kia là hai anh bạn Nam Tư, anh ta mới yên tâm bước ra khỏi khoảng tối. Không hiểu sao những người này cũng nhận ngay ra Bùi Khoái trong lúc vẫn còn tranh tối tranh sáng. Bùi Khoái nghĩ chắc đấy là khả năng đặc biệt của họ, khả năng đặc biệt của những người buôn lậu. Khác hẳn với cảnh vui vẻ hồ hởi ở quán bia, mọi người đều im lặng, một sự im lặng đè chĩu nặng bộ ngực Bùi Khoái. Anh ta im lặng giao tiền cho Ra-cô-víc, trong lòng lo lắng đến tột độ. Có một chút vốn trao cho người lạ, mất là mất hết. Lúc ấy Ta-dích đứng cách đấy một quãng ngắn, thấy Ra-cô-víc ra ám hiệu đã nhận xong tiền, liền nhanh nhẹn đặt 2 cái túi lên chiếc ghế đá rồi cùng Ra-cô-víc bỏ đi. Bùi Khoái và Đình Dũng tiến đến ngồi xuống ghế, vẫn không ai nói gì, nghe rõ tiếng tim đập thình thịch trong ngực. Một lát sau họ bấm nhau đứng lên, mỗi người xách theo một túi, thong thả đi về như không có cuộc trao đổi vừa rồi. Đến khi mở cửa vào trong phòng rồi khép chặt cửa lại, cả hai mới thở phào, phá lên cười.
          - Mẹ kiếp, cứ như biệt động Sài Gòn ấy. Khiếp quá !
          Dù sao thì những anh buôn lậu tân binh cũng đã nhận về 5000 chiếc khăn suôn sẻ. Cái gì cũng có sự khởi đầu, đối với họ, ngày hôm nay là một sự khởi đầu đầy hứa hẹn. Đình Dũng đem ba phần tư số khăn giao cho đại lý được 50 cu- run một chiếc, còn lại họ bán trực tiếp được 100 cu- run một chiếc, tính ra có lãi đậm.
          Sau vụ khăn tua Ấn Độ thắng lợi, Bùi Khoái và Đình Dũng càng máu me làm ăn nên vẫn giữ mối với hai người Nam Tư. Lúc này Bùi Khoái đã có ít tiền, buổi tối rủ  Đình Dũng ra quán bar, mỗi người uống vại bia, gọi  đĩa xúc xích bánh mỳ mà không thấy xót  như những ngày đầu mới đến. Đình Dũng cầm dao dĩa cắt miếng xúc xích nóng đang bốc khói nhưng không thấy anh đưa lên miệng ngấu nghiến như mọi khi. Gác miếng xúc xích còn cắm nguyên ở dĩa vào đĩa thức ăn, anh ta ngẩng đầu nhìn Bùi Khoái, bóng điện từ quầy bar hắt sáng một bên cái đầu húi cua, một bên kia xạm tối nên trông mặt anh ta như nổi hẳn lên. Đình Dũng lắc lư nói :
          - Không làm lớn thì không giàu được ông Khoái ạ, cò con chỉ đủ uống bia thế này thôi.
          Bùi Khoái bỏ cái mũ đỏ chót xuống bàn, ngửa mặt cười ngất :
          - Ông mà cũng có gan  làm giàu ! Khó đấy, nếu ngon ăn thì tất cả người Việt ở Pra-ha này đã thành triệu phú hết rồi.
          Mải theo đuổi ý nghĩ làm giàu nên Đình Dũng không để ý thấy Bùi Khoái đội cái mũ đỏ từ nãy, bây giờ cái mũ đỏ đặt trên bàn trông rất khó chịu. Đình Dũng chỉ vào cái mũ, hỏi :
          - Tại sao đến bây giờ ông vẫn đội cái mũ đỏ này, sao không thay cái mũ khác trông cho đạo mạo một tí có hơn không ? Cứ như trẻ con quàng khăn đỏ ấy, ngộ chết.
          - Này, tôi nói ông biết, còn hơn cả quàng khăn đỏ. Trẻ con quàng khăn đỏ ở cổ, tôi đội mũ đỏ ở trên đầu. Tôi đội thế từ năm học lớp 8, từ khi biết thế nào là trái tim rung động. Chuyện cũng đơn giản thôi, là của một cô bạn cùng lớp cho tôi, “từ ấy trong tôi bừng nắng hạ”. Cũng vì đội nó mà mãi người ta không xét kết nạp tôi vào Đảng, bảo tôi là khác người. Tôi hỏi ông, ông là công nhân, ông đã đảng viên chưa ?
          - Rồi, bỗng dưng làm sao lại hỏi chuyện đảng viên ?
          - Tôi hỏi ông đảng viên, đội cái mũ đỏ thì có gì khác người ? Ở đây có ai để ý tôi đội cái gì trên đầu không, tất nhiên là ngoài ông ra ?
          Chắc chiếc mũ đỏ phải là một câu chuyện dài và đã từng gây bức xúc cho Bùi Khoái nên anh ta xổ ra một tràng như thế. Đình Dũng muốn kéo anh ta trở lại câu chuyện buôn bán nhưng phải loay hoay một chút mới nói được thế này :  
          - Biết đâu cái mũ đỏ lại đem đến vận may giàu có cho ông !
          - Ồ, biết đâu đấy. Làm giàu ở đây khó mà cũng dễ thôi.
          - Vậy chúng mình thử một phen nhé. Đang có cơ, cứ mạnh dạn cái !
          - Nhưng ông là đảng viên cơ mà ? Không sợ à ?
          Đình Dũng không trả lời, chỉ “hừ” lên một tiếng rồi nhét vội miếng xúc xích vào miệng.
          Quả nhiên những người buôn bán chợ đen lúc này đang có cơ hội phất lên vì hàng lậu tràn vào Tiệp rất nhiều. Một món hàng đang được ưa thích là đồng hồ điện tử do người Nam Tư, người Thổ Nhĩ Kỳ tuồn qua cửa khẩu bằng đủ mọi cách. Đồng hồ được bọc thành từng bó ni lông giấu vào thùng xăng, trong lốp ô tô xơ-cua, trong vách xe ô tô tải…Đồng hồ được giấu trong bất cứ thứ gì có thể giấu được. Biết mặt hàng này đang có giá, Đình Dũng bàn với Bùi Khoái gom tiền làm một chuyến. Bùi Khoái ngần ngại :
          - Làm hàng ấy kinh bỏ mẹ, loắng quắng bị công an rớ thì mất hết.  
          Đình Dũng gạt đi :
          - Muốn làm thì cứ làm, đừng già dái non hột thế. Công an Tiệp tốt lắm, ông không nghe chuyện mấy thằng sinh viên mình vừa rồi à ?
          - Chuyện thế nào ?
          - Chúng nó xách một va-li đồng hồ, đang đi trên đường thì gặp công an. Tụi này chưa biết xử ra sao thì một thằng nhanh trí cứ thế xách thẳng chiếc va-li đến trước mặt anh công an, đặt xuống đất hẳn hoi rồi hỏi đường về Sứ quán. Mấy anh công an vui vẻ chỉ đường ra mê-trô, lại còn hỏi xách cái gì mà nặng thế, có cần giúp đỡ không. Thế đấy !
          - Tôi cũng nghe một chuyện chết cười của mấy anh công nhân trong nhà máy. Họ cũng xách một va-li đồng hồ, đang đi trên xe điện thì chuông báo thức cứ thay nhau reo ầm lên, thật hú vía. Thế mà những người đi xe mặc kệ, chẳng ai để ý cả.
          Đình Dũng nhắc lại :
          - Vậy tội gì mà không liều một cú.
          - Đồng ý là phải liều, nhưng phải vừa liều vừa thận trọng. Tôi cũng nghĩ nhiều rồi, ngoài việc tránh công an thì còn phải tránh cả bọn trấn lột nữa. Nhiều người đã bị bọn này trấn mất trắng, uất  mà không kêu ai được. Tôi còn chưa nói đến Sứ quán đấy nhé. Ông là đảng viên mà khác với mấy anh đảng viên trong nhà máy tôi. Họ chỉ có một giấc mơ con con cho cả chuyến đi, chỉ cần mua được mấy chiếc xe đạp mang về nên chẳng phải săn hàng. Cũng không phải đi buôn. Họ thường báo với Sứ quán những thằng buôn lậu như mình, mấy ông Sứ vẫn cảnh báo vi phạm ba lần thì làm thủ tục về nước, chẳng đã có người phải về tay không là gì ! Ông là đảng viên, tôi đang là đội trưởng, lao vào buôn lậu cũng ngại.
          Từ khi tiếp xúc với Bùi Khoái, Đình Dũng phải công nhận anh này khôn ngoan hơn mình, bởi vậy họ rất tự nguyện dựa dẫm vào nhau. Tuy vậy Đình Dũng nghĩ thầm anh này không đủ liều như mình. Không có gan liều thì không làm to được. Có vẻ như Bùi Khoái còn giữ gìn quá, còn ý tứ cả với mình. Ý nghĩ này làm Đình Dũng hơi bực.
          - Ông cẩn thận quá. Sang tới đây mà còn giữ mình thì làm được cái đếch gì ? Vả lại giữ mình để làm gì, tôi hỏi ông ?
          - Giữ để làm gì thì mỗi người tự  biết lấy-Bùi Khoái nói và đặt mạnh cái vại bia cạn lên mặt bàn.
          Đình Dũng vốn lì lợm mà cũng bật cười lên ha ha :
          - Hóa ra từ nãy đến giờ tôi toàn nói chuyện làm ăn với ông đội trưởng. Ông có đi báo với Sứ quán không !
          - Ông thiếu nghiêm túc rồi. Tôi bàn với ông chuyện làm ăn cẩn thận chứ không ai ngăn cản ông.
          - Tôi đùa tí mà !
          Thực tình đối với Bùi Khoái, anh vừa ham muốn lại vừa thấy lòng nặng nề. Dấn sâu vào con đường buôn bán thì anh không thấy mình còn là mình nhưng không làm ăn thì cũng không phải con người thật của anh lúc này. Anh tự thấy con người anh bây giờ giống như được làm bằng một thứ chất dẻo, hễ kéo về bên phải thì sẽ thành anh đội trưởng gương mẫu, kéo sang trái là thành ngay anh buôn lậu. Giằng co trong lòng thế thôi chứ càng ngày anh càng bị ham muốn kéo về bên trái. Đến lúc quyết định cùng Đình Dũng làm một chuyến đồng hồ điện tử thì cuộc kéo co coi như đã phân rõ thắng bại. Bùi Khoái cùng Đình Dũng đi ra trung tâm, trong lòng thấy nhẹ nhàng hơn. Họ tìm Ra-cô-víc và Ta-díc không mấy khó khăn. Hai chủ hàng người Nam Tư  lúc nào chẳng luẩn quẩn ở mấy quán bar, thấy con hàng đến thì vui vẻ ra mặt.
          - Chào các bạn Việt Nam, các bạn khỏe không ? Lại khăn tua chứ ? Bây giờ chúng tôi không còn khăn tua nữa. Sau khăn tua là đồng hồ, các bạn cứ thử xem, được lắm.
          Bùi Khoái không vòng vo thăm hỏi, độp luôn :
          -  Chúng tôi cũng không khăn tua nữa. Vậy các anh có những đồng hồ gì ?
          - Đồng hồ mới là hàng chính của chúng tôi bây giờ. Đủ các loại, bao nhiêu cũng có.
          - Có những loại gì ?
          Ta-díc giơ những ngón tay to như quả chuối mắn lên làm động tác kiểm kê :
          - Đồng hồ kê-xen nam, đồng hồ trẻ con các mầu, đồng hồ kim giật, đồng hồ nhẫn, đồng hồ vòng các kiểu. Riêng đồng hồ nữ thì hơi hiếm, phải lần sau mới có. Bây giờ chúng ta quen biết nhau rồi, các anh có thể cứ lấy hàng, bán xong trả tiền cho chúng tôi.
          Bùi Khoái đã nghe kể về mấy mánh khóe lừa lọc nên lập tức cảnh giác. Anh quay sang nói với Đình Dũng.
          - Lần này bọn chúng quá dễ dãi khi đưa ra những điều kiện thuận lợi. Mấy thằng cha nghiên cứu sinh đã dặn tôi rồi, nó nói đồng hồ nữ hiếm là vì chúng muốn giữ lại để nâng giá. Còn nó cho mình lấy hàng trước là để tạo niềm tin, nuôi béo mình rồi thịt, sau nó chỉ cần lừa mình một cú là ăn đủ. Vì vậy mình đừng hám lợi, cứ chơi đạo chắc, kiểu tiền trao cháo múc, đồng ý nhé ?
          Tất nhiên Đình Dũng đồng ý ngay vì anh cũng đã nghe những chuyện này. Ra-cô-víc thấy hai người nói với nhau bằng tiếng Việt mới hỏi :  
          - Các anh nói với nhau cái gì đấy, bí mật à ?
          - Bí mật gì đâu, tính xem có đủ tiền mua 5 va-li không.
          - 5 va-li ? Kha-ra-sô ! Có đủ không ?
          - Đủ. Trao hàng lấy tiền ở gần nhà tập thể. Chúng tôi không cần lấy hàng trước.
          - Tốt ! Vẫn trao hàng ở chỗ cũ ?
          - Không, tôi đã ghi sẵn địa điểm mới đây, như thế an toàn hơn.
          - Buôn bán với người Việt Nam thật dễ chịu. Lần này chúng tôi mời các anh uống bia !
          Vụ đồng hồ lại trót lọt, tạo ra cho Bùi Khoái và Đình Dũng những cơ hội làm ăn mới, ngày một lớn hơn. Có đủ vốn, họ rất chịu khó gom hàng của người Việt, lấy hàng của hai anh bạn Nam Tư nên chẳng mấy đã trở thành những chủ hàng có chút tiếng tăm. Bây giờ phòng ở của Bùi Khoái đã trở thành một địa điểm gặp gỡ và giao dịch, cái gì cũng có. Mỗi khi Bùi Khoái nhận được tin có hàng, anh ta cùng Đình Dũng ra các trạm điện thoại tự động gọi về các tỉnh lẻ như Li-bê-rét, Khô-mu-tốp, Van-đốp, Plơ-zen, Ốt-stra-va, Brơ-nô..., hẹn anh chị em về lấy. Sau đó họ trực tiếp đi nhận hàng rồi thuê tắc-xi chở về tận nhà tập thể, mọi người ở tỉnh đã chờ sẵn, chia nhau một loáng hết ngay. Tuy vậy Bùi Khoái không quên giữ  lại một ít  để bán ta-bắc, nghĩa là bán cho  những người ở cùng nhà tập thể để họ đi bán  lẻ cho các hàng bán thuốc lá trong phố, kiếm chút lời. Nhiều người quen biết ở các địa phương về có lúc còn được Bùi Khoái cho chịu tiền, đồng hương gặp gỡ nhau rất sôi động. Mối hàng cũng mỗi lúc được mở rộng, Bùi Khoái bàn với Đình Dũng tách ra, mỗi người tiếp xúc với nhiều nơi khác nhau để tạo cho nguồn hàng thêm phong phú. Đình Dũng nắm chặt tay Bùi Khoái bóp mạnh khiến anh này kêu lên oai oái :
          - Đau, đau quá, buông ra !
          - Ông chán tôi rồi chứ gì ? Này thì cho chán này !-Đình Dũng lại bóp tay người bạn, cười khà khà. Rồi anh ta buông ra, gỡ chiếc mũ phớt xanh trên đầu đưa cho Bùi Khoái.
          - Ông đội cái mũ này cho tôi nhờ. Thay khẩn cấp cái mũ đỏ đi.
          Bùi Khoái cười lên khơ khớ. Cái mũ nào cũng là để đội trên đầu, kể cả là cái nón cũng là để đội trên đầu. Bảo anh thay màu đỏ bằng cái không màu còn có lý, thay màu này bằng màu khác, màu đỏ sang màu xanh thì cuối cùng cũng vậy, cũng là đội một thứ màu lên đầu chứ có gì khác đâu. Nghĩ như thế nhưng Bùi Khoái vẫn đón nhận chiếc mũ phớt màu xanh. Anh không hiểu tại sao chiếc mũ đỏ của anh lại làm cho nhiều người khó chịu.
          Đến thời điểm hai người chia tay để mở rộng mối làm ăn thì Bùi Khoái trông cũng mập hơn, thường khoác chiếc áo blu-dông màu xanh, mặc quần ka-ki sáng, đều mua ở cửa hàng hiệu nên rất mốt, rất ra dáng, nhưng anh nhất quyết không chịu bỏ cái mũ. Lúc này không còn có những ràng buộc bắt anh phải làm theo ý người khác, Bùi Khoái thấy sự khác biệt lại là một điều hay, làm cho cuộc sống đa dạng hơn chứ không buồn tẻ. Hàng ngày anh vui vẻ xách chiếc cặp đíp-lô-mát màu nâu vào nhà máy, loắng quắng chỗ này chỗ kia, mỗi nơi một tí, rồi đánh bài lỉnh. Một hôm vừa từ trong nhà máy xách cặp đi ra Bùi Khoái thoáng thấy có một người mặc sắc phục công an đứng ở cửa, đang nói chuyện với mấy ông gác cổng. Bùi Khoái chột dạ, định quay lại nhưng không kịp. Người này đã trông thấy anh và bụm tay lên miệng gọi to :
          - Bu-ôi Kho-ai !
          Bùi Khoái cũng nhận ngay ra anh này là Stê-phan, thợ nguội cũ trong nhà máy. Stê-phan hát rất hay, giọng hát ấm và vang như thừa hơi của anh làm chết bao nhiêu cô gái. Cùng ở trong đội văn nghệ của Đoàn thanh niên nhà máy, Bùi Khoái dạy cho Stê-phan hát bài tiếng Việt “Bèo dạt mây trôi”, cùng hát song ca bài “Chiều Mát-xcơ-va” trong mỗi dịp Tết Việt Nam hoặc mít tinh ngày lao động quốc tế 1 tháng 5, vì vậy hai người tỏ ra quý mến, thân thiết nhau. Vấn đề là cách đây 9 tháng, khi Bùi Khoái mới bắt đầu buôn đồng hồ, anh đã đưa một số lớn cho Stê-phan đem đi tiêu thụ, sau đó bỗng dưng Stê-phan biến mất. Không biết có chuyện lành hay dữ gì đây mà hôm nay anh này đột nhiên xuất hiện trong bộ quần áo công an nên Bùi Khoái hơi hoang mang. Không có cách nào khác là tiến thẳng đến bắt tay Stê-phan rất thân mật. Stê-phan kéo anh ra riêng một chỗ, vẻ bí ẩn :
          - Gặp tôi thế này anh có sợ không ?
          Bùi Khoái bình tĩnh trả lời :
          - Không, tại sao lại sợ ?
          - Trước tôi làm ở nhà máy, nay tôi là công an, tôi có thể bắt anh bất kể lúc nào về tội buôn lậu, tại sao lại không sợ ?
          - Chuyện buôn bán tự anh cũng biết anh đã làm gì. Tôi không sợ vì tôi biết chúng ta vẫn là bạn.
          Stê-phan cười lên rất to rồi ôm chầm lấy Bùi Khoái :
          - Anh là người bạn thật tuyệt vời, tôi chỉ trêu đùa anh tí thôi. Anh có biết hôm nay tôi đến tìm anh có việc gì không ?
          Bùi Khoái còn chưa kịp trả lời thì Stê-phan đã nói :
          - Tôi cần hàng của anh để bán. Anh có thể đưa hàng cho tôi đi bán như trước không ? Hiện anh có những hàng gì tôi đều có thể bán được.
          Bùi Khoái vẫn nửa tin nửa ngờ nên không nói gì. Biết như thế, Stê-phan đưa cho Bùi Khoái tấm thiếp có số điện thoại của anh ta và nói thêm :
          - Khi cần, rất cần thì tôi có thể lấy xe VB chở hàng cho anh, nhưng phải bí mật, rất bí mật. Anh gọi điện cho tôi nhé.
          Nói rồi Stê-phan ôm hôn Bùi Khoái và chia tay anh. Xe VB mà anh bạn người Tiệp vừa nói đến là những chiếc xe sơn màu vàng nhạt của công an, thường là những chiếc Mốt-xcô-víc 407 đặc chủng có còi ủ đèn quay, Bùi Khoái không ngờ Stê-phan lại có thể làm được việc khó tày đình này. Anh cầm tấm thiếp trên tay, băn khoăn giữa thực và hư. Buổi tối anh quyết định thử xem, nếu Stê-phan thực sự muốn hợp tác thì đó là điều rất tốt. Bùi Khoái liền xuất ra một ít đồng hồ, nghĩ rằng nếu có mất cũng không đáng gì. Rồi anh gọi cho Stê-phan. Stê-phan nhanh nhẹn nghe máy và hẹn anh sáng hôm sau. Stê-phan đến đúng hẹn, mang đồng hồ đi,  5 ngày sau đã mang tiền về trả cho Bùi Khoái. Kể từ đấy Stê-phan trở thành một bạn hàng quen thân.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét