Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2015

CHUYẾN ĐI NGOẠI GIAO NHÂN DÂN


Nguyễn Văn Vụ, Phó Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia

Năm 2013, trong một cuộc nói chuyện với cựu quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam ở Hà Nội, Thủ tướng Hun Sen nói : “Tôi muốn làm sao tổ chức cho các đồng chí cựu quân tình nguyện, cựu chuyên gia và các cháu con, em gia đình liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam sang thăm Campuchia để thấy nơi mà các đồng chí Việt Nam đã chiến đấu hy sinh giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm hoạ diệt chủng, ngày nay đã hồi sinh như thế nào”.
         
Thực hiện ý kiến của Thủ tướng Hun Sen và thể theo nguyện vọng của hàng vạn quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã chiến đấu công tác ở Campuchia, Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia do đồng chí Vũ Mão, nguyên UVTW đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội làm chủ tịch và Hội hữu nghị Campuchia-Việt Nam do bà Men Sam On, phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quan hệ Quốc hội-Thượng viện và Thanh tra Chính phủ Campuchia làm chủ tịch đã chỉ đạo hai Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia và Hội hữu nghị Campuchia-Việt Nam thực hiện việc tổ chức đưa các cựu quân tình nguyện, chuyên gia, con em gia đình liệt sỹ Việt Nam ở Campuchia sang thăm lại đất nước chùa tháp.

Tiếp theo chuyến thăm Campuchia của 100 cựu quân tình nguyện và chuyên gia  năm 2014; Năm 2015, được sự đồng ý của Ban Bí thư, hai Hội phối hợp tổ chức đoàn 150 người trong đó 100 người là cựu quân tình nguyện, 11 người là con, em gia đình liệt sỹ, thương binh cùng một số cựu chuyên gia, cán bộ chủ chốt của Trung ương Hội và các tỉnh thành có chung biên giới với Campuchia sang thăm Campuchia từ ngày 08-12/7/2015.
Chuyến thăm lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình Campuchia đang có những diễn biến phức tạp, lực lượng của Đảng đối lập (CNRP) sau khi chấp nhận kết quả bầu cử trở lại nghị trường tham gia Quốc hội Campuchia đang đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) nhằm mục đích giành quyền lực từ CPP trong cuộc bầu cử năm 2018. Chiêu bài mà đảng này sử dụng vẫn là những vấn đề nhạy cảm do lịch sử để lại trong quan hệ Campuchia-Việt Nam đó là : biên giới lãnh thổ, dân tộc tôn giáo, người Việt ở Campuchia; hình thức, mức độ hoạt động ngày càng đa dạng và công khai táo bạo hơn. Nhất là từ khi dấy lên phong trào chống Việt Nam từ cuối năm 2014, chúng tổ chức tập hợp người Campuchia Krom, nhiều lần đến biểu tình trước Sứ quán ta ở Phnôm Pênh, đốt cờ, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đòi Sứ quán và Việt Nam phải xin lỗi vì người phát ngôn Sứ quán cho rằng vùng đất các tỉnh Nam bộ là của Việt Nam từ thời xa xưa. Gần đây một số nghị sỹ Đảng CNRP tổ chức cho một số thanh niên, trí thức, sinh viên và cả sư sãi từ Phnôm Pênh đi xuống những vùng biên giới đang phân giới cắm mộc giữa hai nước vu cáo Việt Nam xâm lấn biên giới, đào ao, gieo trồng trên đất Campuchia, có nơi chúng vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam gây xô xát như ở khu vực cột mốc 203 thuộc tỉnh Long An, làm bị thương một số người Việt Nam; chúng đòi Chính phủ Campuchia hủy bỏ Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Campuchia (ký 27/12/1985) và Hiệp ước bổ sung (ký 10/10/2005) vì cho rằng bản đồ mà CPP dùng để phân giới cắm mốc biên giới với Việt Nam là bản đồ giả, do Việt Nam in ấn; mới đây Sam Raing Sy tìm mua tập bản đổ bán tự do ở Pháp (26 mảnh) gía 153,81 Euros (168 USD) đem về đòi đối chiếu với bản đồ mà Campuchia và Việt Nam đang phân giới cắm mốc hiện nay, làm cho tình hình thêm phức tạp. Mặt khác, đối với người Việt ở Campuchia chúng tăng cường tuyên truyền xuyên tạc gây sức ép đòi Chính phủ tăng cường quản lý xiết chặt đối với người Việt Nam, gần đây Chính phủ Campuchia đã kiểm tra và bắt đưa về Việt Nam hàng trăm người Việt làm ăn trái phép ở Campuchia; một số nơi chúng kích động cho người lén lút đập pháp mồ mà của người Việt chôn cất ở Campuchia, gây bức xúc trong cộng đồng người Khmer gốc Việt, tạo ra bầu không khi bất yên cho người Việt ở Campuchia. Trước tình hình đó, đã có những ý kiến kể cả lãnh đạo cấp cao cho rằng nên cân nhắc xem có nên tổ chức cho đoàn sang Campuchia lúc này không?
          Nhưng với quyết tâm của lãnh đạo hai Hội, nhất là của Chủ tịch Vũ Mão và bà Men Sam On, chuyến thăm của đoàn vẫn được tổ chức đúng theo lịch trình đã định. Ở Thủ đô Phnôm Pênh đoàn đã đến đặt vòng hoa viếng Đài tưởng niệm quân tình nguyện Việt Nam, chào lãnh đạo Bộ Quốc phòng, thăm Hoàng cung, thăm Sứ quán và được bà Men Sam On, phó Thủ tướng, Chủ tịch Hội hữu nghị Campuchia-Việt Nam tiếp mời cơm thân mật. Ở Tỉnh Siêm Riệp đoàn đã được Chủ tịch Hội đồng nhân dân Ngài Nu Phon La và phó Tỉnh trưởng Siêp Riệp tiếp đón chiêu đãi trọng thị, đoàn đi thăm di tích Ăng kor wath, Ăng kor thôm và một số di tích lịch sử văn hóa của Campuchia.

Đặc biệt là, chiều ngày 9/7/2015, bỏ qua khuôn khổ lễ tân ngoại giao, Thủ tướng Hun Sen đã giành hơn một tiếng đồng hồ tiếp cả đoàn 150 người tại Cung Hoà Bình, nơi trang trọng nhất để họp nội các Chính phủ Hoàng gia và tổ chức các hội nghị quốc tế ở Campuchia, Thủ tướng cho biết Cung Hòa bình là nơi Thủ tướng tiếp các nguyên thủ quốc gia và tổ chức các hội nghị quốc tế có nguyên thủ các nước lớn tham dự như Tổng thống Nga Pu Tin, Tổng thống Mỹ Ô ba ma, Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Đức, Nhật, Hàn quốc….  
Với tình cảm đặc biệt giành cho đoàn, Thủ tướng Hun Sen kể lại bằng tiếng Việt kỷ niệm những ngày đầu rời bỏ hàng ngũ Pôn Pốt chạy sang Việt Nam tìm đường cứu nước hồi cuối năm 1977, ôn lại những kỷ niệm đã vượt qua gian nan, thử thách ban đầu sang nhờ Việt Nam giúp đỡ để tập hợp những người yêu nước, xây dựng lực lượng chống lại bọn diệt chủng Pôn Pốt, thành lập đơn vị vũ trang đầu tiên, tiền thân của quân đội Hoàng gia ngày nay. Thủ tướng nói nhờ Việt Nam giúp đỡ mà những người yêu nước Campuchia gồm lực lượng của Thủ tướng, của các ông Chea Sim, Heng Sam Rin, Bu Thoong, Sai Bu Thoong và những người học tập ở Việt Nam đã hợp nhau lại thành lập Mặt trận dân tộc đoàn kết cứu nước Campuchia, đề ra đường lối chủ trương đấu tranh cứu Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Thủ tướng nói, ban đầu mới thành lập lực lượng còn non yếu, chúng tôi nghĩ rằng cuộc chiến đấu sẽ rất khó khăn gian khổ phải mất ít nhất 5 năm mới có thể giành thắng lợi, nhưng do được sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam cuộc chiến đấu lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt diễn ra nhanh chóng, tập đoàn Pôn Pốt bị đánh đuổi, đất nước Campuchia được giải phóng hoàn toàn vào ngày 7/1/1979, nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm hoạ diệt chủng tàn bạo của bọn Pôn Pốt sau 3 năm 8 tháng 20 ngày.  
Thủ tướng Hun Sen bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với đảng, nhà nước, quân tình nguyện Việt Nam, cám ơn những ông bố, bà mẹ, người vợ Việt Nam đã có chồng, con, em hy sinh xương máu ở Campuchia để cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi thảm hoạ diệt chủng và hồi sinh đất nước, công ơn này nhân dân Campuchia luôn khắc ghi không bao giờ quên, không có sự hy sinh giúp đỡ của Việt Nam thì không có Campuchia ngày nay.
Thủ tướng khen ngợi hoạt động tích cực của hai Hội hữu nghị Campuchia-Việt Nam và Việt Nam-Campuchia góp phần vào việc củng cố tăng cường quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống hai nước, Thủ tướng nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình hiện nay, nhất là tình hình chính trị ở Campuchia lực lượng đối lập đang ra sức hoạt động tuyên truyền phá hoại quan hệ hai nước, các hoạt động đấu tranh ngoại giao của đảng, nhà nước là rất quan trọng, nhưng có những việc thông qua hoạt động của các tổ chức xã hội nhất là Hội hữu nghị hai nước thì rất hiệu quả, như việc tổ chức gặp gỡ giao lưu giữa nhân dân hai nước thông qua đó mà tuyên truyền giáo dục cho nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ hai nước về quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống hai nước, đó là chức năng nhiệm vụ mà hai Hội cần đẩy mạnh hoạt động hơn nữa, hiện nay nhận thức về quan hệ hai nước không còn như trước nhất là đối với lớp trẻ, nên thông qua các hoạt động của tổ chức Hội sẽ thuận lợi và tốt hơn, vì Hội là Tổ chức phi chính phủ, hoạt động ngoại giao nhân dân, không cần lễ tân ngoại giao, có thể tổ chức gặp gỡ bất cứ đâu và thời gian nào, không ràng buộc bởi thời gian và nghi lễ. Như buổi gặp gỡ hôm nay, nếu thông qua ngoại giao thì nhiều nghi thức, phải qua nhiều cấp mà chắc gì tôi đã gặp được các đồng chí, Ngoại giao họ chỉ bố trí cho tôi gặp các vị nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao, còn với tổ chức Hội họ sẽ không bố trí, nên tôi đã bỏ qua nghi lễ ngoại giao để có được buổi gặp các đồng chí hôm nay. Thủ tướng chúc hai Hội hoạt động tích cực, hiệu quả hơn nữa góp phần củng cố, tăng cường quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống hai nước đời đời bền vững.
Với tình cảm sâu sắc của Thủ tướng Hun Sen, các nhà lãnh đạo và nhân dân Campuchia giành cho đoàn, đến đâu cũng được đón tiếp chân tình, nồng hậu thể hiện tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, để lại ấn tượng sâu sắc đối với các thành viên trong đoàn, nhất là sự hồi sinh phát triển của Campuchia từ sau 7/1/1979 đến nay dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Nhân dân Campuchia và Chính phủ Hoàng gia Campuchia do Sam dech Thủ tướng Hun Sen dẫn đầu.

Với tôi, từng nhiều năm công tác ở Campuchia, tham gia nhiều hoạt động đối ngoại đảng và nhà nước, lần này tham gia một hoạt động đối ngoại  nhân dân do hai Hội hữu nghị tổ chức, là dịp để nhìn nhận sâu sắc thêm về tầm quan trọng của công tác đối ngoại nhân dân, nhằm củng cố, tăng cường quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống hai nước Việt Nam-Campuchia, góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới./.
                                                         
                                                                      Hà Nội, ngày 16 tháng 7 năm 2015
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét