Diệp Vũ (VnEconomy)
Một cuộc đối thoại chóng vánh giữa Tổng
thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Trung
tâm Hội nghị Bắc Kinh hôm 10/11 vừa rồi có thể được xem như “đỉnh cao”
của những tình huống đặc biệt, khi các nhà lãnh đạo thế giới cùng tập
trung ở một nơi.
Theo tờ Wall Street Journal, các phóng
viên chứng kiến đã kể lại rằng, khi các nhà lãnh đạo các nước được Chủ
tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dẫn vào một căn phòng được trang trí lộng
lẫy, ông Putin quay về phía ông Obama và nhận xét bằng tiếng Anh: “Căn
phòng đẹp đấy chứ?”
Ông chủ Nhà Trắng lạnh lùng thể hiện sự đồng ý mà chẳng buồn nhìn sang ông chủ điện Kremlin.
Thậm
chí, Obama còn phớt lờ khi Putin vỗ vào vai ông từ phía sau, khi hai
nhà lãnh đạo chuẩn bị ngồi xuống ghế phía đối diện với ông Tập Cận Bình.
Trên
đây vẫn chưa phải là tình huống “khó đỡ” duy nhất khi 19 nhà lãnh đạo
thế giới tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên Diễn đàn Hợp tác châu
Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tuần này ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Sự
kiện do Bắc Kinh lần đầu tiên đăng cai này đã bế mạc vào hôm qua
(11/11).
Một vài khoảnh khắc tại sự kiện thậm chí còn “lạnh” hơn
cả cái bắt tay giữa ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
trong cuộc gặp chính thức đầu tiên của hai nhà lãnh đạo vào hôm thứ Hai.
Những hình ảnh được phát đi trên sóng truyền hình quốc gia cho thấy
khuôn mặt mà Wall Street Journal ví là “nặng như đeo đá” của ông Tập Cận
Bình hướng về phía máy quay từ trước khi nhân viên thông dịch của ông
Abe dịch xong lời chào mừng của ông.
Theo nhận xét của GS. John
Delury thuộc Đại học Yonsei của Hàn Quốc, ông Tập Cận Bình trông “giống
như một người đàn ông gặp bạn trai mới của vợ cũ”.
Những tình
huống khó xử trong ngoại giao có thể xảy ra ngay cả khi mối quan hệ giữa
các quốc gia là tốt đẹp, như những gì mà ông Putin đã gặp phải trong
buổi tối ngày thứ Hai khi các nhà lãnh đạo xem trình diễn pháo hoa.
Được
xếp ghế ngồi bên cạnh đệ nhất phu nhân Trung Quốc Bành Lệ Viên tại một
khu vực ngoài trời, nhà lãnh đạo Nga thể hiện sự “ga-lăng” khi khoác lên
vai bà Bành Lệ Viên một tấm chăn màu xám. Chỉ vài giây sau, bà Bành Lệ
Viên đã bỏ tấm chăn đó xuống và đưa cho một nhân viên tháp tùng.
Toàn bộ cảnh này đã được phát trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia Trung Quốc.
“Sức
hấp dẫn của đệ nhất phu nhân Trung Quốc là không thể cưỡng lại, và sự
hấp dẫn đó đã mê hoặc Putin”, một cư dân mạng Trung Quốc nhận xét.
Lại
nói về Tổng thống Obama và và Tổng thống Putin. Mối quan hệ giữa hai
nhà lãnh đạo này chưa bao giờ nồng ấm, và cuộc khủng hoảng ở miền Đông
Ukraine càng khiến sự xa cách giữa ông Obama và Putin gia tăng thêm.
Về
phần mình, Tổng thống Philippines Benigno Aquino và Chủ tịch Trung Quốc
Tập Cận Bình cũng không hài lòng với nhau, vì Manila thách thức các
tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông.
Thủ tướng Nhật
Abe thì khiến cả ông Tập Cận Bình lẫn Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye
“khó chịu” vì một loạt vấn đề liên quan tới lịch sử thời chiến tranh và
tranh chấp lãnh thổ trên biển.
Sau cuộc gặp với ông Abe, ông Tập
Cận Bình cũng giữ khuôn mặt lạnh lùng tương tự khi chụp chung ảnh với
ông Aquino vào tối ngày thứ Hai trước khi các nhà lãnh đạo tham gia dạ
tiệc chào mừng.
Ngược lại, khi ông Putin bước qua, ông Tập Cận
Bình mỉm cười thân thiện và thể hiện điệu bộ như thể hai người tình cờ
mặc trang phục giống nhau. Tối hôm đó, tất cả các nhà lãnh đạo cùng mặc
trang phục truyền thống Trung Quốc.
Ông Abe và bà Park Geun-hye
không có cuộc gặp chính thức nào bên lề APEC, cho dù các nhà tổ chức
Trung Quốc đã xếp cho hai nhà lãnh đạo này ngồi gần nhau trong dạ tiệc
chào mừng tối hom thứ Hai. Theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nhật, hai
nhà lãnh đạo Nhật và Hàn Quốc đã tranh thủ cơ hội không được lên kế
hoạch trước này để thảo luận “một loạt vấn đề”.
Các chuyên gia
phân tích và những người từng làm trong ngành ngoại giao cho rằng, không
nên suy đoán quá nhiều từ những tình huống khó xử trong các cuộc gặp
của các nhà lãnh đạo, bởi những gì họ thể hiện đều đã được cân nhắc từ
trước, để tránh làm mất lòng dư luận trong nước.
“Nếu không có sự
diễn tập từ trước, thì chắc chắn cũng phải có thảo luận trước về những
thứ như ngôn ngữ cơ thể, có nên cười hay không, nên bắt tay theo kiểu
nào”, ông Donald Keyser, một quan chức về hưu của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho
biết về sự chuẩn bị của các nhà lãnh đạo trước khi có các cuộc gặp.
Ông
Keyser lưu ý rằng, sự lạnh lùng giữa ông Tập Cận Bình và ông Abe có vẻ
như đã giảm bớt đi phần nào khi họ cùng xuất hiện trước ống kính vào hôm
thứ Ba. Trước đó, vào hôm thứ Hai, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp
chính thức kéo dài 30 phút sau cái bắt tay khiên cưỡng.
Giáo sư
Kerry Brown thuộc Đại học Sydney đồng thời từng là một nhà ngoại giao
Anh ở Bắc Kinh nói rằng, một phần của những tình huống khó xử trong sự
kiện APEC ở Bắc Kinh có thể xuất phát từ nghi lễ bắt tay của Trung Quốc,
vốn thường có xu hướng “rất cơ học”.
Ông Brown cho rằng, điều
này không hẳn là xấu nếu so với cách mà Thủ tướng Anh David Cameron
thường áp dụng. “Ông ấy [Cameron] thường ôm hôn thắm thiết các nhà lãnh
đạo nữ. Bởi vậy tôi cho rằng chúng ta nên cảm ơn các nhà lãnh đạo Trung
Quốc đã giúp chúng ta thoát khỏi điều đó”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét