Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2014

Nguyễn Đình Đăng trả lời phỏng vấn của phóng viên một tờ báo trong nước

Dưới đây là nguyên văn nội dung tôi trả lời phỏng vấn của  phóng viên một tờ báo trong nước ngày 2/12/2011*).
Nguyễn Đình Đăng nói chuyện về “50 bí quyết vẽ sơn dầu và 10 điều tự răn” tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội sáng 25/11/2011.
Thính giả nghe Nguyễn Đình Đăng nói chuyện tại ĐHMT Hà Nội
1) Vừa là một họa sĩ vừa một là nhà vật lý, anh lấy đâu ra sức lực để hoàn thành được nhiều công việc đến vậy và công việc nào cũng đạt đến độ…xuất sắc?
Xuất sắc đơn thuần chỉ là kết quả của thói quen làm cực tốt những việc bình thường và niềm vui khi làm như vậy. Khi người ta thường xuyên làm một việc gì đó với sự tập trung cao độ tới từng chi tiết với thái độ làm tốt nhất những gì có thể làm bằng tất cả khả năng của mình thì xuất sắc là hệ quả không mấy ngạc nhiên. Không nên quên rằng không ai có thể đạt được trình độ xuất sắc trong bất cứ lĩnh vực nào nếu không trải qua một quá trình học tập và rèn luyện lâu dài. Nhưng một khi đã say mê làm việc mình thích, người ta quên đi sự mệt mỏi và quên cả thời gian. Tôi còn có cái may là không phải làm gì khác ngoài nghiên cứu vật lý, vẽ tranh và chơi piano.
2) Các cụ vẫn nói “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” nhưng xem ra câu nói này sẽ phải sửa lại với trường hợp của anh?
Bạn vừa vô hình chung khẳng định lại rằng quy luật nào cũng có chỗ cho những trường hợp ngoại lệ. Các thành ngữ Việt Nam phản ánh tâm lý của số đông người Việt Nam. Thành ngữ “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh” cũng không thoát khỏi quy luật đó. Nó cho thấy học tập không phải là mục đích tự thân của người Việt Nam. Từ xưa đến giờ sự hiếu học của đa số người Việt Nam (nhất nghệ tinh) chỉ nhằm mục đích rất thực dụng là kiếm bằng cấp, ra làm quan, kiếm công ăn việc làm với lương bổng cao (nhất thân vinh), chứ không mấy ai học vì tò mò, vì đam mê. Chỉ khi nào thấy được rằng “Niềm sung sướng cao thượng nhất là niềm sung sướng của sự hiểu biết” như Leonardo da Vinci đã từng nói, thì việc học mới giúp ta đi tới cội nguồn của vạn vật.
3) Ngay cả những họa sĩ nổi tiếng, không phải ai cũng sống được bằng nghề. Vậy thì, với anh, không biết nghề khoa học nuôi nghệ thuật hay ngược lại?
Trong lĩnh vực nào cũng vậy, không thể đạt được giá trị cao nếu thiếu trình độ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, không nên lẫn lộn tính chuyên nghiệp với việc hành nghề. Có những người sống được bằng hành nghề vẽ, thậm chí còn bán tranh xây nhà lầu, mua xe hơi, nhưng tranh họ vẽ ra vẫn nghiệp dư. Ngược lại có những người không sống được bằng nghề vẽ nhưng tác phẩm của họ sau này đã trở thành các kiệt tác, tuy số này rất ít. Các danh hoạ như Johannes Vermeer, Henri de Toulouse-Lautrec, Vincent Van Gogh là vài ví dụ điển hình.
Trong tinh thần đó tôi đặt trình độ chuyên nghiệp trong nghiên cứu khoa học và sáng tác hội họa lên hàng đầu. Ít khi tôi nghĩ mình đang làm khoa học hay vẽ như một nghề, cho dù trên thực tế, trong khoảng 20 năm nay nghề nghiên cứu vật lý đã nuôi tôi, gia đình tôi, và nghệ thuật của tôi.
4) Nếu như, đặt ra trường hợp là 2 nghề mang lại thu nhập cho anh tương tự nhau, anh có thấy cụm từ “thiên tài” mà người ta đã từng nói về anh một lần nữa được chứng minh?
Nếu thiên tài chỉ là người làm hai hay vài nghề mang lại thu nhập tương tự thì Việt Nam chắc sẽ giành thêm một kỷ lục Guinness nữa như một nước có nhiều thiên tài nhất thế giới, vì đa số cán bộ công nhân viên chức Việt Nam phải “chân trong chân ngoài” mới đủ sống!
Tình trạng mê thành tích, háo danh, sính bằng cấp, thèm khát huy chương, giải thưởng, kỷ lục về những cái đầu tiên, to nhất, cao nhất, dài nhất, nặng nhất, kỳ quan đẹp nhất v.v. tại Việt Nam hiện nay đ̣ã khiến hai từ “thiên tài” thường xuyên bị lạm dụng. Hễ có một nghệ sĩ đoạt giải nhất tại một cuộc thi âm nhạc quốc tế nổi tiếng, một nhà khoa học đoạt huy chương của một tổ chức khoa học danh giá thế giới là lập tức báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng quàng ngay cho những người này cái băng rôn “thiên tài”.  Thực ra đó là những người tài, rất tài, thậm chí kỳ tài bởi họ làm được những gì mà nhiều người khác nhìn thấy, muốn, mà không làm được. Nhưng họ không phải là thiên tài.
Triết gia Arthur Schopenhauer (1788 – 1860) đã cho một định nghĩa hay về thiên tài như sau: “Người tài bắn trúng mục tiêu mà không người nào khác bắn trúng được. Thiên tài bắn trúng mục tiêu mà không người nào khác nhìn thấy được.” Theo định nghĩa đó, các nhà soạn  nhạc vĩ đại như Bach, Mozart, Beethoven, Chopin, v.v là những thiên tài. Còn các nghệ sĩ piano kiệt xuất như Arthur Rubinstein, Vladimir Horowitz, Arturo Michelangeli là những nghệ sĩ trình diễn đại tài.
Tôi không quan tâm tới những gì người ta nói về tôi, bởi đối với tôi, có được một cuộc sống tạm gọi là đầy đủ của một con người chân thật, ngay thẳng, mà lại có thể tự do làm những điều mình thích, thì đã là may lắm rồi.
Nguyễn Đình Đăng, “Mona Lisa xứ Rumani”, 2011, sơn dầu, 72.7 x 91 cm. Một số người đã coi bức tranh hoàn thành vào cuối tháng 2/2011 này như sự tiên đoán trận động đất và sóng thần ngày 11/3/2011 tại Nhật Bản.
5) Trở thành hoạ sĩ bằng tự học vẽ, anh có bí quyết nào có thể chia sẻ để đạt tới 2 từ “nổi tiếng”?
Tôi chưa bao giờ lấy “nổi tiếng” làm mục đích. Nghệ sĩ không nên nhầm lẫn tính háo danh với việc khẳng định cái tôi trong nghệ thuật của mình.
Nhà thơ Boris Pasternak (1890 – 1960) – tác giả tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago”, đoạt giải Nobel văn chương năm 1958,  đã viết bài thơ bất hủ “Làm người nổi tiếng là không đẹp” mà tôi dịch từ nguyên văn tiếng Nga như sau
Hay ho gì mà làm người nổi tiếng.
Điều đó không nâng bạn cao lên.
Lo làm chi cất hồ sơ tích trữ,
Trước bản thảo của mình run rẩy kêu rên.
 
Mục đích sáng tạo là đem mình dâng hiến,
Đâu phải tiếng ồn ào hay sự thành công.
Thật nhục nhã khi mình vô giá trị,
Lại thành lời đàm tiếu của đám đông.
 
Nhưng hãy sống chẳng tự xưng tự huyễn,
Sống làm sao để khi đến cuối cùng
Nghe thấu lời tương lai đang kêu gọi,
Gửi tình yêu vào vũ trụ mênh mông.
 
Cũng cần phải bỏ lửng vài quãng trống
Trong số phận mình, không phải giữa văn thơ,
Những đoạn, những chương của một đời ta sống
Nguệch ngoạc gạch ra ghi dấu bên lề.
 
Và hãy sống chôn vùi vào quên lãng,
Giấu bước chân mình trong im lặng vô danh,
Như cảnh vật giấu mình trong sương khói,
Đâu thấy gì giữa mờ ảo vô minh.
 
Những kẻ khác sẽ lần theo dấu vết
Nối gót ta trên đường của ta đi,
Nhưng tự ta, ta chẳng cần phân biệt
Thất bại – thành công, nào có khác nhau chi?
 
Và không được, dù một giây ngắn ngủi
Từ bỏ niềm tin, phản bội chính ta,
Không lụi tàn, chỉ sống không lụi tàn, chỉ sống
Không lụi tàn cho đến lúc đi xa.
Nguyễn Đình Đăng, “Những con chấu chấu voi bị quên lãng”, 2010, sơn dầu, 130 x 162 cm
6) Dự buổi nói chuyện của anh với sinh viên trường ĐHMTVN, tôi đã rất ấn tượng với bản tự răn mình của anh. Tôi thấy điều này không phải họa sĩ nào cũng làm và tự hỏi không biết anh xuất phát từ ý tưởng nào mà lại viết bản tự răn mình trong nghệ thuật như vậy?
Kinh Cựu ước có 10 điều răn con người để sống sao cho tốt, cho xứng đáng là Con Người được Thượng Đế sáng tạo ra. Tôi nghĩ nghệ sĩ cũng cần có những điều tự răn để xứng đáng với tư chất của Nghệ Sĩ. Vì thế, lấy cảm hứng từ 10 điều răn trong Kinh Thánh, tôi đã viết nên 10 điều tự răn mình như một hoạ sĩ như sau:
I) Tự do sáng tạo là tuyệt đối và không đem đánh đổi cho bất cứ thứ gì khác.
II) Cái Đẹp nằm trong sự Bí ẩn.
III) Không mạo danh nghệ thuật.
IV) Không vẽ điều mình không thích.
V) Kính trọng các bậc thầy cổ điển.
VI) Không làm hại đồng nghiệp.
VII) Không phản bội niềm tin của chính mình.
VIII) Không ăn cắp (đạo ý tưởng, đạo hoạ).
IX) Không hút thuốc, không uống (nhiều) rượu.
X) Một khi đã bắt đầu vẽ thì đừng bỏ dở bức tranh.
7) Anh phải rất tán thành ý kiến của GS Akito Arima**) nên mới nhắc lại lời của ông tại buổi nói chuyện với sinh viên trường ĐHMTVN: “Nếu bạn tin vào điều mình đang làm thì đừng bao giờ từ bỏ nó, ngay cả khi bị người khác chỉ trích”? Tại sao anh lại tâm đắc câu nói này đến vậy?
Tự tin và quyết tâm thực hiện điều mình tin là cách duy nhất để thành công. Trên đời này, khi bạn làm bất cứ điều gì bao giờ cũng có những người phản đối, gièm pha, phê phán bạn, cho bạn là sai. Nếu bạn nao núng, thiếu tự tin trước những thị phi, bạn sẽ không bao giờ thực hiện được điều bạn muốn. Cuối cùng thì bạn chỉ có một con đường duy nhất đó là con đường của chính bạn, do chính bạn tự lựa chọn.
8 ) Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, chất lịch lãm và hào hoa của người Hà thành có ảnh hưởng hội họa của anh?
Tôi thấy một trong những đặc điểm phân biệt người Hà thành “xịn” với người Hà thành “rởm” đó là người Hà Nội gốc không phát âm ngọng giữa L và N.
Trong ngôn ngữ của hội hoạ cũng không được phép “nói ngọng”. Ý tưởng nghệ thuật phải được trình bày rõ ràng, thuyết phục. Hình hoạ phải chuẩn xác, đường nét phải biết cất lên tiếng hát. Hoạ sĩ mà khi vẽ còn xộc xệch trong hình họa, sống sượng trong hoà sắc, lỏng lẻo trong bố cục, thì cũng tựa như người phát âm còn ngọng, hay viết còn sai chính tả be bét. Liệu có thể chờ đợi kiệt tác từ những bức tranh mất cơ bản như vậy?
Sống xa Hà Nội, tôi hay nghĩ về Hà Nội, bởi Hà Nội có ngôi nhà nơi tôi ra đời, nơi cha tôi đã chôn rau cắt rốn của tôi trong vườn theo đúng nghĩa đen của “nơi chôn rau cắt rốn”. Hà Nội xuất hiện trong một số bức tranh của tôi, như “Phút cuối cùng của thành Cửa Bắc”, “Hà Nội ám ảnh”, “Điệu vũ xứ Florence”, “Hồi ức”, “Cầu thang mùa thu”, “Ngày trưởng thành”.
Nguyễn Đình Đăng, “Giấc mơ bạch tuộc”, 2009, sơn dầu, 60.6 x 72.7 cm
9) Là hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam rồi hội viên Hội mỹ thuật Hà Nội, anh có tất bật với công việc tại Việt Nam?
Người ta hay hỏi tôi có bận không? Có thể là bận thật, nhưng bận vì được làm những gì mình thích thì tôi không coi là bận, mà là không “ăn không ngồi rồi” hay “nhàn cư vi bt thin.”
Mỗi năm trung bình tôi về Việt Nam khoảng 1 – 2 lần, chủ yếu là đi công tác (dự hội thảo, hợp tác khoa học v.v.), và mỗi lần về như vậy thường không quá 1 tuần. Tuy nhiên, đôi khi tôi cũng tranh thủ được thời gian để chia sẻ các kinh nghiệm về hội họa của mình với các hoạ sĩ trẻ và những người ham học hỏi trong nghệ thuật, vì theo tôi được biết, nhiều kiến thức và kinh nghiệm nghề nghiệp, tuy rất cần thiết cho hoạ sĩ, nhưng lại không được dạy một cách bài bản và có hệ thống tại các đại học mỹ thuật Việt Nam. Nhiều hoạ sĩ, sau khi tốt nghiệp ra trường, vẫn vẽ theo cảm tính. Thậm chí, tôi đã rất ngạc nhiên khi được biết rằng, cho đến bây giờ, sau 86 năm kể từ khi thành lập, Đại học mỹ thuật Hà Nội vẫn chưa có một giáo trình giảng dạy về kỹ thuật vẽ sơn dầu! Chính trong tinh thần ấy mà tôi đã thực hiện hai buổi nói chuyện về kỹ thuật vẽ sơn dầu cổ điển tại đại học mỹ thuật Hà Nội vào các năm 2009 và 2011. Mỗi buổi nói chuyện kéo dài chừng 3 – 3.5 giờ đồng hồ và thu hút khá đông người nghe trong đó có nhiều sinh viên mỹ thuật. Nhưng để thực hiện một buổi thuyết trình như vậy, tôi đã bỏ ra cả tháng để chuẩn bị slides và nội dung trên máy vi tính. Ví dụ tại buổi nói chuyện “50 bí quyết vẽ sơn dầu và 10 điều tự răn” ở ĐHMT Hà Nội tháng 11 vừa qua tôi đã chiếu 170 slides.
10) Đã bao giờ anh có ý định về sống và làm việc tại Việt Nam?
Có chứ! Tôi ước mơ có ngày tôi sẽ có một ngôi nhà to tại Việt Nam, trong đó tôi có một xưởng vẽ rộng, và một cây grand piano. Tôi sẽ chỉ vẽ, chơi đàn, viết, lướt internet, ăn uống và nghỉ ngơi. Triển lãm tranh, xuất bản sách không phải xin phép, tranh bày ra triển lãm không bị hạ xuống, sách phát hành không bị thu hồi, đăng bài không bị biên tập hay kiểm duyệt. Trong khi chờ cái ngày thần tiên đó đến tôi tự thỏa mãn với điều kiện làm việc và sinh sống hiện nay của tôi tại Nhật Bản.
Tokyo, 2/12/2011
Mùa lá đỏ trong Bình Lâm Thiền Viện (Saitama, Nhật Bản), 4/12/2011
Chú giải:
*) Khi xuất hiện tại đây vào ngày 4/12/2011, bài này có ghi đầy đủ họ tên của phóng viên đặt câu hỏi phỏng vấn cũng như tờ báo nơi phóng viên đó làm việc. Hai ngày sau đó (6/12/2011), tôi nhận được email của phóng viên đề nghị tôi xóa tên của phóng viên và tờ báo đi. Tôi đã đáp ứng yêu cầu này. Còn yêu cầu của phóng viên đề nghị tôi dỡ bài này xuống thì tôi không đáp ứng được vì đây là các câu trả lời của tôi do chính tôi viết ra.
**) Akito Arima (1930-): nhà vật lý hạt nhân, nguyên Bộ trưởng Văn hoá – Giáo dục – Khoa học – Công nghệ Nhật Bản, nguyên nghị viên thượng viện Nhật Bản, nguyên hiệu trưởng ĐHTH Tokyo, nguyên chủ tịch viện nghiên cứu Vật lý Hoá học Nhật Bản (RIKEN), đồng tác giả với Nguyễn Đình Đăng trong 36 bài báo khoa học.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét