Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

Ông lão 74 tuổi hơn nửa đời phượt xe phân khối lớn

Phan Dương
Phượt từ năm 1970, đến nay ông Nguyễn Quang Khuê (Thanh Trì, Hà Nội, là anh ông Nguyễn Quang Dy) vẫn đi chơi mỗi tuần, mỗi tháng. Nhiều vùng đất của Việt Nam đã in dấu chân ông.
Vừa trở về nhà sau chuyến đi Tuyên Quang thăm người bạn, ông Nguyễn Quang Khuê lại tranh thủ làm mới một chiếc xe 3 bánh sang màu booc-đô để kịp những dự định sắp tới. Trước đó, dịp Quốc Khánh ông cùng hơn 50 tay lái trong một hội xe cổ đi phượt Mù Cang Chải (Yên Bái). Đó là còn chưa kể những chuyến đi 60 năm Điện Biên Phủ, du xuân 2014 và vô vàn lần phượt lẻ tẻ chỉ mình ông. 
0.jpg
Già Khuê quan niệm đi chơi nhưng phải giúp ích cho đời. Ảnh: Hội xe XHCN.

Ở tuổi thất thập cổ lai hy, ông Khuê khỏe khoắn, dẻo dai, nước da cháy nắng do đi quá nhiều. Cái vóc dáng cao gầy một khi bước lên những chiếc xe hầm hố thì không phượt thủ trẻ nào theo kịp. Với ông, được đi mọi miền đất nước luôn là đam mê bất tận. Những vùng đồi núi, đèo dốc, đường xá khó khăn càng cuốn hút ông hơn. Những phượt thủ trẻ hay gọi ông bằng tên thân mật "Già Khuê".
Già Khuê cho biết, sau nhiều năm đi phượt cảm xúc vẫn không giảm, không nhàm, mỗi chuyến đi đều cho ông những kỷ niệm thú vị. Như dịp nghỉ lễ 2/9, đang bon bon chạy xe về trung tâm Mù Cang Chải thì ông gặp một cô bé người H'Mông đẻ rơi bên vệ đường. "Cô bé đó mới 16-17 tuổi, không sõi tiếng Kinh, đứa con tím tái, nhau thai lùng nhùng. Tôi bế hai mẹ con vào thùng xe đưa đến bệnh viện. Sau khi họ được bác sĩ chăm sóc an toàn thì tôi tiếp tục hành trình", ông kể.
Trong những lần khác, ông cùng Hội xe XHCN (Xã hội chủ nghĩa) kết hợp đi phượt khám phá với hoạt động từ thiện, giúp bà con các vùng khó khăn xây dựng trường lớp, hỗ trợ lương thực, chăn bông, quần áo ấm...
Ngôi nhà của ông Nguyễn Quang Khuê nằm bên bờ sông Nhuệ, được xây theo kiến trúc nhà sàn, có vườn cây um tùm, ao cá rộng bao quanh. Từ khi nghỉ hưu những năm 1980, ông đã kiến tạo ngôi nhà thành không gian điền viên, là nơi tiếp đón những người bạn thân thiết.
Sinh năm 1941, đến khi 21 tuổi ông tham gia chiến đấu chống Mỹ. Do được học qua trường cơ khí nên ông được phân về công binh. Từ 1971 đến 1976, ông là tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn xe. Nhiệm vụ này đã rèn cho ông kinh nghiệm làm việc tập thể, dẫn đầu đoàn xe hơn 100 chiếc sao cho hoàn thành nhiệm vụ nhanh nhất. Thời gian ở chiến trường ông cũng được thử thách qua tất cả các loại địa hình, am hiểu về nhiều loại máy móc, trang thiết bị.
Cá tính tự do nên ngay khi chiến tranh kết thúc, Già Khuê xin ra quân. Ông từng công tác trong Sở xây dựng Hà Nội, Bộ Lâm Nghiệp và đến năm 42 tuổi thì xin nghỉ hưu sớm. Từ đó, ông làm việc tại nhà như sửa xe cổ, nấu rượu mơ, làm vườn... 
"Xe cộ và xê dịch đã ăn vào máu tôi", ông bộc bạch. Từ năm 16 tuổi, ông đã được cụ thân sinh đã mua cho một chiếc Jawa 353 chạy lòng vòng Hà Nội. Ngày ở chiến trường, nhiều lần ông cũng cưỡi mô tô đi trinh sát đường xá. Sau chiến tranh, ông càng có cơ hội đi bất cứ khi nào rảnh.
Ra quân năm 1976 thì đầu năm 1977, ông Khuê thực hiện chuyến đi vào Cà Mau Lần đó ông lái chiếc xe ba bánh jawa 360 chở theo hai người bạn và 100 lít xăng. Qua mỗi tỉnh ông đều dừng lại thăm hỏi những người từng vào sinh ra tử. "Biết tôi đi vào miền Nam, thằng em can lắm. Chiến tranh vừa kết thúc, đường xá chưa thông nhưng trước sự kiên quyết của tôi nó đành phải bán cái xe phượng hoàng làm lộ phí cho ba người", ông cười nói.
Quãng đường đi từ Hà Nội đến Quảng Bình rất xấu, nhiều hố bom, hố mìn. Qua sông Bến Hải phải dùng tiền mới, nhóm của ông phải chịu đói hai ngày mới đổi được tiền đi tiếp. Vào đến Sài Gòn, họ gặp lại nhiều đồng đội và được dẫn đi chơi khắp miền Nam.
"Lúc quay về có một chuyện thú vị. Khi chúng tôi đang leo đèo Cù Mông (Phú Yên) thì có một ông sư và đồ đệ xin quá giang. Chiếc xe 3 bánh chở 5 người đến giữa đèo thì đứt xích. Thế là tất cả phải xúm vào đẩy xe", ông cho hay. Bận đó, ông được các đạo tràng của vị trụ trì nọ đãi một bữa cơm chay linh đình và từ đó có mối giao hảo đặc biệt với sư trụ trì.
5.jpg
Phượt thủ 74 tuổi thích chinh phục các tuyến đường đồi núi, đèo dốc, trời mưa, sạt lở đất... Ảnh: Hội xe XHCN.
Ngoài những chuyến đi tập thể, ông thường đi chơi một mình. Mỗi năm, tổng các chuyến đi của ông thường từ 20.000-30.000 km. Ông còn có gần 20 chiếc xế hầm hố phục vụ các chuyến đi. Ông lão 74 tuổi chia sẻ, trước kia vợ con, các anh em hay can ngăn ông. Bây giờ mọi người thấy cách làm của ông là đúng. Những người em và các con sẽ đi chơi cùng ông khi họ không có việc. Ông có 8 đứa cháu và cũng hay đưa chúng đi chơi.
Trong quan niệm của ông, đi để được trải nghiệm, học hỏi cái mới, để giúp đỡ mọi người, được sống khỏe, sống có ích. Quan điểm đi phượt được đúc kết trong bài thơ "Du hí lợi sinh" (tạm dịch Đi chơi nhưng có ích cho sự sống con người... xem thêm).
Già Khuê cũng làm một bài thơ, đã được phổ nhạc cho hội phượt hát mỗi khi lên đường: Điều tuyệt vời là sau khúc ngoặt kia/ Chợt bừng sáng một chân trời chưa biết/ Bạn đi bằng gì không quan trọng/ Tôi cũng chẳng cần hỏi bạn vì sao/ Nếu sau khúc ngoặt kia lòng chẳng dâng trào/ Chẳng ngân lên khúc ca xanh giục giã/ Thì với tôi những con đường và mọi chuyến đi đều vô nghĩa...
7.jpg
Già Khuê (trên cùng bên trái) cùng Hội xe XHCN thực hiện chuyến du xuân 3 ngày đi các tỉnh Đông Bắc Việt Nam. Ảnh: Hội xe XHCN.
Theo anh Đức Trí, thành viên Hội xe XHCN, Già Khuê có tính cách thanh niên, ưa sôi nổi, luôn có mặt trong mọi chuyến đi mà hội tổ chức. Già từng tham gia quân ngũ, biết nhiều con đường và kinh nghiệm xử lý các loại địa hình, thời tiết rất dày dạn. Nhờ có Già Khuê mà những chuyến đi của hội xe luôn an toàn, vui vẻ.
"Năm ngoái, Già dẫn chúng tôi chinh phục đèo Khau Lắc, Tuyên Quang. Đây là con đèo với độ dốc lên đến 30%, kéo dài 5 km đường hộc đá trơn trượt. Già Khuê dẫn đầu đoàn xe, lái chiếc sidecar 360 thẳng tiến. Khi Già lên đến giữa đèo thì chúng tôi còn ì ạch phía dưới. Lúc đó già bảo 'Giờ tao chỉ có thể tiến, không lùi'. Nhờ câu đó mà sau hơn 5 giờ đồng hồ tất cả hơn 40 xe đều lên được đỉnh đèo", anh Trí chia sẻ.
Hội xe XHCN thành lập được 4 năm và Già Khuê được xem như lãnh tụ tinh thần của hội. Ông truyền cho từng thành viên tinh thần tập thể tương trợ nhau và kỹ thuật lái xe an toàn. Lần chạy xe từ Hà Nội vào Huế, hơn 50 chiếc xe xuất phát từ 3h sáng, giữa hành trình phải ăn uống, sửa xe, cứu trợ... Nhờ có Già Khuê hướng dẫn mà 21h đêm hôm đó cả đoàn đã vượt qua 700 km đến đích an toàn.
Phan Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét