Tòa nhà - niềm tự hào
Cách đây 14 năm, tôi là một trong
những cô gái thuộc nhóm sinh viên mới ra trường, lần đầu tiên đặt chân
lên bậc thềm Tòa nhà số 1 Tôn Thất Đàm nhận quyết định trở thành công
chức ngoại giao. Ấn tượng về ngày hôm đó trong tôi và từng người trong
nhóm vẫn còn in đậm. Lúc ấy, đan xen giữa nhiều loại cảm xúc là những
ngỡ ngàng trước vẻ duyên dáng cổ kính của tòa nhà màu vàng nổi lên trên
nền tán lá xà cừ xanh mướt, và cả cảm giác nao nao tự hào khi đứng trong
một tòa nhà mang đầy dấu ấn lịch sử của dân tộc.
Sau này được đi đây đi đó, tôi hiểu
rằng các quốc gia trên thế giới đều dành không ít công sức để tìm vị trí
và thiết kế xây dựng trụ sở Bộ Ngoại giao vì hơn bất cứ nơi nào, đây
chính là nơi thể hiện hình ảnh của một quốc gia với bạn bè quốc tế. Trụ
sở Bộ Ngoại giao các nước luôn là những tòa nhà đẹp, nằm ngay trong
trung tâm hành chính.
Các địa danh nơi có trụ sở Bộ Ngoại
giao cũng trở nên nổi tiếng và thường trở thành cách gọi hoán dụ chỉ cơ
quan ngoại giao của đất nước. Chẳng hạn người ta vẫn hay dùng Quai
dOrsay để chỉ Bộ Ngoại giao Pháp vì tòa nhà cổ kính của Bộ Ngoại giao
Pháp vẫn nằm ở đó suốt từ thế kỷ XIX. Trụ sở Bộ Ngoại giao Anh cũng là
một tòa nhà đẹp, tọa lạc trong khu phố các cơ quan chính phủ Whitehall
từ năm 1868. Đến một quốc gia “trẻ” như Mỹ cũng dành khá nhiều công sức
để xây trụ sở Bộ Ngoại giao, và địa danh Foggy Bottom từ cuối năm 1940
đến nay đã trở thành một cách gọi không chính thức khi nói về Bộ Ngoại
giao Mỹ.
Cán bộ ngoại giao các nước hẳn cũng
rất tự hào về trụ sở của họ khi vẫn hay tặng chúng tôi những món quà lưu
niệm nhỏ in hình tòa nhà nơi họ làm việc. Vào dịp Hội nghị Ngoại giao
năm ngoái, lần đầu tiên tôi cũng có được một chiếc cài áo nhỏ hình trụ
sở Bộ vì đây là món quà đặc biệt dành cho đại biểu. Mỗi khi có dịp đeo,
mọi người nhìn vào không khỏi trầm trồ, nói rằng tôi thật may mắn vì
được làm việc trong một tòa nhà đẹp đến như vậy.
Vẻ đẹp sánh vai cùng thế giới
Tòa nhà số 1 Tôn Thất Đàm có thể so
sánh với bất cứ một trụ sở Bộ ngoại giao nào trên thế giới về vẻ đẹp
cũng như về bề dày truyền thống. Tôi được nghe một cán bộ ngoại giao lão
thành kể lại rằng ngay từ khi còn ở Việt Bắc, Bác Hồ đã yêu cầu tìm tòa
nhà đẹp nhất Hà Nội dành làm trụ sở cho Bộ Ngoại giao và chính Người đã
lựa chọn tòa nhà Sở Tài chính cũ của Pháp.
Rõ ràng, khi bước vào tòa nhà, sẽ
không có cảm giác xa lạ, choáng ngợp mà lại cảm thấy có gì đó thân quen
với văn hóa Việt. Có kiến trúc sư nói rằng các lầu mái của tòa nhà phảng
phất bóng dáng kiểu mái chùa Khmer cổ. Có thể bạn không rành về kiến
trúc nhưng nếu cứ thử một lần ngước nhìn lên, bạn sẽ không khỏi ngỡ
ngàng về hệ thống mái ngói đỏ phong phú của tòa nhà: mái che từng ô cửa
sổ, mái che ban công, hàng mái dài giữa các tầng chạy ngang cả tòa nhà,
mái trên các tháp, mái ống khói, các mái tam giác trên nóc nhà, mái sảnh
chờ… Chẳng thế mà người dân Hà Nội vẫn gọi trụ sở Bộ bằng cái tên gần
gũi là “tòa nhà trăm mái” hay “tòa nhà nhiều mái nhất Hà Nội”. Tầng
tầng, lớp lớp mái ngói không chỉ đẹp mà còn rất hữu hiệu trong việc che
nắng, cách nhiệt, chống mưa hắt.
Cùng với hệ thống lỗ thoáng, cửa sổ,
cửa ban công và những bức tường dày đến 80 cm, tòa nhà như được trang bị
hệ thống điều hòa tự nhiên trước thiên nhiên khắc nghiệt của miền Bắc.
Những ai đã từng làm việc ở trụ sở số 1 Tôn Thất Đàm đều hiểu rõ tòa nhà
mát hơn hẳn những nơi khác vào mùa hè, nhưng lại rất ấm áp trong những
ngày đông. Nhờ những hàng cây xà cừ trên trăm năm tuổi xanh mướt từ
đường Chu Văn An, Điện Biên Phủ đến Tôn Thất Đàm, không khí nơi đây luôn
dễ chịu, sảng khoái, nhất là vào sáng sớm.
Ghi dấu truyền thống
Vụ chúng tôi nằm trên tầng ba, mở ban
công nhìn ra là nhìn thấy Quảng trường Ba Đình lịch sử, phía xa xa là
Phủ Chủ tịch, Ban Đối ngoại Trung ương, cũng là những tòa nhà kiến trúc
Pháp duyên dáng. Đứng từ đây, thật dễ hình dung ra khung cảnh ngày 2/9,
khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập trước quốc dân đồng bào. Cũng từ đây,
ngày ngày có thể thấy hàng đoàn người từ khắp mọi miền trên cả nước vào
viếng vị cha già của dân tộc. Lòng tự hào về dân tộc, về Bác Hồ, về các
thế hệ ngoại giao anh hùng cứ ngày ngày ngấm vào từng con người chúng
tôi như vậy.
Chính tại tòa nhà này, ngoại giao Việt
Nam đã đón không biết bao nhiêu bạn bè quốc tế, các ngoại trưởng, các
nghị sỹ, các học giả, từ những nước anh em, bạn bè ở châu Phi, Mỹ La
tinh xa xôi, và cả từ những “đối thủ cũ” như Pháp, Mỹ.
Cũng chính tại đây, biết bao quyết
sách đối ngoại đã được hình thành, đóng góp vào cuộc đấu tranh chung
giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nơi đây đã chứng kiến những
thời khắc khó khăn nhất của ngành ngoại giao khi Việt Nam bị cấm vận, cô
lập, để rồi sau đó cũng chứng kiến giai đoạn chuyển mình khi Việt Nam
sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong
cộng đồng quốc tế. Cứ vào dịp ngày Thành lập ASEAN (8/8) hàng năm, đồng
loạt cùng với trụ sở Bộ Ngoại giao các nước ASEAN, tại đây đã diễn ra Lễ
thượng cờ ASEAN thể hiện quyết tâm xây dựng một cộng đồng ổn định, hòa
bình, đoàn kết và năng động.
Ngoại giao Việt Nam đang cùng đất nước
tiến lên. Thách thức đối với ngành và với mỗi cán bộ ngoại giao cũng vô
cùng to lớn. Không rõ mỗi ngày có bao nhiêu báo cáo, đề án, tờ trình,
đề cương hội đàm, dự thảo phát biểu hình thành từ tòa nhà này. Nhưng ai
cũng biết rõ nơi đây chứa đựng tâm huyết của bao thế hệ cán bộ ngoại
giao, đã và đang hết mình đóng góp xây dựng các mối quan hệ đối tác với
bạn bè năm châu, tận dụng mọi cơ hội từ đối ngoại để đóng góp vào công
cuộc phát triển, bảo vệ độc lập, chủ quyền và nâng cao vị thế của đất
nước.
Mái nhà thứ hai
Chắc hẳn mỗi cán bộ ngoại giao đều có
ít nhất một vài tấm hình chụp trước cổng Bộ. Đối với Vụ chúng tôi thì đã
thành thông lệ, cứ mỗi dịp nghỉ Tết ra, cả Vụ chúng tôi xếp hàng ở bậc
thềm cổng chính để chụp ảnh kỷ niệm. Các phòng trong Vụ chúng tôi hiện
nay treo vô số ảnh các thế hệ cán bộ của Vụ đứng trước cổng Bộ.
Cũng chính bậc thềm này hàng năm lại
đón hàng chục bạn trẻ bước vào cuộc đời ngoại giao, thỏa lòng mơ ước
khám phá những chân trời mới. Đối với chúng tôi, tòa nhà không chỉ đơn
thuần là nơi chúng tôi làm việc mà đã thực sự trở thành mái nhà thứ hai,
nơi gắn kết với anh em, đồng nghiệp, nơi kết tinh trí tuệ và tâm huyết
của các thế hệ cán bộ ngoại giao đi trước.
Tôi cũng mong lúc nào đó, giống như Bộ
Ngoại giao các nước, trụ sở của chúng ta cũng sẽ treo tranh vẽ những vị
Bộ trưởng Ngoại giao qua các thời kỳ, có các phòng họp mang tên các Bộ
trưởng Ngoại giao hay có biển vinh danh những người có đóng góp đặc biệt
cho ngành ngoại giao. Đó sẽ là bài học lịch sử truyền thống ngành đơn
giản nhất cho thế hệ trẻ và cũng có thể giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn
về ngoại giao Việt Nam.
Những ai từng phải ở lại làm việc vào
buổi tối hẳn còn nhớ cứ đến 9h, từ trong phòng làm việc sẽ nghe văng
vẳng tiếng quân nhạc bài Bác đang cùng chúng cháu hành quân sau lễ hạ cờ
ở Lăng Bác. Khúc nhạc ấy, cũng như bóng dáng tòa nhà màu vàng trăm mái,
đã ăn sâu vào trong tâm trí mỗi cán bộ ngoại giao, đồng hành cùng chúng
tôi đến khắp nơi trên thế giới. Tiếng gọi từ truyền thống ngoại giao vẻ
vang đang thúc giục chúng tôi giữ vững nhiệt huyết và bản lĩnh trước
mọi khó khăn, vững bước tiến về phía trước. n
Hoàng Thanh Nga Vụ châu Mỹ
|
Nghề ngoại giao tự hào thay
Trả lờiXóaNhân dân chắp cánh tung bay khắp trời
Được đi đây đó nhiều nơi
Biết nhiều điều lạ sứ người gần xa
Là người đại diện nước ta
Đàng hoàng, chững chạc, xứng là ngoại giao
Dù cho cương vị thấp cao
Luôn luôn nhiệm vụ được trao hoàn thành.
Bạn Nga viết hay quá!
Trả lờiXóa