Mấy chị em chơi thân với nhau từ ngày còn học phổ thông, nay ai nấy trên dưới 70 tuổi rồi, cũng đều có gia đình, có con, có cháu. Song mỗi khi lớp tổ chức họp mặt, chúng tôi lại hẹn hò nhau tại trường để hàn huyên, chia sẻ với nhau mọi chuyện trong cuộc sống.
Hôm ấy, bà Minh có vẻ hơi buồn, bà
tâm sự và hỏi ý kiến chúng tôi: “Thằng T, con trai tôi, vợ chồng chúng nó mới
ly hôn. Cách đây 3 năm các bà cũng đến dự cưới nó đấy! Vợ chồng nó sinh được một
cháu trai gần 2 tuổi. Chúng tôi cứ băn khoăn không biết để cháu ở với ai? Ở với
mẹ nó thì sợ cháu không hợp với bố dượng, sẽ khổ. Ở với bố thì e “dì ghẻ con chồng”.
Mà ở với ông bà thì ông bà đều già yếu cả rồi, lương hưu có hạn chẳng biết có
nuôi dạy được cháu ăn học trưởng thành không, nhiều lúc tôi cũng thấy buồn quá
các bà ạ!”. Thời buổi bây giờ, thanh niên chúng nó được tự do tìm hiểu nhau hẳn
hoi mà ở với nhau được vài năm đã ly hôn, chẳng được như lớp già chúng mình có
mấy ai ly hôn đâu.”
Tôi khuyên bà: “Thôi trước mắt ông
bà cứ để vợ chồng nó tự giải quyết”. Bà Lan nói xen vào: “Hoàn cảnh mỗi gia
đình không ai giống ai, nhà tôi thì mẹ chồng nàng dâu không hợp tính nhau mới
khổ! Giá kể có thêm nhà cho chúng nó ở riêng thì tốt quá, đằng này mình không
có điều kiện”. Rồi bà thở dài. Bà Giang nói tiếp: “Nhà tôi thì lại khác. Ông
nhà tôi bây giờ có tuổi khó tính quá không biết thế nào chiều cho xong. Thôi
thì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Nhân đó, tôi kể chuyện chị dâu con ông
bác tôi cho mọi người cùng nghe:
Chị tên là T.T.N 74 tuổi Anh chị người
cùng quê, lấy nhau từ hồi còn tảo hôn. Anh kém chị 2 tuổi. Lúc về làm dâu chị mới
15, còn anh vẫn đang là học trò. Năm anh được vào đại học, anh chị có cháu gái
đầu lòng. Hai năm sau lại thêm cháu nữa, chị đi chạy chợ lấy tiền nuôi con,
chăm sóc bố mẹ già yếu. Chị dành dụm tiền mua xe đạp để anh chị đi lại đỡ vất vả,
xe đạp những năm 1960 ngày ấy quý hơn xe máy bay giờ.
Ra trường, lương anh, chị để anh tự
mua thuốc men, quà cáp biếu bố mẹ, mua sắm quần áo sách vở cho các con. Anh có
năng khiếu làm thơ và biết chơi tổ tôm. Nhiều hôm nghỉ chủ nhật về nhà anh lại
tranh thủ chơi với bạn thơ hoặc chơi tổ tôm cùng bạn bè. Có lần chị trách:
“Ngày nghỉ, anh chẳng ở nhà quét sân giúp đỡ vợ con lại đi chơi”. Anh giải
thích cho chị nghe: “Thôi u nó đừng trách ta, ta ở nhà quét nhà, quét sân thì
đơn giản quá, cứ mặc quần đùi cũng được, quét một loáng là xong, chẳng phải
nghĩ ngợi gì … Đằng này, đi chơi phải ăn mặc chỉnh tề, nhiều khi ngồi vào chiếu,
muỗi đốt cũng phải chịu, mà chơi có đơn giản đâu, phải suy nghĩ nước cờ nào nên
đi, hoặc không nên, cũng căng thẳng lắm đấy! U nó, chẳng thông cảm cho ta thì
thôi, lại còn trách ta …”. Chị thanh minh thêm với tôi. “Đấy, anh thím cứ nói
thế thì tôi biết trách anh ấy sao nữa. Có lúc anh ấy lại động viên tôi: “Thôi u
nó cứ chịu khó nuôi con giúp ta, ta đi làm nay mai ta nghỉ hưu, lương ta cao ta
sẽ nuôi u nó. Ta với u nó tha hồ nghỉ ngơi, đi chơi …” Anh thím cứ luôn nói như
vậy thành ra vợ chồng lấy nhau đã hơn 40 năm rồi, đã có 6 mặt con mà cấm có giận
nhau, cãi nhau bao giờ …”
Tôi nói thêm với chị: “Em còn nhớ
bài thơ “Vá áo” của anh in chung trong tập thơ “Hương quê” của xã Ninh Hiệp,
Gia Lâm Hà Nội, 1992. Anh ca ngợi chị hết lời, em đọc 4 câu mà em nhớ nhất cho
chị nghe nhé.
“Mòn vai hôm sớm tảo tần
Lo con học lo con ăn tháng ngày
Cho anh là cánh hồng bay
Cho anh đậu vững vai này của em.”
Hôm gặp anh, em “khen” Anh nịnh vợ
khéo thế, anh chỉ cười. Chị bảo: “Thật ra anh thím cũng không “đoảng” lắm đâu
cũng lo dạy bảo con cái học hành, coi trọng nếp nhà thanh tao, biết động viên
và thông cảm với vợ nên tôi cũng thấy hài lòng, không cảm thấy có sức ép mà vẫn
thấy anh là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho tôi …”. Rồi chị buồn buồn nói:
“Thương anh thím mất sớm quá (chưa đến tuổi nghỉ hưu, vì bị bệnh hiểm nghèo). Hồi
đó, tôi cũng lo thiếu anh các cháu lại lộn xộn, may sao các cháu đều ngoan, cả
3 dâu, 3 rể đứa nào cũng biết điều. Chị em chúng nó đều thương nhau, biết bảo
nhau làm ăn nên đứa nào cũng khá cả, tôi cũng yên tâm. Giá bây giờ anh còn sống
thì gia đình hạnh phúc quá”.
Mấy bà nghe tôi kể chuyện đều im lặng
suy nghĩ, một lúc bà Minh nói: “Chị dâu bà là một phụ nữ Việt Nam hiếm có,
chúng mình cũng phải học tập bà ấy …”.
Như nhiều người đã nói “Hôn nhân và
gia đình trong xã hội là chuyện muôn thủa đẹp đẽ, hoan hỉ nhưng cũng rất phức tạp,
nếu biết lựa nhau, thông cảm cho nhau, tôn trọng nhau thì mọi việc lại trở nên
dễ dàng, hạnh phúc./.
Hà Nội, ngày 01 tháng 3 năm
2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét