V
|
ụ “11 tháng 9 năm 2001” thế vẫn chưa đủ, sau
này tôi còn gặp phải nhiều điều rắc rối khác theo luật đời “họa vô đơn chí”. Một
trong những cái họa tiếp theo là vụ tranh chấp thương mại đầu tiên giữa Mỹ và Việt
Nam
về bán phá giá cá Tra da trơn (hay còn gọi là cá Ba-sa, tiếng Anh là cá “Catfish”)
nổ ra vào tháng 2 năm 2002.
Hiệp định thương mại
Việt Mỹ (BTA) đã có hiệu lực từ ngày 10 tháng 12 năm 2001, đúng 2 tháng sau khi
tôi trình Thư ủy nhiệm và bắt đầu thực thi nhiệm vụ chính thức là Đại sứ Việt
Nam tại Hoa Kỳ và 3 tháng sau vụ “11 tháng 9”. Nhìn lại quãng đường dài từ cuộc
đàm phán mang tính “việt dã” về BTA, rồi đàm phán khá gay cấn về hạn ngạch hàng
dệt may; bao nhiêu vòng đàm phán có tính quyết định với Mỹ về việc Việt Nam gia
nhập WTO, tiếp đến là việc Mỹ thiết lập với nước ta Quy chế thương mại bình thường
thường xuyên (PNTR) v.v… và v.v… cho đến nay, khi Mỹ đã trở thành thị trường xuất
khẩu số 1 của Việt Nam, tôi cứ ngẫm nghĩ một điều, từ quan hệ thù địch trước
đây đi vào làm ăn kinh tế với nhau cũng thật gian nan, vất vả. Mục tiêu giờ đây
không còn là “đánh cho Mỹ cút” mà là “lôi Mỹ vào làm ăn” trên cơ sở bình đẳng,
công bằng! Giờ đây lợi ích phần nào có thể cân đong đo đếm được: bao nhiêu tỷ
đô la hàng hóa chúng ta xuất qua được thị trường này, kiếm về cho đất nước được
bao nhiêu ngoại tệ mạnh, thu được bao nhiêu tỷ đô là họ đầu tư vào nước ta, từ
đó tạo thêm được bao nhiêu công ăn việc làm, nâng cao được đến đâu trình độ
công nghệ của nền sản xuất và năng suất lao động. Theo phương pháp tư duy “nghĩ
cho đến cùng” của người Nhật thì quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư nói riêng và
quan hệ với Mỹ nói chung sẽ góp phần giúp cho Việt Nam ta phát triển và củng cố vị thế
quốc tế ra sao. Ta nói “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” cũng có phần đúng. Tiền nhiều,
gạo nhiều sẽ đem về nhiều lợi nhuận; ngoài ra trong trường hợp của làm ăn với Mỹ
còn một khía cạnh khác nữa: do sức mạnh và vị thế quốc tế nên nhiều khi họ có
tiếng nói áp đảo trong việc hình thành các luật chơi về kinh tế-thương mại quốc
tế. Các định chế như WTO, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)… nói chung đều mang dấu ấn
sâu đậm của “chú Sam”! Họ hay nói về “tự do thương mại”, “chống bảo hộ” nhưng
trên thực tế thì càng buôn bán nhiều với Mỹ bao nhiêu thì càng xẩy ra nhiều vụ
xung đột thương mại bấy nhiêu. Kim ngạch buôn bán hai chiều của nước ta với Mỹ
đạt khoảng hơn 20 tỉ $ vào năm 2011 nhưng đã xẩy không ít vụ kiện cáo của phía
Mỹ, nhất là về thủy sản, đó là chưa kể có lúc phía Mỹ còn rục rịch kiện thêm về
đồ gỗ và một vài mặt hàng khác.
Đằng sau những vụ kiện
ấy là các nhóm lợi ích ở Mỹ tác động tới chính quyền, cả ngành lập pháp lẫn
hành pháp; trong trường hợp cá ba-sa là nhóm người nuôi trồng hải sản ở Mỹ. Mà ở
Mỹ luật lệ, thủ tục rất rối rắm; những đường dây lợi ích chằng chịt; mới làm ăn
với Mỹ ta khó lòng hiểu thấu và lần tìm được hết.
- Báo cáo Anh, trong
những trường hợp tương tự, các nước ngoài thường thuê các công ty luật của Mỹ để
giúp xử lý - Đồng chí Tham tán kinh tế của Đại Sứ quán phát biểu như vậy trong
cuộc hội ý gấp xung quanh vụ kiện để Đại sứ báo cáo sớm về nước. Mới nghe tôi
đã thấy thật khó hiểu. “Sao lại thuê người Mỹ đại diện cho các công ty Việt Nam và dựa theo
luật của Mỹ để “tranh cãi” lại với chính người Mỹ, vì lợi ích của phía Việt Nam?! Thật
không hiểu nổi cái “lô-gic” phi lý này.
- Khi đã bị kiện chính thức rồi thì quá trình
xử kiện diễn ra thế nào đây? Khâu nào là quyết định kết quả xử kiện? Sự can thiệp
của các cơ quan chính phủ là ở thời điểm và mức độ nào? Nếu Nhà (tức trong nước
ta) đồng ý phương án ký hợp đồng thuê tư vấn thì ai là người đứng ra ký, lấy gì
làm căn cứ tính giá thuê tư vấn một cách hợp lý nhằm tránh bị hố..vv và vv..
- Thưa Anh -một đồng
chí chuyên viên khác góp ý- xuất xứ vụ kiện cá ba-sa của ta là do tình hình
tiêu thụ sản phẩm của các nông trại nuôi cá ở các bang miền Nam như bang
A-la-ba-ma, Mít-si-si-bi, Gi-óoc-gia trở nên khó khăn, và họ đổ cho ta xuất cá
rẻ vào Mỹ làm cho sản xuất của họ sa sút. Họ lập luận rằng Chính phủ Việt Nam
có nhiều biện pháp trợ cấp giá nên người nuôi cá có thể bán cá với giá rẻ mà vẫn
có lãi; các nhà nhập khẩu Mỹ mua được rẻ hơn cá nội địa nên họ bán cho người
tiêu dùng Mỹ rẻ mà vẫn có “lợi nhuận”; với tình trạng như thế cá Việt Nam sẽ
nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nội địa Mỹ và Việt Nam đang dùng cách bán phá
giá làm thiệt hại các nông trại Mỹ! Nông dân thì đứng ra kiện, còn cơ quan
Chính phủ Mỹ là Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) thì xử kiện. Do đó Chính phủ Mỹ
có vai trò lớn đối với kết quả vụ kiện…
Một quy định nữa là do
Mỹ chưa công nhận ta theo thể chế kinh tế thị trường thực sự nên buộc phải lấy
một nước thứ ba thuộc thể chế thị trường “xịn” để làm mẫu mà tính giá thành sản
phẩm! Hơn nữa ra tòa đại diện ĐSQ (được coi là đại diện Chính phủ) không được
ho hoe lên tiếng, chỉ có đại diện các doanh nghiệp được quyền tranh tụng thôi!
Thú thật chúng tôi
nghe mà đầu rức ong ong. Anh chuyên viên nói tiếp:
- Còn các công ty tư vấn
họ tính tiền công theo giờ (từ 180$ đến 300$/giờ hoặc còn cao hơn, tùy cấp bậc
luật sư) tuy nhiên, có thể thương thảo về trị giá hợp đồng căn cứ theo khối lượng
và giá trị của tổng kim ngạch mặt hàng của ta xuất khẩu qua Mỹ (lại tiếp tục
ong tai vì những từ “trị giá”, “giá trị”).
Tôi nhẩm tính trong đầu
và bỗng hiểu ra rằng, vì sao nghề luật sư ở Mỹ là nghề hái ra tiền! Trong những
vụ kiện như thế này, có thể ví họ như “con đĩa hai đầu” - một hình ảnh mà Bác Hồ
đã dùng để chỉ bọn đế quốc thực dân vừa hút máu dân thuộc địa, vừa hút máu người
lao động ở chính quốc vì họ ăn tiền cả bên nguyên lẫn bên bị, tức là cả phía ta
lẫn phía các chủ trang trại nuôi cá ở Mỹ!
Trước mắt tôi hiện lên hình ảnh hàng chục vạn
đồng bào nông dân Đồng bằng sông Cửu Long nhà mình đang tần tảo nuôi con cá tra
để mưu sinh. Thế mà không khéo thông qua những quy chế “trái khoáy” nước ngoài
có thể dễ dàng cướp đi những thành quả lao động của họ. Nếu cá Việt Nam bị đánh
thuế nhập khẩu cao có nghĩa là phần được hưởng của người nuôi cá sẽ bị giảm,
còn nhà nhập khẩu Mỹ không bao giờ chịu để lợi nhuận của họ bị giảm xuống; số
lượng cá bán được cũng sẽ tụt dốc, thậm chí mất thị trường.
Càng họp hình như vấn
đề càng rối, một phần vì cơ chế kiện tụng của Mỹ thật phức tạp, các nước ngoài
vẫn phải theo nếu họ muốn tiếp tục buôn bán ở thị trường này. Vụ việc lại xẩy
ra lần đầu, trong một thời gian ngắn anh em Sứ quán chúng tôi cũng chưa thể tìm
hiểu kỹ được về luật chơi của Mỹ. Tôi lại thở dài khi nghe kiểu trình bày “dây
cà, dây muống” với những từ ngữ và khái niệm chuyên môn của chuyên viên, và hiểu
rằng công việc đang rất khó. Trong nước thì đang cần báo cáo gấp để ra quyết định,
“lính chiến trường” là chúng tôi thì đang rối! Vấn đề thì khó mà chỉ nên viết
2-3 trang điện thông tin gấp về Nhà. Tính đi tính lại tôi đã “chặt khúc bức điện
ra làm hai” kẻo người đọc điện trong nước cũng rối! Điện thứ nhất tập trung
thông tin về cơ chế của Mỹ xử lý một vụ bán phá giá, tức nói kiểu “khoa học”
thì đó là “nghiên cứu cơ bản”. Bức điện thứ hai là phần “nghiên cứu ứng dụng”,
tôi tập trung trình bày ý kiến của Sứ quán cách xử lý của ta về vụ kiện. Cả hai
điện khẩn cách nhau có mấy tiếng đồng hồ! Cường độ làm việc thật cao.
Chả dấu diếm làm gì với
bạn đọc, phía chúng ta đã cố sức ở mức “tối đa có thể” nhưng trong vụ kiện đầu
tiên về cá Tra ấy, “phe ta” bao gồm cả Hiệp hội thủy sản lẫn Bộ thủy sản cùng Đại
Sứ quán đã chịu một số thiệt hại không đáng có, kể cả trong việc thuê tư vấn.
Đúng là ở đời cái gì cũng phải trả giá, nhất là khi bơi chưa thạo đã phải ra biển
lớn. Mỗi lần nhớ đến khoản tiền bị mất oan tôi lại ấm ức. Giá hồi đó mà “Choa”
hiểu biết hơn về cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại, thì mấy ông luật sư Mỹ
có mà một xu phi lý cũng không móc được!... Nhưng biết làm sao một khi phải “thuê
người Mỹ, cãi với người Mỹ, theo luật Mỹ… “!
Có kể dông dài nữa
cũng không hết đoạn trường theo kiện được. Tôi xin bạn đọc nghe thêm mẫu chuyện
thú vị với Ngài Mác-kên (McCain), Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa liên quan đến vụ
này (ông Mác-kên là ai, trong đoạn anh Vũ Khoan chia xẻ ở phần đầu đã giới thiệu
qua).
Vốn vụ kiện không những
phức tạp và mới mẻ về kinh tế mà còn rất nhạy cảm về chính trị trong quan hệ giữa
hai nước Việt Nam và Mỹ. Như lời của một đồng chí miền trong nói với tôi “Chưa
cần biết mô tê gì sất, Hiệp định BTA ký chưa khô mực mà “răng” nước giàu như Mỹ
lại đối xử “ra rứa” (tệ như thế) với con cá nhà nghèo, vừa ngon, vừa rẻ? Phi lý
và xấu bụng thật”. Tôi được biết bà con nuôi cá ở miền Nam ta thực sự
tức giận về vụ kiện, cho rằng Mỹ lại muốn một cuộc chiến tranh kinh tế với ta
thay cho chiến tranh nóng trong quá khứ hay sao? Và có người thậm chí còn sẵn
sàng đi biểu tình quật khởi trước Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Thành phố Hồ Chí
Minh. Về phía Mỹ, trước tình hình đó chính quyền cũng cố gắng có vài biện pháp
làm dịu như việc quyết định trợ cấp cho nhiều trường học Mỹ tăng mua cá nội địa
cho học sinh ăn trưa để kích thích tiêu dùng. Nhưng những việc như vậy cũng
không cải thiện được tình hình là mấy vì nguồn gốc câu chuyện nằm ở những khó
khăn nội tại của ngành nuôi cá Mỹ. Cá nuôi trong hồ ao lặng ở những bang miền
Nam nước Mỹ khó mà cạnh tranh được với cá nuôi trong nước giòng chảy, phong phú
thức ăn tự nhiên như sông Mê-công ở ta, đó là chưa kể ngày công của họ cao ngất
ngưởng…
Ở trên tôi đã nói qua,
câu chuyện này còn liên quan tới một luật chơi nữa là (cho tới tận nay) Mỹ vẫn
coi Việt Nam
chưa phải là nước có nền kinh tế thị trường! Bao lần gặp các đoàn khách Mỹ, tôi
đều nói: các bạn cứ thử ra đường phố Hà Nội thì thấy, cái gì cũng đều phải mặc
cả, nhà nào ở Thủ đô Hà Nội cũng “mở toang cửa buôn bán”; thế mà Chính phủ Mỹ vẫn
chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường thì thật lạ! Nói vậy thôi, chứ
lập luận kiểu như tôi với tham vọng “lập mặt trận dư luận” giống thời chiến
tranh thì khó “ăn thua” lắm. Luật Mỹ có quy định 6 tiêu chí để họ công nhận một
nền kinh tế thị trường, nào là quyền sở hữu, kể cả ruộng đất, nào là cơ chế
lương, tuyển dụng, nào là đồng tiền chuyển đổi được, nào là không có sự phân biệt
đối xử giữa các thành phần kinh tế…
Vì họ chưa công nhận
ta có nền kinh tế thị trường nên khi xẩy ra xung đột thương mại về bán phá giá,
như trường hợp con cá Tra của ta chẳng hạn, thì để tính giá thành cá Việt Nam,
như trên đã nói, họ không căn cứ vào các số liệu thực mà phía ta cung cấp mà lại
lấy số liệu của một “nước mẫu” nào đó có trình độ phát triển tương đương với nước
ta nhưng đã được công nhận là là nền kinh tế thị trường. Thế mới là oái oăm, thế
mới là “kiểu Mỹ” đích thực! Cá nuôi ở An Giang, nhưng “giá thành kiểu Mỹ” được
tính trên căn cứ các số liệu ở tận bên Băng-la-đét mới ác… Hiển nhiên là họ quá
dễ dàng có được kết quả tính toán để chứng minh giá thành cá của ta cao hơn thực
tế sản xuất ở Việt Nam,
và đi đến kết luận rằng, chính phủ ta trợ giá và Việt Nam bán phá
giá!!!. Như vậy tất yếu ta thua kiện thôi! Thành thử tôi hay nói với anh em Sứ
quán là, suy cho cùng chính trị lại là quyết định vụ khiếu kiện; dáng dấp của “anh
chính phủ” trong câu chuyện kinh tế này cũng không khó hiểu.Vậy ngoài việc xông
vào “đấu” về các số liệu kinh tế ta phải “đấu” cả về chính trị. Như vậy để “trả
lại công lý cho con cá” ta cũng phải dùng “sức mạnh tổng hợp” và “kết hợp các mặt
trận”!...Hiểu thế nên tôi quyết định “xách cặp” lên gặp ông Mác-kên sớm để lốp-bi.
Trong giới hoạt động ngoại giao của ta, mọi người thường tỏ cảm tình với “hai
ông Giôn” là ông Giôn Mác-kên và ông Giôn Ke-ry (hiện là Ngoại trưởng mới của Mỹ
thay bà Clin-tơn) vì họ đều tích cực ủng hộ bình thường hóa và phát triển quan
hệ Mỹ-Việt.
Khi
chuẩn bị lên gặp Thượng Nghị sĩ Mác-kên, tôi chọn đưa theo hai bức ảnh hai con
cá da trơn, một của Việt Nam,
một của bang Mit-si-si-pi do đại diện Thương vụ ta cung cấp. Vốn là, sau khi
các nông trại Mỹ đâm đơn kiện Việt Nam, đã diễn ra tiến trình tranh luận
về “sự hợp lý”và “sự vô lý” của bên nguyên. Có nhóm người dựa vào khoa học nhấn
mạnh các giống cá của Mỹ khác của Việt Nam (theo danh mục cá có rất nhiều
loại ngay trong họ nhà cá da trơn). Theo đó, họ cho rằng kiện cá Việt Nam là không
đúng địa chỉ! Số người khác cho là không có sự khác nhau gì nhiều giữa hai loài
cá và việc phía nông trại Mỹ kiện Việt Nam bán phá giá là có lý. Phía ta tất
nhiên tập trung vấn đề chính là chứng minh Chính phủ Việt Nam không trợ giá cho
nông dân nuôi cá; việc thực hiện những biện pháp khuyến nông là phù hợp với những
cam kết của ta theo Hiệp định BTA và thông lệ quốc tế, có tính đến trình độ
phát triển của Việt Nam cũng như điều kiện nuôi cá Tra ở đồng bằng sông Cửu
Long. Cá của Việt Nam nuôi trong nước chảy, ở vùng nhiệt đới nước ấm và nhiều
thức ăn tự nhiên hơn, giá lao động rẻ... nên giá thành rẻ và do đó có sức cạnh
tranh cao hơn so với cá Mỹ. Đó là những điều dễ hiểu… Việc chứng minh hai loài
cá có khác nhau chỉ là tình tiết phụ trợ thêm.
Sau khi tôi chuyển lời
chào của Lãnh đạo Việt Nam đến ông và nói phía ta đánh giá cao sự quan tâm và
những đóng góp của cá nhân ông đối với quá trình bình thường hóa và phát triển
quan hệ Mỹ-Việt, tôi nói nhiệm vụ hàng đầu của tôi là góp phần làm sao thực hiện
tốt Hiệp định BTA vừa mới đi vào hiệu lực vì thực sự đó là “hòn đá tảng”cho
quan hệ hai nước. Lòng tin của hai địch thủ cũ sau cuộc chiến cần được củng cố
bằng hợp tác kinh tế hiệu quả, công bằng, cùng có lợi…, rằng Việt Nam mong muốn
xuất khẩu được nhiều hàng qua Mỹ và nhập khẩu nhiều mặt hàng cần cho công nghiệp
hóa… rằng ưu tiên cao nhất giờ đây của Việt Nam là phát triển kinh tế, nâng cao
đời sống người dân… Tôi cứ thế nói những điều đã định sẵn trong đầu, vừa nói vừa
theo dõi thái độ của ông để “dừng đúng lúc” để nghe ông đáp lại (Có lúc trong đầu
tôi cũng thoáng qua kỷ niệm về cuộc gặp của đồng chí cán bộ cao cấp ta với ông
Hạ nghị sỹ bang Phơ-lo-ri-đa mà tôi kể ở trên như nhắc tôi đừng tỏ quá “thuộc
bài”, hãy nói tự nhiên hơn, và nhất là hãy đi ngay vào nội dung cụ thể)
Các bạn ạ, đối với những
người làm ngoại giao, chuẩn bị một cuộc gặp quan trọng cũng như đối với người
lính trước một trận đánh trong chiến tranh.Trước khi gặp, phải thật rõ mục
tiêu, nắm thông tin trước về đối tác mình gặp, hiểu người ta là ai và đang muốn
gì, nghĩ gì về mình… (theo như Bác Hồ từng dạy:”biết người, biết ta”). Một điều
quan trọng không kém là chuẩn bị kỹ thao tác tại cuộc gặp, trù tính trước những
tình huống bất ngờ. Sau này có lần bồi đồng đoàn đại biểu cao cấp của Quốc hội
ta tới hội kiến với ông Mác-kên, vừa đến nơi thì người Trợ lý của ông thông báo
không thể gặp được ngay và ông chỉ có thể dành cho Đoàn không quá 10 phút ở một
nơi khác! Rơi vào tình huống như vậy thì nên báo cáo lại và ứng xử ra sao với
đoàn ta để thông cảm được cách làm việc ở Mỹ. Những lúc như vậy Đại sứ chẳng
khác gì “đứng giữa hai làn đạn” và rất dễ trúng đạn mà… chết! Bạn cứ thử nghĩ
xem, đoàn ta rất dễ phật ý lắm chứ; bay hàng vạn cây số đến Mỹ mà chỉ gặp có 10
phút, đó là chưa kể thời gian dịch nữa chứ! Đại sứ “thoát chết” sau những “cú”
như vậy thì thật là số may! Tôi thầm cám ơn đồng chí Lãnh đạo đoàn tỏ ra thông
cảm. Sau sự cố đó Trợ lý của Thượng Nghị sĩ có gọi điện và chuyển lời xin lỗi về
tình huống bất khả kháng của ông và mong đoàn ta bỏ qua. Còn tôi thì theo
phương châm chú ý rút kinh nghiệm qua từng việc, mình sẽ nâng dần được kỹ năng
công tác và trưởng thành lên.
Quay
lại câu chuyện đang kể: Tôi đi ngay vào nội dung cụ thể sau các câu nói “chung
chung” mà theo cách nói của ngoại giao là sau đoạn “bàn về thời tiết” trước khi
đi vào vấn đề chính. Tôi liền lấy hai bức ảnh chụp hai con cá ra cho ngài Thượng
Nghị sĩ xem và nói:
-Thưa Ngài Mác-kên,
Ngài nhìn xem tôi mang đến cho Ngài cái gì đây?!. Ngài thấy đấy, hai con cá
trông đáng yêu làm sao, thế mà không khéo chúng sẽ “cắn” nhau ngay bây giờ đó!
Ông Mác-kên ra vẻ
thích thú về câu hài của tôi, hiểu ngay ý tôi muốn nói, cầm ảnh nhìn hai con cá
ba-sa, rồi cười tươi, thoải mái. Thấy ông vui và lại rất chăm chú, tôi “ra võ”
tiếp. Lần này thay vì ra thế “trung bình tấn” tôi chỉ “chảo mã trái” nhẹ nhàng.
Tôi nói: Thưa Ngài, không biết Ngài có nhận ra hai con cá khác nhau gì không?
Xem ra câu hỏi của mình cũng hơi đường đột,
không khéo “bất lịch sự”với ông nên tôi tự giải trình.Tôi chỉ vào hai cái râu
dài của con cá tra Việt Nam và nói: Ngài thấy không, cá Việt Nam gọi là “cá Tra”,
theo nghĩa tiếng Việt chúng tôi là “cá Già”, thành thử “râu” cũng dài hơn râu
cá Mỹ, nên đây là hai loài cá khác nhau. Và do cá Việt Nam “râu dài
hơn” nên thịt cũng “ngon hơn đấy”! Ông lại cười rất vui.
Liếc nhìn đồng hồ, tôi
dự liệu còn ít thì giờ, và biết chi tiết cá ta có râu dài hơn râu cá Mỹ chỉ là
để nói cho vui, nên tôi tranh thủ đi ngay vào “nội dung chính”. Tôi nói dịu giọng:
vụ kiện đầu tiên làm cho phía Việt Nam thấy rất phi lý, mong Ngài góp phần cho
vụ kiện được thụ lý một cách khách quan, công bằng, tính đến sự nhạy cảm của
quan hệ hai nước ở thời điểm vừa mới bắt tay vào thực hiện Hiệp định BTA, kim
ngạch buôn bán còn quá nhỏ, chỉ khoảng 400 triệu đô...Kết quả vụ kiện ra sao sẽ
rất ảnh hưởng đến sự suy nghĩ của người Việt Nam về mối quan hệ làm ăn với Mỹ,
về chính sách của Mỹ ….Tôi dừng lại, nghĩ bụng nói thế với nhà chính trị và nhà
chiến lược Mác-kên là quá đủ rồi!
Ông Mác-kên diễn giải
lại với tôi vài ý rằng, không phải chính phủ có ý muốn đưa kiện mà xuất phát là
từ các nông trại Mỹ, rằng không chỉ với Việt Nam mà với tất cả các nước Mỹ đều
áp dụng một cơ chế giải quyết tranh chấp như nhau, rằng ông đồng tình nên cố giải
quyết vụ kiện sao cho bớt nhạy cảm chính trị; ông nói sẽ cố gắng làm việc với
bên Chính phủ về việc vụ kiện nên được giải quyết thế nào, tuy nhiên mong Đại sứ
hiểu, ở Mỹ Quốc hội không chỉ đạo Chính phủ… Ông cũng không quên chúc tôi một
nhiệm kỳ Đại sứ thành công.
Ngay sau đó, ông cầm
tay và dắt thẳng tôi đến một bức ảnh treo trên tường phòng làm việc:
-
Đây là bức ảnh tôi quý nhất. Ông chỉ lên tường và nói. Tôi nhìn lên, hóa ra đấy
là ảnh được phóng to cái bia đá bằng xi măng xù xì trên đường Thanh Niên dọc hồ
Trúc Bạch Hà Nội, đánh dấu sự kiện ông bị lực lượng phòng không ta bắn rơi xuống
hồ thời chiến tranh trước đây. Ông cười và nhắc đi, nhắc lại “tôi quý nhất nó đấy”,
chắc trong giây phút đó lại hiện về trong ông tất cả những gì đã xẩy ra cách
đây hàng chục năm tại một đất nước xa xăm. Rồi ông nhìn thẳng vào tôi với con mắt
có tý hài: Nhân đây, tôi có một lời đề nghị với phía Việt Nam (ông hạ giọng
trịnh trọng), và nhờ Đại sứ chuyển về Hà Nội rằng, Thượng Nghị sĩ Mác-kên mong
sao cái tượng nhỏ bên hồ luôn được sạch sẽ! (sau này tôi mới vỡ lẽ là hồi qua
Việt Nam
khi đến thăm “di tích của mình” ông thấy trên bức tượng có những sản phẩm của mấy
chú chim!!!). Ông còn nói thêm như để “đệm” vào lời đề nghị của mình: “Đại sứ
biết không, đó là bức tượng duy nhất của tôi được dựng trên thế giới”!...Và ông
lại nhắc lại: “tôi quý nhất bức tượng đó” tuy có một chi tiết binh chủng của
tôi ghi trên đó không chính xác. Tôi là phi công của Hải quân Mỹ, chứ không thuộc
lực lượng Không quân Mỹ (Ở Mỹ không quân của Hải quân thuộc loại “quý phái”, ở
đẳng cấp cao hơn là Không lực nói chung).
Từ sau vụ kiện về cá
Tra tháng 2 năm 2002 cho đến nay, những vụ Mỹ kiện Việt Nam bán phá giá cá Tra,
tôm đông lạnh… “xuân thu nhị kỳ” lại lắp lại.Nhưng vụ kiện đầu tiên ấy thật “giá
trị” về nhiều phương diện. Tôi nhớ ông Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kô-phi A-nan
đã dẫn trường hợp vụ kiện làm thí dụ điển hình cho quan hệ kinh tế bất công bằng
giữa thế giới đang phát triển và các nước phát triển. Còn điều thú vị là, Việt Nam “đáng ra”
phải trả công cho Mỹ về vụ kiện (mặc dù kết quả tranh kiện là Mỹ đã đánh thuế
nhập khẩu cao vào cá của ta) vì nhờ nó mà danh tiếng của con cá Tra tăng lên
vùn vụt vào loại “lừng lẫy”. Con cá “râu dài” của Việt Nam từ ngày đó
trở nên nổi tiếng khắp năm châu mà không mất mấy tiền cho quảng cáo, và đến nay
cá Tra của ta đã có được thị trường xuất khẩu rộng khắp với kim ngạch hàng tỉ
đô-la mỗi năm.
Nếu có dịp được gặp lại
Thượng Nghị sĩ Mác-kên, chắc ít nhất tôi sẽ tranh thủ nói với ông một câu:”Thưa
Ngài, con cá Tra “râu dài” của Việt Nam đã làm được “sự nghiệp lớn”, bức tượng
của Ngài ở hồ Trúc Bạch vẫn ở đó và được nhiều người đến xem”…
Vậy là làm đại sứ cũng vất vả lắm,đâu phải "sáng căp ô đi tối cắp về"!
Trả lờiXóaBuôn bán với nước lớn cũng không phải là dễ dàng,cảm ơn anh T.S đã đăng bài vụ kiện con cá râu dài,nhưng phần chữ choai bị trùm ra lề,khó đọc lắm.