Tôi có cái lỗi không nhỏ là không thực hiện được ý định chuyển tới bạn bè là nhà giáo lời chúc mừng nhân ngày 20/11 vừa qua, mải những việc linh tinh mà quên cả chúc bạn bè, thật không tha thứ được. May quá, vừa rồi vô tình đọc trên báo An Ninh Hải phòng có bài của tác giả Nhật Lam viết về thầy giáo Nguyễn Vĩnh-người bạn nối khố của tôi, thấy bài viết hay quá, đúng hình và hồn cái ông bạn thầy giáo của mình, vội lấy ngay đưa vào Lều văn, như thể mượn bài của Nhật Lam mà gửi đến bạn một lời chúc muộn. Muộn còn hơn không ! (Thăng Sắc)
Nhật Lam,
Kính gửi thầy giáo Nguyễn Văn Vĩnh, cựu giáo viên trường THPT Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng.
Cho đến bây
giờ, tôi vẫn còn chưa hết ngạc nhiên về sự thay đổi bất ngờ của chính bản thân
mình. Tại sao từ một cô bé học giỏi Toán lại trở thành một người làm chuyên môn
thuộc ngành Văn như ngày hôm nay? Tình yêu với môn Văn của tôi bắt đầu từ khi
nào tôi cũng không rõ nữa. Song một điều tôi chắc chắn rằng, người nâng cánh
ước mơ văn chương trong tâm hồn tôi để tôi có như ngày hôm nay chính là thầy
giáo dạy Văn những năm tôi còn học cấp Ba…
Kỷ niệm đọng lại nhất đời học sinh của chúng tôi là ba
năm học THPT dưới một mái trường đã có gần trăm năm tuổi. Những năm học cấp
Hai, điểm Văn của tôi chỉ thuộc hàng thường thường, trong khi môn Toán luôn xấp
xỉ phẩy 10. Đỗ vào lớp chọn Văn là một điều bất ngờ đã giúp tôi trở thành học
trò của thầy - người tôi kính yêu suốt nhiều năm sau này. Tóc thầy đã điểm bạc,
song dáng vẻ thư sinh, làn da trắng và nụ cười như mùa thu toả nắng khiến chúng
tôi luôn tự hào về thầy giáo dạy Văn hào hoa phong nhã, tư chất hiếm có. Hàng
ngày, thầy - lúc này cũng là thầy giáo chủ nhiệm - chỉn chu áo trắng đến trường
đều đặn, ngay cả khi hôm đó không có tiết Văn. Trong khi đó, đám học trò chúng
tôi còn lem nhem, nghịch ngợm, đôi khi tự thưởng những buổi trốn học một vài tiết
đầu giờ chỉ để ra ngoài ăn sáng.
Đam mê của tôi lúc đầu cũng vẫn là Toán học. Những định
luật Hình học, những công thức Đại số vẫn luôn là niềm đam mê trong đầu óc tôi.
Môn Văn khi đó còn chưa đem lại cho tôi nhiều cảm xúc khiến mỗi giờ làm bài tập
Văn đối với tôi vẫn “khó nuốt” khi phải phấn đấu làm bài văn hay, lại phải dài đến…
vài trang giấy như đứa bạn ngồi bên. Cái cảm xúc trong bộ môn Văn học của thầy
mà mỗi khi giảng bài thầy đều yêu cầu chúng tôi “thăng hoa” để cảm nhận dường
như vẫn còn khá mơ hồ và xa lạ, bởi trước đó tôi chỉ quen với một cộng một thì
phải bằng hai. Đôi chút trong tâm lý của mình, tôi cảm thấy… sợ môn Văn. Nhưng
sau này khi trưởng thành ra đời tôi mới biết, cuộc sống là muôn màu, muôn vẻ không
đơn chiều như những công thức và định luật. Cuộc sống thật khó nắm bắt nếu không
có Văn học soi đường, cuộc sống có quá nhiều cạm bẫy với cả những con người cao
thượng, sống lẫn với những kẻ xấu xa, thậm chí cái tốt với cái xấu cùng tồn tại
song hành mà chỉ Văn học mới khai phá hết cái phức tạp ấy. Mọi ngóc ngách cuộc đời
đã được Văn học lột tả chân thực mà mặc dù đã được thầy hết lòng truyền đạt khi
đó thì do còn chưa và chạm, cuộc sống còn mơ hồ nên tôi chưa thể hình dung ra hết.
Mỗi giờ lên
lớp, thầy vẫn say sưa giảng bài trong khi ở dưới lũ học trò hết gục xuống bàn
lại nhìn ra ngoài cửa sổ. Thầy mệt nhoài trên bục giảng với một tay cầm cuốn
giáo án một tay viết và miệng thì vẫn đọc cho chúng tôi ghi bài. Giọt mồ hôi trên trán thầy cứ
vô tình rơi xuống trước con mắt vô tâm của lũ trò nghịch ngợm...
Rồi mùa thi đến, cánh cổng tương lai dường như chỉ mở
ra cho học sinh chăm học để thi vào đại học. Thầy bất chợt trở nên nghiêm khắc
khi cho những học trò lãng đãng điểm 0 to tướng vào bài Văn còn viết dở mà đã nộp.
Tất cả những học trò vào muộn dù chỉ 5 phút cũng phải đứng ở cửa lớp. Thầy của
chúng tôi, người thầy rất mực hiền hoà và yêu thương học sinh ấy bỗng chốc nghiêm
khắc làm chúng tôi vừa sợ, vừa kiểm lại mình. Khi đó, có lúc tôi ghét thầy nhưng ngay
sau đó tôi thầm trách mình vì điều đó và biết ơn thầy, cái cảm xúc kỳ là ấy vẫn còn vẹn nguyên trong tôi như
mới ngày hôm qua. Thầy tôi đã rộng lượng bỏ qua những lỗi
lầm khi chúng tôi biết sửa sai, biết cố gắng trong học tập. Những trò chơi, những lãng mạn không còn làm chúng tôi
có thể sao lãng con đường phía trước. Tôi khi đó cũng dần trở thành “con ong chăm
chỉ”, biết tự sửa bài văn sao cho câu cú chắc chắn, lời văn bay bướm, cảm xúc
tràn trề. Chưa bao giờ tôi tự hỏi tại sao tôi có thể “thăng hoa” như lời thầy vẫn
nhắc, để mà viết, để mà bình, để mà tự vấn mình, hỏi đời. Bỗng nhiên văn học lại trở lên
gần gũi và thiết thực hơn những con số, những phép tính đối với tôi khi mà hàng
ngày thầy đem những câu chuyện trong cuộc sống ra để chia sẻ, để làm phép thử
cho bài giảng về triết lý nhân văn, về bài học cần rút ra mà các tác phẩm văn
học muốn phản ánh. Tuy không thể giỏi ngay môn Văn nhưng tôi đã bắt đầu biết yêu môn học này, biết quý trọng hơn những giá trị cuộc sống. Đứa học trò ương ngạnh của
thầy đã biết khóc, biết cảm thông khi đọc “Lão Hạc” của Nam Cao, biết mơ mộng
khi cảm nhận “Sóng” của Xuân Quỳnh…
“Mau lên chứ, vội vàng lên với chứ”, khát vọng sống
trong bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu cứ đọng mãi trong tâm tưởng tôi qua lời giảng của thầy.
Bước ra ngoài cuộc sống tôi lại chẳng vội vàng, không phải không khát vọng mà bởi
tôi có niềm tự tin mà thầy truyền thụ. Mặc cho biết bao học sinh vội vàng đi tìm
lò luyện thi, đăng ký thi năm bảy loại môn để mong bước vào ngưỡng của một trường
đại học danh giá nào đó, chúng tôi vẫn chỉ một thầy, “văn ôn, võ luyện” trong
chính sách vở thầy đã giảng. Và, điều kỳ diệu là chỉ với kiến thức lắng lại ấy đã
giúp tôi vượt qua được kỳ thi được coi là “nghiệt ngã” nhất đời học sinh.
Sau này, trở thành một nhà báo, mỗi khi đặt bút viết tác
phẩm, tôi vẫn còn nghĩ về sự “thăng hoa” như lời thầy bảo, liệu rằng nó là gì,
là như thế nào thì tôi vẫn chưa thể giải đáp. Tuy nhiên, chất cuộc sống vẫn
truyền qua mỗi lời văn, mỗi tác phẩm của tôi dường như đã thành máu thịt, bản năng.
Điều đó xuất phát bởi những hạt mầm yêu Văn học mà thầy tôi đã gieo năm nào…
Khi chúng tôi lớn khôn thành người, biết suy nghĩ, biết
thương thầy thì thầy tôi đã nghỉ hưu. Những cái Tết sau ngày ra trường dù tụ họp
bạn bè đông vui nhưng vẫn như thiếu gì đó khi không thể đến thăm thầy vì thầy đã
về Hà Nội sống cùng con gái. Đôi lúc muốn chào một câu “Thầy” nhưng chỉ thể cất lên từ
trong tim. Lớn lên nhờ những bài giảng của cô
thầy, bước ra vững vàng trong cuộc sống,
liệu có khi nào ta ngoảnh lại và giản đơn nghĩ về ai đã cho ta bài học đầu tiên trong đời.
Ngày 20-11 năm nay, chúng tôi đã định ngày để về Hà Nội thăm thầy, bày tỏ lòng
tri ân về những gì thầy đã trao cho chúng tôi mà không hề mong đền đáp. Như tất
cả các học trò kính yêu thầy cô giáo trên đất nước Việt Nam, tôi xin cám ơn thầy dạy văn của
tôi, người trao cho tôi tình yêu cuộc sống hôm nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét