Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

CHUYỆN HAI NGƯỜI ĐÀN BÀ

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Kim Dung


Năm nào cũng vậy, cứ sau ngày cúng  “ông Táo” lên chầu trời, ban lãnh đạo cơ quan lại tổ chức mời cán bộ hưu trí đến họp mặt cuối năm và có quà mừng năm mới. Mọi người tập trung tại hội trường, lâu ngày gặp nhau chuyện trò hàn huyên vui vẻ.
Chị Miên đến sau, đi cùng chồng là anh Thái. Nhìn anh chị không ai bảo ai chúng tôi đều cất lời khen: “Hai bác trông đẹp đôi, hạnh phúc quá. Thật là viên mãn”. Được mọi người khen, chị Miên cảm động lắm, cảm ơn mọi người và nói: “Nhờ có nhà tôi đấy, các bà, các bác ạ!”.
Tôi nhớ lúc còn đang công tác cùng chị, có lần chị tâm sự với tôi một chuyện buồn xảy ra cách đây đã gần 40 năm, khi ấy chị chừng 35, 36 tuổi. 
Một buổi trưa hai chị em ăn cơm xong, nằm nghỉ, chị thủ thỉ với tôi: “ Mình là người con gái quê hương quan họ Bắc Ninh, Dung à. Năm mình 18 tuổi, có một lần đoàn văn công quân đội về quê mình biểu diễn văn nghệ phục vụ đơn vị đóng quân ở đó và bà con quanh vùng. Mình và một vài người bạn rủ nhau đi xem các anh, các chị văn công dựng rạp. Mấy cô bạn mình khoe với các anh bộ đội:  “ Cái Miên làng em là con gái đẹp nhất vùng này đấy, nó lại hát hay nữa chứ…” Anh Hùng, trưởng đoàn đứng gần đó nghe được, đến cạnh mình hỏi thăm địa chỉ gia đình. Đợt biểu diễn xong, anh đến nhà mình chơi và yêu cầu mình hát cho anh nghe vài bài. Nghe xong anh hỏi:
-         Cô Miên có thích đi văn công không?

Mình e thẹn trả lời:
-         Em quê mùa thế này làm văn công sao được.
-         Anh hỏi thật, nếu em có nguyện vọng, sang năm đoàn anh được tuyển thêm người; anh sẽ về tuyển em.
Mình phấn khởi quá reo lên:
-         Thế anh xin cho em nhé. Em muốn đi thoát ly lắm, lại được vào văn công, được biểu diễn khắp nơi thì còn gì bằng.
Giữa năm sau anh Hùng về tuyển mình đi. Thế là từ đó mình trở thành cô nữ diễn viên văn công quân đội, mặc quân phục văn công về làng, ai cũng khen mình trông đẹp và khỏe mạnh lắm.
Những năm đầu mới vào đoàn, mình được biểu diễn, chỉ hát đồng ca, múa tập thể. Hồi ấy thường múa “sạp” hay múa “Dăm bông”. Sang đến năm sau thì hát song ca, ngày ấy mình thường biểu diễn cùng anh Hải bài “Trước ngày hội bắn, hoặc Tình ca Tây Bắc, hoặc Hát đôi: quan họ…
Những dịp nghỉ Tết, hay nghỉ phép năm, mình về quê thăm gia đình gặp bà con cô bác trong làng ai cũng trầm trồ khen mình. Có anh Thái, bộ đội biên phòng làng bên, người to cao, đẹp trai cũng tìm đến nhà mình chơi. Vì là người làng trên, xóm dưới nên dễ thông cảm. Mình và anh Thái xa nhau rồi thư đi, thư lại. Năm sau hai đứa lên duyên vợ chồng, năm đó mình 22 tuổi.
Cưới nhau đầy năm mình sinh con gái đầu lòng đặt tên là: Ngô Phương Thảo. Hai năm sau sinh thêm cậu con trai đặt tên là: Thái Hà. Có hai con nhỏ lại hay phải đi biểu diễn nay đây mai đó nên ba mẹ con cũng vất vả. Bố mẹ thì già yếu, mình không thể gửi các con về để ông bà trông nom giúp. Anh Thái đóng quân ở Lào Cai, cũng không có thời gian về luôn được.
Thấy các con đến tuổi đi học, anh Thái bàn với mình: “Hoàn cảnh gia đình như vậy, hay em xin chuyển ngành đi học lớp y tá chẳng hạn, rồi xin về công tác tại cơ quan gần nhà để chăm sóc ông bà và các con cho tiện”.
Nghe chồng bàn bạc, mình thấy cũng hợp lý. Mình trình bày với lãnh đạo đoàn và được chấp thuận. Mình được giới thiệu đi học lớp y tá 9 tháng, sau về công tác tại trạm điều dưỡng quân y gần nhà.
Trạm điều dưỡng gồm 8 người: (2 bác sỹ, 2 y sỹ, 4 y tá và hộ lý).
Những phiên trực mình thường được phân công trực cùng y sỹ Cường. Cường thua mình 6 tuổi, đã có vợ và 2 con gái. Cường coi mình như chị gái. Hai chị em cũng quý mến nhau vì đều thích văn nghệ ca hát.
Một buổi tối định mệnh. Mình và Cường cùng phiên trực. Đêm đã về khuya, Cường đọc cho mình nghe chuyện ngắn “ Người đàn bà ngang qua đời tôi” của nhà văn Lý Biên Cương. Nghe xong, mình than phiền: “Gần 2 năm rồi, anh Thái chưa về thăm gia đình được. Chị cũng biết anh ấy ở lại đơn vị vì sự bình yên nơi biên cương Tổ quốc, chị cũng thông cảm nhưng nhớ anh quá. Ước gì anh “bay” về với mình một đêm để vợ chồng tâm sự, sáng hôm sau lại “bay” về đơn vị! Cường bảo “anh Thái” có phải là chim đâu mà bay về, bay đi nhanh đến thế!” Cường lúc ấy có lẽ thương mình và thông cảm… nên buột miệng nói: “Hay tối nay Cường là anh Thái nhé…” Mình khẽ bảo “ Ai lại thế!”.
Thấy mình phản ứng yếu ớt, ngay lúc đó Cường đã dấn thêm một bước nữa là im lặng tiến tới ôm mình vào lòng và không nói thêm gì nữa. Mình cũng để yên cho Cường ôm mà không đẩy ra. Bất ngờ Cường gọi mình bằng tên không : “Tối nay trông Miên xinh quá”. Mình vừa ngượng vừa sung sướng. Cường đứng dạy đi về phía mình rồi choàng tay ôm hôn mình… Cường tắt đèn dìu mình đứng dạy. Cả hai đi về chỗ đặt chiếc giường đơn cá nhân để khám bệnh. Cường đỡ mình nằm xuống, vừa thở vừa nói: “Miên thật đáng yêu, thật đẹp đấy. Ngực ra ngực, mông ra mông, đúng là cô văn công …” Mình không phản ứng, người rạo rực nóng ran. Mình nghĩ đến anh Thái cũng thường khen như vậy mỗi khi vợ chồng ân ái… Thế rồi chuỗi cảm giác tê mê, râm ran và hưng phấn đến cực độ… Lúc này không hiểu sao mình nghĩ Cường như thể anh Thái đêm nay ở nhà với mình. Nửa giờ sau tỉnh lại mình nhận ra Cường, khẽ nói “ Cường đấy à” và mình ôm mặt khóc.
Tháng sau mình chậm kinh hơn tuần lễ, tìm gặp Cường mình cho hay: “ Cường ơi, có thể chị có thai với Cường đêm ấy rồi, mắt mình lại ngấn nước. Cường sợ hãi nhưng vẫn trấn an mình: “Miên cứ yên tâm, đợi tháng sau xem thế nào đã”.
Thời gian trôi rất nhanh. Đã qua một tháng gặp Cường, mình lắc đầu bảo: “Vẫn thế!”. Hai chị em đều bối rối lo lắng. Mình ân hận chỉ vài phút “say nắng” mà giờ đây rắc rối quá. Biết nói thế nào với chồng mình đây. Hạnh phúc gia đình mình rồi sẽ ra sao? Và cả gia đình Cường và Tâm nữa. Mình gầy tọp đi, Cường cũng vậy. Tâm vợ Cường thấy thời gian này chồng mình gầy sút quá, lại hay tư lự. Tâm khuyên chồng đi kiểm tra sức khỏe xem có bệnh gì không. Cô lại hỏi: “ Hay ở cơ quan có chuyện gì không vui, có thể chia sẻ với em được không?” Cường mạnh dạn nói: “ Tâm à! Anh rất yêu em, anh có chuyện khó xử, không biết nói ra em có thông cảm và giúp đỡ anh được gì không?”. Tâm hứa nếu giúp được anh, em rất sẵn sàng”.
Ậm ừ mãi, Cường không biết nói thế nào để vợ phải giục: “ Anh nói đi, em hứa sẽ giúp đỡ anh mà”. Cường thở dài: Anh có lỗi với em, chị Miên đã có thai với anh 2 tháng rồi, nhưng đó chỉ là những phút giây không kìm nén nổi và thông cảm với chị ấy mà thôi”…
Tâm bàng hoàng vừa khóc, vừa nói: “ Sao lại thế! Em tưởng anh coi chị Miên như chị gái mình cơ mà. Biết nói với anh Thái ra sao. Giờ em và anh Thái là người đau khổ nhất”. Rồi Tâm chỉ biết khóc.
Buồn quá, Tâm cũng đâm ra ốm, chả thiết nói với chồng chuyện gì nữa. Nhưng rồi nghĩ đến bố mẹ chồng già yếu, hai con còn bé cần đến mẹ, thế là Tâm phải gượng dậy, vả lại cô cũng lo cho chồng, nếu cô lên cơ quan làm ầm ĩ, chồng phải kỉ luật, liệu có phải mất việc hay không? Suy nghĩ mãi, Tâm tính: “Thôi đằng nào cũng thế rồi, mình phải bình tĩnh gỡ tội cho chồng, cho cả chị Miên nữa”.
Thế rồi, Tâm lên cơ quan trình bày và hứa hai bên tự giải quyết êm thấm, xin lãnh đạo không kỷ luật nặng chồng mình.
Tâm về nhà bàn với Cường: “Anh cứ động viên chị Miên giữ gìn cái thai cho tốt để sinh nở cho con khỏe mạnh”. Tâm hy vọng chị Miên sinh con trai. Được thế thì ông bà nội sung sướng lắm. Cô lại bảo khi nào chị Miên sinh xong, được nghỉ 2 tháng nuôi con, hết ngày nghỉ đi làm Tâm sẽ lên đón cháu về nuôi, coi là con chung.
Vì mọi việc được Tâm sắp xếp chu đáo nên cơ quan cũng chỉ phê bình 2 người, không nỡ kỉ luật.
Ngày chị Miên sinh được thằng con trai trông kháu khỉnh, giống Cường như đúc. Vợ chồng Cường và chị thống nhất đặt tên cho cháu là “Hiếu”: Ngô Minh Hiếu. Bố mẹ Cường đã có cháu đích tôn nên phấn khởi lắm.
Cường và chị Miên cảm phục Tâm nhiều lắm. Tháng nào chị Miên cũng tranh thủ về nhà Tâm thăm con và mua quà cho các cháu.
Thấm thoát cu Hiếu đã được 2 năm tuổi, đi nhanh và đã gọi được “ Mẹ Tâm và mẹ Miên”
Thật không may đợt chuyển mùa từ Thu sang Đông năm ấy cu Hiếu bị sôt, ho. Vì chủ quan Cường nghĩ con ho, sốt như mọi ngày nên cho con uống thuốc giảm sốt, thuốc ho ở nhà. Không ngờ bệnh tình con không khỏi, ngày càng nặng thêm. Suốt ruột, Tâm giục Cường cho con đi bệnh viện Nhi khám và điều trị. Đến nơi, bác sỹ cho biết cháu bị viêm màng phổi nặng. Ở bệnh viện 5 ngày, cháu không qua khỏi và đã bị tử vong. Cường và Tâm rất đau khổ đưa cháu về quê chôn cất.
Chị Miên hay tin con trai chết bèn nghĩ Tâm có ý định xấu, vội đạp xe về nhà Cường. Vừa vào đến giữa sân đã nằm vật ra gào khóc, chửi rủa: “ Mày là đồ lòng lang, dạ sói. Miệng nam mô, bụng một bồ dao găm, mày đã tâm giết con tao.  Đồ khốn nạn, đồ mất dạy, đồ lừa đảo. Tao không chị em gì với mày nữa. Đồ phản bội, quân giết người, đồ bất lương…”
Tâm ra sân đỡ chị Miên dạy và mời vào trong nhà nói: “ Chị nghĩ oan cho em quá, em nào có lòng dạ như vậy. Em cũng thương và xót xa mất cháu lắm chứ”. Miên một mực:
- Tao không tin cái mồm mày nữa. Quân giết người1 Trả con cho tao đây. Ối trời đất ơi, nó lừa tôi, nó giết con tôi!. Chị Miên một mực khẳng định như vậy.
Bố mẹ Cường nghe vậy, xót xa thương con dâu đã vất vả lại bị ngờ vực, nghi oan. Ông bà trách con trai mình là người gây nên chuyện rắc rối cho gia đình. Dân làng đi qua dừng lại xem, biết chuyện cũng chê trách Cường nhiều. Bố mẹ Tâm biết tin, thương con gái bao nhiêu thì chê trách con rể bấy nhiêu, Ông bà nhắn Cường sang, quở trách.
Thấy mọi người đều chỉ chích, gặp ai cũng thấy họ nhìn anh bằng con mắt khinh khỉnh. Anh đi đâu cũng thấy ngượng và ân hận với lỗi lầm của mình. Con chết anh càng buồn, đâm bi quan chán đời. Một buổi sáng, trước lúc đến cơ quan, Cường cảm thấy không muốn gặp ai nữa. Anh vào nhà tìm lọ thuốc Gacdenan 0.1g (thuốc độc bảng B) để sẵn trong cặp rồi đưa cả lọ thuốc 100 viên đổ vào miệng và uống nước cho trôi hết, xong xuôi vào giường đắp chăn.
Tâm nhìn đồng hồ đã 8 giờ sáng, thấy xe anh vẫn dựng ngoài sân, cô vào buồng hỏi:
- Anh hôm nay mệt, không đi làm à? Không thấy chồng trả lời, cô vào giường lật chăn, sờ chán chồng xem có bị sốt không? Thì thấy miệng Cường trào bọt mép, mắt trợn ngược. Hốt hoảng, Tâm kêu thất thanh:
-         Ông bà ơi! Chồng con làm sao thế này.
- Bố mẹ Cường vội vào thấy con trai đã tắt thở. Mẹ Cường bị ngất, nằm vật ra nền nhà. Tâm tất tưởi cho gọi y tế xã đến cấp cứu cho bà. Đợi cho bà tỉnh lại, cô sai con gọi cậu em đến cơ quan báo tin để lo tang lễ cho anh.
Miên nghe tin Cường tự vẫn thì ân hận quá, tự nghĩ mình chính là người có lỗi rồi tự nguyện để tang Cường bằng cách may một đôi áo sơ mi vải đen mặc thay đổi suốt ba năm liền.
Còn anh Thái chồng chị, khi biết chuyện vợ mình ở nhà, anh buồn lắm, chả thiết về thăm gia đình nữa. Tết đến, anh đành về thăm bố mẹ và các con. Sáng mùng 2 đã đi thăm bạn bè cho khuây khỏa. Mùng 3 Tết đã về đơn vị. Những ngày ở cơ quan anh suy nghĩ rất nhiều, giận vợ không chung thủy với mình đã đành, lại trách vợ không biết ơn Tâm thì thôi lại mắng chửi ân nhân thậm tệ. Gia đình Cường nay tan nát. Cường mất đi, bố mẹ và vợ con mất chỗ dựa chính.
Anh Thái thương Tâm nhiều. Có lúc anh nghĩ: Hay mình bỏ quách Miên đi để xây dựng với Tâm đền bù cho Tâm sự mất mát, cùng Tâm phụng dưỡng ông bà và chăm sóc 2 cháu. Anh lại nghĩ đến các con mình. Tự hỏi tại sao anh lại để các con anh thiệt thòi và cả bố mẹ anh nữa. Hằng đêm suy nghĩ đối diện với những mất mát không gì bù đắp nổi đã dạy cho anh sức chịu đựng. Rạn nứt yêu thương, lòng anh tan nát rối bời.
Nghĩ đến trách nhiệm với bố mẹ và các con, anh phải níu bình yên còn sót lại mà lướt qua, như một kẻ đã được tiêm chủng liều kháng thể. Lại nghĩ: “Mọi thứ đến và đi trong cuộc đời này, nghĩ nặng là nặng, nhẹ là nhẹ. Cuộc sống vợ chồng, nếu chỉ biết yêu thôi cũng chưa đủ, mà phải biết hàm ơn nhau nữa. Có thế mới sống với nhau đến trọn đời”. Anh nghĩ ngày trước chị đã nghe lời khuyên của anh, hy sinh niềm đam mê là nữ văn công. Chị đang được đi lưu diễn nay đây mai đó, thỏa thích tươi trẻ xin ra quân làm việc khác, về quê hương phụng dưỡng bố mẹ chồng và các con. Anh ở xa, mọi việc ở nhà một tay chị lo toan. Nghĩ vậy, anh lại thấy thương chị. Những lần anh về phép sau, chị chủ động nói với anh: “Em có lỗi với anh, lỗi em lớn quá. Nếu anh không thể tha thứ cho em được anh làm đơn ly dị để sớm xây dựng hạnh phúc mới. Em chấp nhận, chỉ xin anh cho phép được mang con gái Phương Thảo cùng em về bên ngoại giúp đỡ. Chị khóc nức nở. Tới nay tính thời gian từ ngày xảy ra chuyện buồn thì đã được 3 năm vợ chồng chị sống ly thân.
Lần này về với gia đình, chị thấy anh đã đỡ gầy yếu hơn. Chị mạnh dạn nói với anh:
“ Vì các con anh tha thứ cho em nhé! Em ơn anh suốt đời” Anh gật đầu, ôm chị vào lòng. Anh nói với chị “ Dù sao chúng mình còn có nhau. Anh tha thứ cho em để chúng mình làm lại từ đầu. Nhưng anh thương cô Tâm quá! Gia đình tan nát. Chúng mình phải có trách nhiệm với mẹ con cô ấy, có thế anh mới yên tâm” Chị nói: “Em cũng nghĩ thế”.
Hôm sau hai vợ chồng mua quà bánh để đi thăm bố mẹ anh Cường và mẹ con chị Tâm.
Chị có lời xin lỗi ông bà và chị Tâm. Ông thay mặt gia đình nói: “Đánh kẻ chạy đi chứ ai nỡ đánh người quay lại”.
Họ đều tha thứ cho nhau để sống tiếp cuộc đời còn lại.
Hà Nội, hè 2015


Nguyễn Thị Kim Dung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét