Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Xung quanh câu chuyện tăng lương hưu trí

Ghi chép của Nguyễn Thị Kim Dung


Mỗi khi có tin chuẩn bị tăng lương hưu trí là cánh chị em phụ nữ lại xôn xao bàn tán. Vì họ là những người “tay hòm chìa khóa” của gia đình, họ phải tính toán chi tiêu thế nào trong việc ăn uồng, sinh hoạt để đủ ngân quỹ sao cho mọi thành viên trong gia đình vẫn có đủ sức khỏe để học tập, công tác và duy trì sự sống.
Hôm họp phụ nữ ở khu phố tôi, giờ giải lao chị em xúm lại kháo nhau: “Kỳ này tăng lương hưu trí gần 10% cơ đấy!”. Bà N. giọng buồn buồn “Ôi dào, nói là tăng lương. Với các bà lương cao thì được hưởng nhiều, cứ như tôi lương thấp được hưởng khoảng 200.000 đồng thì đáng là bao, mà lại phải mua đắt đỏ theo giá chung”. Bà ngậm ngùi nói thêm: “Thà không tăng lương mà giữ được giá thị trường còn hơn”.

Về chính sách tăng lương hưu trí đa số mọi người đều có ý nghĩ thế này:
Đã là người nghỉ hưu thì ai cũng như ai, không ai phải làm việc như thời gian còn đang đương chức nữa. Có người về hưu lương thấp nhưng họ tham gia hoạt động xã hội (không lương) còn nhiều hơn những người lương cao. Lương hưu trí thì đã theo quy định của nhà nước rồi, ngoài ra tăng lương hưu có nghĩa là nhà nước quan tâm đến người hưu trí, tăng thêm lương để bớt khó khăn khi giá cả thị trường tăng và để mọi người có phần cải thiện cuộc sống chút ít.
Nhìn chung xã hội thì người được hưởng lương hưu trung bình trên dưới ba triệu, hoặc cao hơn lương tối thiểu một chút là số đông. Vì vậy, Nhà nước nên quan tâm đến đối tượng này để mọi người được yên lòng, chứ như tăng lương theo tỷ lệ % thì những người được hưởng lương cao lại càng cao, người lương thấp lại càng thấp hơn so với mặt bằng chung. Mỗi lần tăng lương thì khoảng cách thu nhập càng giãn ngày càng xa hơn. Ví dụ: Người lương ưu 7, 8, 9 triệu được tăng 10% thì mỗi tháng được hưởng thêm 700.000 đồng, 800.000 đồng hoặc 900.000 đồng cộng với lương gốc là, tổng cộng được 7.700.000 đồng, 8.800.000 đồng hoặc 9.900.000 đồng. Còn người hưởng lương hưu 3.000.000 đồng, hưởng thêm 300.000 đồng nữa, cộng lương gốc là 3.300.000 đồng (nhiều người còn thấp hơn). So sánh trên đã thấy một trời một vực (gấp 3 lần) mà số lượng người hưởng lương trung bình và thấp lại là số đông. Vì vậy, không tránh khỏi lỗi lo lắng và buồn phiền của nhiều người dân, mà giá cả ngoài chợ có phân biệt người được hưởng lương cao thì phải mua giá cao, lương thấp thì được mua giá thấp đâu. Tất cả đều mua theo giá thị trường.
Chị em bàn tán và có nguyện vọng nếu được Nhà nước quan tâm thì chính sách tăng lương trợ cấp hưu trí theo bình quân mỗi người được hưởng tăng bao nhiêu thì đều hưởng như nhau. Bởi vì như tôi đã nói ở trên lương trợ cấp hưu trí không phải để trả cho sự bù đắp của năng suất và hiệu quả lao động trực tiếp. Những người được hưởng lương hưu đã cao có lẽ cũng thông cảm vì lương gốc của họ đã cao rồi, phần tăng như nhau cũng là hợp lý thôi.
Tôi nghĩ chính sách tăng lương mà giải quyết thỏa đáng thì có lợi cho chính sách chung mà số đông bà con cũng thấy yên lòng và phấn khởi.    
Đó cũng là phấn đấu cho một xã hội “công bằng, dân chủ và văn minh”. 

Hà Nội, tháng 10 năm 2013                                                        

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét