Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Yến tiệc của Nhật Hoàng

Nguyễn Tâm Chiến




Một “cái hên” khác của tôi là người được tham gia chuẩn bị và đón Thủ tướng Việt Nam thăm chính thức Nhật Bản vào đầu năm 1993 sau vài tháng tôi đến Nhật. Đó vừa là vinh dự nhưng cũng là những dịp thử thách đối với Đại sứ và Đại Sứ quán về khả năng làm việc với chính quyền phía bạn cũng như năng lực tổ chức công việc trong cơ quan đại diện ta ở nước ngoài. Tôi thực sự rất lo lắng khi nhận được chỉ thị trao đổi với phía Nhật về các việc liên quan tới cuộc thăm vì nhiều lẽ. Không chỉ đây là cuộc thăm Nhật Bản lần đầu tiên của một nhà Lãnh đạo Cấp cao của Việt Nam kể từ khi lập quan hệ Ngoại giao (1973) mà vấn đề là bản thân tôi vừa mới nhận nhiệm vụ, địa bàn còn lạ hoắc, mình chưa có kinh nghiệm gì; cơ sở vật chất của “Đại” Sứ quán thì có thể nói là “quá tiểu”, vào loại tồi tàn nhất trong Đoàn Ngoại giao ở Tô-ky-ô. Bản thân Đại sứ cũng chỉ dùng xe ô tô Xéc-đíc của hãng Nít-xan; tôi là một trong số 2 Đại sứ duy nhất đi xe “khác người” trong làng Ngoại giao, mỗi lần vào Hoàng Cung tham dự một sự kiện nào đó chỉ có tôi và Đại sứ Cô-lôm-bia đi trên hai chiếc xe thường. Các vị Sứ thần khác đều dùng ít ra cũng Mét-xê-đét 350 S. Lễ tân Hoàng gia lại còn dùng loa trịnh trọng xướng số xe oang oang theo thứ tự nữa chứ! Chả có gì là phải xấu hổ cả, nhưng chắc các bạn cũng hiểu được cảm xúc của chúng tôi, những người đại diện cho đất nước trong những tình huống đó. Cái nghèo bộc lộ rõ quá nên cũng… !

Chuẩn bị cho nhà Lãnh đạo Cấp cao ta lần đầu thăm Nhật hóa ra về nội dung và các thỏa thuận không có gì gay cấn lắm vì quan hệ đang được mở ra và trên đà thuận lợi, nhưng vài sự rắc rối lại nằm chính trong các biện pháp lễ tân. Nghe qua thì tưởng rằng không có gì ghê gớm lắm trong những việc như: cấp nào ra đón Thủ tướng ta ở sân bay, đoàn mô tô hộ tống mấy chiếc, rồi đội danh dự mấy hàng bồng súng hay không bồng súng, rồi nơi ở của Đoàn thế nào vv… và vv. Nhưng đối với đoàn Cấp cao, đó là thể diện quốc gia, là sự tôn trọng và độ nồng hậu của quan hệ, và đó là sự mến khách của nước chủ nhà… Nếu sơ suất một ly thì tai họa một dặm, và nếu có gì không hay xẩy ra thì Đại sứ là người trước hết đứng ra chịu trận. Thật ra thì những chuyện như vậy cũng chẳng khác nào cuộc sống thường nhật của chúng ta. Khi đón tiếp người bạn đến chơi nhà mình thì cách ăn mặc, chào hỏi, xếp sắp chỗ và cách mời ngồi, thái độ những người trong nhà, cách trang trí nhà cửa, cắm lọ hoa… tất tần tật mọi việc đều phản ánh “giá trị của vị khách” và “văn hóa của chủ nhà”, và chung hơn là “độ nồng ấm của quan hệ và tình cảm” giữa hai bên.
Tôi không thể, và cũng không cần thiết phải kể dài về sự kiện lịch sử trên đối với quan hệ hai nước Việt-Nhật (báo chí hồi đó đã đưa hết rồi) mà chỉ muốn lẩy ra đây những chi tiết không phải ai cũng được chứng kiến để hiểu thêm về văn hóa người Nhật. Đó là cuộc yến tiệc do Nhật hoàng A-ki-hi-tô chiêu đãi Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Bữa tiệc tất nhiên đã diễn ra trong Hoàng cung, tất cả chỉ có 16 người dự, mỗi bên 8 người (không biết các con số này có nghĩa tâm linh Nhật gì không?). Đối diện với Nhật hoàng là Thủ tướng ta, tôi được xếp bên trái Thủ tướng. Trong ngoại giao thì chỗ ngồi đâu có tùy tiện được. Thật tình nước ta và ngay tại các nước XHCN nói chung hay xếp thứ bậc trong đoàn Cấp cao, kể cả chỗ ngồi theo… lương! Với cấp bậc trong nước thì Đại sứ thường chỉ được coi ngang hàng với cấp vụ, nhiều lắm là thứ trưởng cho nên thường được xếp ở cuối hoặc gần cuối hàng! Còn các nước trên thế giới nói chung bao giờ cũng xếp Đại sứ ở vị trí cao, nhiều khi ngay cạnh Trưởng đoàn vì họ là đại diện đặc mệnh toàn quyền của quốc gia, vả lại họ cần tiếp cận trưởng đoàn để còn báo cáo, giới thiệu, tham mưu cho trưởng đoàn khi cần thiết. Thôi xin dừng ở đây về câu chuyện này.
Vừa bước vào Cung phòng rộng rãi được trang trí theo phong cách Nhật nghĩa là rất giản dị, nhẹ nhàng, thanh lịch, tôi đã cảm nhận hai thứ đặc trưng. Đó là ánh sáng và làn nhạc. Người ta dùng chủ yếu những chiếc đèn lồng hình quả trám để có ánh sáng hồng mờ mờ làm cho phòng tiệc vừa ấm cúng vừa hư ảo. Còn bên tai tôi là những nốt nhạc đung đưa: “tinh”… “tằng”… “tinh”… “tằng”… tháng Giêng một nốt… rồi tháng Năm mới một nốt khác! Cứ thế tiếng nhạc Cung đình Nhật như muốn đưa con người vào nơi thật thanh tịnh trước giờ yến tiệc.
Từ hai bên cánh của Cung phòng, mỗi bên 8 “cô nương” trong những bộ trang phục dân tộc ki-mô-nô nhẹ bước vào, trên hai tay là những chiếc đĩa to bự đựng quả núi Phú Sỹ được tạo nên bằng đá đông lạnh xay nhỏ trong suốt và chiếu sáng tinh tế bởi một bóng đèn nhỏ xíu chạy bằng pin để ở dưới đáy núi. Tất cả nhẹ nhàng khoan thai di động hòa theo nhạc điệu, và mỗi cô đến đúng vị trí sau mỗi thành viên bữa tiệc. Sau khi các “quả núi” đã được khẽ khàng đặt trước mặt mỗi người, tôi hồi hộp chăm chú quan sát nhưng chưa hiểu đó là món gì và ăn kiểu gì (đây cũng là lần đầu tôi được dự yến tiệc kiểu này). Tôi đành mạnh dạn báo cáo nhỏ với Thủ tướng rằng, đối với tôi, đây là lần đầu và xin Thủ tướng và đoàn ta cứ nhìn Nhật hoàng làm sao thì ta làm vậy để tránh sự cố. Lúc đó tôi cũng vừa nhận ra rằng, hóa ra chỉ có một con tôm nhỏ xíu uốn cong mình nằm ngay trên đỉnh núi. À hiểu rồi, đây là núi lửa Phú Sỹ đang nướng chú tôm! Nhìn qua phía bên kia bàn, Nhật hoàng đang rất từ tốn gắp tôm và thưởng thức món đầu tiên đó. Gần như tất cả mọi người cùng đồng hành với Ngài. Như vậy trong cái đĩa to đùng là một quả núi Phú Sỹ hùng vĩ, nhưng chỉ có một con tôm nhỏ, ăn gọn một miếng nhưng phải cố lắm mới nhận ra trong miệng có thức ăn, và phải tiêu hóa nó trong vòng… mươi cái nhai! Trong đầu tôi vụt nhanh hình ảnh món ăn tôi đã được thưởng thức tại tư dinh Đại sứ Nhật Y-u-si-ta thết tôi ở Hà Nội trước khi lên đường nhận nhiệm vụ; đó là một bộ xương con cá nhỏ đã được nướng giòn, để trong một cái đĩa to, hệt như chiếc lá khô ép lâu ngày rụng hết phần thịt, chỉ còn lại nhõn phần “xương” nơi phòng thí nghiệm thực vật. Thật tương phản với những đĩa tôm hùm to bự ta thường thết khách quốc tế hạng sang, kèm theo những cốc rượu cô-nhắc XO to tướng!
Đúng là, thưa bạn đọc, “Ăn cơm Nhật, trước hết hãy ăn bằng mắt”. Cái cảm giác ngon và no chỉ là hư ảo, mỗi người phải tự tưởng tượng ra mà thôi! Lần đầu dự yến tiệc nơi Cung đình của Hoàng gia - nơi biểu tượng, nơi giữ gìn và làm sâu sắc phong tục và ý niệm sâu xa, phong phú của nền văn hóa Nhật, làm sao tôi kịp nhận ra được hết sự tinh túy để giải bày với các bạn?
Sau món “Phú Sỹ”đang làm tôi mênh mang như nhìn thấy cảnh thực của trái núi tuyệt đẹp biểu tượng cho đất nước Phù tang, lại cảnh 16 “cô nương” uyển chuyển bước vào phòng tiệc, lần này trên tay lại là những chiếc đĩa to, sáng đẹp có hoa văn cổ, trên đó là một đốt trúc vàng, phần mắt ở hai đầu để thô như cắt dở, trông thật tự nhiên và đẹp mắt. Trong lòng đốt trúc là “cái hồ” nho nhỏ nước trong xanh, phong cảnh “sơn thủy hữu tình”: có đảo nhỏ, có cây cỏ được tạo ra từ đậu phộng và hành hoa thì phải. Những tưởng đây là món xúp lạ nhưng không phải! tôi lại nhìn sang phía Nhật hoàng và các vị chủ nhà thì không thấy ai động chạm gì vào đốt trúc cả. Chao ôi, hóa ra hai bên đốt trúc là hai con châu chấu nguyên xi, vẫn có màu xanh, vẫn đủ chân càng trong tư thế như “chèo thuyền” hay “đấu võ”. Đấy là một món ăn độc nhất vô nhị, vô tiền khoáng hậu đối với tôi. Vốn là người gốc “vựa lúa Yên Thành” Nghệ An, cào cào châu chấu đầy đồng, nhưng đó là lần đầu tiên trong đời tôi được ăn châu chấu nướng. Không hiểu sao nơi quê tôi người ta không dùng món “ẩm thực cung đình” này? Lại những động tác cầm đũa từ tốn, khoan thai, nâng niu từng con châu chấu nhỏ tý, và phải nhớ giơ hờ tay kia ra như đỡ phía dưới, phòng khi châu chấu rơi! Ngoài nhìn vào thì đó là cảnh tượng mọi người như đang múa nhịp nhàng theo điệu Lăm vông của Lào!
Nếu tôi nhớ không nhầm, thì thực đơn hôm đó có tới 18 hay 19n gì đó. Sau hai món trên, hình như người Nhật đã “chiếu vi điện tử” để nắm bắt nhu cầu của con người vì trong khi tôi cảm thấy thèm một bát xúp là lúc các “cô nương” Hoàng cung lại tiến ra bầy trước mặt thực khách những chiếc đĩa sứ to đặc trưng của bộ đồ ăn Cung đình, ở giữa là một chiếc bát xinh xinh, bên trong là một thứ nước hơi đục màu sữa. Đó là món súp đuôi bò mà nhiều năm sau này tôi đâm nghiện, chỉ có điều không thể tìm lại được vị thơm ngon, độ đông đặc nhưng rất tinh tế của thứ súp kỳ diệu đó nữa! Nghe đâu, một ly súp ấy được nấu bằng hai, ba đốt cuối của đuôi một con bò mà thôi! Nếu vậy thì để chuẩn bị cuộc yến tiệc, 16 chú bò đành hy sinh!
Sau buổi yến, Anh Sáu Dân (tên gọi thân kính của Thủ tướng Võ Văn Kiệt) có nói với tôi rằng, lúc đầu Anh thấy hơi mệt, nhưng bây giờ lại thấy rất thoải mái trong người. Có thể cảm giác mệt của Thủ tướng nẩy sinh do nhiều lẽ, do mở đầu cuộc thăm quan trọng đầu tiên, phải tiến hành rất nhiều hoạt động liên tục, mọi thứ sinh hoạt đảo lộn… May thay, nét đẹp của văn hóa ẩm thực đặc sắc, những món ăn kỳ thú và rất có lợi cho sức khỏe cùng với không khí nhẹ nhàng, thanh tịnh của cuộc yến trong một không gian ôn đới mát lành đã giúp Thủ tướng thấy “sảng khoái”, lấy lại sức khỏe để thực hiện tốt đẹp cuộc thăm, đánh dấu mốc mới trong quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước và hai dân tộc Việt-Nhật sau hàng chục năm gián đoạn. Riêng tôi càng thấm câu mang “chất ngạn ngữ: “đi đoạn đàng, học sàng khôn”.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thế mà đã 20 năm kể từ ngày diễn ra những câu chuyện tôi vừa kể. Rời Nhật Bản vào tháng Giêng 1996, kết thúc nhiệm kỳ công tác sau hơn 3 năm một chút, về nước tôi đem theo cái cảm giác vẫn thiếu hụt một cái gì đó vì tôi vẫn chưa hiểu hết được một dân tộc, một nền văn hóa rất xứng với từ “đặc biệt”. Nhật Bản tuy là nước Á Đông nhưng có những điều kiện kinh tế, địa lý và lịch sử rất đặc thù do nằm trên bốn hòn đảo lớn được bao bọc bởi biển cả mênh mông. Xã hội Nhật trải qua thời gian dài các lãnh tướng Xa-mu-rai cát cứ nhưng từ thời Minh Trị đã đi theo con đường cải cách, mở cửa với phương Tây để phát triển nhanh (cùng thời với Vua Tự Đức của ta lại đóng cửa). Sau khi bại trận trong Thế chiến II và phải hứng chịu hai quả bom nguyên tử duy nhất đến nay trong lịch sử loài người dội xuống, người Nhật đã phải trải qua những năm tháng cơ cực, gian lao, cay đắng, đã từng phải “nghiến răng đến chảy máu” và đau tê dại khi nhìn cảnh tượng các cháu nhỏ tranh nhau nhặt những mẫu bánh mì nhỏ xíu mà lính Mỹ chiếm đóng vứt bỏ xuống đường bẩn… Và rồi sự “thần kỳ Nhật Bản” đã xuất hiện khi dân tộc ấy nỗ lực phi thường, trong vòng 23 năm liền đạt mức tăng trưởng kinh tế hai con số hàng năm trong những năm 60-70 thế kỷ trước. Đã có lúc người Mỹ phải hốt hoảng khi thấy “người Nhật đang mua cả nước Mỹ và thế giới” vì đến những năm 80 người Nhật từng sở hữu từ tòa Tháp cao ốc Rốc-pheo-lơ ở Nữu Ước đến hãng sản xuất phim “Cô-lum-pơ”ở Hô-ly-út… Rồi lại những năm “bong bóng bất động sản vỡ tung” tồi tệ từ cuối những năm 80 của Thế kỷ trước, mà hậu quả đến nay vẫn chưa khắc phục nổi được. Phải áp dụng lối nghĩ “đến cùng mới thôi” của người Nhật may ra mới lý giải những thành công và đau khổ của dân tộc này… Bác Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) đã từng nói đại ý: “Văn hóa là tất cả, đánh mất văn hóa là đánh mất tất cả”. “Văn hóa” ở đây theo tôi hiểu phải viết bằng chữ hoa chứ không chỉ là những làn ca, điệu múa… Theo triết lý ấy thì chính nhờ ở cốt cách “Văn Hóa” của mình, sau trận sóng thần kinh hoàng như cuối năm 2011 vừa qua, người Nhật một lần nữa lại đang chứng minh họ là một dân tộc mạnh mẽ, kiên cường trước gian nguy, thách thức của tự nhiên, xã hội và môi trường quốc tế không thuận; họ đang tìm kiếm phương cách mới vì sự trường tồn xứng đáng trong một thế giới đã và đang đổi khác do toàn cầu hóa…
Đối với tôi, khi viết những dòng này lại rất nhớ về Bác Sáu Dân - Thủ tướng Võ Văn Kiệt nay đã đi xa, người mà tôi có may mắn được tiếp xúc, phục vụ, học hỏi và được dạy bảo trong lần Bác đến thăm Nhật hồi đó cũng như vài lần gặp báo cáo Bác ở trong nước. Những nhà Lãnh đạo đàng hoàng, thông thái như các Bác thật xứng với dân tộc Việt Nam mình.
Mỗi khi ngắm cảnh hoa Anh đào Nhật nở tung rực rỡ để rồi lại tàn bay không đầy một tuần sau đó, tôi lại nhớ đến những điều đã xẩy ra, nhớ tới những người cùng công tác tại Nhật Bản, càng nhớ người vợ hiền mắc bệnh hiểm nghèo ở Nhật rồi đã đi xa… Tất cả cái chung cũng như cái riêng đều đến rồi lại đi như mọi lẽ đời, nhưng vẫn có những điều gì đó còn mãi đối với ta, nhất là những người làm ngoại giao như chúng tôi… phải chăng là sự tri ân, tình thân ái giữa những con người, giữa các dân tộc, giữa các giống người. Và tôi thầm nghĩ, người Việt Nam ta rất đáng được hạnh phúc và phồn thịnh nhưng còn phải lao động cật lực mới mong “sánh vai với các cường quốc, năm châu”như Bác Hồ từng mong mỏi...
Giáo sư I-si-ka-woa từng là cố vấn kinh tế cho Cấp cao ta, một lần thăm Việt Nam có nói đại ý: “Người Việt vẫn chưa phải cần cù nhất. Cần cù nhất là người Nhật chúng tôi” (theo tôi nhớ, lời nói này đã được đăng trên báo Nhân Dân). Tôi thực sự dị ứng khi nghe những tràng hô “Dzô”! “Dzô”! “Dzô!” vang xa, tuôn trào từ những quán Bia Hà Nội của ta, dù rằng “rất hợp lý” trong mùa Hè nóng bức, hay nhìn mấy “ổng” cụm ly rượu cô-nhắc thơm ngon, đầy tràn, “ực” một phát trong các bữa tiệc “cơm” trưa đâu đó. Thưa Quý bạn, cái thứ nước có cồn mà người ta quen gọi là cô-nhắc ấy (tôi xin họa văn phong Cụ Nguyễn Công Hoan), người ta chỉ uống nhâm nhi, nhâm nhi vào cuối các bữa tiệc, khi chủ khách phì phèo điếu xì-gà hay miếng kẹo sô-cô-la nho nhỏ mà thôi, chứ không ai uống như ở Việt Nam ta cả. Biết bao năm rồi, người Nhật không uống bất cứ loại nước có cồn nào vào buổi trưa vì đơn giản họ nói để còn làm việc vào buổi chiều. Đành rằng đám mày râu Nhật thường có thói hư uống quá chén sau một ngày làm việc mệt lử (với “bình thường” làm thêm 2-3 tiếng ngoài giờ chính thức) nên về muộn có khi quá nửa đêm, thành ra không “được” vào nhà vì các mệnh phụ phu nhân đã khóa cửa!… Vậy đó, giao lưu, hội nhập sâu sắc hơn nữa với thế giới bên ngoài, ta biết thêm và có thể học hỏi những cái hay và tránh các điều dở để ta lớn lên, giỏi giang hơn…

2 nhận xét:

  1. Xin anh kể yến tiệc của hoàng đế nước Việt nữa.
    Cảm ơn anh!

    Trả lờiXóa
  2. Thêm một địa chỉ đặt tiệc cưới buffet cho bạn lựa chọn. Chúc bạn có buổi đại lễ thật hoàn hảo.
    Anise Hotel Hanoi
    22 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội
    Tell: 043.927.4670 - 09.8252.8589

    Trả lờiXóa